Văn Miếu-Quốc Tử Giám: Vai trò lịch sử và hệ thống kiến trúc

Văn Miếu được lập ở Hà Nội, bấy giờ là Thăng Long, năm 1070, cách đây hơn 9 thế kỷ.

Sự việc đó phải chăng báo hiệu sự thâm nhập của Nho giáo ở nước ta? Không. Sự thâm nhập này chỉ xảy ra bốn thế kỷ sau từ đời Lê Thánh Tông. Năm 1070, triều Lý vẫn “tam giáo đồng tôn” và đạo Phật trong ba đạo: Phật giáo, Lão giáo, Nho giáo vẫn còn giữ nguyên ưu thế tuyệt đối.

Ý nghĩa chính của sự việc lập Văn Miếu được Đại Việt sử ký toàn thư nêu rõ bằng một chi tiết cụ thể: … “Hoàng thái tử đến đấy học”. Như vậy ngay từ ngày đầu xây dựng Văn Miếu của một số nước như Trung Quốc, Triều Tiên, chỉ là nơi thờ cúng các vị tổ đạo Nho.

Năm 1076, vua Lý Nhân Tông thành lập Quốc Tử Giám ở bên cạnh Văn Miếu. Nhà quốc học chính thức đầu tiên của lịch sử giáo dục Việt Nam ra đời từ đó. Nhà vua đã: “Chọn quan viên văn chức người nào biết chữ cho vào Quốc Tử Giám”.

Việc lập Văn Miếu là một bước tiến của đạo Khổng. Quốc Tử Giám đánh dấu một bước phát triển của nền giáo dục nước ta. Tuy rằng giáo dục mới dừng lại ở tầng lớp trên trước hết, nhưng một số học sinh ưu tú trong dân gian cũng được tuyển vào học ở đó.

Ý nghĩa của việc lập Văn Miếu năm 1070 và lập Quốc Tử Giám năm 1076 không đóng khung trong địa hạt văn hóa. Trong nhân dân vừa giành được quyền tự chủ sau hơn 1000 năm đô hộ, đang dâng lên một sức sống phi thường. Ý thức giữ gìn và củng cố độc lập, khẳng định bản lĩnh, là tư tưởng chỉ đạo của mọi hoạt động tổ chức, quân sự, văn hóa, đều hướng tới phục vụ sự nghiệp tự cường của dân tộc. Năm 968, họ Đinh xưng đế; năm 1010 họ Lý định đô nơi “rồng” báo điểm lành. Năm 1076, trước binh hùng tướng mạnh Bắc Triều, Lý Thường Kiệt cho “thần” ngâm bài thơ lẫy lừng sông Như Nguyệt:

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư…”

Việc lập Văn Miếu Quốc Tử Giám như vậy là nhằm đào tạo lớp quan liêu trị nước, nằm trong phương hướng vươn lên của thời đại.

Năm 1253, vua thứ hai của nhà Trần là Trần Thánh Tông đổi Quốc Tử Giám thành Quốc Học Viện làm nơi giảng dạy cho con em vua quan và những người học giỏi trong cả nước. Chức năng của một trường Quốc học ngày càng nổi bật hơn chức năng của một nơi tế lễ làm cho giá trị lịch sử của Quốc Tử Giám. Văn Miếu cùng ngày càng được nâng cao. Trường Quốc học Giám được nâng dần lên tới mức đại học và chính thức được đạt lên Thái Học Viện. Suốt hơn ba thế kỷ triều Lê trường Quốc học không hề đổi chỗ. Quốc Tử Giám 5 năm đón học sinh khắp nơi vào học và cứ mỗi khoa thi, cửa nhà Thái Học lại treo bảng ghi tên những Tiến sĩ trúng tuyển, dân chúng đất “Trường An” (Thăng Long) lại một lần lũ lượt tới xem. Cảnh nhộn nhịp tưng bừng thật không sao tả xiết.

Năm 1484 (Hồng Đức năm thứ 15), Lê Thánh Tông chủ trương ghi lên bia đá tên tuổi những nhà khoa học xuất sắc. Từ khoa thi Tiến sĩ đầu tiên của triều Lê, năm 1442 trở đi, (chủ trương đã đề ra năm này nhưng chưa thực hiện). Mỗi khoa, một tấm bia đặt trên lưng rùa. Tới năm đó, nhà Lê đã tổ chức được 12 khoa thi cao cấp, và riêng trong thời gian hơn 30 năm làm vua (1460 – 1497), Lê Thánh Tông đã tổ chức đều đặn cứ ba năm một lần đúng 12 khoa thi.

Nhà bia được dựng, lần lượt tiếp nhận những tấm bia (đề danh” của từng khoa thi. Thật ra chẳng bao lâu sau thời thịnh trị của những niên hiệu Quang Thuận – Hồng Đức, không phải khoa thi nào tiến hành xong đều được khắc bia ngay, và không phải bia đã dựng thì vĩnh tồn, không hư hỏng, không mất mát. Từng thời có những đợt dựng, dựng lại lớn, như năm 1653 (Thịnh Đức năm thứ 1), năm 1717 (Vĩnh Thịnh năm thứ 13).

Cuối Triều Lê, thời Cảnh Hưng, bia vẫn được khắc đều đặn. Dù không còn giữ được đủ bia, nhà bia trường Giám cũng đã lưu lại về sau rất nhiều những công trình điêu khắc giá trị và tư liệu lịch sử quý báu.

Tới thời Nguyễn, các vua nhà Nguyễn đóng đô ở Huế, nhà Quốc học cũng được rời vào Huế. Trường Giám được đổi tên làm Văn Miếu với một chức năng duy nhất là nơi thờ tự “thành hiền” mà thôi.

Tên Quốc Tử Giám không còn được chính thức gọi nữa, nhưng giá trị lịch sử của di tích Quốc Tử Giám chẳng lu mờ. Tên Giám nôm na vẫn được đặt cho phố, cho chợ, và tồn tại cho đến hôm nay.

I. Kiến trúc Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Một khung tường xây vây toàn bằng những viên gạch vồ cỡ lớn – một loại vật liệu kiến trúc phổ biến của thời Hậu Lê tường để trần, hình chữ nhật, chiều dài hơn 300 mét, chiều rộng 70 mét, chạy dài suốt từ đường Quốc Tử Giám vắt ngang tới tận đường Nguyễn Thái Học, tự thân nó qua dáng bên ngoài đã gây nên một không khí cổ kính. Bất cứ ai qua đây dù vô tình cũng không thể nào không tìm hiểu, ít nhất đôi điều, xem đây vốn là nơi nào? Di tích của một thời đại nào?

Bên trong tường, những mái kiến trúc cổ ẩn hiện dưới cành lá sum suê của những cây cổ thụ mang một cảnh sắc khác hẳn mọi kiến trúc của những dãy phố xung quanh, càng thu hút sự chú ý của mọi khách qua đường.

Đó là khu di tích lịch sử Quốc Tử Giám – Văn Miếu. Khu di tích rộng khoảng 6 mẫu Bắc Bộ này bên ngoài có tường vây bốn phía, bên trong chia làm năm khu vực phần minh cũng ngắn cách bằng những bức tường ngang xây gạch vồ như gạch bốn tường vây.

Dẫu chỉ có như vậy, phạm vi của khu di tích xưa vốn còn vươn qua cả đường Quốc Tử Giám bao gồm cả chiếc hồ mà ngày nay do chưa được sửa sang đã làm cho ta lầm tưởng chỉ là một trong hàng chục chiếc hồ chứa nước bình thường của thành phố.

Chúng ta hãy xem thứ tự từ trước tới sau, từ ngoài vào trong từng bước tìm hiểu dấu tích từ nguyên sơ đến hiện đại của khu di tích lịch sử hiếm có này.

- Văn Hồ

Trước cửa Văn Miếu ngày nay, ở bên kia đường nhựa mang tên Quốc Tử Giám, có một cái hồ khá rộng, giữa hồ nổi một quả gò, trên gò vốn có bia và đình bia, có cây cổ thụ. Ngày xưa nơi đây vốn là một cảnh rất đẹp và nên thơ. Di tích này rên gọi Văn Hồ. Theo ý đồ kiến trúc, đây vốn là cái “tiểu minh đường” của Văn Miếu, là một bộ phận khăng khít của toàn bộ công trình kiến trúc chung.

Năm 1863 trong dịp sửa nhà bia Văn Miếu, Văn Hồ đã được một lần tu sửa. Sự việc còn ghi lại rõ ràng trên tấm bia đá dựng ở gõ giữa hồ.

- Bài ký ở Đình bia Văn Hồ

Trước Văn Miếu có hồ lớn. Trong hồ có gò Kim Châu Vào khoảng niên hiệu Cảnh Trị (1668 – 1671). Tham tụng họ Phạm (Phạm Công Trứ) làm 10 bài thơ vịnh Phán Thủy (chỉ nhà Thái học) để ghi lại cảnh đẹp. Lâu ngày cát đọng lại, cỏ dại mọc lan, lòng hồ ngày càng nông cạn thu hẹp. Mùa thu năm Quý Hợi, niên hiệu Tự Đức (1963) tôi cùng Bố chánh họ Đặng (Đặng Tá) dựng nhà bi Tiễn sĩ, sau lại sửa sang khu hồ, mở rộng chỗ hẹp, khơi sâu chỗ nông, phá chỗ rậm rạp cho phong quang để thấy rõ cảnh tri của hồ, của núi, khiến hồ thay đổi trở nên đẹp đẽ. Mùa thu năm Ất Sửu (1865) sứ quan họ Đặng lại xuất tiền nhà dựng đình bằng ngói trên gò. Đình làm xong gọi là đình Văn Hồ. Cho khắc lại 10 bài thơ vịnh Phán Thủy, dặn tôi ghi lại chuyện đó.

Tôi nói: Thăng Long là đất danh thắng. Văn Miếu ngày nay là nhà Thái học ngày xưa, thực là chỗ tập trung văn vật. Một gò, một nước tôn lên nổi bật, thật là hợp cho việc du ngoạn. Từ nay về sau lên trên đình này nhìn cây cỏ rậm rì, ngắm nước hồ trong suốt, hưởng khí gió xuân trên sông Ngân, há chẳng phải thỏa lòng mong ước và sảng khoái tâm thần sao?

Việc đó đáng ghi vậy.

Đệ nhị giáp Tiến sĩ khoa Tân Hợi, thự Bố chánh Hà Nội, Lê Hữu Thanh kính ghi.

Cử nhân khoa Tân Sửu, Án sát Hà Nội, Vọng Đình Đặng Tá kính duyệt.

Phó bảng khoa Nhâm Tuất lãnh Trị huyện 2 huyện Thọ - Vĩnh Phạm Xuan Thạch thừa lệnh kiểm lại.

Tả trấn cơ Hiệp quản Nguyễn Viện, Niết ty thư lại Mai Xuân Bách thừa lệnh làm.

Ngày 15 tháng 8 niên hiệu Tự Đức năm thứ 18 (1865).

Hạt Hạ huyện Vĩnh Thuận, thôn Yên Ninh, Tú tài Trần Quang Luyện kính viết.

Hồ này và cả một dài đất chạy suốt chiều dài mé tây của Văn Miếu đều là thuộc đất khu Văn Miếu. Sau khi Hà thành thất thủ, không có người trông nom, mọi sự chăm sóc chỉ tập trung vào khu phía trong 4 bức tường vây. Tới khoảng năm 1937 – 1938 các văn thân Hà Nội, Hà Đông cùng những nhà nho mới làm giấy xin nhận lại hồ và đất ấy. Hồi ấy có dự định sửa sang Văn Hồ trồng nhãn Hưng Yên, vải Thanh Liệt trên dải đất mới nhận lại nói trên. Việc chưa tiến hành đã tiếp tới cuộc binh lửa năm 1946.

Một hồ nước trong, quanh bờ cây cối rậm mát, một gò đất nổi giữa hồ trên có một kiến trúc nhỏ đẹp lẩn dưới cành là sum suê, cảnh này mở đầu cho một khu kiến trúc sẽ trở thành một tấm gương soi, nhân đôi cảnh trí có tác dụng gây cho khách tham quan cảm giác mát mẻ dịu dàng ngay từ khi mới đặt chân vào khu kiến trúc.

-Văn Miếu môn.

Hai tấm bia “Hạ mã” dựng trong 2 nhà bia nho nhỏ là mốc ranh giới chiều ngang phía trước mặt. Xưa kia dù công hầu hay khanh tướng, dù võng lọng hay ngựa xe hễ đi qua Văn Miếu đều phải xuống đi bộ ít nhất từ tấm bia “Hạ mã” bên này sang tới tấm bia “Hạ mã” bên kia mới lại được lên xe lên ngựa mà tiếp tục hành trình. Thế đủ biết Văn Miếu có vị trí tôn nghiêm tới chừng nào.

Một sân đất thênh thang từ bia “hạ mã” tới tường phía trước của Văn Miếu là khoảng thứ nhất bên ngoài. Sân này bị còn đường lát gạch sẻ đôi. Đường thẳng tắp qua cổng giữa rồi nối với những đoạn phía trong, thành một đường trục giữa xuyên suốt khu kiến trúc tạo nên kiểu dáng đối xứng tuyệt đối, một kiểu mặt bằng quen thuộc quán xuyến hầu hết các đồ án kiến trúc thời cổ đại.

Văn Miếu môn tức là cổng tam quan ngoài cùng tận. Cổng có ba cửa, cửa giữa cao to và xây 2 tầng. Tầng trên có ba chữ “Văn Miếu Môn”. Di tích còn lại ngày nay là sản phẩm của thời Nguyễn, có chăng chỉ những viên gạch vồ sử dụng để xây nên cổng này là di tích cổ nhất thuộc thời Lê (khoảng thế kỷ 16 trở lại).

Kiểu dáng kiến trúc Văn Miếu môn nhiều nét độc đáo rất đáng lưu ý trong khi nghiên cứu kiến trúc cổ Việt Nam. Nhìn bên ngoài tam quan là 3 kiến trúc riêng biệt. Cửa chính giữa thực chất xây 2 tầng. Mặt bằng hình vuông. Tầng dưới to, tầng trên nhỏ chồng lên giữa tầng dưới, do đó xung quanh thừa ra một hàng hiên rộng, 4 mặt có lan can. Phía bên ngoài tầng dưới chỉ mở có một cửa cuốn, 2 cánh bằng gỗ và mi cửa hình bán nguyệt cũng bằng gỗ chạm nỏi hình đôi rồng chầu mặt nguyệt. Phía bên trong lại mở 3 cửa cuốn không có cánh. Tầng trên làm 8 mái, 4 mái hiên và 4 mái nóc, do đó dáng ngoài nom tựa một kiến trúc 2 tầng, và cả cổng chính có dáng của một kiến trúc 3 tầng. Mái tầng trên làm cong lên ở 4 góc. Bờ nóc cũng có đắp đôi rồng chầu mặt nguyệt. Tầng trên không có treo chuông khánh.

Phía ngoài cửa cổng có 2 đôi câu đối lề không rõ niên đại, tới nay vẫn còn rõ nét chữ.

Câu đối thứ nhất:

1a. Đại quốc bất dịch giáo, bất biến tục, thả tôn sùng chi, diệc tín tư văn nguyên hữu tự.

1b. Ngô Nho yếu thông kinh, yếu thức thời, vô câu cố dã, thướng tư thánh huấn vĩnh tương dôn.

Dịch nghĩa.

Nước lớn trong giáo dục, giữ thuần phong, đạo được tôn sùng, tin tưởng tư văn nguyên có gốc.

Nhà Nho phải thông kinh, phải thức thời, chớ nên cố chấp, những lời thánh huấn phải ghi lòng.

Phía trong cổng một đôi câu đối nề khác cũng không có niên đại.

2a. Sĩ phu báo đáp vị hà tai! Triều đình tạo tựu chi ân, quốc gia sùng thượng chỉ ý.

2b. Thế đạo duy trì thi thử nhi! Lễ, nhạc, y, quan sở tụy, thanh danh vạn vạt sở đô.

Dịch nghĩa:

Sĩ phu còn nhiều báo đáp, ơn triều đình đào tạo, ý nhà nước tôn sùng.

Thế đạo nhờ đó duy trì chốn lễ nhạc, y quan, nơi thanh danh vạn vật.

Tả môn và hữu môn hai bên nhỏ, thấp hơn cũng xây kiểu 4 mái hiên và 4 mái nóc, nom tựa như kiến trúc 2 tầng. Hai cửa này xưa kia là nơi đóng mở ra vào hàng ngày, còn cửa chính thì quanh năm cửa đóng then cài mà chỉ mơ vào những dịp long trọng như vua chúa tới thăm, những ngày tế lễ hoặc những khi treo bảng vàng các khao thi Tiến sĩ.

- Đại Trung môn .

Từ cổng chính Văn Miếu môn, theo đường lát gạch đi thẳng tới cổng thứ hai là Đại Trung môn. Ngang hàng với Đại Trung môn, bên trái có Thánh Dực môn, bên phải có Đạt Tài môn. Bức tường ngang nối 3 cửa vươn dài ra 2 bên tới tận tường vây dọc bên ngoài. Hai bên tả hữu của cả khu Văn Miếu, cùng với tường ngang nơi Văn Miếu môn tạo thành một khung hình gần vuông có tường vây khép kín ra vào bằng Văn Miếu môn, Tả môn và Hữu môn ở phía trước và bằng Đại Trung môn, Tánh Dực môn và Đạt Tài môn ở phía sau.

Trong khu vực này không có kiến trúc nào cả, chỉ trồng cây to bóng mát gần kín khắp mặt bằng. Hai chiếc hồ chữ nhật nhỏ nằm dài sát theo chiều dọc của tường vây dọc bên ngoài. Cây xanh, bóng mát, nước trong, cảnh tí gây nên cảm giác tĩnh mịch, thanh nhã của nơi “văn vật sở đô”.

Cửa Đại Trung làm kiểu 3 gian có nền cao, có mái lợp ngói, 2 hàng cột hiên trước sau và 1 hàng cột chống nóc ở chính giữa. Hàng cột này chính là nơi để lắp cánh cửa, song ở cửa này không làm cánh. Ở gian giữa treo một tấm biển nhỏ đề 3 chữ sơn then “Đại Trung môn”

Con đường lát gạch từ Văn Miếu môn tới Đại Trung môn lại vươn tiếp thẳng tới khuê Văn Các. Từ 2 cửa Đạt Tài và Thánh Dực ở 2 bên cửa Đại Trung 2 con đường lát gạch khác nhỏ hơn chạy thẳng song song với con đường trục giữa chia khu vực thứ 2 này thành 4 dải khá cân bằng. Hai hồ nước hình chữ nhật được đào ở vị trí tương tự như 2 hồ nước ở khu vực thứ nhất.

Cảnh trí khu vực thứ 2 này không khác gì mấy ở khu vực thứ nhất. Vốn cũng chỉ là những bãi cỏ, trồng ít cây cổ thụ rất cao tuổi đã cằn cỗi (hiện nay đã được trồng thêm nhiều cây mới theo hàng lối quy củ hơn).

Việc lắp lại một khu vực chỉ có cây, có cỏ, việc làm thêm dãy tường ngăn và làm thêm 1 lớp cửa ra vào như thế này đã làm cho công trình sư thiết kế rất thành công trong ý đồ tạo nên cảnh thâm nghiêm, tĩnh mịch của khu vực kiến trúc.

- Khuê Văn Các

Khu vực thứ 2 két thúc ở bức tường ngăn ngang nối cửa Bi văn, gác Khuê văn và cửa Súc văn.

Gác Khuê văn là một lầu vuông 8 mái xây dựng vào năm 1805, đời Gia Long triều Nguyễn. Gác dựng trên một nền vuông cao lát gạch bát tràng. Kiểu dáng kiến trúc khá độc đáo. Tầng dưới chỉ là 4 trụ gạch, 4 bề trống không. Tầng trên là kiến trúc gỗ trừ mái lợp và những phần trang trí góc mái hoặc trên bờ nóc làm bằng chất liệu đất nung hoặc vôi cát.

Sàn gỗ có chứa 2 khoảng trống để bắc thang lên gác. Bốn cạnh sàn có diềm gỗ chạm trổ tinh vi. Bốn góc sàn làm lan can con tiện cũng bằng gỗ. Bốn mặt tường bịt ván gỗ, mỗi mặt đều làm một cửa tròn có những thành gỗ chống tỏa ra 4 phía. Cửa và những thanh gỗ chống tượng trưng cho sao Khuê và những tia sáng của sao. Mé trên sát mái phía cừa ngoài vào treo một biển sơn son thếp vàng 3 chữ “Khuê Văn Các”. Mỗi mặt tường gỗ đều chạm một câu đối chữ Hán thép vàng. Cả 4 đôi đều rất có ý nghĩa.

Bốn đôi câu đối chạm vào tường gỗ gác Khuê Văn được dịch nghĩa như sau:

1a. Sao Khuê trời sáng, văn minh rộng

1b. Sông Bích xuân sâu, mạch đạo dài

2a. Triều ta tô điểm nhiều văn trị

2b. Gác đẹp văn hay đón khách xem

3a. Bắc Đẩu soi thành nhiều khi tốt

3b. Đầm thu bóng nguyệt sáng lòng xưa

4a. Nước lễ nghĩa nghìn năm văn hiến

4b. Phủ đồ thư một mối thánh hiền.

Gác Khuê Văn vốn là nơi xưa kia dùng để họp bình những bài văn hay của các sĩ tử đã thi trung khoa thi hội.

Gác nhỏ xinh, kiến trúc giản dị nhưng tao nhã, đặc biệt lại được chọn dựng giữa những cây cổ thụ xanh tốt, cạnh giếng Thiên Quang đây nước trong in bóng gác rung rinh. Gác Khuê Văn xứng đáng với lời bình là một viên ngọc trong khu di tích kiến trúc Văn Miếu Hà Nội.

Cửa Bi văn kết thúc con đường lát gạch nhỏ chạy từ cửa Thánh Đức bên trái Bi văn có nghĩa là trang sức nên vẻ đẹp. Ý nói văn chương trau chuốt sáng sua, có sức truyền cảm thuyết phục con người.

Cửa Súc văn kết thúc con đường lát gạch nhỏ chạy từ cửa Đạt Tài bên phải Súc Văn có nghĩa là văn chường hàm súc phong phú, có khả năng nuôi dưỡng vẻ đẹp của tâm hồn.

Hai cửa này cùng với gác Khuê Văn đồng thời mở đầu hco khu vực thứ ba, khu vực giếng Thiên Quang và 2 vườn bia Tiến sĩ.

- Giếng Thiên Quang

Giếng Thiên Quang (Thiên Quang tỉnh) còn được gọi là Văn Trì (Ao Văn. Thiên Quang là ánh sáng bầu trời. Đặt tên này cho giếng, người xây dựng có ý muốn nói con người thu nhận được tinh thúy của vũ trụ, soi sáng tri thức, nâng cao phẩm chất, tô đẹp nền nhân văn.

Giếng Thiên Quang quanh năm đầy nước. Mặt nước bằng phẳng trở thành một tấm gương soi bóng gác Khuê Văn và những cây cổ thụ, do đó cảnh trí được nhân đôi mức độ mỹ quan. Đôi khi gió thổi nhẹ mặt nước hơi gợn sóng lăn tăn, thì bóng gác Khuê Văn do đó cũng lung linh lay động nhẹ nhàng cảnh sắc càng trở nên vô cùng đẹp mắt.

Giếng hình vuông, quanh bờ đều xây hàng lan can tới độ ngang lưng. Người xưa còn có quan niệm giếng hình vuông tượng trưng cho đất, cửa tròn gác Khuê Văn tượng trưng cho trời. Tinh hoa của cả trời đất đều được tập trung ở trung tâm văn hóa giáo dục uy nghiêm giữa chốn đế đô này.

Hai bên tả hữu lan can giếng mở cửa xây bậc xuống giếng, ý đồ xây dựng là mở lối xuống giếng để rửa và lấy nước tưới hoa, song không khí tôn nghiêm nơi đây đã khiến khách tham quan chẳng ai dám xuống rửa dưới hồ như ai cũng lo làm ô uế mất đi tích thiêng liêng của ngàn năm văn hiến. Mé ngoài lan can có trồng hoa đủ loại. Hoa lá xanh tươi càng tôn thêm màu trang nhã của “Ao Văn”. Một còn đường nhỏ lát gạch bao quanh giếng cho phép ta có thể dạo quanh giếng, lên gác Khuê Văn, vào cửa Đại Thành hoặc rẽ sang 2 vườn bia đá ở 2 bên.

- Bia Tiến sĩ

Có lẽ di tích có giá trị bậc nhất ở đây là 82 tấm bia Tiến sĩ dựng ở 2 bên phải trái của giếng Thiên Quang, mỗi bên 41 tấm dựng thành 2 hàng ngang, mặt bia đêu quay về phía giếng.

Cả 2 bên, giữa mỗi vườn bia xây một tòa đình vuông, 4 mặt bỏ trống, nền cao, giữa nền có bện, cửa đều trông thẳng xuống giếng. Đây là 2 tòa đỉnh thờ bia. Xưa kia hàng năm xuân thu nhị kỳ trong Văn Miếu là lễ tế thì ở đây cũng sửa lễ vật cúng bái các vị tiên nho của nước ta mà quí tính cao danh còn khắc trên bia đá. Trong 82 tấm bia còn lại tới ngày nay, tấm sớm nhất dựng vào năm 1484, khắc tên các vị Tiến sĩ đỗ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 (1442) tấm cuối cùng dựng vào năm 1780, khắc tên Tiến sĩ đỗ khoa Kỷ Hợi, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 40 (1779). Từ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 tới khoa cuối cùng là khoa Đinh Mùi niên hiệu Chiêu Thống năm thứ nhất (1787) tính cho đủ phải tới 124 khoa thi đình, nếu chỉ kể các khoa thi Tiến sĩ, không kể các khoa Đông Các và Chế khoa thì cũng phải 117 khoa, và theo đúng điển lệ triều Lê thì phải lập đủ 117 tấm bia đề tên Tiến sĩ. Thế nhưng trải qua bao cơn binh lửa, vật đổi sao dời, số bia hiện có chỉ còn 82 tấm. Nhiều tấm ngày nay chữ đã mờ không sao đọc nổi. Nhiều tấm bia nọ lắp vào rùa kia, nhiều tấm nứt vỡ phải gắn chắp lại. Tháng 4 năm 1976 Viện Khảo cổ học phối hợp với phòng Bảo tồn bảo tàng, sở Văn hóa Thông tin Hà Nội đã khai quật được thêm một con rùa đá đề bia chìm sâu dưới lòng hồ cạnh Khuê Văn Các. Thân bia chưa thấy, song còn rùa để bia đã nâng con số bia Tiến sĩ lên số 83. Non 5 thế kỷ chuyện nương dâu bãi bể tất chẳng tính hết.

Lần tu sửa nhà bia cuối cùng vào niên hiệu Tự Đức năm thứ 16 (1863). Hồi ấy Bố chính Hà Nội là Lê Hữu Thanh cùng với thự Hậu quân Đô Thống, Tổng đốc Hà Ninh là Tôn Thất Hân và Án sát Hà Nội là Đặng Tá khởi xướng việc thu tập các bia tản mát dựng vào hàng lói như ngày nay, rồi làm 2 nhà bia cũng không còn nữa.

Những năm thực dân Pháp xâm lược tạm chiếm Hà Nội, 2 vườn bia có lúc hoang vắng, cỏ cao lụt đầu làm cho có nhà nghiên cứu muốn vòa tìm tư liệu mà phải “rụt chân lại, dùng dằng, nấn ná…”.

Sau ngày Miền Bắc giải phóng 1954 cơ quan văn hóa Hà Nội đã liên tục từng bước tu sửa và bảo vệ khu di tích Quốc Tử Giám. Hiện nay 2 vườn bia đã sạch sẽ phong quang khách trong nước cũng như nước ngoài, ngày nào cũng tấp nập tham quan, những nhà nghiên cứu, điêu khắc, họa sĩ cũng tới đây sao chép nghiên cứu không ngớt.

- Đại Thành môn.

- Ngọc Thành môn và Kim Thành môn


Qua cửa Đại Thành là vào khu vực thứ tư, khu vực chính cuả di tích Quốc Tử Giám – Văn Miếu, Hà Nội. Cũng như cửa Đại Trung, cửa Đại Thành là một kiến trúc 3 gian với 2 cột hiên trước sau và 1 hàng cột giữa. Hàng cột giữa đỡ sà nóc, đồng thời cũng là hàng cột để lắp cửa. Ba gian đều được lắp cửa 2 cánh. Chính giữa, trên giáp nóc có treo một bức hoành khắc 3 chữ “Đại Thành Môn” (cửa Đại Thành) theo chiều ngang, đọc từ phải sang trái. Bên phải 2 hàng chữ nhỏ dọc khắc “Lý Thánh Tông, Thần Vũ nhị niên, Canh Tuất thu, bát nguyệt phụng kiến”, có nghĩa là: “Tháng 8, mùa thu năm Canh Tuất, niên hiệu Thần Vũ năm thứ 2 đời Lý Thánh Tông vâng sắc xây dựng. Bên trái 1 hàng chữ dọc khắc. “Đồng Khánh tam niên, Mậu Tý trọng đông đại tu “có nghĩa là “tháng 11 năm Mậu Tý niên hiệu Đồng Khánh năm thứ 3 đại tu”.

Bức hoành sơn thếp giản dị, là sản phẩm của năm 1888, song nó là minh chứng cho một lần tu sửa lớn vào thời vua Đồng Khánh nhà Nguyễn, và cũng là một bằng cứ gián tiếp cho năm khởi dựng Văn Miếu vào thời vua Thánh Tông nhà Lý.

Cửa Đại Thành (cửa của sự thành đạt lớn lao), mở đầu cho khu vực của những kiến trúc chính, nơi thờ Khổng Tử, Chu Công, Tứ Phối, Thất thập nhị hiền v.v…và cũng là nơi giảng dạy của trường Giám thời xưa, mang một cái tên đầy ý nghĩa tưởng không còn có thể chọn một tên nào có ý nghĩa hay hơn.

Hai cửa nhỏ Kim Thành bên phải và Ngọc Thành bên trái nằm ngang với cửa Đại Thành, song 2 cửa này không mở vào thẳng khu vực chính, mà để đi qua con đường lát gạch phía sau 2 dãy Tả Vu, Hữu Vu để tiếp tục qua ang khu Khải Thánh phía cuối cùng của di tích.

- Văn Miếu. Tả vu và Hữu vu

Bước qua cửa Đại Thành là tới một sân rộng mênh mang lát gạch bát tràng. Hai bên phải trái của sân là 2 dãy Hữu Vu và Tả vu. Chính trước mặt tòa Đại Bái Đường rộng rãi, to lớn và thâm nghiêm trải suốt chiều rộng của sân nối giáp với đầu hồi của Tả Vu, Hữu Vu 2 bên, tạo thành một cụm kiến trúc hình chữ U cổ kính và truyền thống. Sau Đại Bái và song song với Đại Bái, tòa Thượng Điện có quy mô tương tự cả về chiều cao lẫn bề rộng, với Đại Bái là kiến trúc chấm chót của khu vực thứ 4. Đại Bái đường nối với Thượng Điện bằng một Tiểu Đình hình vuông. Nếu tách riêng cụm 3 kiến trúc này ra mà nói thì chúng được xây dựng theo hình chữ công (I) mà Tiểu đình chính là nét sổ giữa và Đại Bái, Thượng Điện là 2 nét ngang trên và dưới.

Thượng Điện ở phía sau 9 gian, tường xây 3 phía lưng và đầu hồi, phía trước có cửa bức bàn đóng kín 5 gian giữa, 4 gian hồi có cửa chấn song cố định. Nhìn chung Thượng Điện kín đáo và do đó cũng tối hơn Đại Bái, nhưng cái thiếu ánh sáng của kiến trúc này là ý đồ của công trình sư muốn tạo cho nó một không khí thâm nghiêm, u tịch và công trình sư đã thành công mỹ mãn.

Nơi đây xưa là nơi thờ những vị tổ đạo Nho. Gian chính giữa vốn có cái khám và ngai lớn để trên một bệ xây, trong có bài vị “Chí thánh tiên sư Khổng Tử”. Cách 2 gian 2 bên tới những gian khác cũng có bệ xây và cũng có khám, trong khám có ngai và bài vị. Bên trái có 2 ngai thờ Tăng Tử và Mạnh Tử (thờ các vị Á thánh); bên phải có 2 ngai thờ Nhan tử và Tử Tư. Bốn vị được thờ trên đây tức là Tứ phối được quy định thờ từ ngày mới xây dựng Văn Miếu. Ngoài bài vị ra, cả bốn vị đều có tượng gỗ sơn thếp rất uy nghi.

Hai gian đầu hỗi cũng có 2 khám lớn xếp chầu vào gian giữa, thờ Thập triết gồm những vị: Mẫu Tử, Nhiễm Tử, Đoan Mộc Tử, Trang Tử, Bốc Tử, Hữu Tử, Tê Tử, Ngân Tử, Suyền Tôn Tử, Chu Tử.

Tòa Đại Bái bên ngoài cũng xây 9 gian, nhưng chỉ xây 2 tường hồi còn mặt trước mặt sau để trống. Duy có 2 gian đầu của mặt trước có xây tường lửng, bên trên lắp chấn song con tiện bằng gỗ. Nhìn chung kiến trúc này sáng sủa hơn. Tòa Đại Bái này có chức năng là nơi hành lễ trong những kỳ tế xự xuân thu. Chỉ gian chính giữa có hương án thờ còn các gian khác đều bỏ trống. Tại đây treo khắc nhiều hoành phi câu đối (nhiều thứ nay đã mất). Bức hoành gian giữa khắc 4 chữ: “Khang Hi ngự thư” và “Đồng Khánh Mậu Tý trọng đông thuật đề” (1888).

Cũng như Thượng Niên, Đại bái đường mang đậm phong cách kiến trúc thời Hậu Lê, kẻ bảy giản đơn không chạm trổ cầu kỳ, chồng đấu làm theo kiểu đấu đỡ cột chồng rất Việt Nam, những đầu đao mái cong nhẹ, ngói mũi lợp kiểu vẩy rồng, những nơi có chạm trổ rồng mây mang đúng phong cách nghệ thuật của thời Trung Hưng về sau, nói chung kiến trúc có sắc thái giản dị nhưng chắc chắn, thanh nhã mà uy nghiêm, một sắc thái Việt Nam riêng biệt rất dễ dàng nhận thấy, khác hẳn với phong cách kiến trúc đồng thời cuả những công trìnhở các nước láng giềng. Đôi rồng chầu mặt nguyệt gắn mảnh đồ sứ men màu trên đỉnh bờ nóc, chắc chắn được làm vào thời Nguyễn, có làm giảm đi ít nhiều giá trị cổ kính của kiến trúc song không sao át nổi đặc điểm chung của niên đại thời Lê.

Tả Vu và Hữu Vu đều làm 9 gian. Xưa kia Tả Vu và Hữu Vu đều mỗi bên xây 5 bệ kê 5 khám thờ Thất thập nhị hiền. Kiến trúc cũ đã bị phá hủy sạch cả, kiến trúc hiện còn là sản phẩm của lần trùng tu thời gần đây. Bệ thờ, khám thờ cũ không còn, Tả hữu vu nay cũng chẳng dùng để thờ tự, dáng dấp kiến trúc không có vị cổ kính như Đại Bái và Thượng Diện, nhưng do vẫn làm trên nền cũ, phần nào phỏng theo kiểu cũ mà làm và hiện lại dùng làm nơi trưng bày các di vật lịch sử và cách mạng của kinh đô Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội cho nên cũng góp phần quan trọng vào cảnh trí chung của cả khu di tích.

- Đền Khải Thánh – Quốc Tử Giám

Khu Khải Thành là khu sau cùng của di tích. Từ Văn Miếu sang đền Khải Thánh người ta có thể đi theo 2 con đường lát gạch phía sau Tả Vu và Hữu Vu, người ta cũng có thể từ sau lưng Thượng Điện qua cửa tam quan.Cửa này là cửa chính cũng xây 3 gian, có mái lợp và cánh cửa đóng mở. Từ bên ngoài vào đền Khải Thánh người ta lại có thể qua một cổng nhỏ có cánh mở ở góc Đông Nam nơi tiếp giáp với bức tường ngăn 2 khu Văn Miếu và Khải Thánh.

Đền Khải Thánh là nơi thờ cha mẹ Khổng Tử tức là Thúc Lương Ngột và Nhan Thị.

Phần nửa diện tích của khu này là chiếc sân phía trước. Sân bị con đường trục giữa lát gạch ngăn đôi dẫn từ cửa tam quan lên chính giữa đền thờ. Nửa sân bên trái có 2 tấm bia do Hoàng giáp Lê Hữu Thanh bố chính Hà Nội. Thự hậu quân đô tốc Tôn Thất Hân, Tổng đốc hà Ninh; Hàn lâm thị giảng Đặng Tá, Án sát Hà Nội dựng ngày 6 tháng 12 niên hiệu Tự Đức năm thứ 16 (1863). Văn bia do Lê Hữu Thanh soạn. Quan văn bia có thể khảo cứu thêm được về tình hình bia tiến sĩ và nhà bia của Quốc Tử Giám. Thật cũng có thể gọi là một tư liệu quý.

Kiến trúc đền Khải Thánh sơ sài hơn song cũng có Tả Vu, Hữu Vu 2 bên và đền thờ ở giữa.

Đền Khải Thánh, xưa vốn là Quốc Tử Giám, nơi rèn đúc nhân tài cho nhiều triều đại.

Năm 1946, quân Pháp đã bắn đại bác phá hủy sạch không còn lại một kiến trúc nào. Dấu vết còn lại ngày nay: những nền điện, tường đổ, vài chiếc cổng cuốn lở lói, những mảnh sân, đoạn đường, những bồn xây để trồng cây v.v…có chăng chỉ còn cho phép xây dựng lại mặt bằng của khu kiến trúc xưa mà thôi.



Khổng Tử là người Trung Quốc. Nho giáo là sản phẩm bắt nguồn từ Trung Quốc. Chế độ dựng Văn Miếu thờ Khổng Tử cũng do Trung Quốc chế định.

Việc dựng Văn Miếu ở Việt Nam tất không thể không phỏng theo chế độ Trung Hoa. Song sự khác biệt giữa Văn Miếu Việt Nam và Văn Miếu Trung Quốc lại rất lớn và rất rõ ràng. Trước hết như trên đã nói Văn Miếu Hà Nội không chỉ là một nhà quốc tế mà vai trò chính của nó là một nhà quốc học.

Về mặt kiến trúc cũng vậy, bàn tay người thợ Việt Nam đã tạo cho Quốc Tử Giám – Văn Miếu một sắc thái Việt Nam, một bố cục hoàn toàn khác hẳn.

So sánh qua với kiến trúc thờ Khổng Tử ở Khúc Phụ, Trung Quốc, chẳng khó khăn gì mà ta không nhận ra những điểm dị đồng. Cả 2 nơi Khúc Phụ và Hà Nội đều có những kiến trúc mang tên chung như Đại Trung Môn, Khuê Văn Các v.v…Thế nhưng điểm giống nhau chỉ là tên gọi mà thôi.

Nhìn chung bố cục kiến trúc ở Khúc Phụ quy mô lớn hơn, đi từ đầu tới cuối phải qua 10 cổng; kiến trúc rậm rì hơn. Kiến trúc ở Hà Nội quy mô nhỏ hơn, đi từ đầu tới cuối chỉ qua 5 cổng, kiến trúc thoáng hơn song cảnh trí xung quanh như cây cối, hồ nước, thanh nhã, phong quang thì rõ ràng hơn hẳn.

Khu Khải Thánh ở Khúc Phụ, xây dựng ở bên trái khu thờ Khổng Tử; ở Hà Nội lại đặt đằng sau và chính cũng là nơi trường Giám của những triều đại cũ.

Nếu đi sâu vào từng kiến trúc từ cột kèo, chồng đấu, cho tới những bức ván chạm trổ thì một Trung Quốc, một Việt Nam không sao lẫn nổi.

Cho dù bóng dáng kiến trúc thời Lý thời Trần nay không còn dấu vết nơi đâu, phần lớn các kiến trúc đều là sản phẩm thời lê mạt, song Quốc Tử Giám – Văn Miếu Hà Nội vẫn giữ được trọn vẹn giá trị của một khu di tích kiến trúc cổ Việt Nam xứng đáng được bảo tồn mãi mãi.

(Cẩm nang tri thức Thăng Long/Vietnam+)