Ngày Thơ Việt Nam - ngày hội của người yêu thơ

Đông đảo nhân dân Thủ đô về dự Ngày Thơ Việt Nam. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN).

Đúng rằm tháng Giêng âm lịch, ngày 28/2, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức lễ khai mạc Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 8 với quy mô hoành tráng của Đại lễ hội thơ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Với hàng vạn người đến tham dự buổi lễ, ngày hội thơ đã trở thành ngày đông nhất, tưng bừng và náo nhiệt nhất trong năm ở Khu di tích Văn Miếu, Hà Nội. Đây cũng là ngày hội thơ đông nhất qua 8 năm tổ chức.

Khắp các lối đi và không gian của Khu di tích Văn Miếu rộng rãi đã nêm chật người qua lại. Điều này cho thấy nỗ lực kéo thơ ca về gần công chúng, để thơ ca phát triển và hội nhập với đời sống đương đại đã bước đầu phát huy hiệu quả.

Tôn vinh các các giá trị truyền thống


Mở đầu buổi lễ, ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội và nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã trang nghiêm thắp ngọn lửa truyền thống khai mạc lễ hội.

Đây là ngọn lửa đã được Hội Nhà văn Việt Nam rước từ Đền Thượng, Đền thờ các Vua Hùng (Phú Thọ) từ ngày 26/2 về sân Thái Miếu, thể hiện sự trân trọng và tôn vinh các giá trị truyền thống trong dòng chảy sáng tạo văn học nghệ thuật hiện đại.

Trước đó, trưa ngày 27/2, lễ cầu siêu tưởng niệm các nhà văn đã hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến đã tiến hành tại chùa Quán Sứ (Hà Nội). Trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, đã có rất nhiều nhà văn Việt Nam trực tiếp cầm súng chiến đấu hoặc tham gia chiến đấu và hy sinh. Danh sách 17 liệt sĩ nhà văn và 70 nhà văn được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước đã mất đã được xướng lên trước bàn thờ Phật.

Bước vào không gian lễ hội thơ năm nay, điều đầu tiên mọi người bắt gặp chính là "Vườn thơ đất nước" và hai cây thơ truyền thống. Những câu ca dao hay nhất của các dân tộc hay những câu thơ, ca dao tiêu biểu cho các vùng, miền đã được chọn lựa treo dài trên các lối đi vào Văn Miếu.

Cùng với đó là 63 cây thơ do Hội Văn học Nghệ thuật 63 tỉnh, thành phố trong cả nước gửi về hội tụ.

Mỗi cây in các bài thơ của 4 tác giả tiêu biểu nhất của địa phương, riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có 8 tác giả.

Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 8 còn có các màn ấn tượng như trình diễn thơ, sắp đặt thơ, triển lãm thơ trên gốm sứ.

Hiện đại mà gần gũi

Cách thể hiện rất hiện đại nhưng khéo léo, dân dã của những người tổ chức đã khiến cho Ngày Thơ Việt Nam náo nhiệt nhưng không nhạt nhẽo và vẫn đủ sức giữ chân công chúng lưu lại hàng giờ.

Người lớn tuổi thì chụm đầu lại để bàn luận về một hai vế đối thơ khó, các bạn trẻ thì tò mò đứng ngắm gian thơ sắp đặt của Lưu Anh Hoài với một chiếc xe máy dựng ngược, sơn trắng toát, gắn thêm hai chiếc cánh, chở câu thơ bên cạnh: “Chúng mình bơi tìm nhau giữa biển nhu cầu.”

Nghe chính những nhà thơ nổi tiếng đọc và trình diễn các bài thơ của mình, bộc lộ cảm xúc của mình, thưởng thức màn thả các câu thơ hay nhất thế kỷ lên trời... là những hoạt động lặp lại trong tất cả các ngày hội thơ mỗi năm.

Điều thú vị là năm nay, Hội Nhà văn Việt Nam đã có sáng kiến cùng với nghệ nhân Vũ Tất Thắng triển lãm gần 1.000 sản phẩm gốm sứ Bát Tràng có in những câu thơ hay của các nhà thơ Việt Nam.

15 bình gốm lớn với 15 bài thơ hay của các nhà thơ cổ điển và 55 câu thơ hay của các nhà thơ hiện đại được bình chọn là hay nhất trong 100 năm qua. Mỗi câu thơ hay thể hiện trên 3- 4 sản phẩm gốm sứ.

Những người tham dự ngày hội thơ đã lưu lại rất lâu để tìm một câu thơ mà mình yêu thích nhất, sau đó đăng ký mua lại làm kỷ niệm.

Tuy vẫn còn một vài điều "xộc xệch" không tránh khỏi nhưng Ngày thơ Việt Nam lần thứ 8 đã tạo nên một nét văn hóa đẹp, làm phong phú hơn truyền thống yêu chuộng thơ ca của người dân Thủ đô./.

Hoàng Hoa (Vietnam+)