Cấm thành-Hoàng Thành: Trái tim của Thăng Long-Hà Nội

Thăng Long từng bị tàn phá nhiều lần, nhưng cũng được các triều đại phong kiến xây dựng, sửa sang lại nhiều lần. Song vì thiên nhiên khắc nghiệt, lịch sử nghiệt ngã, Thăng Long xưa gần như đã phôi phai, nhạt nhòa dần vào dĩ vãng. Những di sản, dấu tích xưa còn lại tuy không nhiều nhưng vô giá của Thăng Long xưa một hoài niệm về một Kinh Đô đẹp đẽ, hài hòa, thanh lịch, lãng mạn, khiến cho chúng ta hôm nay không thể không lần tìm, khôi phục lại.

Trong nhiều lần khai quật khảo cổ tại Hà Nội, người ta thấy dấu tích tro tàn của nhiều cuộc đốt phá lớn của giặc ngoại xâm và nội chiến. Cố đô Thăng Long đã trải qua nhiều bước thăng trầm.

Trên đất Hà Nội, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều di tích văn hóa từ thời đồ đá và thời đại kim khí. Đến thời kỳ văn hóa Đông Sơn, tức thế kỷ VII trước Công Nguyên, Hà Nội đã là một vùng kinh tế phát triển với nhiều xóm làng trù phú.

Vào thế kỷ thứ III trước công nguyên, An Dương Vương đã chọn Cổ Loa thuộc Đông Anh, Hà Nội, làm kinh đô của Vương Quốc Âu Lạc. Cột mốc đầu tiên ấy đã mở ra vị thế trung tâm chính trị của Thăng Long – Hà Nội. Tại Cổ Loa, tòa thành cổ nhất của Việt Nam, các cuộc khai quật khảo cổ học đã phát triển trong lòng đất cả một kho tàng tư liệu quý báu với trống đồng, mũi tên đồng và lưỡi cày đồng.

Trải qua nhiều triều đại phong kiến lấy nơi đây làm kinh đô, thủ phủ với các tên đặt Tống Bình, Vạn Xuân, Đại La…cho mãi tới mùa thu năm Canh Tuất (1010), Lý Công Uẩn (tức vua Lý Thái Tổ), khi lên ngôi đã đọc Chiếu dời đô từ Hoa Lư về Đại La, đổi tên là Thăng Long.

Các cuộc khảo cổ trên đất cố đô đã được tiến hành ở Quần Ngựa (1978), Hậu Lâu (1998), Đoan Môn, Bắc Môn (1999), khu vực lăng Hồ Chủ Tịch, vườn Bách Thảo, ở Hoàng Thành v.v…, nhưng không phải lần khai quật nào cũng có kết quả thật mỹ mãn. Mãi tới năm 2001, được phép đào ở khu vực quanh Hậu Lâu và Cửa Bắc,…các nhà khảo cổ đã tìm thấy một Cửa Bắc khác, thời Lê, rộng hơn, chìm sâu hơn. Còn ở quanh Hậu Lâu, đã tìm thấy tảng đá kê chân cột chạm hoa sen thời lý cùng nhiều hiện vật khác thời Lê. Năm 2002, giới khảo cổ học Việt Nam lại được phép đào phía trong Đoan Môn và đã tìm thấy con đường thuộc thời Trần. Con đường này đã dùng nhiều gạch thời Lý để lát…

Theo Việt sử lược (thế kỷ XIV) thì năm 1010, bình đồ Hoàng thành Thăng Long được vua Lý Thái Tổ xây dựng như sau: Chính giữa là điện Càn Nguyên (sau đổi thành điện Thiên An, sau nữa vua Lê Thái Tổ đổi thành điện Kính Thiên); phía đông có điện Tập Hiền và cửa Phi Long, phía Tây là điện Giảng Vũ và cửa Đan Phượng, phía Nam là Cao Điện, thềm Long Trì, hai bên Long Trì có hành lang, phía Bắc (sau điện Thanh An) có hai điện Long An và Long Thụy, cạnh hai cung điện này phía Đông có điện Nhật Quang, phía Tây là điện Nguyệt Minh, sau nữa lại có cung Thúy Hoa. Ngoài ra, còn có chùa Hưng Thiên, lầu Sao Ngũ Phượng (Ngũ Phụng tinh lâu). Năm 1011 xây tiếp cung Thái Thanh, chùa Vạn Tuế, nhà chứa kinh Trấn Phúc (bản dịch và chú giải của Trần Quốc Vượng, tr.70 – 71).

Năm 1017, do điện Càn Nguyên bị động đất, Lý Thái Tổ đã thiết triều ở các cung điện phía Đông. Cùng năm, động diện bị sét đánh, Vua lại thiết triều ở các viện phía Tây (sđd, tr.74 – theo Đại Việt sử ký toàn thư thì cũng năm này, vua cho xây dựng ở phía Tây 3 điện nữa).

Năm 1029, vua cho sửa chữa và xây dựng lại điện Thiên An và xây lại các cung điện ở đây: phía đông có điện Tuyên Đức, phía tây có điện Thiên Phúc, phía trước có Long Trì, phía đông Long Trì có điện Văn Minh, phía Tây có điện Quảng Vũ và hai chung lâu (lầu chuông); phía nam có điện Phụng Thiên, trên có lầu Chính Dương, phía bắc có điện Trường Xuân và Long Các (sđd, tr.79).

Nền móng của một số công trình có thật đó đã tìm được trong cuộc khai quật khảo cổ năm 2003 của Viện Khảo cổ học (thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) tại vị trí định xây nhà Quốc hội. Cuộc khảo cổ có quy mô lớn nhất Đông Nam Á này đã làm phát lộ một phức hệ di tích – di vật rất phong phú đa dạng để từ đó có thể dựng lại cả một chiều dài lịch sử liên tục qua nhiều triều đại của Thăng Long – Hà Nội.

Hơn mộ̣t triệu hiện vật được khai quật, một con số khổng lồ mà mỗi một hiện vật đều là phát hiện mới. Những hiện vậy này nếu được chỉnh lý và nghiên cứu kỹ sẽ nói lên được nhiều vấn đề về lịch sử, nghệ thuật, các nghề thủ công, đời sống xã hội… Có những hiện vật đẹp như tượng và phù điêu hình rồng, phượng trang trí trên ngòi bút nóc, đầu ngói ống, bệ đá trang trí cánh sen, một số viên gạch có ghi chữ Hán…

Các đồ ngự dụng và gia dụng quý đã tìm được qua cuộc khai quật khảo cổ cũng không kém phần hấp dẫn.

Các phế tích kiến trúc gồm nền móng, chân cột, từng đoạn đường gạch, từng hố trộn sỏi với gạch vụn để gia cố nền móng cho những chân cột lớn, các hệ thống thoát nước, giếng nước, dòng sông cổ, lầu bát giác v.v… chính là cơ sở để hình dung các quần thể kiến trúc của các cung điện thời đó.

Công cuộc khai quật khảo cổ Hoàng Thành Thăng Long đã cho phép rút ra những nhận định khoa học quan trọng. Trong nhiều hố khai quật đã tìm thấy các dấu tích kiến trúc và di vật thuộc thời Lý – Trần – Lê nằm chồng lên các di tích kiến trúc và di vật thời Đại La – Tống Bình (thế kỷ VII – IX). Điều đó minh chứng rất rõ lời của vua Lý Thái Tổ trong Chiếu dời đô đã nói tới việc dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La và đặt tên kinh đô là Thăng Long.

Hệ thống hàng chục dấu tích nền móng kiến trúc ở đây đều được xây dựng rất kiên cố, trong đó có kiến trúc khá lớn với diện tích hàng nghìn hàng mét vuông được suy đoán là các kiến trúc của Hoàng Thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê. Suy đón này căn cứ vào vị trí của các kiến trúc phân bố khá gần điện Kính Thiên về phía Tây. Theo sử cũ thì các triều Lý – Trần – Lê đã cho xây dựng ở khu trung tâm quanh điện Càn Nguyên (điện Thiên An thời Lý – Trần) và điện Kính Thiên thời Lê nhiều cung, điện, lầu gác, chùa quán để làm nơi làm việc của triều đình và nơi nghỉ ngơi, thưởng ngoạn của Hoàng Gia.

Do sử cũ ghi lại ở khu vực phía tây điện Kính Thiên (tức là điện Thiên An thời Lý – Trần) xây dựng dày đặc các cung điện, lầu gác, chùa tháp như vậy, nên những dấu vết kiến trúc tìm được ở đây có thể là dấu tích của các cung điện và lầu gác của Hoàng Thành Thăng Long xưa.

Sự suy đoán này còn được dựa vào hệ thống di vật tiêu biểu ở đây. Đó là các loại vật liệu xây dựng như chân tảng hoa sen, các loại ngói, gạch, các loại tương tròn và phù điêu trang trí hình rồng, phượng… đều mang tính biểu trưng cho việc trang trí các kiến trúc cung đình; các loại đồ dùng bằng gốm sứ cao cấp với hoa văn tinh mỹ, trong đó có những đồ sứ thời Lê có ghi ký hiệu chữ “Quan”, “Kính” và trang trí hình rồng có chân 5 móng, hình chim phượng, chỉ rõ là đồ dùng dành riêng cho nhà vua và hoàng hậu.

Việc tìm thấy những đồ ngự dụng dành cho Vua và Hoàng hậu đã góp thêm một bằng chứng quan trọng để từ đó có thể đưa ra giả thuyết rằng dấu vết kiến trúc lớn ở khu cực khai quật có thể là những cung điện của Hoàng cung.

Những di tích – di vật nêu trên có bề dày lịch sử hơn 1.300 năm, từ thế kỷ VI – VII đến XIX, đã cho phép hình dung được phần nào vị trí, quy mô và diện mạo Hoàng Thành Thăng Long dưới thời Lý – Trần – Lê, thành Hà Nội thời Nguyễn.

Quy mô của Hoàng Thành Thăng Long, nếu quan niệm đó là vòng thành trong được vẽ trên bản đồ thời Lê, theo quy hoạch của giới khảo cổ học Việt Nam sẽ ở khoảng chừng như sau:

- Phía Bắc là đường Phan Đình Phùng

- Phía Nam là đường Trần Phú.

- Phía Tây là đường Ông Ích Khiêm

- Phía Đông là đường phố Thuốc Bắc.

Quy mô đó ước khoảng 140 ha dưới thời Lê. Trước đó thời Lý – Trần có thể xê dịch hơn hoặc kém diện tích đó một chút. Đến thời Nguyễn thì thu nhỏ lại khoảng 100ha.

Trong Hoàng Thành, có nhiều loại hình kiến trúc. Đợt khai quật vừa qua cho thấy ở khu Tây, các kiến trú đó bố trí thành nhiều tầng, nhiều lớp chạy song song theo hướng Bắc – Nam. Xen giữa các lớp kiến trúc hoặc từng kiến trúc đó có sông, có hồ để thoát nước và tôn tạo cảnh đẹp.

Mỗi vật liệu kiến trúc đều trang trí nhiều đề tài rất đẹp. Thế kỷ VII – IX, có trang trí hoa sen, hoa cúc, đầu linh thú có dáng vẻ gân guốc, dữ dội. Thời Đinh – Lê, trang trí các hình hoa sen, uyên ương. Thời Lý, trang trí đạt tới đỉnh điểm của sự tinh mỹ. Thời Trần, trang trí khỏe mạnh và ngày càng đơn giản. Thời Hậu Lê trang trí đơn giản, trong đó trang trí trên gạch ngói đơn giản nhưng có thêm đề tài mới.

Những di tích và di vật kiến trúc, vật dụng cung đình, đồ gốm sứ, vũ khí…tìm được ở khu vực khai quật chứng tỏ nghệ thuật thời Lý – Trần – Lê đã đạt trình độ cao. Bắt nguồn từ thời Đinh – Lê, nghệ thuật thời Lý đạt tới đỉnh điểm của sự tinh mỹ và quy phạm, nghệ thuật thời Trần thiên về khỏe mạnh, phóng khoáng, nghệ thuật thời Lê nhịp độ thay đổi nhanh và càng ngày càng đơn giản.

Các di tích, di vật vừa tìm thấy ở Thăng Long cũng phản ánh rõ bản sắc văn hóa dân tộc. Ví dụ hình rồng thời Lý, thời Trần thường có bộ mào và hoa văn hình chữ S mà rồng Trung Quốc không có. Hoặc bộ mái kiến trúc thời Lý – Trần có gắn các loại lá để hình rồng phượng mà có bộ mái kiến trúc ở các nước láng giềng cũng không có. Hầu hết các hình tượng trang trí, các đồ án hoa văn đều hiển lộ sắc thái Việt Nam rõ ràng như vậy.

Với các giá trị của những di tích – di vật đã phát hiện, có thể coi đây là một bộ phận trong tổng thể di sản văn hóa vô giá của Hoàng Thành Thăng Long và thành Hà Nội xưa./.

(Cẩm nang tri thức Thăng Long/Vietnam+)