Lệ làng Hà Nội

Nói đến Hà Nội là người ta nhớ ngay đến câu:

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài

Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.

Nét thanh lịch ấy được hình thành trải qua bao đời, nó ăn sâu vào máu thịt của mỗi người Hà Nội và cả những người từng sống và gắn bó với Hà Nội. Nét thanh lịch ấy thể hiện trong lời ăn tiếng nói, cách ứng xử với xóm giềng, với gia đình, bè bạn, với tất cả những gì diễn ra trong sinh hoạt đời thường, để rồi tạo nên một nếp sống đẹp, độc đáo, chỉ Hà Nội mới có. Và nếp sống đó được phản ánh khá rõ nét trong những điều ước, tục lệ, hương ước.v.v…mà có thể gọi theo một cái tên chung là “Lệ làng” Hà Nội.

Theo lẽ thường chỉ những làng xóm, thôn ấp ở nông thôn thì mới có “Lệ làng”. Nhưng Thăng Long – Hà Nội tuy là kinh đô, là đô thị lớn nhất của cả nước, song vẫn là “Kẻ chợ” của một “Kẻ quê”. Ở đó có những thôn làng phường phố đan xen và cùng nhau tồn tại qua trường kỳ lịch sử. Trong xã hội Việt Nam xưa các tổ chức này thường đặt ra những điều ước (lệ làng) để ràng buộc gắn kết kết với nhau đồng thời để điều hòa và giải quyết mọi vấn đề liên quan đến từng cá nhân từng cộng đồng/ Hà Nội không nằm ngoài cái chung đó. Điều đáng lưu ý là “lệ làng” do dân xây dựng nên, ngay tại địa phương, nó phù hợp và thích nghi với tình hình cụ thể của từng địa phương. Cho đến đầu thế kỷ XX do yêu cầu của Chính phủ Bảo hộ Pháp, các thôn làng phường phố của Hà Nội cũng như cả nước đã phải tự kê khai “lệ làng” của địa phương mình theo khuôn mẫu quy định. Hiện nay theo số liệu điều tra Hà Nọi cũ còn lưu giữ được gần 200 bản “lệ làng” bằng chữ Hán và chữ Nôm, bản có niên đại xưa nhất là “Tục lệ làng Tương Mai” lập ngày 30 tháng 3 niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 4 (1732).

Dân gian có câu “Phép vua thua lệ làng”, điều đó nói lên sức gắn kết của “lệ làng” đối với từng cộng đồng nhỏ, thậm chí nó có thể bỏ qua cả những luật lệ của triều đình phong kiến. Việ tìm hiểu, nghiên cứu về “lệ làng” Hà Nội giúp ta có thể hình dung được mọi mặt sinh hoạt xã hội – hay nói cách khác là thói người nết đất tất đa dạng của người Hà Nội xưa, rồi từ đó sẽ dễ dàng nhận thấy những mặt tích cực cần phát huy, những điểm hạn chế cần loại bỏ.

Điểm tích cực của “lệ làng” Hà Nội là những quy định rất rõ ràng chặt chẽ. Ai vi phạm “lệ làng” là vi phạm cả cộng đồng, sẽ bị xử phạt tùy theo mức độ nặng nhẹ. Đó chính là cơ sở để giữ yên lệ làng phép họ, giữ yên kỷ cương phép nước. Mà duy trì được kỷ cương phép nước chính là để xây dựng một xã hội có luật pháp, thì có lẽ một chính thể nào một xã hội nào cũng cần đạt tới.

Nhiều bản “lệ làng” Hà Nội đã hàm chứa nội dung rất tiến bộ nhằm giữ gìn và phát huy thuần phong mỹ tục của địa phương mình. Ngay trang đầu “lệ làng” phường Xã Đàn đã viết “…Dạy lòng kính để tôn trọng thánh thần, dạy lòng thuận để cho phong tục thuần hậu, dạy lòng hiếu để biết coi trọng nhân luân, dạy lòng dễ để biết phân biệt lớn nhỏ, khiến cho luân lý có trước có sau. Thận trọng suốt đời mà luôn ghi nhớ công lao người đi trước, tất cả những điều này chẳng gì không lấy dân làm gốc…Dù là công hầu khanh tướng, sĩ, nông, công thương, cũng đều từ làng quê mà ra cả. Nếu không nắm vững pháp luật, không lấy lễ nghĩa để răn giới, thì trâu bò lại lẫn với ngựa ký, mắt cá tưởng lầm ngọc châu, làm sao phân biệt được lơn nhỏ, lấy gì để định lập tôn ty…Cho nên tiếp thu điều phải mà vứt bỏ cái sai, trên dưới hợp hòa thì muôn việc đều thành”.

Có thể nói muôn mặt sinh hoạt đời thường của người Hà Nội đều được quy định ở từng điều mục cụ thể trong lệ làng, thí dụ: “Trong làng, các việc gian tham trộm cắp đồ vật của người khác, hay dâm bôn loạn luân, bất hiếu bất mục, đang có tang mà tụ tạp đàn hát xướng nhộn nhịp…thì quan viên Hương lão xã Thôn trưởng cùng nhau họp để xử phạt” (Tục lệ làng Tương Mai).

Mọi người sống hòa thuận gắn kết chặt chẽ với nhau trong tình làng nghĩa xóm. Mỗi người đều phải có trách nhiệm nghĩa vụ và quyền lợi với cộng đồng: “Gặp lúc khẩn cấp như nước to đê vỡ, hoặc hỏa hoạn trộm cướp, trừ những người 60 tuổi trở lên hoặc bệnh tật, yếu đuối, còn nghe hiệu lệnh lập tức phải đến cứu. Nếu ai biếng nhác không đến, hội đồng xét thực phạt từ 2 đến 5 hào. Trong khi làm việc chung ai bị thương thì làng cấp tiền chữa thuốc, bị trọng thương thành tật làng cho một xuất kỷ mục, bị thương đến nỗi chết thì làng cấp cho 20 đồng tiền tuất và cả làng đều phải đi đưa ma”. (Lệ làng Nam Đồng, nay thuộc quận Đống Đa, Hà Nội).

Nhìn chung trong các thôn làng phường phố, mọi người đều đối xử với nhau rất có văn hóa trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, lệ thôn Thổ Quan ghi rõ: “Bản thôn rất tôn trọng việc trên thuận dưới hòa. Nếu người trên lăng mạ kẻ dưới hoặc kẻ dưới không tôn trọng người trên, kiểm tra thây đúng sự thật thì kẻ dưới bị đánh 20 roi để răn đe, còn người trên thì phạt 1 quan tiền và 50 miếng trầu để giữ nghiêm lệ làng”. Đối với người già cả thì bất kể ở đâu cũng được kính trọng. “Cứ 10 năm 1 lần vào rằm tháng giêng biếu cho những cụ từ 70 tuổi trở lên mỗi người một chiếc mũ lụa màu vàng”. Còn đối với học trò “người nào đến tuổi đi học thì được miễn các việc như tuần phu, điếm phu để tập trung vào việc học hành. Ai gia cảnh nghèo khó nhưng hiếu học làng sẽ trích tiền công để chu cấp” (Lệ thôn Kim Mã).

Sở dĩ “lệ làng” có sức mạnh hơn cả “phép vua” bởi lẽ nó gắn chặt với cộng đồng mà tối lửa tắt đèn có nhau. Mọi người đều có chung quyền lợi và nghĩa vụ. Ai cũng tự hào vì mình là một thành viên của cộng đồng và thấy “sợ”, “xấu hổ” khi làm những việc sai trái ảnh hưởng đến mọi người. Ngược lại cộng đồng cũng đặt ra những biện pháp về kinh tế (phạt), đánh vào lòng tự trọng loại ra khỏi cộng đồng để ràng buộc và chế ngự lẫn nhau, khiến cho cuộc sống làng xóm phố phường nơi nào cũng thuần phác đôn hậu, yên bình. Ví dụ, lệ làng Ngọc Hà quy định: “Những điều cấm như buôn rượu lậu, hút thuốc phiện, mở sòng bạc và bài lá lấy hồ, những người phạm tội đó dù đã bị trị tội nhưng làm mất phong thể của làng, nên làng phạt không cho dự tế tự ở chốn đình trung và không được can dự và bất kỳ việc gì của làng”.

Có thể nói từ những quy định về vệ sinh trong ngõ xóm như: “Cấm không ai được vứt rác bẩn ra đường và làm nhà xí bên cạnh đường, trâu bò đi trên đường mà phóng uế ra thì phải dọn ngay, ai vi phạm bị phạt từ 1 đến 5 hào”. Hoặc “những đồ dùng của người ốm, người chết cấm không được vứt xuống hồ ao. Lại cấm không được làm chuồng lợn, chuồng tiêu cạnh hồ ao, đổ rác rưởi xuống hồ ao. Ai vi phạm bị phạt 3 hào” (Lệ làng Đông Trù – huyện Đông Anh). Cho đến việc tang ma: “Tang lẽ là việc đau buồn, thế mà người ta cứ quen thói làm cỗ bàn mời khách như đám hội thật là trái lễ. Nay làng bỏ thói đó đi…Tang chủ chỉ được mời những người hộ lễ và người giúp việc chứ không được làm cỗ mời làng. Dù là người trong giáp hay ngoài làng sau khi an táng xong thì vái tang chủ ngay ngoài mộ ròi về, không được vào nhà tang chủ ăn uống. Tang chủ cũng tạ ơn hàng giáp hay người làng ngay ngoài mộ, không được mời khách về nhà” (Lệ làng Đông Trù). Lại như cách đối xử với người tu hành thế nào cũng được ghi vào lệ: “Chùa trong phường do sư nữ trụ trì đèn hương thờ phật, là nơi vô cùng thanh tịnh. Phàm đàn ông trong phường không có việc gì mà ngày đêm cứ qua lại thấp thoáng trước ban thờ để dụ dỗ sư nữ. Còn đàn bà xúm xít vây quanh trong chùa để tìm cách kiếm chác. Bản phường bắt được, lập tức phạt đánh 50 roi. Ai biết mà lờ đi không báo thì cũng bị tội như thế, để giữ nghiêm khoán lệ” (lệ phường Xã Đàn).

Nếu loại đi tất cả những hủ tục như khao vọng chè chén, sự bất bình đẳng về ngôi thứ, sự khắc nghiệt đến tàn nhẫn đối với phụ nữ của ngày xưa, chắc rằng những điều mục trong “lệ làng” đã góp phần không nhỏ tạo nên nét thanh lịch, những thuần phong mỹ tục của người Hà Nôi.

Sau gần 60 năm giải phóng, Hà Nội đã và đang thay da đổi thịt. Người Hà Nội thanh lịch hôm nay không còn lo chuyện cơm no áo ấm mà đang tiến những bước dài hướng tới cuộc sống sung túc phong lưu. Đặc biệt đời sống văn hóa tinh thần không ngừng được cải thiện và nâng cao bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, để xứng tầm với một thủ đô văn hiến gần nghìn năm tuổi. Cùng với cả nước, Hà Nội đang thực hiện cuộc vận động “xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa”. Thực chất đây là sự kế thừa và tiếp nối truyền thống di sản văn hóa tốt đẹp của cha ông mà phần nào được thể hiện qua những phong tục tập quán, qua những “lệ làng”. Đồng thời tiếp thu những giá trị văn hóa mới để Hà Nội thanh lịch, cổ kính, nhưng không cổ hủ. Hà Nội văn minh, hiện đại nhưng không lai căng./.

(Cẩm nang tri thức Thăng Long/Vietnam+)