Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa nghệ thuật chèo

Một cảnh trong vở diễn "Thương nhớ trầu cau" do các nghệ sỹ Nhà hát chèo quân đội biểu diễn. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Hội thảo "Giải pháp bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu truyền thống” nằm trong khuôn khổ Liên hoan sân khấu chèo toàn quốc 2011 diễn ra tại tỉnh Thái Bình nhằm tìm ra hướng đi mới của nghệ thuật truyền thống trong đời sống hôm nay.

Nghệ thuật sân khấu chèo và các đặc trưng của chèo

Chèo xuất hiện từ đời nhà Lý (khoảng thế kỷ XI), phát triển rực rỡ ở đời nhà Trần (thế kỷ XIII), nghệ thuật sân khấu chèo là một trong những di sản văn hóa lớn của kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam.

Từ bao đời nay hát chèo đã trở thành một loại hình sinh hoạt văn hóa nghệ thuật quen thuộc của người dân Việt Nam, nuôi dưỡng đời sống tinh thần dân tộc bởi cái chất trữ tình đằm thắm sâu sắc.

Trong kho tàng văn hóa nghệ thuật dân gian, chèo là một loại hình sân khấu truyền thống có từ lâu đời, mang đậm tính dân tộc, với sự kết hợp nhuần nhuyễn của hàng loạt yếu tố hát, múa, nhạc, kịch.

Chèo gắn bó mật thiết với người dân ở nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Chèo thuộc thể loại kịch hát, có dàn nhạc phụ trợ bao gồm nhạc dạo, nhạc gợi, nhạc nền, nhạc múa. Chèo cổ thường được phân ra các chiếng, trong đó chiếng chèo xứ Đông là một dòng nổi tiếng.

Chèo có ba đặc tính là tích hát đã viết thành trò, ngôn ngữ (gồm các thủ pháp nghệ thuật được huy động) và hình tượng nhân vật. Chèo cổ thường kết hợp với sự đổi sách các hình thức diễn xướng gần gũi như hát nói, hát xẩm, hát chèo đò, hát chèo chải, hát dậm.

Đặc điểm nghệ thuật chèo bao gồm yếu tố kịch tính, kỹ thuật tự sự, phương pháp biểu hiện tính cách nhân vật, tính chất ước lệ và cách điệu. Ngôn ngữ chèo có những đoạn sử dụng những câu thơ chữ Hán, điển cố, hoặc những câu ca dao với khuôn mẫu lục bát rất tự do, phóng khoáng về câu chữ.

Chèo là hình thức kể chuyện bằng sân khấu, lấy sân khấu và diễn viên làm phương tiện giao lưu với công chúng. Chèo hoạt động dưới hình thức gánh hát, phường chèo do một "ông hay bà trùm" chỉ đạo nghệ thuật và quản lý mọi mặt.

Những ngày lễ tết, những dịp hội hè, đình đám, gánh hát, phường chèo đi hết làng nọ sang làng kia, xã này, tổng khác, phục vụ nông dân lao động trên một vuông chiếu trải giữa sân đình.

Chèo miêu tả cuộc sống bình dị của người dân nông thôn. Nội dung của các vở chèo lấy từ những truyện cổ tích, truyện Nôm; được nâng lên một mức cao bằng nghệ thuật sân khấu mang giá trị hiện thực và tư tưởng sâu sắc. Trong chèo, cái thiện luôn thắng cái ác, các sỹ tử tốt bụng, hiền lành, luôn đỗ đạt, làm quan còn người vợ thì tiết nghĩa, cuối cùng sẽ được đoàn tụ với chồng.

Các tích trò chủ yếu lấy từ truyện cổ tích, truyện Nôm; ca vũ nhạc từ dân ca dân vũ; lời thơ chủ yếu là thơ dân gian. Lối chèo thường diễn những việc vui cười, những thói xấu của người đời như các vở "Thầy mù," "Hương câm," "Đồ điếc," "Quan Âm Thị Kính." Ngoài ra, chèo còn thể hiện tính nhân đạo, như trong vở "Trương Viên."

Chất trữ tình luôn gắn chặt với chèo, thể hiện những xúc cảm và tình cảm cá nhân của con người, phản ánh mối quan tâm chung của nhân loại như tình yêu, tình bạn, tình thương.

Nhân vật trong chèo thường mang tính ước lệ, chuẩn hóa và rập khuôn. Tính cách của các nhân vật trong chèo thường không thay đổi với chính vai diễn đó.

Những nhân vật phụ của chèo có thể đổi đi và lắp lại ở bất cứ vở nào, nên hầu như không có tên riêng. Có thể gọi họ là thầy đồ, phú ông, thừa tướng, thư sinh, hề. Tuy nhiên, qua thời gian, một số nhân vật như Thiệt Thê, Thị Kính, Thị Mầu, Súy Vân đã thoát khỏi tính ước lệ đó và trở thành các nhân vật chèo có cá tính riêng.

"Hề" là một vai diễn thường có trong các vở diễn chèo. Anh hề “được phép” đả kích những thói hư tật xấu của xã hội phong kiến hay kể cả vua quan, những người có quyền, có của trong làng xã. Có hai loại hề chính là hề mồi (hề nhảy múa không dùng gậy) và hề gậy (hề nhảy múa với cây gậy).

Nhạc cụ của chèo sử dụng tối thiểu là hai loại nhạc cụ dây là đàn nguyệt và đàn nhị, đồng thời có thêm cả sáo. Ngoài ra, các nhạc công còn sử dụng thêm trống và chũm chọe. Bộ gõ của chèo có trống cái, trống con, trống cơm, thanh la, mõ. Trống con dùng để giữ nhịp cho hát, cho múa và đệm cho câu hát. Vị trí của chiếc trống trong đêm diễn chèo là rất quan trọng, bởi dân gian đã có đúc kết "phi trống bất thành chèo."

Chèo hiện đại ngày nay có sử dụng thêm các nhạc cụ khác để làm phong phú thêm phần đệm như đàn thập lục, đàn tam thập lục, đàn nguyệt, tiêu.

Phân loại chèo có chèo sân đình, chèo cải lương và chèo chái hê.

Chèo sân đình là loại hình chèo cổ của những phường chèo xưa, thường được biểu diễn ở các sân đình, sân chùa, sân nhà các gia đình quyền quý.

Sân khấu chèo ở sân đình thường chỉ là một chiếc chiếu trải ngoài sân, đằng sau treo chiếc màn nhỏ, diễn viên và nhạc công ngồi hai bên mép chiếu tạo dàn đế. Chèo diễn theo lối ước lệ, cảnh trí chỉ được thể hiện theo ngôn ngữ, động tác cách điệu của diễn viên. Đạo cụ của người diễn hay sử dụng là chiếc quạt. Chèo cải lương là một dạng chèo cách tân do Nguyễn Đình Nghi khởi xướng và thực hiện.

Chèo cải lương được soạn thành màn, lớp, bỏ múa và động tác cách điệu trong diễn xuất, xử lý những mô hình làn điệu chèo cổ, đưa nguyên những bài dân ca có sẵn vào bổ sung cho hát chèo. Bộ các vở diễn chèo "Tám trận cười" của Nguyễn Đình Nghi là những vở diễn chèo nổi tiếng.

Chèo chái hê là loại hình dân ca hát vào rằm tháng bảy hàng năm, hoặc trong đám tang, đám giỗ của người có tuổi thọ, có nguồn gốc từ việc kết nghĩa giữa 2 làng Vân Tương (Bắc Ninh) và Tam Sơn (Đông Anh, Hà Nội).

Chèo chái hê gồm có các phần 1. Giáo roi; 2. Nhị thập tứ hiếu; 3. Múa hát chèo thuyền cạn; 4. Múa hát kể thập ân. Kết thúc chương trình hát chèo chái hê thường là hát quan họ.

Bước phát triển của chèo và giải pháp bảo tồn

Hàng trăm năm qua, chèo là món ăn tinh thần không thể thiếu của người nông dân đồng bằng Bắc Bộ và cả nước.

Trước cách mạng tháng Tám, sân khấu chèo có nguy cơ tan rã. Một số nghệ sỹ tài hoa không có việc làm phải chuyển nghề, bỏ đi lang thang hoặc về lại quê hương làm ruộng.

Sau hội nghị Bàn về văn hóa dân tộc tại căn cứ Việt Bắc năm 1951, một phong trào phục hồi nền văn hóa dân tộc, trong đó có nghệ thuật tuồng, chèo. Những nghệ nhân Cả Tam, Trùm Thịnh, Diệu Hương... từ khắp đất nước về Việt Bắc sưu tầm, nghiên cứu, soạn thảo chèo, chính thức đặt nền móng cho nghệ thuật chèo hiện đại phục vụ cách mạng.

Khi hòa bình lập lại trên miền Bắc, nhất là sau khi Trường Sân khấu dân tộc (nay là trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh) ra đời năm 1959, nghệ thuật chèo bước vào thời kỳ rực rỡ nhất của thế kỷ XX. Các đoàn chèo lần lượt ra đời thay cho gánh hát, phường chèo, tiêu biểu là Đoàn chèo Trung ương, Đoàn chèo nhân dân khu tả ngạn (tiền thân của Đoàn chèo Hải Phòng hiện nay), Đoàn chèo Hà Nội, Đoàn chèo Tổng cục Chính trị (nay là Đoàn chèo 2 Trung ương), Đoàn chèo Thanh Hóa, Đoàn chèo Thái Bình, Đoàn chèo Hà Nội, Đoàn chèo Hải Dương.

Đến năm 1975, xuất hiện trên sân khấu chèo hàng loạt vở có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao như "Chị Tâm làng cốc" của Tào Mạt, "Trần Quốc Toản ra quân" của Hoài Giao.

Cùng thời điểm đó, một số vở về đề tài lịch sử như "Tướng quân Phạm Ngũ Lão," "Tầm vóc đại hồng" và một số vở viết theo truyện dân gian, huyền thoại, cổ tích, góp vào sân khấu chèo thêm phần rực rỡ.

Về kịch bản chèo, các tác giả cách tân vẫn tuân theo một bố cục, sắp xếp một vở chèo, khai thác tối đa tính văn học, tính tự sự, nhất là tính ước lệ, cách điệu, đặc biệt là thiết kế, cài cắm các làn điệu chèo truyền thống.

Cho đến những năm 1980, đầu những năm 1990 của thế kỷ XX, khi cơ chế bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường, sân khấu dân tộc nói chung và sân khấu chèo nói riêng đã chịu ảnh hưởng nặng nề, chèo bước vào một thời kỳ mới. Thế hệ những nghệ sỹ lão thành như Nghệ sỹ Nhân dân Trần Bảng, nhạc sĩ Hoàng Khiềm, Nghệ sỹ Nhân dân Chu Văn Thức, Nghệ sỹ Nhân dân Hoàng Lan, Nghệ sỹ Ưu Tú Đăng Tỉnh, Nghệ sỹ Ưu Tú Kim Liên gắn liền với quá trình xây dựng bộ môn sân khấu chèo cách mạng hơn nửa thế kỷ qua.

Hiện nay, hàng chục đoàn chèo chuyên nghiệp và hàng trăm đoàn chèo nghiệp dư với hàng nghìn diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên làm sống lại những vở chèo cổ "Lưu Bình-Dương Lễ," "Quan Âm Thị Kính," "Chu Mãi Thần," "Tôn Mạnh Tôn Trọng," "Xúy Vân giả dại," "Trương Viên," "Kim Nham," "Phạm Tải Ngọc Hoa."

Một số vở chèo mới, hiện đại như "Mối tình Điện Biên," "Ánh sao đầu núi," Đường về trận địa," "Đường đi đôi ngả," "Con trâu hai nhà," "Sợi tơ vàng," "Người con gái sông Cấm," "Cô gái làng chèo," vẫn luôn tỏa sáng trên sàn diễn.

Cũng trong thời gian này, nhiều làn điệu chèo, điệu múa tiềm ẩn trong dân gian là những vốn quý trong kho cổ đã được phát hiện, sưu tầm, được trau chuốt và đưa vào các vở chèo hiện đại. Chiếu chèo từ đấy đã có bước đột phá về hình thức, bước lên sân khấu chính quy, với dàn âm thanh điện tử, lấp lánh ánh đèn điện mầu, trang phục cũng lộng lẫy hơn, vì vậy tính hấp dẫn của chèo càng tăng lên. Các vở chèo hiện đại có hơi hướng kịch nói với cả chất bi hài, có giọng điệu cải lương.

Chèo là loại hình sân khấu độc đáo của dân tộc. Các diễn viên đã vào ngành chèo, đều phải khổ công học hỏi các vai mẫu, “thấm trong máu thịt” từ các vai đào lẳng, đào pha, mụ, kép áo ngắn và áo dài, hề, lão. Học cách diễn, hát và múa, cái xuất thần và cái dung dị của các nghệ nhân, các hình thức cơ bản trong thể hiện sao cho đúng với phong cách riêng của chèo.

Diễn viên chèo không chỉ cần năng khiếu trời phú mà còn cần phải nắm bắt được cốt lõi nghề nghiệp diễn xuất và thực hiện nhuần nhuyễn bốn chữ "thanh, sắc, tài, duyên."

Trong những năm gần đây, một số gương mặt diễn viên chèo trẻ đã bộc lộ tài năng như Hoài Thu trong vai Thị Mầu (Đoàn chèo Thái Bình), Trương Hiền vai Xúy Vân (Đoàn chèo Thanh Hóa), Thu Huyền và Minh Phương vai Thị Phương vở "Trương Viên" (Đoàn chèo Hà Nội), Quỳnh Mai vai Xúy Vân (Đoàn chèo Bắc Giang), Kim Liên vai Thiệt Thê vở "Nàng Thiệt Thê" (Nhà hát Chèo Việt Nam).

Tuy nhiên, hiện nay có một thực trạng là sự mai một của chèo, một bộ phận không nhỏ thanh niên thờ ơ với nghệ thuật chèo, nhiều diễn viên chèo diễn xuất chất giọng không chuẩn, thu nhập, cơ sở vật chất cho hoạt động chèo hạn chế. Do vậy, trong tương lai để chèo không bị mai một các nghệ sỹ chèo phải yêu nghề và có tâm với nghề.

Nhất là trong bối cảnh xã hội hiện nay, để chèo truyền thống tồn tại và phát triển là không dễ. Hoạt động trong các câu lạc bộ chèo là một trong những hình thức để người diễn viên có điều kiện phát huy và nâng cao chất giọng của mình.

Nghệ sỹ chèo phải tâm đắc và giữ gìn được những cái riêng của nghệ thuật chèo truyền thống; phải biết kết hợp một cách hài hòa giữa chèo hiện đại và chèo truyền thống. Đồng thời, người làm nghệ thuật chèo nên phải biết được cái trí tuệ, cái thâm thúy, tế nhị và rất Việt Nam trong nghệ thuật chèo. Muốn giữ gìn chèo thì từ lời nói, cử chỉ đến hành động “khua chân múa tay” đều phải bám sát được nội dung vở diễn, giàu tính nghệ thuật để chèo phát triển lên.

Một vấn đề cấp thiết là phải phản ánh trong nghệ thuật chèo cổ những đề tài mới, cuộc sống mới. Ngày nay, khán giả muốn được thấy trong bất cứ loại hình nghệ thuật sân khấu nào cũng có những con người thời đại của mình, làm biến đổi bộ mặt ở nông thôn Việt Nam.

Ngay từ những năm 50 của thế kỷ XX, đã có những vở diễn về cách mạng ("Núi đá"), về lịch sử đất nước ("Khởi nghĩa Lam Sơn"), về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ("Mối tình Điện Biên"), về cuộc chiến đấu chống xâm lược Mỹ ("Đường về trận địa"), về công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở nông thôn ("Con trâu hợp tác"). Sự xuất hiện của những vở diễn này chứng tỏ rằng nghệ thuật chèo nói riêng và nghệ thuật sân khấu nói chung đều có khả năng phản ánh được đề tài hiện đại.

Trải qua biết bao thế hệ, đến hôm nay những con người Việt Nam-cả những người đang sống trên đất nước Việt Nam và những kiều bào ở xa Tổ quốc, luôn coi nghệ thuật chèo là một "viên ngọc long lanh sắc màu" trong kho tàng văn hóa nghệ thuật dân gian dân tộc./.

Lê Hương (TTXVN/Vietnam+)