Văn hóa mặc của người Hà Nội

“Văn hóa là một phức thể, tổng thể các đặc trưng diện mạo về tinh thần và vật chất, trí thức và tình cảm khắc họa nên bản sắc của cộng đồng gia đình, xóm, làng, vùng, miền, quốc gia, xã hội…” (UNESCO, 1994 - Văn hóa đại cương và cơ sở văn hóa Việt Nam” - giáo sư Trần Quốc Vượng - 1996). Vậy mặc – cách mặc là văn hóa - văn hóa mặc”.

Loài người từ thuở “ăn lông ở lỗ” cho đến thuở “con đóng khố, bố cởi truồng” hay là từ thuở chiếc khố lá vải mi - ni nhất sếch - sy nhất của bà Eva đến cái khố bẹ của phụ nữ Việt Nam thời văn hóa Đông Sơn là cả một quá trình lịch sử tiến hóa của nhân loại. Viện Bảo Tàng lịch sử Hà Nội còn lưu giữ được hai di vật rất quý của văn hóa Đông Sơn. Đó là một cái ấm tròn hình chim và một cán dao găm hình người. Về mặt tài liệu dân tộc học nó cho ta biết rõ ràng hơn y phục và trang sức của phụ nữ thời Đông Sơn. Cái cán dao găm hình người đứng, tay chống háng, tóc tết lại thả ra sau gáy, đầu bịt khăn để tóc phồng lên phía trên. Hai dái tai có vòng khuyên to, hai cổ tay đeo hai chiếc vòng. Tất cả y phục là một chiếc khố hình chữ nhật che phía trước bộ phận sinh dục. Trên ngực thấy hai vú tròn. Gương mặt có hai mắt tròn xoe. Còn cái ấm tròn hình chim thì đặc biệt là trên vòi ấm có hình ba người ngồi xổm, hai tay bó gối, tóc búi sau gáy, chít khăn ngang trán, hai tai đeo khuyên, dưới đóng khố, chân đi đất. Với dáng đứng ngồi, lối ăn mặc, đồ trang sức trên hình người ở hai di vật trên, tính chất dân tộc biểu lộ ra hết sức cụ thể rõ rêt, sinh động. Ngoài ra, trên vành thứ tư trong mười hai vành của mặt trống đồng Ngọc Lũ có hình một nhà sàn. Bên phải ngôi nhà có người tóc dài mặc váy có người hóa trang bằng lông chim gợi hình liên tưởng đến cái áo lông ngỗng cuả nàng Mị Châu thời Âu Lạc. Trên nhiều đồ đồng, đồ gốm Đông Sơn khác nữa lại có in dấu vải. Vải dây chưa hẳn là dệt bằng sợi bông mà có lẽ bằng vỏ cây sui ở Tuyên Quang. Hưng Hóa. Thời chiến khu bí mật – kháng chiến chống Pháp gian khổ, có người đã phải làm chiếc chăn đắp bằng vỏ cây sui:

Thương nhau chia củ sắn lùi

Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng

(“Việt Bắc – Tố Hữu”)

Sách “Lĩnh Nam chích quái” cũng chép: “Hồi quốc sơ, dân phải lấy vỏ cây làm áo, dệt cỏ gianh làm chiếu…Cắt tóc ngắn để đi lại trong rừng rú. Đẻ ra lấy là chuối lót cho nằm”.

Trống đồng, thạp đồng còn chạm khắc hình người Lạc Việt mặc áo chui đầu, cài khuy bên trái, đàn ông có khăn khố đàn bà có váy áo thêu. Sách Hậu Hán thư có chép: “Phàm các đất thuộc bộ Giao Chỉ, người không phân biệt trưởng ấu đều búi tóc ở gáy, lấy vỉa luồn qua đầu làm áo…”. Đến thế kỷ I sau công nguyên, Nhâm Diên bắt người nước ta ăn mặc như người Phương Bắc, theo chính sách đồng hóa cho nên áo mặc đang cài khuy bên trái phải đổi cách sang cài khuy bên phải.

Từ vải áo bằng vỏ cây sui, trình độ văn hóa mặc của ta đã phát triển đến một chất liệu mới là “vải chuối tiêu” còn gọi là vải “tiêu cát”. Sách Quang Chí của Trung Quốc có chép: “Ở Giao Chỉ thân cây chuối xé ra như tơ dệt thành vải gọi là “tiêu cát”, dễ rách nhưng đẹp, màu vàng nhạt. Cũng gọi là vải Giao Chỉ. Từ vải tơ chuối lại tiến lên một bước nữa là vải bông cây gạo mới gọi là vải cát bối sau gọi là vải cát bá. Sách Ngô Lục của Trương Bột chép rằng: “Huyện Yên Định ở Giao Châ có cây bông cao hơn một trượng, quả to như chén rượu da mỏng, trong ruột như mối tơ, sắc trắng bạch làm vải được…”. Cùng thời đó Sỹ Nhiếp đã nộp cống cho Ngô Tôn Quyền hàng nghìn tấm vải cát bá mịn. Như vậy là thời Bắc thuộc nghề dệt của ta văn hóa mặc của ta đã đạt tới một trình độ khá cao. Ngoài vải bông thô cò có vải cát bá mịn, lai còn dệt được khăn bông thêu hoa gọi là bạch diệp. Tiếp đến là trồng dâu nuôi tằm.

Bước sang thời kỳ độc lập tự chủ, người Việt Nam ta đã sản xuất được các loại hàng mặc cao cấp như lụa, gấm vóc, đoạn, đủ cho triều đình sử dụng, không phải mua hàng của nhà Tống. Sách Đại Việt sử ký toàn thư đã chép rằng: “Tháng 3 Canh Thìn (1010) vua Lý Thái Tông xuống chiếu phát hết gấm vóc của nhà Tống trong phủ cho các quan làm y phục. Ban cho quần thần từ ngũ phẩm trở lên thì được áo gấm, cửu phẩm trở lên thì được áo vóc, ấy là để tỏ ra rằng không mặc gấm vóc nước Tống nữa”. Rồi trăm năm sau (1156) Lý Anh Tông còn tặng nhà Tống đoạn màu vàng thẫm có thêu rồng cuốn”.

Đến đời Trần, nghề dệt càng phát triển. Người trong nước mặc lụa thâm cổ áo khâu bằng là. Đội khăn dệt bằng tơ nhuộm màu xanh thẫm.

Sang đời Lê, Đông Kinh chia thành 36 phố phường với những đặc điểm về nghề nghiệp về buôn bán khác nhau như phường Thụy Chương và Nghi Tàm thì dệt vải lụa sau lan ra hết vùng kẻ Bưởi. Phường Hàng Đào thì nhuộm điều. Nguyễn Trãi đã viết trong cuốn Dư địa chí năm 1435 về loại vải nhỏ đẹp hơn lụa để vào trong hộp tre đem đi tiến cống. Lê Quý Đôn trong cuốn “Kiến Vân Tiểu Lục” cũng ghi lại rằng”. Các xã Học Hồi, Thiên Mỗ, Ỷ, La, Trung Thụy và Đại Phùng có tài dệt lụa trìu, lĩnh và các loại lụa dày gọi là lĩnh vả hoặc gọi là láng. Còn như xã Mật cầu, phủ Quốc Oai thuộc xứ Tam Giang (Hà Tây) đã làm được các thứ hàng nói trên đủ các màu xanh, tím biếc, vàng, không kém gì Trung Quốc. Ở Đàng trong thời chúa Nguyễn nghề dệt cũng rất thịnh. Thuận Hóa dệt gấm, nhiều đỏ lĩnh trắng hoa tròn, Quảng Nam dệt lĩnh bóng v.v…

Các vùng ngoại ô kinh thành Thăng Long trước thế kỷ X nghề dệt vải, lụa, linh, the, như the La, nhiễu Mỗ vải Canh, lĩnh Cót tức lĩnh Giấy cũng là bốn làng có tiếng quanh kinh thành xưa (Mỗ - La – Canh – Cót, tứ danh hương) đã phát triển khá cao.

Trong Canh dệt được vải con

Nghĩa Đô nấu kẹo trẻ con nặn cò

Mai Dịch nặn được hỏa lò

Dưới Giấy dệt lĩnh để cho may quần.

(Ngạn ngữ ca dao Hà Nội)

Về sau lĩnh Bưởi lại nổi tiếng hơn theo truyền thuyết “Bái Ân” dệt hình rồng một tấm lĩnh chăng cao trên bến sông Tô để chào mừng và cảm tạ ơn vua và được vua ban cho cái tên Nghĩa Đô có ý khen dân ven đô có nghĩa. Nói chăng tấm lĩnh “Bái ân” đón vua chính là xóm Dâu, thôn Vạn Long và xóm Bãi gần làng Sài:

Làng Sài dệt lĩnh quay tơ.

Làng Sở chỉ có xuống hồ quanh năm

Vạn Long dệt cửi kéo hoa

An Phúc nấu kẹo mạch nha ngọt đường

(Ca dao ngạn ngữ Hà Nội)

Lĩnh trơn làng Bái làng Sài

Lĩnh hoa làng Giấy vành ngoài Tô Giang

Tìm hiểu sơ bộ về văn hóa mặc qua bốn ngàn năm lịch sử mới biết ông cha ta rất quan tâm đến mặc nên đã làm ra được nhiều thứ hàng bền đẹp không kém gì Trung Quốc như lụa là gấm vóc. Nhưng những người dệt ra gấm vóc, nhiều khi chỉ có quần nâu áo vải, khá lắm thì cũng cáo the khăn lượt. Vả lại không phải ai muốn ăn mặc kiểu gì màu gì cũng được. Các triều đình phong kiến đặt ra bộ Lễ để quy định việc đó. Và chỉ nhà vua mới được mặc áo màu vàng đó cũng là bắt chước Trung Quốc. Như đời Tấn từ thiên tử đến dân thường đều mặc áo trắng, chỉ có nhà sư là mặc đồ thâm. Đời Tùy Văn đế mới bắt đầu dùng mầu vàng làm mầu áo cho mình. Từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ X nhà Đường còn quy định cụ thể từng loại mầu. Mầu vàng để kính vua, thiên hạ không ai được mặc mầu ấy. Quan lại thì lấy các mầu đỏ sẫm, tía, lục, xanh làm thứ bậc phẩm phục còn thường dân thì tất cẩ phải mặc trắng. Nước ta cũng như thế. Xưa kia dân ta “mặc đồ trắng, đàn bà đều chít khăn trắng, người nào chít khăn đỏ, chúng thấy cho là quái gở” (Lê Quý Đôn). Đến đời Lê mới lấy củ nâu nhựa giã nhỏ nhuộm thành mầu nâu bầm, hoặc mầu nâu non nhưng biến thành mầu đen. Học trò mặc mầu xanh lam có việc ngày thường thì mặc mầu đen. Thời nhà Nguyễn các quan mặc mầu xanh lam, Tổng Lý viên chức nhỏ mặc mầu sừng, dân lao động mặc mầu nâu hoặc mầu đen. Đến kiểu cách cũng do triều đình quy định. Năm 1774 chúa võ vương Nguyễn Phúc Khoát truyền câu sấm: “Bát đại thời hoàn Trung Nguyên” (tám đời trở về Trung Nguyên). Thấy từ đời Đoan Quốc Công đến nay đúng tám đời, bèn xưng hiệu lấy thể chế áo mũ trong “tam tài đồ hiệp” làm kiểu lại hạ lệnh cho trai gái hai xứ (tức Đàng trong và Đàng ngoài) đổi không dùng quần áo Bắc quốc (tức Trung Quốc) để tỏ sự biến đổi khiến phụ nữ mặc áo ngắn hẹp tay như áo đàn ông là điều Bắc quốc không có. Do tinh thần độc lập muôn dân chúng trong lãnh thổ mình cai trị mang y phục riêng để phân biệt với phương Bắc, Võ Vương hiểu dụ:

“Y phục bản quốc vốn có chế độ, địa phương này từ trước cũng chỉ tuân theo quốc tục, nay kính Vâng Thượng Đức, dẹp yên cõi biên trong ngoài như nhau, chính trị và phong tục cũng nên thống nhất. Nếu còn có người mặc theo kiểu người khách (Trung Quốc) thì nên đổi theo thể chế của nước nhà.

Đổi thay y phục thì tục nước mà thông dụng vải lụa, duy có quan chức thì mới cho dùng xen the, là, triều, đoạn, còn gấm vóc và các thứ hoa rồng phượng thì nhất thiết không được quen thói cũ dùng can, thường phục thì đàn ông, đàn bà dùng áo cổ đứng ngắn tay, cửa ống tay hoặc rộng hoặc hẹp tùy tiện. Áo thì từ hai bên nách trở xuống phải khâu kín liền không cho xẻ mở. Duy đàn ông không muốn mặc áo cổ tròn và hẹp tay cho tiện làm việc. Lễ phục thì dùng áo cổ đứng tay dài, vải xanh tràm vải đen hay vải trắng tùy nghi. Còn các viền cổ và kết lót thì đều theo điều hiểu dụ năm trước mà chế dụng “(“Phủ biên tạp lục”, Lê Quý Đôn).

Dù hiểu dụ - kêu gọi quy định hay cấm đoán, văn hóa mặc – Việt Nam đầy sức sống dân tộc vẫn đi lên cùng lịch sử ngày càng đẹp hơn, mới hơn.

Từ cái thủa “sơn rằng, chằng đít, đánh đai đầu”; Trang phục dân tộc ra ngày càng văn minh: từ quần một ống xống ngang chân đến “váy lĩnh cô kia quét sạch hè” tiến lên hiện đại hoàn nguyên mi – ni jup hòa nhập thời trang hoàn vũ! Từ áo ngắn đến áo đài the, sa, đoạn, gấm đủ màu từ yếm áo tứ thân – nón thúng quai thao – răng đen – hạt huyền đến quần áo tân thời, răng trắng từ tóc vấn đuôi gà đến tóc trần, tóc bồng, tóc uốn, từ dài tóc lại nên vấn tóc, từ trắng răng đổi được đen răng lại đòi răng trắng là cả một quá trình đấu tranh lâu dài của cái đẹp thời trang dân tộc chống lại những tập tục cổ lỗ lỗi thời lạc mốt và những áp đặt ngoại lai:

Rút gươm thiêng chém Quách Liễu Thăng

Lên ngôi báu dựng đồ Nam Việt

Dài tóc, lại nên vấn tóc, đầu đội ơn công đức vô cùng.

Trắng răng đổi được đen răng, miệng đọc chữ thái bình hữu tượng

(Hịch khởi nghĩa của hoàng tử Lê Duy Mật)

Ngọc Hân cũng đã thêm lời đồng lời đồng thanh cùng Bắc Bình Vương, khi xuất quân thần tốc đại phá quân Thanh.

Đánh cho để dài tóc

Đánh cho để đen răng

Đánh cho chúng chích luân bất phản

Đánh cho chúng phiến giáp bất hoàn

Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ!

Đó là chuyện cuối thế kỷ thứ XVIII ở nước ta nhưng đến những năm đầu thế kỷ thứ XX thì ngượi lại. Ấy là cuộc vận động “Duy Tân” (bỏ cũ theo mới) đua nhau cắt ngắn, mặc áo ngắn và vận động đổi mới “phong hóa” cải cách lối sống. Đây là cuộc vận động dân chúng từ bỏ lối ăn mặc cũ, lối để tóc búi tó cũ của giới sỹ phu, quan lại như mặc áo lam đeo bài ngà để búi tóc đồng thời cũng là cuộc vận động ăn mặc “âu hóa” rẻ tiền mà tiện dụng bằng vải nội. Phong trào này còn sôi động hơn khí phái Duy Tân mở cuộc vận động cắt tóc ngắn để răng trắng (cạo răng đen) theo lối sống mới.

Phen này cắt tóc đi tu

Tụng kinh độc lập ở chùa Duy Tân

(Nguyễn Quyền)

Hoặc như bài hát của anh em thợ cắt tóc:

“Cúp hè, cúp hè!

Thẳng thẳng cho khéo

Bỏ cái hèn này

Bỏ cái dại này…”

Khi phong trào lên cao có nơi xuất hiện hành động cưỡng bức như cắt búi tó, xé vạt áo dài của người đi đường, xé áo lam, giựt bài ngàn của quan lại.

Cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ về văn hóa mặc gắn liền và biểu hiện tinh thần yêu nước, phản đế bài phong.

Người thì mớ bảy mớ ba

Người thì áo rách như là áo tơi

Thật là nghịch cảnh xã hội, trái ngược đến lạ lùng đến khó hiểu nên mới có “ca dao”

Hơn nhau tấm áo manh quần

Thả ra bóc trần ai cũng như ai

Tuy nhiên, người mặc đẹp thì vẫn đẹp – người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân miễn là học không “bóc áo tháo cày” người khác, miễn là “y phục xứng kỳ đức”

Đành rằng “cái áo không làm nên thầy tu” nhưng cũng không nên lôi thôi luộm thuộm mà lành cho sạch rách cho thơm. Bởi vì trong quan hệ xã hội thông thường thì bao giờ người ta cũng “trông mặt mà bắt hình dong”

Trông hình dong, mặt mũi, quần áo mặc – cách ăn mặc mà đánh giá vị trí, tư cách, phẩm hạnh của mỗi người. Người xưa hầu như đã nghiệm ra chân lý đó nên mới lại có câu:

Cha đời cái áo rách này

Mất chúng mất bạn vì mày áo ơi!

Không phải chửi bạn mà là chửi đời…chửi cả mình nghĩa là oán trách phận mìn – phận nghèo, điều đó chứng minh một thực tại trong xã hội ăn mặc là góc con người – ăn mặc là văn hóa.

Quần áo khởi thủy là để che thân. Từ che thân vì thời tiết khí hậu môi trường sinh thái, đến che thân vì biết xấu hổ và từ cần ăn no mặc ấm đến cần ăn ngon mặc đẹp, loài người đã tiến một bước dài tự nhu cầu “để sống” đến nhu cầu “cho đẹp” – nhu cầu thẩm mỹ. Tự đấy mà sinh ra cách ăn sao cho ngon mặc sao cho đẹp, tức là văn hóa cái việc ăn, văn hóa cái việc mặc. Vậy mới nói rằng ăn mặc là văn hóa – văn hóa mặc.

Mỗi thời đại, mỗi dân tộc trong mỗi giai đoạn lịch sử có những đồ mặc cách mặc khác nhau luôn thay đổi theo thời trang và hướng theo thời thượng nghĩa là hướng tới cái đẹp vô biên biến đổi không ngừng. Hướng tới cái đẹp là hoạt động văn hóa – hành động văn hóa. Nhước lại mỗi biểu mẫu thời trang hữu thể và vô thể lại là biểu tượng đặc trưng cho mỗi tầng lớp xã hội, qua mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ lịch sử. Trong từng bối cảnh xã hội và môi trường sinh thái nhất định người ta có thể nhận biết được gương mặt lịch sử xã hội một cách cụ thể và chuẫn xác qua trang phục và cách phục trang như cách sơn, khắc, chạm, thêu mẫu rông thời Lý khác vời thời Lê trên cân đai bố tử, trên đình chùa lăng miếu.

Vậy văn hóa mặc là văn vật – văn minh mang đậm dấu ấn của tinh thần nhân văn, ý thức dân tộc, màu sắc giai cấp, đặc điểm lịch sử.

Đặc điểm phong cách phục trang Hà Nội – Việt Nam

Về phương diện ăn mặc, ăn diện, ăn chơi thời thượng, thì nơi nào thời nào cũng có những mẫu mã trang phục với cốt cách độc đào và phong cách phục trang khác biệt mang dấu ấn dân tộv và lịch sử rõ nét. Thậm chí còn mang dấu ấn cá nhân như kiểu áo dài của hoàng hậu Marvie Antoinette, kiểu áo Lơ – Muyr kiểu áo Lệ Xuân, kiểu áo Minh Hạnh nhất là các kiểu áo dân tộc ở Tây Nguyên ở Tây Bắc thì không lẫn vào đâu được. Cũng như nói đến áo tứ thân – áo đổi vai buộc vạt, yếm đỏ thắt lưng xanh là nhớ ngay đến các thôn ữ ngày xưa. Nhưng áo năm thân, năm khuy tố nữ thì đúng là thiếu nữ Hà thành. Còn áo năm thân sáu khuy dài rộng (để còn lồng áo mớ - mớ bảy mớ ba) với nón quai thao còn gọi là áo Kinh Bắc là của các liền chị Bắc Ninh quan họ. Nhìn áo bà ba nhớ lại đội quân tóc dài oanh liệt một thời. Rộng ra, kiểu váy dài quét đất đến hai mươi bốn mét phản ánh trang phục cung đình Pháp thế kỷ XVII. Còn “váy đeo bánh xe” váy đầm xòe chùm lên đất nước Phú Lang Xa cuối thế kỷ XIX v.v…

Mỗi tên gọi mỗi kiểu mốt thời trang gợi nhớ và trao gửi cho ta bao thông tin văn hóa xã hội một thời.

Tuy nhiên trong một nước vẫn có vùng miền mang đặc điểm tiêu biểu chung cho cả một quốc gia, một dân tộc, một thời đại. Đó là thủ đô – nơi trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của cả nước. Đó là Thăng Long – Đông Kinh – Hà Nội. Người Hà Nội, cách ăn mặc đi đứng có những hình sắc thói lề riêng. “Dân hàng phố ưa cách thanh nhã, là trung tâm của “tứ tuyên” tức là các thừa tuyên Đông, Nam,Đoài, Bắc. Người Hà Nội chuộng lối sống khoan hòa giản dị ghét lòe loẹt mà thích điềm đạm tránh tiếng xa hoa. Dù giàu sang, áo có mớ năm mớ bảy cũng phải một chiếc áo thâm hay tam giang ra ngoài. Chỉ có trẻ con là được mặ áo mầu sặc sỡ…vì là người kinh kỳ nên dân Hà Nội đi đâu cũng được người ta trọng. Người các tỉnh thấy khách xa mà ăn mặc xa hoa đàng điếm thì bảo nhau “chừng bọn này không phải người Hà thành đâu” ở các nơi khi người ta nói “nhà tôi có khách Hà Nội về” là nhiều bà con muốn đến gặp. Tác giả cuốn “Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội” cụ Hoàng Đạo Thúy nhận định “Người Hà Nội có một cách ăn mặc lịch sự và kín đáo”

Ăn mặc – phục trang, trang phục là một sinh hoạt đời thường – sinh hoạt văn hóa xã hội tất có sự giao lưu kế thừa và tất có nơi hội tụ để lan tỏa mà điểm tập kết không đâu khác và không đâu bằng đất đế vương muốn đời là Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội có người đã đặt về các kinh đô nước ta.

Thứ nhất Việt Trì

Thứ nhì Cổ Loa

Thứ ba Hoa Lư

Thứ tư Thăng Long

Thứ năm Phú Xuân

Xếp như thế khong phải là xếp hạng mà là xếp theo thời gian sau trước mà thôi còn kể về thời gian lịch sử thì kinh đô nào bằng “ngàn năm văn vật đất Thăng Long”

Trong quãng “ngàn năm văn vật” văn minh ấy Hà Nội có cách ăn mặc không ngừng hướng tới cái đẹp truyền thống mà hiện đại, trang nhã, thanh lịch, mà thời thượng sang trọng đáng tiêu biểu cho phong cách Việt Nam trong văn hóa mặc. Để bốn phương hai miền đều hướng về Hà Nội về Kinh Bắc mà “ăn Bắc mặc Kinh” – kinh đô Thăng Long và phía Bắc kinh đô gọi là Kinh Bắc – nơi phát tích cuẩ Lý triều mà Lý Thái Tổ đã định đô ra Thăng Long một kinh đô nghìn năm tuổi./.

(Cẩm nang tri thức Thăng Long/Vietnam+)