Đoan Môn và Ngự đạo - Những dấu tích còn để lại

Theo Thư tịch, bảng đá ghi hai chữ “Đoan Môn” ở Hoàng Thành là của thời Lý. Nhưng “Đoan Môn” với năm cửa ra vào lại được coi là sản phẩm thời Lê, xét theo hình dáng và vật liệu tổng thể.

Có hay không Đoan Môn thời Lý, Đoan Môn thời Trần ở đây? Nếu không sẽ lấy gì làm cọc tiêu để đi tìm – Thăng Long thời Lý thời Trần. Xây dựng Đoan Môn ở kinh đô, triều đình Lý và Trần rất rõ Đoan Môn là gì. Đoan là chính, Đoan Môn là cửa chính hướng Nam của cung điện. Đối với Hoàng Thành thì Đoan Môn là cửa chính hướng Nam.

Đoan Môn là một kiến trúc rất quan trọng của kinh thành các thời Lý - Trần – Lê và cả thành Hà Nội, khi chỉ còn là vị trí của một tỉnh thành. Hơn 1000 năm thay triều đổi đại, bất kể bị tàn phá thế nào Đoan Môn cũng đều được xây dựng lại với tư thế vị trí một trong những cửa chính của Kinh thành. Khảo cổ học xác định rằng tìm thấy Đoan Môn là tìm thấy phần trung tâm của cả một đô thành.

Người Trung Quốc xây dựng thành Bắc Kinh, mở cửa Ngọ Môn làm cửa chính của cố cung. Cửa này ở phía Bắc của Thiên An Môn và là ở phía sau của Đoan Môn.

Ngọ Môn xây năm Vĩnh Lạc thứ 18 (1720). Trùng tu năm Thuận Trị thứ 4 (1647). Thời Minh Thanh mỗi năm ngày Đông chí, Hoàng đế ban phát tại đây/ lịch của năm sau/. Mỗi khi chiến tranh thắng lợi cũng cử hành nghi thức khải hoàn tại đây. Xem thế đủ thấy Ngọ Môn, Đoan Môn đều là những cửa thành rất quan trọng của Kinh Thành.

Đối với Kinh thành Đông Kinh, căn cứ vào di tích còn lại tới nay căn cứ vào bản đồ Hồng Đức, vẽ năm 1490 và những bản đồ vẽ lại sau đó, có thể hiểu rằng Đoan Môn là cửa mở ở Hoàng Thành, là cửa chính của Hoàng Thành và cũng là nơi diễn ra những sự việc quốc gia quan trọng.

Ngoài những việc Hoàng đế ra khỏi Hoàng Thành thì cờ kiệu, nghi trượng, bảo vệ rất chu đáo và long trọng đi theo đường ngự đạo ra cửa giữa Đoan Môn còn nhiều việc được cử hành để bằng đường ngự đạo vào dưới thềm rồng thực hiện nghi thức. Ví dụ nghi thức thị Đình.

Sáng sớm đặt ngai vua giữa diện Kính Thiên, đặt hương án và bàn trước ngự tọa, đặt nơi ngòi của Chúa bên phải ngai vua. Hai bên tả hữu sân rồng để quyển thi, bút, nghiên trên bàn. Các quan Đề điện, Tri cống cử, Giám thí đứng hai bên bàn để quyển thi, quân lính cờ xí, theo nghi thức. Các quan đại thần văn võ đứng xếp hàng ngoài cửa Đoan Môn, tiến vào chầu. Sau những lời xướng họa của quan hữu trách, các quan chia ban đứng hầu. Các sĩ nhân được dẫn vào xếp hàng hai bên ngự đạo rồi quỳ. Lễ quan tâu: Những sĩ nhân trúng kỳ thi Hội bao nhiêu người, tên gì, vâng vào điện thí.

Các quan trường thi đưa quyển thi, bút, mực cho sĩ nhân. Quan tuyên chế tới quỳ giữa ngự đạo tấu truyền chế. Tuyên chế xong, các quan tuần xước dẫn sĩ nhân ra ngồi ở lều thi.

Buổi chiều quan Đề điện truyền đưa quyển thi cho quan chấm quyển làm việc

Nghi thức xướng danh Tiến sĩ được khởi đầu từ cửa Đoan Môn. Ngai vua và ngự tọa của Chúa sắp xếp tại điện Thị triều. Bàn để bảng vàng ở bên tả sân rồng, có 2 lọng che hai bên. Một hồi trống nghiêm, các đại thần văn võ, phẩm phục nghiêm chỉnh đứng xếp hàng ngoài Đoan Môn. Hồi trống thứ hai, các đại thần vào đứng hai bên sân rồng. Các quan triều yết thì đứng ngoài cửa Đoan Môn. Hồi trống thứ ba, Tiến sĩ vào đứng hàng cuối bên hữu sân rồng. Rồi chuông nổi, rồi quan tuyên chế đọc chế: Hoàng thượng chế rằng: Khoa mục mở rộng, nhân tài đều tiến. Quan Hồng Lô Tự Khanh quỳ giữa ngự đạo tấu xướng danh. Xướng danh xong Tiến sĩ được vào quỳ giữa ngự đạo.

Quan Bộ Lễ đến giữa ngự đạo quỳ đọc: Niên hiệu, năm tháng ngày, bọn chúng tôi phụng sắc cho đỗ Đệ nhất giám Tiến sĩ cập đệ mấy người họ, tên; Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân mấy người họ tên…Rồi trống nhạc đi trước, Tiến sĩ theo sau ra nhà Thái học treo bảng vàng cho nhân dân xem.

Ròi nghi thức ban mũ, áo, đai, cũng có vua ngự. Cho mang mũ áo ra cửa Đoan Môn ban phát. Các Tiến sĩ sang phía Đông mặc rồi làm lễ tạ, cuối cùng đến Thái Miếu lễ tạ.

Nghi thức cho các Tiến sĩ vinh quy có vua ngự. Quan triều yết xếp hàng ngoài cửa Đoan Môn. Các Tiến sĩ mũ, áo, đai chỉnh tề cũng đứng đợi ngoài cửa Đoan Môn. Các quan vào chầu. Tiến sĩ vào đứng ở cuối hàng. Quan Hồng Lô Tự Khanh tâu xin cho Tiến sĩ lạy tạ để vinh quy.

Nghi thức có tiết thứ thể chế long trọng, đãi ngộ vẻ vang, ân điển nhà vua thấm nhuần. Mọi sự đều bắt đầu từ Đoan Môn nghiêm cẩn.

Còn nhiều chế lệnh ban bố cho toàn dân đều tổ chức tại Đoan Môn vào tới điện Kính Thiên, điện Thị Triều. Xem thế đủ biết Đoan Môn uy nghi biết chừng nào. Đúng là cửa ngõ triều đình của thời vua chúa.

Nhận thức được tầm quan trọng của Đoan Môn, các nhà khảo cổ học chọn ngay nơi bổ nhát cuốc đầu tiên là chính giữa cửa Đoan Môn hiện còn, và cuốc cứ bổ lần vào trong theo hướng đi vào cửa điện Kính Thiên, nói đúng hơn là nền điện Kính Thiên, nơi hãy còn 9 bậc đá và đôi rồng đá lan can.

Những nhà khảo cổ đã suy luận về một con đường đi vào bệ rồng nơi vua ngự chúa hầu xưa kia, nơi mà từ đây ban ra những pháp lệnh ảnh hưởng tới sinh mệnh hàng vạn sinh linh.

Khảo cổ đã đào 2 hố khai quật, thực sự khi mốc đào cũng chỉ dám gọi là 2 hố thám sát.

Hố thứ nhất dài 8 mét, rộng 6 mét.

Ở độ sau từ 0 mét tới 1,2 mét là tầng đất chứa vật chất hiện đại như nền bê tông, gạch, ngói, lẫn cả gạch gốm cổ thời Lý, thời Trần. Đây gọi là tầng đất mặt, mọi thứ đều xáo trộn, không tính là tầng văn hóa.

Tầng văn hóa có hai lớp.

Lớp trên tính từ độ sâu 1,2 mét tới 1,8 mét, như vậy dày khoảng 0,6 mét. Trong lớp này phân bố chủ yếu là gạch vồ (có người gọi là gạch hoàn sớ) một loại gạch điền hình mang niên đại thời Lê. Lẫn trong đó có những mảnh gốm men từ thời Trần đến thời Lê. Khảo cổ định niên đại cho tầng văn hóa này thuộc thời Lê.

Lớp dưới dày khỏng từ 0,3 – 0,7 mét, nghĩa là nằm ở độ sâu khoảng từ 1,8 mét đến 2,5 mét. Trong lớp này có than tro, gạch bìa, gạch lát nền, ngói ống lá đề lẫn gốm sứ thời Lý Trần. Khảo cổ định niên đại lớp này thuộc thời Trần, một thời mà ngay nơi đây đã chịu cảnh đốt phá dữ dội.

Hố thứ hai chỉ là mở rộng, chỉ lấy điểm chính trung của Đoan Môn, đào sâu tới sinh thổ tìm đường ngự đạo các thời Lê và đặc biệt thời Trần và Lý trước nữa. Vì vậy, hố đào chung ở đây thành một hố chính có chiều dài 18 mét, rộng 3 mét, sâu nhất 2,5 mét.

Hố đào đã mang lại một kết quả bất ngờ. Như trong mơ, ở độ sâu 1,2 mét xuất lộ một đường viền đá lát chân tường Đoan Môn. Những viên đá có hình dánh, kích thước khác nhau nhưng đều là loại đá màu trắng đục mài nhẵn đẹp, vừa được xếp như sau: Ngoài cùng là hàng đá cỡ 75 x 20 cm, xếp giật 2 cấp, cấp dưới cao 8 cm, cấp trên cao 4 cm. Tiếp theo là một hàng đá to cỡ 75 x 42 cm, xếp thành nền. Sau nữa là 6 hàng đá nhỏ cỡ 60 x 20cm, xếp giật cấp cao dần vào phía chân tường theo độ chếch 450.

Ngoài những viền đá là một sân lát gạch vồ. Các cỡ gạch thường là 42 x 19 x 10cm, xếp sát liền nhau và chạy theo hướng Bắc Nam. Vì bị phân hủy và mất mát nên chỉ phát hiện được một nền dài 6 mét, rộng 3,9 mét.

Phải chăng đây là dấu tích của ngự đạo chạy từ Đoan Môn vào tới Long Trì?

Khi mà đoạn đường này chưa được xác định, ranh giới được đào đã tới phạm vi doanh trại quân đội, tưởng như phải dựng lại! Nhưng thật kỳ diệu, đào đến độ sâu 1m9, lộ ra trước mắt các nhà khảo cổ là con đường lát gạch hoa chanh! Đây chính là con đường được xây dựng vào thời Trần – Con đường dẫn từ Đoan Môn tới điện Thiên An.

Như thế là tầng văn hóa Trần sâu hơn tầng văn hóa Lê 0,7 mét. Nói cách khác là người thời Lê đã san bồi thêm 0,7m phế vật, đất cách mà trên mặt nền của phế tích thời Trần để xây dựng lại Đoan Môn và Ngự Đạo thời Lê dẫn vào bệ rồng điện Kính Thiên cũng đã được dựng lại trên nền của điện Thiên An đã bị tàn phá.

Đường ngự đạo thời Trần này nằm chính giữa của cửa Đoan Môn và cũng theo hướng Nam. Bắc vươn vào phía điện Thiên An. Cách xây dựng con đường rất cầu kỳ, viền hai mép đường là hai đường hoa chanh, lòng đường ở giữa lát gạch bìa. Từ xa, từ cao nhìn con đường tưởng như đây là một tấm thảm hoa trải dài từ Đoan Môn vào tới bậc rồng Thiên An.

Hãy giải phẫu con đường để biết cấu trúc của nó.

Hai đường biên hoa chanh hai bên dùng gạch viên cỡ 36 x 36 – 6,5cm cắm thành những ô vuông bằng nhau. Mỗi ô vuông lại được cắm hai đường chéo góc như hình cánh hoa chanh. Rồi những chỗ trống thì dùng ngói mỏng cắm điền kín vừa tạo thành ô hoa văn rất sinh động, vừa tạo thành một mặt đường vững chắc. Những ô vuông hình hoa chanh nối tiếp nhau thành những đường viền hoa suốt hai bên tấm thảm.

Lòng đường rộng 1,3m được trải hoàn toàn bằng gạch bìa cỡ 36 x 19 x 6cm. Mặt đường du bị phá hủy, gạch vỡ lộn xộn trong đó lẫn cả những mảnh gạch lát nền trang trí hoa cúc, nhưng không khó gì để hình dung ra một mặt phẳng lát toàn bộ những hình chữ nhật khổ 36 x 19cm, ngang bằng sổ ngay rất nghiêm túc đẹp đẽ.

Đường Ngự đạo thời Trần như vậy là một tấm thảm hoa dệt bằng gạch, chịu đựng được nắng mưa của hơn 100 năm của thời Trần, dù bị phá hoại vẫn còn lại với chúng ta đầy đủ từng nét để có thể nhìn ra tấm thảm hoa rất sinh động thời Trần.

Nếu mổ xẻ theo chiều sâu của di tích, càng thấy độ kiên cố của con đường. Ngự đạo được xây trên 12 lớp vật liệu đất trộn gạch, đất trộn sỏi, đất sét, đất lẫn mảnh bao nung đồ sứ .v.v. Trung bình mỗi lớp dày khoảng 8cm tổng chiều dày của các lớp đất làm móng này là 0,86m. Như thế đường gạch hoa chanh và gạch bìa lát bên trên đã được đảm bảo có độ vững chắc vô cùng. Ta đã biết về ngự đạo thời Lê, về ngự đạo thời Trần, vậy ngự đạo thời Lý ra sao?

Đoan Môn thời Lý không còn đủ hình dáng xây dựng nhưng tấm biển đá khắc chữ Đoan Môn thời Lý vẫn còn đó. Thời Trần dùng lại, thời Lê dùng lại và cho tới thời Nguyễn biển “Đoan Môn” vẫn nguy nga trên mi cửa và còn lại với chúng ta cho tới tận ngày nay.

Như trên đã viết đôi rồng đá ở lan can bậc rồng nền điện Kính Thiên cũng vẫn là rồng thời Lý.

Trong số gạch lát ngự đạo thời Trần có những viên gạch thời Lý được dùng lại. Như vậy, điện Càn Nguyên, ngự đạo và Đoan Môn thời Lý vẫn tạo lạc nơi mà đồng loại thời Trần, Lê và cả thời Nguyễn sau nữa về cơ bản vẫn là ở một nơi.

* *

*

Đã một nghìn năm kể từ khi Thăng Long định lập (năm 1010). Nương dâu đã bao độ biến thành bãi biển. Có biết bao cung điện, lầu các phá rồi lại xây. Các nhà sử học đã tốn bao công sức và giấy mực lần tìm, tranh luận dấu vết cố đô xưa nhưng chân lý vẫn chưa làm sáng tỏ.

Cuối cùng thì nhát cuốc khảo cổ mới giữ được vai trò một trọng tài công bằng sáng suốt.

Riêng trường hợp Đoan Môn, ngự đạo và điện Càn Nguyên – Thiên An – Kính Thiên, phải chăng là trường hợp đặc biệt, vẫn gần như là nguyên chỗ cũ, hình thành đường trục trung tâm của cả Thăng Long – Đông Kinh – Hà Nội.

Các nhà khoa học đã từng tranh luận về vị trí kinh đô xưa, nay chắc đã có thể nhất trí với nhau bàn chuyện phục dựng những kiến trúc quan trọng của kinh thành trên cơ sở định vị được con đường “thần đạo” của kinh thành xưa cổ kính.

Địa thế “rồ̀ng cuộn hổ ngồi” mà trời ban cho miền đất Thăng Long đã khiến Thăng Long từ lâu đời phải đảm trách vai trò một trung tâm chính trị, kinh tế, quân sự và văn hóa và là thủ đô của đất nước trong thời gian dài nhất của lịch sử nước ta.

Từ năm 515, Lý Nam Đế đến đây, dựng nước Vạn Xuân đã chọn nơi đóng quân ở cửa sông Tô Lịch để chống với quân Trần Bá Tiên nhà Lương. Khi ấy Tô Lịch còn là sông nhánh của Sông Hồng, Hồ Tây chưa hình thành và cửa sông Tô Lịch ở vào khoảng Hồ Khẩu (gần chợ Bưởi trên Hồ Tây ngày nay).

Năm 1618, Thái thú Giai Châu là Khâu Hòa sau khi đánh tan quân Trường Châu (do Tiêu Tiển sai đem quân Lĩnh Nam đánh Khâu Hòa) thì “đắp thành nhỏ bên trong, vòng quanh 900 bước để chống giữ” (một bộ là 6 thước, mỗi thước bằng 31cm, vậy chu vi thành này bằng 1674m).

Năm 767, đô hộ nhà Đường Trương Bá Nghị lại đắp La Thành. Năm 768, đổi Trấn Nam đô hộ phủ trở lại là An Nam đô hộ phủ.

Năm 711, Triệu Xương làm đô hộ thay Cao Chính Bình vì lo sợ mà chết. “Xương đắp thêm La Thành cho kiên cố hơn”, nhưng vì quá sợ mà chết.

Năm 808, Trương Châu đắp thêm thành Đại La, đóng 300 chiếc thuyền dài, mỗi thuyền có 25 lính người chiến thủ, 23 tay chèo, thuyến chèo ngược xuôi, đi nhanh như gió.

Năm 824, Lý Nguyên Gia là đô hộ thấy trước cửa thành có nước chảy ngược, sợ dân làm phản, bèn dời đi đóng ở thành ngày nay. (Dời phủ trị tới sông Tô Lịch, mới đắp thành nhỏ thoi, có người xem đất nói rằng: sức ông không đắp nổi thành lớn, độ 50 năm về sau tất có người họ Cao đến đây đóng đô dựng phủ.)

Năm 843, kinh lược sứ nhà Đường là Vũ Hồn bắt tướng sĩ sửa đắp phủ thành. Tướng sĩ làm loạn đốt lầu cửa thành. Vũ Hồn phải chạy sang Quảng Châu.

Năm 858, nhà Đường cho Vương Thức làm kinh lược sứ Giao Châu, Thức sai trồng cây táo làm hàng rào, ngoài đào hào sâu để nước trong thành thoát ra. Ngoài hào trồng tre gai, giặc không thể xâm phạm được.

Năm 866, đời Đường, Hàm Thông năm thứ 7, Cao Biền làm đô hộ tổng quản kinh lược chiêu thảo sứ, đánh tan quân Nam Chiếu, tháng 11 Biền được cho làm Tiết độ sứ Giao Châu. Rồi Biền giữ phủ xưng vương, đắp La Thành vòng quanh là 1982 trượng 5m, thành cao 2 trượng 6m, chân thành rộng 2 trược 5m, tường nhỏ trên 4 mặt thành cao 5,5m, lầu nhìn giặc 55 sở, cửa ống 6 sở, cửa nước 3 sở, đường đi bộ 34 sở.

Lại đắp đê vòng quanh 2.125 trượng 8m, thân cao 1 trượng 5m, chân rộng 2 trượng, lại làm cho cao gian nhà hơn.

Tổng kê ta có những tòa thành đắp những năm 545, 618, 767, 791, 803, 824, 843, 858 ròi cuối cùng là 866. Gần như tất cả đều là những trụ sở của châu quận và hầu như đều có quan hệt tới tên gọi La Thành, Đại La thành, đều xoay quanh con sông Tô Lịch, đều do quan cai trị Trung Hoa đắp và tất nhiên là phải theo kỹ thuật Trung Hoa.

Các tòa thành này, nay đều khó tìm thấy dấu vết, hoặc có còn chút nào thì người ta đều gán cho những tòa thành thời sau.

Người ta đã tranh luận về những “La Thành” “Đại La Thành” là một trong hai tòa thành? Về những từ “thành ngoại”, “ngoại thành” là thành ngoài hay ngoài thành? Về tào thành của Cao Biền to hay nhỏ? Chứa 40 vạn gian nhà hay 5.000 gian nhà?...Cứ như vậy đã có không ít những suy luận hùng hồn và rồi những lời tranh luận phủ định cũng rất hùng hồn về vấn đề thành lũy thời trước Thăng Long.

Một tác giả người Pháp là Cl.Madrolle đã rất táo bạo vẽ một sơ đồ vị trí các thành của Khâu Hòa, Trương Bá Nghi và Cao Biền tọa lạc tại vùng Quần Ngựa, Thủ Lệ, Bách Thảo, tiếp sát đó là Thăng Long ở khu vực thành tỉnh Hà Nội nay, còn xác định được phạm vi của nó. Ý kiến vẫn chưa được mấy ai tin vì vẫn là suy luận.

Những tài liệu về những tòa thành thời trước Thăng Long chỉ có ghi chép về tòa thành của Cao Biền là kỹ hơn, ngoài việc ghi kỹ về kích thước còn ghi cả về nữ tướng, môn lâu, vọng lâu, ủng thành…những đặc điểm kiến trúc có khả năng còn lưu lại ở những phiếm đoạn đó đây, cho phép người đời nay tìm thấy di cảnh kiến trúc của tòa thành cổ đó.

Năm 2003, khảo cổ học khai quật phía Tây Hoàng Thành Thăng Long đã phát hiện ra một số đoạn cột gỗ dựng trên những chân đá tảng của di tích kiến trúc trước Thăng Long. Từ đây suy ra sự tồn tại của Đại La thành thời Bắc thuộc.

Cách dốc Bưởi khoảng 500m về phía Cầu Giấy đã tìm ra một ủng thành của cửa Đoài. Quãng này có cầu qua sông Tô Lịch để theo con đường cổ đó đi về xứ Đoài. Xưa kia bên kia sông Tô khoảng khu vực cửa Đoài này có một xã thuộc tổng Vòng xứ Đoài mang tên Đoài Môn xã. Rõ ràng là từ tên cửa thành Đoài Môn mà xã này được đặt tên Đoài Môn xã.

Ủng Thành là kiểu kiến trúc đặc hữu của người Trung Hoa, những di tích cổ thành được xây dựng suốt nghìn năm Bắc thuộc mới chỉ thấy La thành của Cao Biền là có nói tới việc xây ủng thành.

Rồi hàng ngàn năm tiếp theo đến thời độc lập giành được tự chủ, nước ta đã xây đắp biết bao nhiêu thành nhưng không có kiểu xây dựng ủng thành. Vì vậy người phát hiện ủng thành đã đưa ra suy nghĩ rằng đây là dấu vết ủng môn đắp từ thời Cao Biền, những thế kỷ sau, có thời kỳ được gia cố để sử dụng lại. Sau này đã có đào thám sát ở đây, người thám sát kết luận có kiến trúc ủng thành song cho rằng công trình này có lẽ là của thành Đại Độ thuộc thế kỷ 18 (1749). Khó đồng tình với ý kiến này về thành Đại Độ ở mặt tây, đã lùi quá xa về tận phố Ngọc Hà với những cửa ô Thụy Chương, Thanh Bảo.

Tóm lại theo dõi những chứng cứ thư tịch ghi chép về những ngôi thành cổ xây dựng thời Bắc thuộc, cho tới nay việc nghiên cứu vẫn dậm chân tại chỗ, những gì còn lại của truyền thuyết, chưa có chứng cứ gì đủ sức soi sáng lịch sử. Duy chỉ có những điều xoay quanh tòa La thành của Cao Biền là có hứa hẹn sẽ được làm sáng tỏ phần nào. Tuy nhiên hầu như tất cả vẫn phải trông đợi ở những phát hiện khảo cổ học./.

(Cẩm nang tri thức Thăng Long/Vietnam+)