Tay ngang “mài dũa” tương lai cho người khó

Cô giáo Minh tận tay chỉ bảo cho học trò trong lớp học từ thiện. (Ảnh: Trung Hiền/Vietnam+)

Chị Minh không qua lớp sư phạm nào nhưng vẫn là cô giáo. Hơn hai năm qua, cô giáo “tay ngang” ở làng nghề sơn mài Hạ Thái (Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội) ấy đã “mài dũa” những người tưởng như rất khó khăn tự lo cuộc sống, chưa nói đến việc có được một cái nghề… Tất cả học viên của chị khi ra lò đều có việc làm với thu nhập ổn định.

“Dặt dẹo” vẫn làm sơn mài

Vòng qua đống sản phẩm sơn mài còn đang dang dở, tôi lọt vào khuôn viên một lớp học đặc biệt. Ở lớp học ấy, người lành cũng có, kẻ khuyết cũng nhiều.

Tại một góc nọ, nhiều học viên đang lúi húi cọ, rửa, mài và phun sơn lên sản phẩm. Trong số họ, nhiều người không lành lặn, như Hanh ở huyện Thường Tín vì bị chất độc da cam, hay Trung ở Sơn Tây…

Hanh kể rằng ngày bé mình bị mặc cảm do không bằng chúng bạn. Nói năng còn khó, dáng đi thì vặn vẹo nên hầu như không phải làm gì. Bố Hanh đi bộ đội về rồi làm ruộng. Gia đình thuộc diện nghèo nên chẳng thể có tiền lo tương lai cho em.

Nỗi lo lắng chồng chất, khi bố mẹ Hanh ngày một tuổi cao sức yếu. Mấy tháng trước, có người bạn mách đến cơ sở dạy nghề từ thiện của bà Tuyết Minh, bố Hanh đánh liều, đưa con đến học.

Chị Minh bảo rằng, học được vài tháng, Hanh đã có thể tự phun sơn được cho sản phẩm. Chỉ ít thời gian nữa, em sẽ kết thúc khóa học và có thể đi kiếm tiền với mức thu nhập chừng 800.000 đồng/tháng.

Còn Hanh cười tươi: "Sắp tới, bố mẹ em đã bớt đi nỗi lo toan khi chết mà con trai không tự chăm sóc được mình."

Giống Hanh, nhiều người khuyết tật khác cũng đã tìm cho mình được nghề nghiệp có thể đem lại thu nhập nuôi sống mình. An Thị Thu, 24 tuổi (Nghĩa Hưng, Nam Định) bảo rằng, nhờ “mẹ Minh” em đã có nghề. Thu bị tật nguyền ở chân và bị thiểu năng trí tuệ…

“Ra lò” là có việc

Trong câu chuyện với tôi, chị Minh kể rằng, mình vất vả từ tấm bé vì bố mất sớm, mẹ lại bị khuyết một bên mắt nên gia cảnh luôn lâm vào cảnh bần hàn. Sau này, khi đã có được một cơ ngơi thuộc loại khá giả và trở thành nghệ nhân ở làng nghề sơn mài Hạ Thái, chị bàn với chồng tìm cách giúp đỡ những người khó, như mẹ mình ngày trước.

Ngày 28/3/2007, lớp học sơn mài từ thiện của chị Minh khai giảng khóa đầu tiên. Cơ sở vật chất của chị khi ấy chỉ là căn nhà 30m2, mươi bộ bàn ghế và một chiếc bảng đen…

Lập lớp đã khó, tìm học viên cũng là điều nan giải. Chị và chồng chạy đôn đáo khắp nơi, liên hệ với các Trung tâm bảo trợ xã hội để tìm tới những xã có nhiều người khuyết tật, vận động họ đưa con em đến lớp sơn mài. Nhiều người tỏ ý nghi ngờ “Sau khi học xong, về quê con tôi làm sơn mài sao được. Mà nó khuyết tật như thế, chắc gì….” Chị Minh bèn vạch ra phương án: Khi học viên tốt nghiệp, chị sẽ tổ chức cho làm việc tại xưởng của mình hoặc cho một số doanh nghiệp sơn mài ở làng Hạ Thái.

Cuối cùng, lớp học được dựng xây từ tình thương ấy cũng được khai giảng khóa đầu tiên vào tháng 8/2007. 30 học viên đến từ các tỉnh thành khác nhau, xa thì ở Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, gần thì ở trong huyện Thường Tín, Thanh Trì (Hà Nội). Học viên ở gần thì tự về nhà, người ở xa thì sẽ có chỗ ở miễn phí tại trung tâm mà không phải nộp một xu tiền lệ phí.

Hữu xạ tự nhiên hương, lớp học của chị Minh ngày càng thu hút được nhiều học viên. Từ việc chỉ dạy cho người khuyết tật, đến nay nhiều người nghèo cũng đến đây để học cái nghề.

Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ về vật chất của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội và ở cấp huyện, xã… thời gian qua chị Minh liên tục mở những lớp dạy nghề mới.

Song, sự hỗ trợ trên chỉ dành cho những lao động nghèo ở ngoại thành Hà Nội. Do đó, những học viên từ các tỉnh khác đến, chị Minh vẫn đưa vào lớp học mà không lấy một xu.

Chị bảo, tổng số học viên đến lớp trong 2 năm qua đã hơn 500 người. Sau 5 tháng, họ “ra lò” và một số hiện làm việc tại xưởng của chị, số còn lại đều làm cho các doanh nghiệp, cơ sở của làng nghề Hạ Thái. Thu nhập của họ trung bình từ 800.000 đồng – 1.000.000 đồng/tháng. Có người biết vẽ thì có thu nhập 70.000 đồng/ngày.

“Làng nghề làm sản phẩm có nhiều công đoạn, nên nhiều em khuyết tật cũng dễ dàng xin được việc,” chị Minh nói.

Năm 2008, chị Minh được giao 2000m2 tại cụm công nghiệp làng nghề Hạ Thái. Ở đây, chị đã xây dựng một lớp học với diện tích hơn 220m2, nhà xưởng 200m2 và chuẩn bị xây khu nhà ăn cho học viên.

Đánh giá cao việc làm của nghệ nhân Tuyết Minh, ông Phùng Văn Bảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Duyên Thái cho hay, các học viên sau khi hoàn thành khó học đều trở thành lao động cho làng nghề với thu nhập ổn định.

Tuy các học viên là người nghèo, người khuyết tật. Song, ở xã chưa từng xảy ra trường hợp mất trật tự nào do họ gây ra.

“Đây là một việc làm tốt, cần được nhân rộng để giúp xóa đói, giảm nghèo và cũng là tạo ra lao động cho làng nghề sơn mài,” ông Bảng nói./.

Kỳ Dương (Vietnam+)