Bảng vàng, Bia đá - Lịch sử khoa bảng Việt Nam

Khu di tích Quốc Tử Giám – Văn Miếu Hà Nội cho dù có 2 chức năng là: trung tâm giáo dục văn hóa, là nơi thờ cúng Khổng Tử và các Tiên Nho, và cho dù khi nào đó được gọi quen chỉ là Văn Miếu, nhưng ý nghĩa là một trường đào tạo nhân tài bao giờ cũng lấn át ý nghĩa của một nơi cúng tế.
 
 Về mặt di tích mà nói, thực tế 2 vườn bia Tiến sĩ ở 2 bên giếng Thiên Quang là nơi bảo tồn những di tích quý nhất của cả khu di tích lịch sử này. 82 tấm bia Tiến sĩ hiện còn có giá trị về nhiều mặt. Đây là những tư liệu văn tự qúy giá. Nhà sử học có thể tìm thấy ở đây những tư liệu về lịch sử giáo dục, nhà nghiên cứu triết học có thể tìm ở đây những chứng cớ để xác định vai trò của Nho giáo ở Việt Nam, thậm chí nhiều đồng bào đó đây khắp nơi trong nước cũng tới đây tìm tên họ một vị tổ nào đó thuộc dòng họ nhà mình xưa đã có tên trong khoa bảng.
 
 Đây còn là những tư liệu có hệ thống liên tục, ít nhất cũng trong vòng 3 thế kỷ (từ 1484 tới 1780) về kỹ thuật điêu khắc đá. Chỉ từ những tấm bia này thôi, người thiên cứu kỹ thuật có thể tìm hiểu đặc điểm của suốt thời nhà Lê và cũng từ đây rút ra tinh hoa của nghệ thuận dân tộc để phát triển áp dụng vào những công trình sáng tác hiện đại. Phong cách nghệ thuật trên từng tấm bia có niên đại chính xcas ở đây có thể làm bản mẫu cho người nghiên cứu so sánh để xác định tuổi cho nhiều di tích khắp nơi hoặc đã bị tàn phá, hoặc không có năm tháng ghi theo.
 
 Đã có nhiều bài nghiên cứu viết về bia Tiến Sĩ, song việc khai thác tư liệu của 2 vườn bia đâu có thể coi như đã hết.
 
 Ngay từ ngày đầu độc lập tự do, Triều Lý đã chú ý tới việc thi cử kén chọn nhân tài. Năm Ất Mão, niên hiệu Thái Ninh năm thứ 4 (1075) đời vua Lý Nhân Tông mở khoa thi tuyến Minh kinh bác học. Lê Văn Thịnh người xã Đông Cứu, huyện Gia Bình (nay là huyện Gia Lương, tỉnh Hà Bắc) đỗ đầu và là vị Trạng nguyên đầu tiên của nước ta. Nhà Lý mới mở được 6 khoa thi. Buổi đầu dựng nền giáo dục, làm được như vậy tưởng cũng là rất cố gắng.
 
 Thời nhà Trần, khoa cử hưng vượng hơn, mở những khoa thi Thái học sinh và rất nhiều thần đồng đã xuất hiện. Năm Đinh Mùi, niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 15 (1246) đời vua Trần Thái Tông mở khoa thi đại tị đã cho đỗ 51 người, trong đó đỗ tam khôi là: Nguyễn Hiền, 13 tuổi, người huyện Thượng Nguyên (nay là Mỹ Lộc, tỉnh Hà Nam Ninh đỗ Trạng nguyên; Lê Văn Hưu, 18 tuổi, người huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa đỗ Bảng nhañ, Đặng Mã La, 14 tuổi người huyện Mỹ Lương (nay là Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây) đỗ Thám hoa.
 
 Nhân tài từ thời Trần càng ngày càng đông.
 
 Sang thời Lê các khoa thi mở càng nhiều và càng đều đặc. Những thời trước 6,7 năm mới có một khoa, đời Lê Thái Tông cũng còn định 6 năm mở một khoa, nhưng tới Lê Thánh Tông, vị vua nổi tiếng về văn học đã định cứ 3 năm mở một khoa. Những người đỗ đều gọi là Tiến sĩ, ban mũ áo, cho dự yến tiệc, cho ngựa xê vinh quy. Lê Thánh Tông còn cho khắc tên các Tiến sĩ mỗi khoa vào bia đá bắt đầu từ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 (1442) dựng bia tại nhà Quốc học để khuyến khích nhân tài và còn lập sổ Đăng khoa lục ghi chép văn bia lưu trữ.
 
 Theo sự ghi chép của Đăng khoa lục thì từ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 cho tới khoa thi cuối cùng triều Lê tổ chức vào năm Đinh Mùi niên hiệu Chiếu thống năm thứ 1, tất cả có 124 khoa thi đình. Nếu chỉ kể các khoa thi Tiến sĩ mà không tính các khoa Đông Các hay Chế khoa thì số khoa thi cũng phải là117 (96 khoa triều Lê và 21 khoa triều Mạc). Số Tiến sĩ (tính tất cẩ 124 khoa) được đỗ lên tới 2260 người. Do tình hình triều chính có lúc hưng lúc vong mà việc thi cử có lúc thịnh lúc suy, song việc giáo dục đào tạo nhân tài nhìn chung có thể nói đã đi vào quy củ kể từ thời Lê trở lại.
 
 Việc khắc đá đề tên dựng bia Tiến sĩ có mục đích rõ ràng đã được nêu rõ trong tấm bia đầu tiên và cả trong hầu hết tất cả các bia Tiến sĩ. Bia đề tên Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 viết: “Cho nên lại ghi tên khắc đá, bày nơi cửa hiền tài, khiến kẻ sĩ phu trông vào mà sinh lòng hâm mộ phấn chấn, tự rèn luyện lấy danh tiết”. Hãy thử đem tên họ những người đỗ trong một khoa này ra mà điểm lại, hạng người đã đem văn học chính sự ra mà tô điểm cho cảnh trị bình, hiến mình cho nước nhà trong mấy chục năm nay kể cũng khá nhiều, nhưng gián hoặc cũng có kẻ vì hối lộ mà mắc tiếng xấu, hoặc sa ngã vào lũ gian tham, hạng người này không phải không có, có lẽ vì đời họ chưa được trông thấy tấm bia này, ví thử được kịp thời trông thấy thì lòng thiện tất phải nảy nở mà lòng ác phải tắt ngấm, những mầm mống xấu xa kia hẳn không còn dám nảy mầm đâm rễ, xem thế thì việc dựng 1 tấm bia đá bổ ích rất nhiều, đối với kẻ ác thì là điêu răn đe, đối với người thiện là điều khuyến khích, dẫn việc dĩ vãng, mở lối tương lai, vừa để rèn luyện danh tiết cho sĩ phu, vừa để củng cố mệnh lệnh cho nhà nước”.
 
 Thời Lê, Nho học được tôn sùng, Nho giáo đã vượt qua Phật giáo và Đạo giáo mà ươn lên hàng thống trị. Giai cấp phong kiến tất nhiên đã lợi dụng Nho giáo, đào tạo lớp trí thức phục vụ cho mục đích, thống trị của mình. Nhưng nếu suy nghĩ quá giản đơn mà cho rằng những gì do giai cấp phong kiến đề xướng để phục vụ cho quyền lợi của chúng đều là tiêu cực, là phản động thì ở Việt Nam, những suy nghĩ đó có khi không tiếp cận được chân lý lịch sử. Lịch sử Việt Nam là lịch sử chống ngoại xâm liên tục. Vai trò của quần chúng nhân dân ở triều đại nào cũng tỏ rõ tác dụng quyết định sự sống còn của đất nước, tất nhiên cũng là sự sống còn của các triều đại vua chúa. Giai cấp trong kiến chính vì muốn giữ cương vị thống trị đã phải đáp ứng những tâm tư nguyện vọng và lý tưởng sâu sắc của quần chúng. Nhà Trần ở hội nghị Diên Hồng là đã nhận thức được vai trò của nhân dân trong lịch sử. Nhà Lê đánh bại quân Minh cũng không quên tổng kết:
 
 “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
 
 Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”
 
 (Bình Ngô đại cáo)
 
 Đất nước bao độ ngả nghiêng là bấy lần nhân dân đoàn kết một lòng đứng lên chèo chống. Chính vì những bài học lịch sử đó mà giai cấp thống trị dù muốn hay không cũng không thể khai thác được hết những gì tiêu cực của đạo Khổng hay nó một cách khác đạo Khổng một khi vào Việt Nam đã tùy lúc tùy thời, ít hay nhiều bị nhân dân hóa. Lời nói của Mạnh Tử: “Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” là bài học bức phải nhớ của giai cấp phong kiến Việt Nam.
 
 Vào thời đất nước có vua hiền trị nước như thời Hồng Đức, việc đào tạo của nhà trường cốt tìm người: “Nhậm chức kỷ cương thì nghĩ làm thế nào cho trong sạch gốc chín: giữ chức địa phương thì nghĩ làm sao cho tỏ đức vua mà thấu tình dân; giữ quyền sử mục thì nghĩa làm sao cho đầy đủ dân sinh mà bền gốc nước”. “Ngày thường thì dám nói ngan can thẳng, tôn trọng nhà vua, làm lợi cho dân; lúc có việc thì phải vì nước mà quên nhà thấy nguy thì không tiếc tính mạng”. Ngay cả lúc chế độ phong kiến đã mãn chiều xế bóng vào tời Cảnh Hưng thì, dù chỉ là chiêu bài, khoa cử vẫn không thể không nêu tiêu chuẩn cho kẻ sĩ: “Kẻ ngay thẳng, thuần hậu, cứng rắn, thanh cao đó là cái vinh dự của bi đá”. “Thẳng hoặc luồn cúi để cầu danh, nịnh hót để đắc dụng, thì ngọc bích có vết khăng thể che được, ngọc khuê có vết khó mà mài được; công luận ngàn đời, thật cũng đáng e sợ lắm thay”.
 
 Nền giáo dục Việt Nam cho dù ở bậc đỉnh chót, do giai cấp thống trị phong kiến trực tiếp nắm va nắm rất chặt, vẫn hoặc đậm hoặc nhạt tùy thời phải nêu lên mục đích đào tạo “vì nước vì dân”. Những tấm bia Tiến sĩ là minh chứng xác thực cho hiện tượng lịch sử này.
 
 * *
 
 *
 
 Vốn là những di vật có giá trị nhiều mặt, hơn nữa lại là một khối lượng tư liệu đồ sộ có hệ thống, có niên đại rõ ràng nên nhiều nhà nghiên cứu xưa nay đã bỏ nhiều công nghiên cứu.
 
 Nhưng lịch sử đã trải qua nhiều phen dâu bể, những tấm bia Tiến sĩ cũng nhiều lần bị hư hỏng hoặc mất mát. Riêng vấn đề số lượng thực của những tấm bia cũng đã là một ẩn số gần như không giải được cho những nhà nghiên cứu.
 
 Bài ký đề tên Tiến sĩ khoa Mậu Dần, niên hiệu Quang Thuận năm thứ 3 (1518) viết: “Đặc biệt sai các quan chức kiểm tra các bia đề tên Tiến sĩ của các khoa triều Lê trước, khoa nào đã có bia mà bị vư lở thì lập lại bia khác, khoa nào đáng ghi mà chưa có bia thì lập thêm mới”. Bia khoa Nhâm Tuất niên hiệu Cảnh Thống năm thứ 5 (1502) ghi rõ: “Lập lại niên hiệu Đại Chính năm thứ 7 (1536). Như vậy tính từ năm bắt đầu chế độ dựng bia (1484) mới 52 năm, tính từ khoa bắt đầu được dựng bia (1442) mới được 29 khoa, nói cách khác khi mà số bia mới dựng được 29 tấm thì hiện tượng đổ vỡ mất mát đã có. Vậy số lượng bia thực có ngay từ đầu thế kỷ 16 đã là điều đáng phải tra cứu rồi.
 
 Ngày nay số bia còn lại chỉ là 82 tấm, mà số khoa thi các loại đã tổ chức lại tới 124 khoa. Tổng số bia đã được dựng xưa nay thực có bao nhiêu, quả đáng được gia công nghiên cứu.
 
 Bài sớ của nông dân trại Văn Chương xin vua Quang Trung dựng lại bia đề tên Tiến sĩ trong nhà Giám có viết:
 
 Bia Tiến sĩ dựng trong Văn Miếu
 
 Khởi từ năm Đại Bảo thứ 3
 
 Xí vào Nhâm Tuất hội khoa
 
 Thái tổng ngự trị thuộc nhà Hậu lê.
 
 Rồi từ đó lệ về Quốc Giám
 
 Trải ba trăm ba mươi tám năm ròng
 
 Đến năm thứ 40 niên hiệu Cảnh Hưng vua Hiến Tông
 
 Là khoa Kỷ Hợi cuối cùng hết bia
 
 Tính gồm lại số bia trong Giám
 
 Cả trước sau là tám mươi ba
 
 Tài liệu nói trên ít nhất cũng cho ta biết vào thời Tây Sơn, con số bia đã dựng là 83, chứ không phải 82 như số bia hiện còn.
 
 Tháng 4 năm 1976 Viện Khảo cổ thuộc Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam phối hợp cùng với phòng Bảo tồn bảo tàng thuộc Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội đã khai quật được một con rùa đá, đế của một tấm bia Tiến sĩ khoa nào đó, chìm dưới lòng hồ bên phía cửa Bi Văn. Rùa được làm bằng loại đá cát màu xám trắng. Thân rùa dài 1m15, rộng 1m05. Lưng rùa mài nhẵn, sống lưng là một đường gờ nổi sắc cạnh. Lỗ cắm bia trên lưng rùa dài 0m75m, rộng 0m25 và sâu 0m14. Rùa bị cụt mất phần đầu. Nhìn chung rùa có phong cách tạc như rùa ở những bia dựng vòa niên hiệu Thịnh Đức năm thứ 1. Có thể dễ dàng khẳng định rằng đây là con rùa đế của một tấm bia Tiến sĩ. Tấm bia vẫn chưa tìm thấy, song việc tìm thấy con rùa đế bia đã giúp khẳng định con số 83 tấm bi trong bài sớ của nông dân trại Văn Chương là đúng.
 
 Ngày 6 tháng 10 năm 1990, trong khi tu sửa, cạp lại hồ nước, lại phát hiện thêm một con rùa đế bia nữa chìm dưới lòng hồ. Rùa bị vỡ đàu và cụt phần đuôi, dài 1,36m rộng 0,8m dày 0,24m. Rùa mang phong cách những rùa tạc vào những năm Đại Chính, khoảng đầu thế kỷ XVI. Như vậy số bia tiến sĩ lại đã có thể nâng lên con số 84 một cách chắc chắn bằng hiện vật thật.
 
 Vào niên hiệu Đại Chính năm thứ 7 có việc lập lại bia hỏng, lập bia mới, và thực sự trong 82 tấm bia còn có 1 tấm ghi rõ là được lập lại năm này (bia Khao Nhâm Tuất niên hiệu Cảnh Thống năm thứ 5), như vậy, cứ lý mà suy thì từ năm này trở về trước, tất cả mọi khoa thi đều phải dựng bia tất cả, thế nhưng riêng khoảng thời gian này tính ra đã thiếu mất 15 tấm bia.
 
 Đại Chính là niên hiệu của Mạc Đăng Doanh. Vua nhà Mạc tất phải coi trọng trước hết những khoa thi do triều Mạc tổ chức, song thực tế là cả 21 khoa thi triều Mạc ngày nay chỉ còn 1 tấm bia khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Minh Đức năm thứ 3 (1529) thời Mạc Đăng Dung. Cũng có thể do thù hằn họ Mạc cướp ngôi mà các vua nhà Lê thời Trung Hưng đã húy bỏ những tấm bia các khoa thi dưới triều Mạc, tuy nhiên, dù nguyên nhân gì chăng nữa chỉ sự có mặt của những tấm bia đề tên Tiến sĩ thời Mạc tất là điều có thể khẳng định.
 
 Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết vào tháng 12 niên hiệu Hồng thuận năm thứ 3 (1511) “dựng 2 bia đề tên Tiến sĩ đỗ khoa Ất Sửu, niên hiệu Đoan Khánh năm thứ 1 và khoa Mậu Thìn, niên hiệu Đoan Khánh năm thứ 4. Cả 2 bia này ngày nay không còn, song cỏ thể khẳng định rằng 2 khoa thi nói trên đã được dựng bia và 2 tấm bia đã mất.
 
 Vào niên hiệu Thịnh Đức năm thứ 1 (1653) Lê Trần Tông cho dựng một đơt bia có quy mô lớn nhất trong lịch sử dựng bia đề tên Tiến sĩ. Từ thời Trung Hưng, trải qua 5 đời vua ( Trung Tông, Anh Tông, Thế Tông, Kính Tông, Thần Tông) đã mở 26 khoa thi (chỉ tính riêng các khoa do triều Lê mở) nhưng chưa dựng được 1 tấm bia nào. Thần Tông bèn ra lệnh cho lập lại tất cả mọi bia của các khoa từ khoa Giáp Dần, niên hiệu Thuận Bình năm thứ 6 (1954) đời Lê Tông cho tới khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Khánh Đức năm thứ 4 (1652). Số bia hiện còn trong đợt dựng này chỉ có 25 tấm. Tấm thiếu là thuộc khoa Giáp Tuất, niên hiệu Đức Long năm thứ 6 (1634). Ta có thể khẳng định con rùa đá cụt đầu tìm thấy hồi tháng 4 năm 1976 nói trên la đế trên của tấm bia khoa Giáp Tuất (1634), vì một lý do nào đó đã bị phá hoại và tấm bia tren lưng rùa cũng bị lạc cho tới nay chưa tìm thấy. Nguyên nhân nào gây nên sự vắng mặt 42 tấm bia (nếu keertaats cả mọi khoa thi Đình) hoặc 35 tấm bia (nếu chỉ kể các khoa Tiến sĩ).
 
 Có người nói: có lẽ do họ Mạc phá hủy những tấm bia có ghi tên những Tiến sĩ tiết nghĩa của nhà Lê. Giả thuyết này khó vững vì nhà Mạc đã từng có lệnh lập lại những bia đã hỏng hoặc lập mới những bia còn thiếu. Bia khoa Nhâm Tuất (1502) được lập mới hiện còn là những bằng chứng rõ ràng.
 
 Có người nói: có thể do các vua Lê thời Trung hưng đã phá hủy các tấm bia thời Mạc. Ý kiến này phần nào có giá trị thuyết phục hơn vì triều Mạc luôn luôn bị coi là một ngụy triều và thực tế là bia các khoa thi triều Mạc, trừ 1 tấm niên hiệu Minh Đức năm thứ 3 còn tất cả đều đã mất, song chỉ sự có mặt của 1 tấm triều Mạc cũng đủ gây nên mói hoài ghi đối với giả thuyết này.
 
 Có người cho rằng: quân Tây SƠn khi kéo vào Thăng Long đã phá hủy bia và nhà bia. Điều này được thể hiện qua lời phê của Nguyễn Huệ vào bài sớ của nông dân trại Văn Chương:
 
 Thôi thôi, thôi việc đã rồi,
 
 Trăm nghìn hãy cứ trách bồi vào ta
 
 Ngày mai dọn lại nước nhà,
 
 Bia nghè lại dựng trên tòa muôn gian
 
 Cơ đồ họ Trịnh đã tan,
 
 Việc này cũng đừng đổ oan cho Trịnh Khải.
 
 Qua đây ta chỉ có thể khẳng định việc làm đổ bia và nhà bia là do quân Tây Sơn, song tổng số 83 tấm bia có trước khi quân Tây Sơn vào Thăng Long đâu đã đủ so với số khoa thi đã tổ chức. Vây sự mất mát đâu phải do quân đội Tây Sơn?
 
 Cũng có người cho rằng: Nhân dân một số nơi, nhân lúc loạn ly đã tới chuyển những bia có tên tổ tiên họ mang về quê hương mình. Điểm này chỉ hoàn toàn là ước đoán mà chưa hề có bằng chứng nào đáng tin cậy.
 
 Trăm năm bia đá cũng mòn
 
 Sự hủy hoại của thiên nhiên tất không tránh khỏi. Song nếu tấm bia đầu tiên dựng năm 1484 mà còn, thì chắc chắn gió mưa chưa thể làm tiêu tan mất hẳn một tấm bia nào, có chăng chỉ làm mòn, làm nứt mà thôi. Vậy nguyên nhân mất mát tất không ngoài sự phá hủy hoặc di chuyển của con người.
 
 Những tấm bia còn lại có nhiều bia bị đục mất một số chữ, thường là hàng ghi chức tước và có tên các chúa Trịnh, và một số tên các Tiến sĩ. Việc đục này xảy ra vòa hồi Minh Mạng ngư giá Bắc tuần năm 1821. Khi quá Giám, Minh Mạng thấy tên các chúa Trịnh trên bia ngang hàng với vua Lê, cho đó là tiếm lạm, mặt khác sẵn lòng căm thù chúa Trịnh, đã hạ lệnh cho đục đi. Đây là một hành động quen thuộc của các vua nhà Nguyễn. Rất nhiều di vật triều Tây Sơn bị đục tên niên hiệu hoặc bị phá hủy, những bia Tiến sĩ ở Huế cũng bị đục bỏ tên các Tiến sĩ yêu nước như Đinh Văn Phác, Phạm Như Xương, Tống Duy Tân, Phan Đình Phùng v.v…
 
 Theo bảng thống kê các khoa thi đình triều Lê đã nên trên thì 42 khoa thi không bia gồm những khoa số 3, 4, 7, 8, 12, 14, 15, 17, 19, 20, 24, 25, 26, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 36, 37, 38, 39, 41, 42, 43, 44, 46, 48, 50, 51, 53, 55, 68, 77, 84, 102, 121, 122, 123, 124.
 
 Trong bài “Nguyễn Huệ với bia tiến sĩ ở Văn Miếu Hà Nội” đăng trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 47, tháng 1 năm 1963, Trần Văn Giáp đã “không kể các khoa Đông các và Chế khoa” để tính số bia nên có và đưa ra khả năng số lượng bia còn thiếu là 35 tấm. Ý kiến này chắc là không đúng. Nếu đọc tất cả những tấm bia hiện còn thì các khoa thi Chế khoa, gồm 4 khoa (khoa Giáp Dần năm 1554, khoa Ất Sửu năm 1565, khoa Đinh Sửu năm 1577, khoa Đinh Mùi năm 1787) duy chỉ có khoa cuối thuộc đời vua Lê Chiêu Thống là không có bia còn đều đã dựng bia và hiện còn đủ.
 
 Rồi cuối cùng Trần Văn Giáp lại chỉ căn cứ vào bài sớ của nông dân trại Văn Chương mà khẳng định “Vậy trừ số hiện nay ta có là 82, chỉ còn thiếu 1 bia không biết về năm nào, các nhà khảo cổ chỉ phải thăm dò và tìm thêm 1 bia đó”.
 
 Khảo cổ học đã tìm thấy rùa để bia số 83 rồi lại thêm rùa số 84 nữa. Phải chăng công việc tìm kiếm đã đến lúc kết thúc?
 
 Lòng đất lúc nào sẽ trả lại cho ta, và có trả đủ hay không, những tấm bia còn thiếu, điều khó thể nói trước. Song việc cần biết số bia thực có là bao nhiêu, thiết tưởng nếu không đủ tư liệu để nêu một cách chính xác tuyệt đối thì cũng cần phải biết con số gần sự thật nhất.
 
 Số khoa thi không thấy có bia đã kê trên đây gồm 42 khoa. Trong số đó bao nhiêu khoa không được dựng bia, bao nhiêu khoa có dựng bia nhưng bia đã mất? Lần tìm sử sách, chúng ta có thể thu hẹp phạm vi nghi vấn đó lại rất nhiều.
 
 Như chúng ta đã biết, chế độ dựng bia đề tên tiến sĩ bắt đầu từ năm 1484, dưới triều Lê Thánh Tông. Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: “Giáp Thìn, năm thứ 15 (1484)…Mùa thu, tháng 8…ngày 15 dựng bia đề tên các Tiến sĩ với bài ký, từ khao Nhâm Tuất năm Đại Bảo thứ 3 triều Thái Tông đến giờ còn chưa dựng bia đề tên các khoa Tiến sĩ, sai Thượng thư Lễ bộ Quách Đình Bảo biên rõ danh thứ các Tiến sĩ đỗ khoa Nhâm Tuất năm Đại Bảo thứ 3 triều Thái Tông, khoa Mậu Thìn năm Thái Hòa thứ 6 triều Nhân Tông, khoa Quí Mùi năm Quang Thuận thứ 4, khoa Bính Tuất năm thứ 7, khoa Kỷ Sửu năm thứ 10, khoa Nhâm Thìn năm Hồng Đức thứ 3, khoa Ất Mùi năm thứ 6, khoa Mậu Tuất năm thứ 9, khoa Tân Sửu năm thứ 12, đến khoa Giáp hìn năm nay”.
 
 Rõ ràng đợt dựng bia thứ nhất, trong 12 khoa thi đã dựng bia cho 10 khoa, 2 khoa còn lại không dựng là khoa Quý Dậu, niên hiệu Thái Hò năm thứ 11 (1453) và khoa Mậu Dần, niên hiệu Diên Ninh năm thứ 5 (1458) (tức là những khoa số 3 và số 4trong bảng thống kê). Số bia hiện còn của 12 khoa này chỉ có 7 tấm. Như vậy có thê biết rằng những bia đã mất là 3 tấm thuộc các khoa số 7,8 và 12.
 
 Tuy nhiên vẫn tồ tại nghi vấn là tại sao đựt dựng bia này, được sự ghi tỉ mỉ từng khoa, lại bỏ qua 2 khoa số 3 và 4?
 
 Theo sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn viết năm 1777 thì: “Bia đề tên Tiến sĩ của nước ta bắt đầu từ năm thứ 15 (1484) niên hiệu Hồng Đức…lại truy lập bia người đỗ Tiến sĩ các khoa về triều trước, nay hiện còn 11 bia mf thôi”. Như vậy vào thời Lê Quý Đôn vẫn còn 11 tấm, chỉ mất có 1 tấm, và cũng chứng tỏ rằng những khoa thi số 3 và 4 đêu đã được dựng bia.
 
 Về khoa Canh Tuất niên hiệu Hồng Đức năm thứ 21 (1490). Sách chép: “Canh Tuất, năm thứ 21…tháng 8 ngày 15, dựng bia đề tên Tiến sĩ khoa Canh Tuất năm Hồng Đức thứ 21”. Về khoa tiếp theo của đời Hồng Đức, khoa Quý Sửu (1493), sách chép “Quý Sửu, năm thứ 24…Mùa thu, tháng 8, ngày 19, dựng bia đề tên Tiến sĩ khoa Quý Sửu”. Như vậy các khoa số 14 và số 15 cũng đều được dựng bia và đã mất.
 
 Khoa thi số 17 (1499) được dựng bia ngay cùng năm đó. Sách chép rằng: “Kỷ Mùi, năm thứ 2…thngs 12…Dựng bia đề tên Tiến sĩ khoa Kỷ Mùi, năm Cảnh Thống thứ 2 ở cửa nhà Thái Học. Bia khoa số 17 đích xác đã được dựng và đã mất…
 
 Về khoa số 19 và số 20, ta gặp đoạn chép trong sách như sau: “Tân Mùi năm thứ 3 (1511)…Tháng 11…Năm ấy dựng 2 bia đề tên Tiến sĩ đỗ khoa Ất Sửu, năm Đoan Khánh thứ 1 và khoa Mậu Thìn năm thứ 4. Bấy giờ vua đã sai sửa nhà Quốc Tử Giám và làm mới nhà bia, bèn sai đông quan khắc đá, Thượng thư Đông các đại học sĩ nhập thị Kinh diên Đỗ Nhạc làm bài ký, Trung thư giám xá nhân Đỗ Như Chi viết chữ, tri Thượng bảo giám Bùi Thì viết chữ triện”. Hai khoa số 19 và 20 cũng đã được dựng bia và đã mất.
 
 Năm 1536, niên hiệu Đại Chính năm thứ 7, Mạc Đăng Doanh đã cho lập lại bia khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Cảnh Thống năm thứ 5 (1502), lập mới bia khoa Mậu Dần, niên hiệu Quang Thiệu năm thứ 3 (1518). Cứ lý mà suy thì những khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Đại Chính năm thứ 3 (1532) và khoa Ất Mùi niên hiệu Đại Chính năm thứ 7 (1535) là những khoa của chính triều Mạc Đăng Doanh trước năm 1536 cũng phải được lập bia, bởi vì chẳng lẽ Doanh đã lập bia các khoa triều vua Lê, lại không lập bia những khoa chính của triều mình?
 
 Tuy vậy do không có thư tịch chứng minh nên ta hãy cứ coi những khoa số 24, 25, 26, 28, 29 như không được dựng bia.
 
 Những khoa từ số 30 đến số 35, số 37 đến số 39, số 41, đến số 44, số 46, số 48, số 50, số 51, số 53, số 55 đều thuộc triều Mạc. Những năm này, chiến tranh Lê Mạc liên miên. Triều đình nhà Lê cũng mở một số khoa thi song cũng không dựng một bi nào ngay thời đó mà phải đợi tới sau Trung hưng vào thời Thịnh Đức, đời vua Lê Thần Tông (1653) mới dựng một đợt lớn gần ba chục tấm bia.
 
 Khoa số 68 là khoa Giáp Tuất, niên hiệu Đức Long năm thứ 6 (1634). Bên trên đã nói về con rùa đề bia số 83 tìm thấy hồi tháng 4 năm 1976 là thuộc bia này, vậy tuy chưa tìm thấy bia cũng có thể tin rằng bia khoa số 68 đã được dựng.
 
 Các khoa số 77, 84, 102 là những khoa thi Đông các. Đây không phải là những khoa thi Tiến sĩ, thường mở trùng năm với khoa Tiến sĩ như các khoa số 77, 84, hoặc sau 1 năm như khoa số 102. Nếu ta không thấy có bia của những khoa này, đó là điều không lạ bởi vì những khoa này không có chế độ dựng bia.
 
 Những khoa số 121, 122, 123, 124 mở vào cuối thời Cảnh Hưng và thời Chiêu Thống. Lúc này nhà Lê đã quá suy vi bốn khoa thi cuối của triều Lê mở ra cũng chỉ là chiếu lệ, khoa số 121 chỉ chọn được 2 người đỗ, khoa số 122 chọn được 5 người, khoa số 123 cũng chỉ 2 người. Theo tình hình chung, nên giáo dục rất đình đốn và việc không dựng bia kịp thời cho những kha này là phù hợp với thực tế. Chúng ta có thể yên tâm thấy rằng những khoa này không có bia.
 
 Như vậy trong 42 khoa không có bia trong vườn bia Giám chúng ta có thể biết chắc chắn rằng.
 
 1) Những khoa có thể khẳng định đã được dựng bia nhưng đã mất gồm 9 khoa số 7, 8, 12, 14, 15, 17, 19, 20, 68.
 
 2) Những khoa không được dựng bia gồm 33 khoa, trong này lại có thể chia làm 2 loại.
 
 a. Còn nghi vấn cần tìm thêm tư liệu xác minh là những khoa số 3, 4, 24, 25, 26, 28, 29. Cứ lý mà suy thì các khoa này nên được dựng bia.
 
 b. Khằng định không có bai: những khoa từ số 30 tới số 35, số 37 tới số 39, số 41 tới số 44, số 46, 48, số 59, số 51, số 53, số 55, số 77, số 84, số 121, đến số 124.
 
 Tóm lại với những căn cứ đã nêu, chúng ta có thể rút ra kết luận – tuy chưa thật chính xác nhưng đã gần chân lý hơn cả – rằng số lượng thực có của những tấm bia đề tên Tiến sĩ ở Quốc Tử Giám Hà Nội là 91 tấm.
 
 Muốn bổ sung đầy đủ cho Quốc Tử Giám những tấm bia “Nghè” quí giá, Khảo cổ học ít nhất phải tìm thêm 9 tấm nữa hoặc vẫn đang bị chôn lấp trong lòng đất khu vực Giám, hoặc đang ở một nơi nào đó nếu xưa kia đã có người di chuyển đi, chứ không phải chỉ tìm thêm 1 tấm.
 
 Tất nhiên không loại trừ khả năng những tấm bia còn thiếu có thể bị phá hoại từ thời xưa, vĩnh viễn không có hy vọng đặt trả chúng về vị trí vốn có.
 
 
 
 82 tấm bia còn lại tới ngày nay được xếp thành 2 khu vực ở 2 bên giếng Thiên Quang, mỗi khu 41 tấm dựng thành 2 hàng ngang. Bia được xếp theo một thứ tự thời gian hoặ triều đại, hoặc theo cỡ lớn nhỏ nào cả. Không những vậy nhiều tấm bai nọ dựng trên rùa kia khá tùy tiện. Bia nào cũng dựng lộ thiên không có gì che chở (Bản vẽ: Sơn đồ khu vực bia Tiến sĩ ở Quốc Tử Giám Hà Nội).
 
 Tấm bia đá dựng ở bên phải, trước cửa đền Khải Thánh cho hay: vào năm 1863 Bố chính Hà Nội là Lê Hữu Thanh đã cùng với Tổng đốc Hà Ninh Tôn Thất Hân và An Sát Hà Nội Đặng Tá, thu nhập những bia tả̀n mát dựng lại theo vị trí ngày nay, cho khắc lại một số bia sứt mẻ chữ mờ, và dựng 2 nhà bia 2 bên, mỗi nhà 11 gian để che mưa nắng. Nhà bia này không còn một mảy may dấu tích.
 
 Ngược lên nữa tới thời Tây Sơn, việc sắp xếp các bia Tiến sĩ được phản ánh qua bài sứ của nông dân trại Văn Chương viết năm 1789.
 
 …Dựng theo thứ tự từng khoa
 
 Bia kia 6 thước cách xa bia này
 
 Nhà bia đủ đông tây 10 nóc,
 
 Vuông bốn bề ngang dọc bằng nhau
 
 Mỗi bề hai chục thước tàu,
 
 Cột cao 10 thước có lầu chồng diêm
 
 Coi thể thế tôn nghiêm có một,
 
 Cửa ra vào then chốt quan phòng.
 
 Bốn quan phất phẩm giám phong,
 
 Ba cơ, bảy vệ canh trong canh ngoài
 
 Bia mới dựng đầy 2 nóc trước,
 
 Tám nóc sau còn gác lưu không
 
 Năm năm chờ đợi bảng rồng,
 
 Các quan bộ Lễ, bộ Công chiếu hành.
 
 Và ngược nữa tới thời Lê ta có thể tìm hiểu, tuy rất sơ lược, và nhà bia qua Kiến văn tiểu lục, sách viết năm 1777 của Lê Quý Đôn: “Văn Miếu; Cửa Đại Thành 3 gian 2 chái, lợp bằng ngói ống, Đông Vũ và Tây Vũ 2 đãy đều 7 gian, đằng sau nửa nhỏ 1 gian, điện Canh phục 1 gian 2 chái, có tường ngang, lợp bằng ngói ống, nhà bia phía đông và tây đều 12 gian, kho đê ván khắc sách 4 gian, ngoại nghi môn 1 gian, xung quanh đắp tường, cửa hành mà ngoài tường ngang 3 gian, nhà Minh Luân 3 gian 2 chái…”
 
 Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết vào tháng 11 niên hiệu Hồng Thuận năm thứ 3 vua Lê Tương Dực: “Sai Nguyễn Văn Lang sửa lại điện Sùng Nho ở Quốc Tử Giám và 2 giải vũ, 6 nhà Minh Luân, phòng bếp, phòng kho, cùng làm mới 2 nhà bia bên đồng bên tây, mỗi gian tả hữu đều để 1 tấm bia”. Việc làm mới 2 nhà bia này có thể là lần đầu tiên dựng nhà bia, cũng có thể là làm thêm 2 nhà bia mới. Dù sao thì tư liệu ghi chép về nhà bia này cũng là tư liệu sớm nhất thấy được trong các cuốn sử cổ.
 
 Tóm lại những tư liệu về nhà bia cho hay, bia Tiến sĩ được tất cả các triều đại bảo quản chu đáo: việc dựng nhà bia, việc khắc đá dựng bia cùng với việc tổ chức thi cử, tu sửa Quốc Tử Giám là những việc biểu hiện ý chí khuyến khíc tôn sùng việc học của các triều đại thời phong kiến.
 
 Chủ trương dựng bia bắt đầu có từ niên hiệu Hồng Đức năm thứ 15 (1484) nhưng thời gian dựng bia cho các khoa hầu như không có quý định rõ rệt. Có những khoa dựng bia ngay sau khi khoa thi kết thúc như khoa Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức năm thứ 18 (1487), có khi hàng trăm năm sau, hàng 28 khoa thi sau mới dựng một đợt bia quy mô như niên hiệu Thịnh Đức năm thứ 1 (1653) dựng những bia từ khoa Giáp Dần, niên hiệu Thuận Bình năm thứ 6 (1554) cho tới khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Khánh Đức năm thứ 4 (1652).
 
 Nhìn chung khoảng thời gian từ năm 1554 tới năm 1715 là thời gian dựng bia thưa nhất. Thời gian này đúng vào lúc nhà Mạc cướp ngôi dựng nên triều Mạc, chiến tranh Lê – Mạc liên miên, tiếp đó lại chiến tranh Trịnh – Nguyễn kéo dài, tình hình chính trị, kinh tế trong nước không ổn định, do đó việc học cũng sao lãng không bằng những năm trước./.

(Cẩm nang tri thức Thăng Long/Vietnam+)