Lễ hội “Tứ Bất Tử”

Tứ Bất Tử là bốn vị thần bất tử trong hệ thống điện thần của người Việt, gồm Tản Viên Sơn Thần, Chử Đạo Tổ (Chử Đồng Tử), Thánh Gióng và Liễu Hạnh Thánh Mẫu. Thực ra mỗi vị thần trên đã tạo nên một hình thức tín ngưỡng riêng, mang đậm tính Đạo giáo dân gian, nhưng quan niệm “Tứ Bất Tử” mang tính chất như một hệ biểu tượng Việt Nam, được tạo nên do nhu cầu xây dựng hệ ý thức thời phong kiến tự chủ Đại Việt. Do vậy, không có tín ngưỡng Tứ Bất Tử, mà chỉ có hệ ý thức Đại Việt mang tên Tứ Bất Tử. Tuy nhiên, từng vị thần trong Tứ Bất Tử lại cấu thành những tín ngưỡng và cùng với nó là sinh hoạt lễ hội.
 
 Lễ hội tưởng niệm các vị thánh Tứ Bất Tử trên địa bàn Thăng Long – Hà Nội diễn ra vào các dịp mùa xuân: thờ Tản Viên Sơn Thánh ở làng Tầm Xá (Đông Anh) vào dịp 12 tháng ba (AL), thờ Thánh Gióng ở hôi Phù Đổng mồng 8 tháng ba (AL), hội Chử Đồng Tử ở làng Chử Xá (Gia Lâm) vòa tháng giêng và hội Phủ Tây Hồ thờ thánh Mẫu Liễu Hạnh vào dịp mồng 3 tháng ba (AL). Phần lớn các vị Thánh Bất Tử nêu trên đều được dân gian lịch sử hóa, gắn với các thời kỳ lịch sử xa xưa của dân tộc, nên trong lễ hội, ngoài các nghi lễ mang đậm tính chất Đạo giáo dân gian thì không khí lịch sử cũng được tô đậm.
 
 Ở Hà Nội cũng có một số lễ hội mang tính đặc thù mà ít nơi có như Hội thề ở đền Đồng Cổ ở phố Thụy Khê (Ba Đình) do Nhà nước tổ chức. Trong hội thề, cả vua, quan đều tham dự để tỏ lòng trung hiếu của mình với sự chứng giám của thần linh.
 
 Một hội khác cũng đặc biệt, đó là Hội Chùa Láng (Đống Đa), núp dưới hình thức hội chùa nhưng trong đó chứa đựng nội dung đấu thần, giữa Từ Đạo Hạnh đánh sư Đại Điên để trả mối thù giết cha mình là Từ Vinh.

(Cẩm nang tri thức Thăng Long/Vietnam+)