Quận Hoàng Mai

Khu đô thị Đền Lừ ở quận Hoàng Mai. (Ảnh: Internet)

Quận Hoàng Mai là một vùng đất nằm ở phía Đông Nam thành phố Hà Nội, nổi tiếng với nhiều làng nghề ẩm thực như bánh cuốn Thanh Trì, bún ốc Pháp Vân, đậu phụ Mơ.

Vị trí địa lý:

Quận Hoàng Mai phía Bắc giáp quận Hai Bà Trưng; phía Đông giáp Sông Hồng nhìn sang huyện Gia Lâm; phía Tây giáp huyện Thanh Trì và quận Thanh Xuân; phía Nam giáp huyện Thanh Trì.
 
Diện tích: 41,04km2
 
Dân số: khoảng 329.000 người (năm 2009)
 
Quá trình hình thành:
 
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, vùng đất Hoàng Mai thuộc đại lý Hoàn Long, ngoại thành Hà Nội.
 
Trước năm 1960, vùng đất Hoàng Mai vốn thuộc quận 7 ngoại thành Hà Nội.
 
Sau năm 1961, vùng đất Hoàng Mai ngày nay một phần thuộc khu Hai Bà (sau này là quận Hai Bà Trưng), một phần thuộc huyện Thanh Trì của thành phố Hà Nội.
 
Ngày 6/11/2003, Chính phủ ra Nghị định số 132/2003/NĐ-CP thành lập quận Hoàng Mai trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Định Công, Đại Kim, Hoàng Liệt, Thịnh Liệt, Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Lĩnh Nam, Trần Phú, Yên Sở và 55 ha diện tích tự nhiên của xã Tứ Hiệp thuộc huyện Thanh Trì; toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Mai Động, Tương Mai, Tân Mai, Giáp Bát, Hoàng Văn Thụ thuộc quận Hai Bà Trưng. Theo đó, quận Hoàng Mai được thành lập gồm 14 phường sau:
 
 1- Phường Hoàng Liệt được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Hoàng Liệt và một phần diện tích tự nhiên của xã Tứ Hiệp thuộc huyện Thanh Trì.
 
 2- Phường Yên Sở được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Yên Sở và một phần diện tích tự nhiên của xã Tứ Hiệp thuộc huyện Thanh Trì.
 
 3- Phường Vĩnh Hưng được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Vĩnh Tuy thuộc huyện Thanh Trì.
 
 4- Phường Định Công được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Định Công thuộc huyện Thanh Trì.
 
 5- Phường Đại Kim được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Đại Kim thuộc huyện Thanh Trì.
 
 6- Phường Thịnh Liệt được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Thịnh Liệt thuộc huyện Thanh Trì.
 
 7- Phường Thanh Trì được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Thanh Trì thuộc huyện Thanh Trì.
 
 8- Phường Lĩnh Nam được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Lĩnh Nam thuộc huyện Thanh Trì.
 
 9- Phường Trần Phú được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Trần Phú thuộc huyện Thanh Trì.
 
 10- Phường Mai Động trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của phường Mai Động thuộc quận Hai Bà Trưng cắt sang.
 
 11- Phường Tương Mai trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của phường Tương Mai thuộc quận Hai Bà Trưng cắt sang.
 
 12- Phường Tân Mai trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của phường Tân Mai thuộc quận Hai Bà Trưng cắt sang.
 
 13- Phường Giáp Bát trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của phường Giáp Bát thuộc quận Hai Bà Trưng cắt sang.
 
 14- Phường Hoàng Văn Thụ trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của phường Hoàng Văn Thụ thuộc quận Hai Bà Trưng.
 
Trụ sở UBND quận: Tòa nhà A khu đô thị Đền Lừ, phường Hoàng Văn Thụ.
 
Tình hình kinh tế-xã hội:
 
Trong những năm qua, quận Hoàng Mai đã vươn lên, phát triển khá toàn diện về nhiều mặt, trong đó kinh tế luôn tăng trưởng cao, tỷ lệ tăng trưởng bình quân 17,47%/năm.
 
Năm 2004, tổng giá trị sản xuất chỉ đạt 6.919 tỉ đồng; năm 2008 đã nâng lên 12.377 tỉ đồng, tăng 79%.

Thu ngân sách năm 2004 đạt 90,175 tỉ đồng thì đến năm 2008 đạt 653,091 tỉ đồng (đạt 154% kế hoạch năm), so năm 2004, tăng gấp 7,2 lần.
 
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng tỉ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại-dịch vụ. Năm 2004, giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp đạt 653,6 tỉ đồng, đến năm 2008 tăng gấp hơn 2 lần, đạt 1.338 tỉ đồng; giá trị thương mại-dịch vụ từ 445,6 tỉ đồng ( năm 2004), tăng lên 875,8 tỉ đồng (năm 2008)...
 
Riêng trong 9 tháng đầu năm 2009, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn quận ước đạt 9.909,9 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2008; trong đó giá trị sản xuất ngành công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp-xây dựng đạt 5.688,4 tỷ đồng, tăng 12,3%; giá trị sản xuất ngành thương mại-dịch vụ đạt 4.164,1 tỷ đồng, tăng 14,8%.
 
Hiện nay, trên địa bàn quận Hoàng Mai có hơn 4.562 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có 31 doanh nghiệp nhà nước; 4.151 doanh nghiệp ngoài nhà nước, 16 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và một số loại hình doanh nghiệp khác.

Về nông nghiệp, quận tập trung đầu tư tổ chức lại cơ cấu cây trồng theo hướng năng suất, hiệu quả kinh tế cao như Vĩnh Tuy với nghề trồng hoa; Lĩnh Nam, Trần Phú với nghề trồng rau, quả thực phẩm an toàn ...
 
Quận Hoàng Mai có nhiều làng nghề góp phần tạo nên một nét rất riêng của Hà Nội như làng nghề bánh cuốn Thanh Trì (Phường Thanh Trì), làng rượu Hoàng Mai, làng bún Tứ Kỳ, làng bún ốc Pháp Vân (Phường Hoàng Liệt), làng đậu phụ mơ (Phường Mai Động)…Ngoài ra, nhiều phường của quận Hoàng Mai còn nổi tiếng với các nghề trồng hoa, rau sạch (Phường Vĩnh Hưng, Lĩnh Nam), làng cá Yên Sở (Phường Yên Sở)...
 
 - Giao thông vận tải: Quận Hoàng Mai là một đầu mối giao thông quan trọng của cả thành phố khi nơi đây có hai bến xe lớn: ga đường sắt Giáp Bát và bến xe ô tô phía Nam. Ngoài ra, trên địa bàn quận có đường giao thông đường thuỷ Sông Hồng nối mạch giao thông giữa quận Hoàng Mai với các tỉnh phía Bắc, phía Tây và phía Nam; có các đường giao thông quan trọng đi qua quốc lộ 1A, 1B, đường vành đai 3, cầu Thanh Trì...
 
 - Về giáo dục-đào tạo: Trên địa bàn quận hiện có 28 trường thuộc khối trường mầm non, 17 trường thuộc khối trường tiểu học, 16 trường thuộc khối trường Trung học cơ sở ( trong đó có 13 trường đã đạt chuẩn Quốc gia như Trường Mầm non Yên Sở, Trường Mầm non Thực hành Linh Đàm…).
 
 Hệ thống các trường dạy nghề của quận cũng đã và đang phát triển, góp phần đào tạo nguồn nhân lực mới cho quận và thành phố.
 
 - Về y tế: Trên địa bàn quận Hoàng Mai hiện có 3 phòng khám và 14 trạm y tế phường. Ngoài ra còn có các Đội y tế dự phòng và Đội chăm sóc sức khoẻ sinh sản hiện đang hoạt động trên địa bàn Quận.
 
 * Danh lam thắng cảnh: Trên địa bàn quận Hoàng Mai có 56 di tích văn hóa lịch sử, trong đó có một số di tích nổi tiếng như: Chùa Nga My, chùa Liên Đàm, chùa Lủ, đền Lư Giang, đình Thanh Trì, đình Hoàng Mai, Miếu Gàn.../.

(TTXVN/Vietnam+)