Hàn nhựa tồn tại như nghề chính thống đất kinh kỳ

Những chiếc xe máy - phương tiện đi lại hàng ngày bỗng chốc trở nên một tác phẩm nghệ thuật. Đã tồn tại và khẳng định như một thứ nghề trên đất kẻ chợ, Hà Nội giờ có hẳn một phố chuyên nghề làm đẹp cho những chiếc xe đắt tiền.

Đầu phố Cao Bá Quát, đoạn nối với đường Lê Duẩn, quen thuộc với hình ảnh những người thợ hàn nhựa lụi cụi cắt gọt, hàn. Còn nhớ, dân Hà Nội những ngày còn bao cấp, ai có được đôi dép nhựa trắng phau mua Mậu dịch quốc doanh được xem như mốt thời thượng. Dép đi chưa mòn thì quai đã đứt. Muốn có dép mới lại phải đợi đến kỳ tem phiếu sau nên nhiều người đành “vá chằng, vá đụp” đôi dép bằng dây thép, dây đồng.

Sau này, có nghề hàn nhựa, dép rách được tân trang. Bắt đầu từ việc nhiều bác “thợ cả” khéo tay, rỗi việc nghĩ ra cách hun nóng những miếng nhựa đắp vào chỗ dép đứt để đi. Từ hàn dép cho mình, các bác thợ nhận hàn tất thảy từ cái chậu, cái xô nhựa đến cả yếm xe máy.

Sinh sau đẻ muộn trong cái vựa trăm nghề nghìn nghiệp của đất Hà thành, nghề hàn nhựa tồn tại và lớn dần lên theo túi tiền của người dân thành phố. Đời sống không ngừng được cải thiện, số lượng đồ gia dụng đắt tiền xuất hiện trong các gia đình mỗi lúc một nhiều. Nhu cầu sửa chữa, hàn gắn các đồ bị hỏng hóc, nứt vỡ vì thế cũng liên tục gia tăng. Đó chính là cái cớ để giữ nghề hàn nhựa ở lại và tồn tại đến hàng chục năm như một thứ nghề chính thống giữa mảnh đất này.

Như muôn nghề khác, thứ nghề làm đẹp này cũng có đạo. Cái đạo giản đơn vốn là truyền thống của mỗi người Hà Nội, đó là luôn hướng tới cái đẹp khi bắt tay làm bất cứ công việc nào.

Bác Đông - một người thợ già có thâm niên “ôm” vỉa hè, kiếm sống bằng nghề hàn đồ nhựa ở đoạn phố Lê Duẩn nhớ lại: “Nghề hàn nhựa bắt đầu có tiếng tăm từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Lúc đó Hà Nội bắt đầu xuất hiện những chiếc xe Honda cup, gọi là xe đầu bằng, máy cánh, tay lái vểnh đời 79 - 80. Hầu hết xe nhập về đều là xe đã qua sử dụng. Trong quá trình sử dụng không thể tránh khỏi các sự cố va quệt, đụng chạm làm nứt, vỡ vỏ xe, nhất là yếm xe. Vì thế, xuất hiện nhu cầu hàn gắn những chiếc xe bị nứt vỡ”. Theo lời bác Đông, từ nhu cầu làm đẹp này, dần nghề hàn đồ nhựa được nâng cấp ở Hà Nội và tồn tại đến ngày nay.

Chẳng còn ai nhớ được cửa hàng làm nhựa đầu tiên xuất hiện ở Hà Nội khi nào. Có người khẳng định, từ 1 - 2 hàng chuyên làm nghề này ở mặt phố Cao Bá Quát, sau này cả phố Nguyễn Công Trứ, đầu phố Trần Phú, nhiều người cũng bắt chước làm theo.

Những người thổi hồn cho sắt

Giờ thì góc phố Cao Bá Quát yên tĩnh ngày nào đã sáng choang những cửa hiệu đèn chiếu xanh đỏ cả ngày. Phố chuyển mình từ hàn yếm xe máy, hàn nhựa sang một thứ nghề thời thượng là làm đẹp cho những chiếc xe máy thời trang.

Anh Hưng tuy mới ngoài 30 tuổi nhưng đã là một thợ dán xe lâu năm trên phố. Từng học Đại học Mỹ thuật Công nghiệp nên Hưng được các “thượng đế” đánh giá là dán xe rất có phong cách. Cửa hàng của Hưng lúc nào cũng dập dìu “cậu tú cô chiêu” thời mới với đỏng đảnh đủ các nhu cầu cho chiếc xế yêu của mình. Với phong cách thanh lịch của người phố cổ, câu cửa miệng của Hưng luôn là cảm ơn và không bao giờ nói "không".

Hưng tâm sự: “Khách hàng là thượng đế nên phương châm của cửa hàng là tuyệt đối không nói "không". Ví như khi khách yêu cầu màu sắc quá “độc”, tôi luôn từ chối lịch sự là đã hết hàng để họ có động lực quay lại cửa hàng mình. Những kỹ năng giao tiếp này tôi học được từ bà nội mình là một người bán hàng xén ở chợ Hàng Da”.

Không chỉ có thu nhập khá từ cửa hàng chuyên làm đẹp cho xe máy từ hàn yếm đến dán đề can, Hưng còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động khác. Có những người ở đây ban đầu chỉ làm việc đánh giày loanh quanh phố Cao Bá Quát nhưng Hưng đã nhận về đào tạo và truyền nghề, tạo cho họ công ăn việc làm ổn định.

Đã như một câu cửa miệng với cánh lao động ngoại tỉnh, đó là: sang nhất là được làm thợ dán xe, sửa xe, sau đó mới là bảo vệ và làm bưng bê. Đỗ Việt Hoàng, quê ở Hưng Yên cho biết: “Làm cái nghề này có tiền, được chủ nuôi, lại không mấy vất vả nên ở quê khối đứa mong được có việc làm như em”. Tính nhẩm ra, nếu chăm chỉ, những người như Hoàng sau vài ba năm tích góp cũng có được số tiền kha khá. Trước Hoàng, ở cửa hàng anh Hưng đã có không ít thợ sau một thời gian cũng tự tách ra về quê mở cửa hàng làm ăn riêng.

Thợ hàn phố Cao Bá Quát ngày nào đã tự nâng cấp trang bị cả mỏ hàn điện, mô-tơ để chà và đánh bóng yếm xe khi cần thiết. Họ nhận làm đủ thứ để biến chiếc xe của thượng đế thành những tác phẩm nghệ thuật đường phố.

Nghề hàn nhựa đã mai một dần một cách tự nhiên nhường bước cho một thứ nghề mới. Liệu đến một ngày, những đứa trẻ Hà Nội hôm nay có biết đến nghề hàn đồ nhựa qua bao câu chuyện kể.

Không nhiều người may mắn chớp thời cơ làm ăn như cánh thợ hàn trên phố Cao Bá Quát. Cánh thợ hàn nhựa cũ nhiều người đã chuyển nghề, hoặc vào các xưởng làm đồ nhựa, hoặc mở gara sửa xe máy, ô tô…

Đời sống vẫn như dòng chảy ngày càng được nâng cao, máy móc ngày một nhiều, linh kiện cũng luôn sẵn, người dân có nhiều sự lựa chọn cho mình để sửa chữa, thay thế đồ gia dụng hư hỏng. Nghề hàn nhựa đã mai một dần một cách tự nhiên nhường bước cho một thứ nghề mới. Liệu đến một ngày, những đứa trẻ Hà Nội hôm nay có biết đến nghề hàn đồ nhựa qua bao câu chuyện kể?

Như chứng nhân của một thời người dân Hà Nội vượt khó đi lên, những người còn giữ nghề hàn nhựa hôm nay vẫn tự hào với cuộc sống giản đơn của họ, góp phần không nhỏ hòa cùng nhịp đập thân yêu của phố phường./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)