Văn miếu Mao Điền thu hút du khách thập phương

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Internet)

Những ngày đầu Xuân, rất nhiều du khách thập phương và nhân dân tỉnh Hải Dương, nhất là học sinh sinh viên lại nô nức đến tham quan và cầu ước Văn miếu Mao Điền thuộc xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

Hàng năm, theo thông lệ, tỉnh Hải Dương lại mở hội Văn Miếu Mao Điền dâng hương tưởng nhớ các bậc danh nhân, tiên hiền của đất nước.

Từ sau ngày khánh thành tu bổ tôn tạo năm 2004 đến ngay, Văn miếu Mao Điền đã thu hút hàng vạn lượt khách tham quan học tập. Trong đó, có nhiều đoàn cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và hàng trăm lượt khách nước ngoài.

Tại Văn miếu đã diễn ra rất nhiều hoạt động lễ hội truyền thống, tuyên dương học sinh giỏi, gặp mặt các tiến sĩ Hải Dương hiện đại, hội thảo khoa học, diễn xướng văn nghệ dân gian, hội trại học sinh sinh viên.

Theo dòng lịch sử, Văn miếu Mao Điền và trường thi Hương trấn Hải Dương đã đào tạo hàng nghìn cử nhân, tiến sĩ nho học đứng hàng đầu cả nước. Nếu chỉ tính số người đỗ Đại khoa trong 185 kỳ thi (từ 1075-1919), cả nước có 2.898 tiến sĩ thì riêng trấn Hải Dương có 637 vị.

Ông An Văn Mậu, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hải Dương kiêm Trưởng ban Quản lý Khu di tích Văn miếu Mao Điền cho biết: Văn miếu Mao Điền nguyên là Văn miếu trấn Hải Dương xưa. Di tích được khởi dựng vào thời Lê Sơ (thế kỷ XV) tại xã Vĩnh Lại, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng (nay thuộc xã Vĩnh Tuy, huyện Bình Giang). Đồng thời với Văn miếu, trường thi Hương của trấn Hải Dương cũng được xây dựng tại xã Mao Điền, huyện Cẩm Giàng. Hai công trình cách nhau khoảng 1km đường chim bay.

Đầu thế kỷ XVI, nhà Mạc đã tổ chức 4 khoa thi Hội tại trường thi Mao Điền. Trong quá trình phát triển, Văn miếu Mao Điền đã trở thành trường thi của cả vùng, góp phần giáo dục và đào tạo nhân tài cho địa phương và cho cả nước.

Đến thời Tây Sơn (1788-1802) để thuận tiện cho việc quản lý của bản trấn, Văn miếu được di chuyển từ xã Vĩnh Lại, huyện Đường An về xã Mao Điền, hợp nhất với trường thi Hương (nay là Văn miếu Mao Điền và cánh đồng Tràng). Quy mô công trình rộng tới 10 mẫu (3,6ha).

Văn miếu được xây dựng theo hướng Nam gồm các hạng mục: Bái đường, Hậu cung mỗi tòa 7 gian, xây theo kiểu chữ Nhị, Đông vu, Tây vu, gác Khuê văn, gác Chuông, gác Khánh, đài Nghiên, tháp Bút, Nghi môn, Thiên Quang tỉnh và Khải khánh thờ thân phụ và thân mẫu Khổng Tử.

Hàng năm vào ngày “Đinh” đầu tháng “Trọng xuân” (tháng 2) và “Trọng thu” (tháng 8), trấn Hải Dương lại tổ chức lễ tế Khổng Tử, các quan đầu trấn, đầu phủ, cùng cử nhân, tiến sĩ về làm lễ trọng thể, nêu cao truyền thống “hiếu học và tôn sư, trọng đạo” của người tỉnh Đông.

Theo ông Mậu, do thời gian và chiến tranh vào những năm 1980-1990, Văn miếu Mao Điền bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1991, cán bộ và nhân dân xã Cẩm Điền đã đóng góp công đức tu bổ. Năm 1992, Văn miếu Mao Điền được xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia.

Năm 2002, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương đã thực hiện dự án trùng tu, tôn tạo di tích với quy mô lớn. Tháng 8/2004, Ban Quản lý di tích Văn miếu Mao Điền được thành lập. Cùng thời gian này, sau nhiều lần hội thảo khoa học, nội dung thờ tự được thống nhất: Văn miếu không chỉ thờ Khổng Tử và còn phối thờ thêm 8 vị Đại khoa tiêu biểu cho các lĩnh vực và thời đại, gồm: Nhà giáo Chu Văn An, Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Danh nhân văn hóa-Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh, Nhập nội hành khiển Phạm Sư Mạnh, Thần toán Vũ Hữu và Nghi Ái quan Nguyễn Thị Duệ - nữ tiến sĩ đầu tiên trong lịch sử khoa bảng nước nhà.

Để tôn vinh truyền thống hiếu hạo, tôn sư trọng đạo, đáp ứng nhu cầu về tâm linh của người dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương đã có nhiều đề án để mở rộng Khu di tích Văn miếu Mao Điền thành một trung tâm hoạt động văn hóa và khoa học của tỉnh Hải Dương./.

Trần Tiến Duẩn (Vietnam+)