Tôn Thất Bằng dùng âm nhạc "tô màu" cho tranh

Tác phẩm "Thiền định" - bức tranh được cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khen. (Ảnh: TT&VH)

Trong năm 2010 này, họa sĩ Tôn Thất Bằng có hai dự án mỹ thuật đang trong quá trình hoàn thành gồm triển lãm 30 bức tranh tại Singapore và in một cuốn sách tranh.

Cả hai dự án mỹ thuật này sẽ được Tôn Thất Bằng “tô màu” thêm bằng âm nhạc do chính anh sáng tác.

Cảm nhận tranh bằng cả… thính giác

Thưa họa sĩ, trong triển lãm năm 2010 sẽ diễn ra tại Singapore, anh sẽ dùng âm nhạc để giới thiệu tranh của mình. Cụ thể là như thế nào?

Họa sĩ Tôn Thất Bằng: Tôi viết 5 ca khúc song ngữ Việt-Anh để giới thiệu về 30 bức tranh của mình cho khách thưởng lãm. Một ca khúc giới thiệu một nhóm tranh có cùng mô-típ. Mô-típ trong tranh của tôi đã được công nhận lâu nay như "Lá bùa định mệnh đeo trước ngực", "bào thai sống", "chiếc lá", "thương những mùa Thu qua", "sợi chỉ", "ngựa gỗ", "phố xưa hoài niệm"... Tất cả những hình ảnh ấy trong tranh của Tôn Thất Bằng sẽ có mặt trong các ca khúc. Các ca khúc này đều được sáng tác dựa trên ngũ cung của âm nhạc Việt Nam. Có thể nói, giai điệu trong 5 ca khúc là nhạc Việt thuần túy.

Là một họa sĩ thành danh, điều gì khiến anh “tự tin” giới thiệu tranh của mình bằng chính các ca khúc do mình sáng tác?

Họa sĩ Tôn Thất Bằng: Tôi có thời gian học khoa sáng tác ở Trường Âm nhạc Huế. Có thể tự tin nói rằng, viết ca khúc với tôi không khó.

Vậy cơ duyên nào đã “biến anh” thành họa sĩ mà không phải là nhạc sĩ?

Họa sĩ Tôn Thất Bằng: Lúc học phổ thông, tôi học rất giỏi môn ngoại ngữ và mơ ước sau này học đại học ngành ngữ văn Anh. Nhưng do duyên số, tôi đã học âm nhạc. Cũng lại do duyên số, trong lúc đang học âm nhạc, tôi chơi rất thân với bạn bè học mỹ thuật và đã học vẽ từ bạn bè mình. Đến nay, mỹ thuật khiến tôi “nặng nợ” hơn hết, còn âm nhạc chỉ như tô điểm thêm cho cái tên Tôn Thất Bằng.

Ở triển lãm sắp tới, các ca khúc của anh sẽ được trình diễn ra sao?

Họa sĩ Tôn Thất Bằng: Tôi sẽ ôm đàn và hát trong ngày khai mạc triển lãm và khi nào có hứng. Còn lại sẽ thu CD bằng chính giọng ca, tiếng đàn của tôi, vừa để phát trong thời gian triển lãm, tặng người xem tranh và tặng kèm người mua sách. Như đã nói, triển lãm tranh, in sách là chính còn âm nhạc chỉ như “nối dài” không gian, màu sắc của mỗi bức tranh. Tôi muốn người xem không những cảm nhận tranh bằng thị giác mà còn bằng... thính giác.

Làm họa sĩ, thường thì không nhiều người có thể sống sung túc nhờ bán tranh. Anh có thể xem mình là một ngoại lệ khi nhờ tranh mà có được đời sống tạm gọi là “vương giả” không?

Họa sĩ Tôn Thất Bằng: Dùng từ “vương giả” e hơi quá với tôi nếu so với các đồng nghiệp khác. Có thể xem tôi sống được với nghề và nuôi được gia đình thì đúng hơn, ít nhất là cho được hai đứa con đi du học ở Mỹ./.

(TT&VH/Vietnam+)