Những dấu mốc thành Thăng Long thời Lý

Năm Canh Tuất (1010) vua Lý Thái Tổ thấy thành Hoa Lư ẩm thấp chật hẹp, không đủ làm chỗ ở đế vương muốn dời đi nơi khác, viết thủ chiếu trong đó có câu:

“Huống chi đô cũ của Cao Vương ở thành Đại La, ở giữa khu vực trời đất, có thế rồng cuộn hổ ngồi ở giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện hình thế núi sông non nước, đất rộng mà bằng phẳng, chỗ cao mà sáng sủa, dân cư không khổ về ngập lụt, muôn vật rất thịnh mà phồn vinh, xem khắp đất Việt chỗ ấy là nơi hơn cả. Thực là chỗ hội họp của bốn phương, là nơi thượng đô của kinh sư muôn đời. Trẫm muốn nhân cơ hội ấy mà đóng đô, các khanh nghĩ thế nào?”.

“Mùa thu tháng 7, vua dời kinh đô từ thành Hoa Lư sang kinh đô lớn là Đại La của kinh phủ. Thuyền tạm đỗ ở dưới thành, có rồng vàng hiện ra ở thuyền ngự, vì thế đổi gọi là thành Thăng Long.

Những đoạn thư tịch trên cho biết: năm 1010 vua Lý Thái Tổ dời đô về thành Đại La của Cao Biền, đặt tên kinh đô là Thăng Long. (tên Đại La đã được gọi từ năm 808 khi Trương Chu đắp kinh thành). Vấn đề gây cấn nhất là ranh giới thành Đại La là nơi nào trên thực địa để chỉ định phạm vi thành Thăng Long cho chính xác?

Trong năm 1010 vua Lý cho xây dựng hàng loạt cung điện, đắp thành đào hào, mở cửa thành. Phương hướng chỉ định của thư tịch chỉ là: Phía trước, bên tả, bên hữu, phía đông, phía Tây, nhưng thực sự ở chỗ nào thì có ai hay? Điểm quan trọng được biết là nhà vua đã dựng điện chính lâm nơi coi chầu là điện Càn Nguyên. Như vậy cứ xác định được vị trí điện Càn Nguyên là biết được trung tâm của Thăng Long thời Lý.

Sách Đại Nam nhất thống chí lại cho hay, Núi Nùng (Long Đỗ = Rốn Rồng) là nơi dựng chính điện nhà Lý (tức là điện Càn Nguyên), đời Lê là điện Kính Thiên, đời Nguyễn là hành cung Kính Thiên (năm Triệu Trị thứ 3 đổi gọi Long Thiên). Điện đình có xây bộ rồng cao 9 bậc có hai con rồng, chế từ đời Lý. Rất may, 9 bậc và đôi rồng đá nay vẫn còn, giúp hình dung phần nào vị trí điện Càn Nguyên.

Sử lại chép: “tháng 6 năm Kỷ Tỵ (1029), rồng hiện ở nền cũ điện Càn Nguyên. Vua (Lý Thái Tông) bảo các quan hầu rằng: “Trẫm phá điện ấy (vì điện Càn Nguyên bị sét đánh năm 1017) san phẳng nền rồi, mà thần còn hiện, hay chỗ ấy là đất tốt, đức lớn, dấy nghiệp ở chính giữa trời đất chăng?” Bèn sai quan theo quy mô rộng hơn, nhằm lại phương hướng, làm lại mà đổi tên làm điện Thiên An.

Về sau, điện Thiên An suốt thời nhà Trần vẫn ở nguyên chỗ, giữ nguyên tên và giữ nguyên vị trí một điện trung tâm của kinh thành.

Sách Đại Nam nhất thống chí lại viết: Lại đằng trước chính điện xây một đường ống bằng đá thẳng tới Đoan Môn, có biển bằng đá khắc hai chữ “Đoan Môn”, đấy là di tích từ đời Lý.

Thế là ngoài hai con rồng đá điện còn nguyên, chúng ta còn biết thêm biển đá khắc chữ Đoan Môn là những di tích đích thực có từ thời Lý. Chứng cứ kể ra trên đây đáng được coi là đầy đủ và sinh động nhưng lâu nay giới nghiên cứu về Hà Nội đâu vẫn còn có những nhận định khác nhau về vị trí thành Thăng Long thời Lý, thời Trần, rồi Đông Kinh thời Lê và cả Hà Nội thời Nguyễn.

Ý kiến thì rất nhiều, ở đây chỉ xin giới thiệu 2 ý kiến tiêu biểu cho hai xu hướng thật khác nhau.

Trần Huy Bá đề xuất về ranh giới Thăng Long thời Lý:

- Phía Bắc từ trường đua ngựa đến quá đầu Quán Thành

- Phía Đông từ quá đầu Quan Thành đến gần Văn Miếu

- Phía Nam từ gần Văn Miếu tới chỗ tránh đường xe điện đi Cầu Giấy.

- Phía Tây từ chỗ tránh đường xe điện Cầu Giấy qua trường đua ngựa.

Như thế các cung điện chính phải ở khu Hữu Tiệp, Ngọc Hà, Vạn Phúc, nhà máy rượu bia và chùa Bút Tháp.

Ý kiến này tới nay vẫn còn có người lấy làm cơ sở để đi tìm dấu vết kinh thành xưa.

Trần Quốc Vượng và Vũ Tuân Sán cho rằng: “Kinh thành Thăng Long cũ bao gồm Hoàng thành cùng khu buôn bán về phía đông giáp với sông Hồng, khu công nghiệp về phía tây, đã được hình thành ít nhất từ thời Lý”.

Hai ý kiến khác nhau quá xa về vị trí địa lý của thành Thăng Long, những đã mấy chục năm trôi qua chưa có trọng tài phán quyết./.

(Cẩm nang tri thức Thăng Long/Vietnam+)