Những dấu tích về Cung Trường Lạc

Trong cấm thành của Đông kinh (tức là khu vực dự định xây nhà Quốc hội và hội trường Ba Đình, nơi các nhà khảo cổ học hiện đang khai quật tại phía tây đường Hoàng Diệu, có một cung điện rất lớn gọi là cung Trường Lạc.

Trường Lạc là cung của vợ vua Lê Thánh Tông một ông vua tài kiêm văn võ vào bậc hất trong các ông vua thời Lê. Vua sinh ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442) được tôn lên ngôi Vua vào ngày 8 tháng 6 năm Canh Thìn (1460), ở ngôi 37 năm, mất ngày 30 tháng 1 năm Đinh Tỵ (1497) thọ 55 tuổi.

Ngay năm Quang Thuận thứ nhất (1460) đời Lê Thánh Tông, tức năm đầu làm vua, người con gái thứ hai của quan Thái Úy, Trịnh Quốc Công Nguyễn Đức Trung, người làng Gia Miêu ngoại trang, huyện Tổng Sơn, Thanh Hóa là Nguyễn Thị Hằng được tuyển vào hầu trong cung.

Nguyễn Thị Hằng vào cung không phải vì tuyệt thế giai nhân mà chính vì là dòng dõi công thần. Nguyễn Đức Trung là khai quốc công thần theo Lê Lợi từ ngày tụ nghĩa mà còn rất được tin cậy vì sự kiện tháng 6, đã xướng nghĩa giết nghịch thần Đồn, Ban tôn vua lên ngôi Hoàng đế.

Nguyễn Đức Trung về sau được vinh phong thái úy Trinh Quốc Công. Khi chết được thờ làm thành hoàng làng ở Nga Sơn, Thanh Hóa và được phong là Thượng Đẳng Phúc thần.

Nguyễn Thị Hằng vào cung được phong làm Sung Nghi, ở cung Vĩnh Ninh, Sung Nghi là tên chức quan của mệnh phục vợ vua, là một trong 3 chức gọi là Tam sung có Sung Nghi, Sung Dung và Sung Viên.

Ngày 1 tháng 8 năm Quang Thuận thứ 2 (1461) bà sinh Hoàng Thái Tử Chanh, sau này nối ngôi vua là Lê Hiến Tông.

Năm Hồng Đức thứ 1 (1470) bà được lập làm Quý Phi thời Hồng Đức có chế độ lập tam phi là Quý Phi, Minh Phi, Kính Phi. Các bà Phi này được phong trật Chánh nhất phẩm được cấp 6 nhiêu phu.

Tháng 2 năm Đinh Tỵ (1697) vua Lê Thánh Tông băng hà Lê Hiến Tông nối ngôi. Bà được phong làm Hoàng Thái Hậu, ở cung Trường Lạc. Người ta cũng gọi bà là Trường Lạc Hoàng Thái Hậu.

Ngày 6 tháng 6 năm Giáp Tý (1504) Lê Túc Tông lên ngôi, đổi niên hiệu là Thái Trinh, tôn tổ mẫu Trường Lạc Hoàng Thái Hậu làm Thái Hoàng Thái Hậu, vẫn ở cung Trường Lạc.

Ngày 8 tháng 12 cùng năm Lê Túc Tông băng hà. Con thứ của Lê Hiến Tông lên ngôi, đổi niên hiệu nước là Đoan Khánh, xưng là Lê Uy Mục.

Khi chọn người nối ngôi Túc Tông, Thái Hoàng Thái Hậu Trường Lạc cho rằng Uy Mục là con tỳ thiếp không thể nối đại thống được, nhưng bọn nội thần vẫn mưu lập dù Thái Hoàng Thái Hậu có ý không bằng lòng. Chính vì vậy, khi lên ngôi Uy Mục ngầm giận, sai quan hầu cận ngầm giết, ngày 22 tháng năm Ất Sửu (1505) Thái Hoàng Thái Hậu bỗng băng hà ở chính tẩm cung Trường Lạc, thọ 65 tuổi. Tuy sát hại tổ mẫu nhưng ngoài mặt vẫn hết sức tỏ lòng cung kính,Vua nghỉ thiết triều 7 ngày. Tháng 4 sau đó truy tôn thụy hiệu là Húy Gia tĩnh Mục ôn Cung Nhu Thuận Thái Hoàng Thái Hậu. Rồi lại dựng điện Chân Nguyên và làm đường Bảo Thụy ở hương Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn, làm đường Tuyên Dự ở hương Hoa Lăng, huyện Thủy Đường, lại làm điện Quang Mỹ ở phường Lê Viên, huyện Quảng Đức để thờ tiên tổ của Thái Hoàng Thái Hậu.

Như vậy cung Trường Lạc là cung lớn nhất, to nhất, đẹp nhất trong nội cung thời Lê, là nơi ở của bà Thái Hoàng Thái Hậu, vợ vua Lê Thái Tông, là người quản lý tối cao, uy quyền lớn nhất cuả nội cung nhà Lê.

Trong khu vực đang khai quật phía tây Hoàng Thành Đông Kinh, các nhà khảo cổ đã tìm thấy những bát đĩa sứ có chữ “Trường Lạc”, “Trường Lạc Khố” và “Trường Lạc Cung”

Di vật tráng men trắng ngà, không vẽ hoa văn, trong lòng viết 2 chữ Hán “Trường Lạc” màu men xanh đen. Chữ viết vào xương gấm rồi tráng phủ men ngà vàng vì vậy những chữ viết không bao giờ mờ. Khi mới phát hiện người khai quật đã có nhiều suy nghĩ giải thích khác nhau. Có ý kiến cho rằng đây là lời chúc tụng chủ nhân “vui vẻ dài lâu”, nhưng chưa phải là cách giải thích đúng, đủ sức chinh phục mọi người.

Khi phát hiện chiếc bát dưới trôn viết 3 chữ “Trường Lạc khố” vấn đề lại sáng tỏ thêm một bước, “Trường lạc khố” là kho Trường Lạc. Rõ ràng là có một kho đựng dụng cụ mang tên “Trường Lạc”.

Rồi một di vật đồ sứ nữa có 3 chữ “ Trường Lạc Cung” tiếp tục xuất hiện cho phép ta nghĩ rằng trong rất nhiều cung điện ở một nội cung có một cung mang tên Trường Lạc. Cung này rất lớn là nơi ở của một bà Hoàng cũng lớn và có uy quyền bậc nhất nội cung này. Cung này có chế độ hầu hạ cung phụng cả về người lẫn vật chất đặc biệt nhất, hơn cả các cung trong cấm thành. Riêng đồ sứ thôi đã chứng minh rằng: Cung Trường Lạc chính là cung được hưởng chế độ phục vụ đặc biệt đó. Đồ sứ này được đặt làm hàng loạt ở lò gốm. Hàng đặt làm riêng theo mẫu là để tránh mất mát, nhầm lẫn.

Rất phù hợp với các chứng cứ khảo cổ học, tư liệu thư tịch lại đã cho hay” Trường Lạc” là tên gọi đặt cho một cung cấm, được xây dựng cho vợ vua Lê Thái Tông khi Lê Hiển Tông nối ngôi, bà được phong là Hoàng Thái Hậu, sang ở cung Trường Lạc và ở đây cho tới khi chết. Và cũng do ở cung này mà bà được gọi là Trường Lạc Hoàng Thái Hậu rồi Trường Lạc Thái Hoàng Thái Hậu./.

(Cẩm nang tri thức Thăng Long/Vietnam+)