Một số đặc trưng của lễ hội Hà Nội

1. Khác với nhiều thành phố trên thế giới, nhất là các thành phố phương Tây, Hà Nội còn thể hiện khá rõ mối quan hệ gắn bó với nông nghiệp, nông thôn. Vào những năm đầu thế kỷ XX, làng xã còn bao quanh trung tâm Hà Nội, thậm chí nhiều làng vẫn nằm trong lòng Hà Nội. Do vậy, hơn rất nhiều lĩnh vực sinh hoạt vật chất và tinh thần khác, lễ hội Hà Nội thể hiện tính chất lễ hội nông nghiệp, quy mô mang tính hội làng. Đây là chưa kể, trong tổng sô trên dưới 200 lễ hội đang sinh hoạt hiện nay, đa phần vẫn là hội làng của các huyện ngoại thành. Cũng vì lí do như vậy, cuốn sách giới thiệu lễ hội Hà Nội của Lê Trung Vũ chủ biên được mang tên “Hội làng Hà Nội”.

Tính chất lễ hội nông nghiệp, quy mô hội làng của Hà Nội không chỉ thể hiện ở chỗ phần lớn các lễ hội tập trung ở làng quê ngoại thành, mà còn thể hiện trong quy cách thờ cúng, sinh hoạt lễ họi. Ví dụ, một trong những nét đặc trưng của Hà Nội là các phường nghề, phố nghề, thì phần lớn các vị tổ nghề hiện thờ phụng ở Hà Nội đều “di cư” từ thôn quê ra, thậm chí có phố nghề vẫn thờ cúng tổ nghề ở thôn quê nơi đất gốc trước khi vào Hà Nội. Trong sinh hoạt lễ hội, ngoài việc các đám rước bị hạn chế do địa hình nơi đô thị không có điều kiện tổ chức, thì còn lại mọi sinh hoạt khác gần như giữ nguyên xi như ở nông thôn. Thậm chí, một số nghi lễ, phong tục trong nghi lễ và lễ hội còn duy trì bền chặt hơn cả ở làng quê, do những năm gần đây, điều kiện duy trì các phong tục cũ ở đô thị thuận lợi hơn ở làng xã. Nếu như các nhà lí lận văn hóa hay nói về hiện tượng văn hóa “hóa thạch ngoại biên”, thì lại cũng có hiện tượng ngược lại, văn hóa vẫn có hiện tượng “hóa thạch trung tâm”. Thí dụ, tục thi cỗ bảy tầng, vốn là văn hóa ở làng xã, nhưng nay ít có làng xã nào giữ lại được, trái lại trong lễ hội đền Kim Liên tục đó vẫn được duy trì cho tới nay.

Việc duy trì tính chất nông thôn, làng xã đậm nét trong lễ hội Hà Nội, cùng với các sinh hoạt văn hóa dân gian khác, tạo nên nét độc đáo của văn hóa đô thị Hà Nội mà chúng ta cần gìn giữ, bảo vệ.

2. Dường như trái ngược với điều khẳng định trên, nhưng lại là điều trái ngược hợp lôgic, đó là lễ hội của Hà Nội cũng thể hiện tính chất đô thị, nhất là đô thị đầu nào trong xã hội phong kiến cũng như xã hội hiện nay. Thăng Long – Hà Nội là vùng đất cổ xưa, ngay cạnh đất Kinh Bắc, nên đã kế thừa và nâng cao được truyền thống văn hóa của vùng đất vốn được xem là tinh hoa của văn hóa Đại Việt. Các tư liệu cổ của nước ta còn ghi chép các lễ hội Thăng Long – Hà Nội có từ lâu đời gắn với các tín ngưỡng và tôn giáo, như Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo (tam giáo) cũng như các tín ngưỡng Thành hoàng ở các đình làng, thờ các Phúc thần ở các đền miếu.

Các lễ hội ở Thăng Long – Hà Nội thường có xu hướng phong kiến hóa và cung đình hóa, thể hiện rõ dấu ấn của nhà nước đối với hoạt động mng tính nghi lễ này. Thí dụ, hệ thống lễ hội về Tứ trấn thần (Cao Sơn, Bạch Mã, Linh Lang, Trấn Vũ) là một sự quy tụ từ rất nhiều hình thức tín ngưỡng dân gian để hình thành một hệ thóng thần linh phù trợ cho Kinh đô Thăng Long. Rồi lễ hội Gióng, vốn là thờ một vị Thần sấm của nghi lễ nông nghiệp ở một làng vùng Kinh Bắc, từ thời Lý, với vai trò của Lý Công Uẩn, được quy tụ và nâng cấp thành lễ hội mang tính quốc gia và xây dựng thành hình tượng Thánh Gióng, anh hùng chống ngoại xâm. Lễ hội Gò Đống Đa cũng đã có sự chuyển hóa từ một nghi lễ thờ cúng linh hòn của giặc nhà Thanh bại trận để chúng không quấy phá dân lành, thành một lễ hội tôn vinh người anh hùng chống ngoại xâm Quang Trung…

Hệ thống nghi lễ của các phố nghề của Hà Nội cũng là nét đặc thù của hệ thống lễ hội mang đậm chất đô thị. Do tính chất Thăng Long – Hà Nội là trung tâm nên chúng ta cũng chứng kiến các nghi lễ và hình bóng lễ hội của các vùng khác đã được tích hợp về đây. Thí dụ đền thờ Đồng Cổ vốn có nguồn gốc ở Thanh Hóa, được đưa về Hà Nội, trong đó một trong hai đền được biến thành nơi tổ chức hội thể hàng năm của triều đình Đại Việt. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể thấy sự tinh lọc của các trò diễn dân gian trong lễ hội từ các vùng quê khác mang về Hà Nội với những nét tinh xảo hơn, thanh nhã hơn.

3. Thăng Long – Hà Nội là đô thị trung tâm, đầu não chính trị của cả nước, nên hệ thống lễ hội ở đây thể hiện tính đa dạng cao. Như đã nói ở phần trên, khi trình bày về các lễ hội tiêu biểu của Hà Nội, chúng tôi đã đưa ra nhiều hệ thống lễ hội khác nhau, nh các lễ hội Tứ trấn thần, lễ hội thờ Phúc thần – các anh hùng chống ngoại xâm, các lễ hội về Tứ Bất Tử (bốn vị thần bất tử), lễ hội Đạo Mẫu, lễ hội các Thành hoàng làng, lễ hội các Thánh sư tổ nghề, các lễ hội liên quan tới Phật giáo, lễ hội Công giáo, Tin lành, Cao Đài… Có thể nói, lễ hội Hà Nội như là bức tranh thu nhỏ của diện mạo lễ hội của đồng bằng Bắc Bộ nói riêng và lễ hội cả nước nói chung.

Tính đa dạng của lễ hội Hà Nội nói lên nhiều điều. Trước nhất, Hà Nội là trung tâm, nó thu hút các sắc thái văn hóa lễ hội từ bốn phương, rồi trong môi trường chính trị - xã hội đô thị nó nhào nặn tạo nên bộ mặt lễ hội vừa mang tính chung với cả nước, vừa mang nét đặc thù của Hà Nội. Thứ hai, tính đa dạng về đời sống tín ngưỡng và lễ hội chứng tỏ tính hỗn dung và khoan dung tín ngưỡng và văn hóa cao của Hà Nội. Ở dây, trong một không gian đô thị không lớn, chúng ta không thấy sự kì thị, xung đột tín ngưỡng và văn hóa như ở nhiều nơi trên thế giới, đấy cũng là nét góp vào bộ mặt “hòa bình” của Thăng Long – Hà Nội. Về phương diện con người, chúng ta cũng có thể thấy được người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung, về phương diện đời sống tâm linh, tín ngưỡng thể hiện tính thực tế cao, họ không tôn sùng một vị thần linh tối thượng nào như một đấng cứu thế, mà đúng hơn là thần linh trở thành các lực lượng siêu nhiêu “phục vụ” cho đời sống con người.

4. Lễ hội Thăng Long – Hà Nội mang đậm chất dân gian, nó tồn tại và phát triển trong suốt thời gian dài hàng nghìn năm giữa lòng đô thị đầu não của cả nước. Ngày nay, trong xã hội hiện đại hội nhập toàn cầu, nó không hề bị cái “hiện đại” làm cho mai một, mà tồn tại bên canh cái hiện đại, cái quốc tế, như là một khía cạnh của bản sắc văn hóa dân tộc. Một lần nữa bộ mặt của lễ hội Hà Nội minh chứng cho sự tồn tại của văn hóa dân gian đô thị, văn hóa dân gian hiện đại, một vấn đề lâu nay được tranh luận trên cả phương diện lí luận và thực tiễn.

Trong đời sống xã hội hiện nay, lễ hội Hà Nội cần được coi như là một tiềm năng văn hóa, vừa để xây dựng và phát triển bộ mặt văn hóa đa dạng của thủ đô, vừa là cơ sở để quảng bá và phát triển văn hóa du lịch, nhất là Hà Nội đang gấp rút chuẩn bị cho cuộc đại lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

(Cẩm nang tri thức Thăng Long/Vietnam+)