Văn Miếu Quốc Tử Giám-giá trị cần được phát huy

Sự kiện tổ chức UNESCO chính thức công nhận 82 tấm bia tiến sĩ dựng tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội là Di sản tư liệu thế giới (Document Heritage) là tin vui đối với nhiều người Hà Nội và người yêu thành phố Hà Nội. Chúng tôi đã đến hòa mình vào dòng người xuôi ngược trong Văn Miếu để cảm nhận được niềm vui đó...

Gìn giữ...

Từ Thạch Thất (Hà Nội), ông Phí Văn Hà, 84 tuổi đã có mặt tại Văn Miếu từ rất sớm. Ông đến để tìm tên của cụ tổ, được cho rằng đã đỗ tiến sĩ vào thời Lê Sơ. Ông Hà đứng bần thần, xúc động trước hàng rào là một sợi xích sáng lóa ngăn cách giữa du khách với các tấm bia.

Cụ phân trần với tôi: “Chữ Hán thì mình cũng võ vẽ đôi chút, vốn không thể đọc được tất cả tên của các vị tiến sĩ trên bia đá nhưng ít ra cũng có thể đọc được tên cụ tổ mình. Tôi chỉ muốn thấy tên cụ để sờ vào bia đá”. Tôi cảm thấy như có một luồng điện chạy từ não bộ tới các đầu ngón tay. Cảm giác như thế nào nhỉ, khi đầu ngón tay ta sờ vào những nét chữ của hàng trăm năm về trước, sờ lên tên tuổi của cha ông mình...

Hàng rào và những biển “cấm sờ vào hiện vật” mới được ban quản lý di tích dựng trước Tết vừa rồi. Tôi gặp bà Phan Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa-Khoa học-Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Trung tâm), đơn vị quản lý di tích này.

Bà Hằng đem tin vui các tấm văn bia “nhà mình” đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới kể nhiều lần. Bà thật sự hạnh phúc. Vui vậy, nhưng bà cũng không quên mối lo: “Bia đá này là hiện vật nguyên gốc, nếu người về tham quan ai cũng muốn sờ vào thì chẳng mấy chốc mà bia mòn hết. Để tiện cho việc tra cứu của nhân dân chúng tôi đã cho xuất bản cuốn sách dịch Văn khắc chữ Hán của toàn bộ 82 tấm bia”.

Việc bảo quản bia đá, không phải đến giờ (nghĩa là sau khi UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới) mới được Trung tâm chăm lo. Theo thống kê của Trung tâm, thời điểm các tấm bia bị người dân “xâm hại” cao điểm nhất là vào dịp thi đại học và dịp lễ tết. Đối tượng chủ yếu là những người hành hương, học sinh, sinh viên. Hình thức “xâm hại” chủ yếu là xoa đầu rùa và xoa mặt bia.

Khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã được người Hà Nội gìn giữ qua bao phen binh lửa, bia vẫn sừng sững tỏa sáng những giá trị văn hiến. Nhiều câu chuyện người Hà Nội gìn giữ các tấm bia tiến sĩ vẫn lưu truyền. Theo tài liệu của cụ Trần Văn Giáp, nhiều nghĩa quân Tây Sơn sau khi đánh đuổi quân Thanh đã thiếu ý thức giữ gìn bia tiến sĩ, dân hai làng Tả Biên Giám và Hữu Biên Giám đã “kiện” vua Quang Trung. Vua nhận lỗi và hứa “Nay mai dọn lại nước nhà/Bia nghè lại dựng trên tòa muôn gian”.

Đến thời Pháp thuộc, nhiều giá trị Nho học bị coi thường. Thực dân Pháp từng biến khu Văn Miếu (lúc đó thuộc địa phận tỉnh Cầu Đơ) thành một bệnh viện, nhưng nhiều sĩ phu Hà Nội phản đối chúng mới bỏ cái bệnh viện đó.

Trong trận đánh giữ thành Hà Nội, nhà Khải Thánh (thờ mẹ của Khổng Tử) nằm trong khu di tích Văn Miếu bị đại bác của Pháp bắn sập, các công trình kiến trúc bị phá hoại. Đến năm 1954, hội các nhà trí thức Nho học của Hà Nội đã góp tiền xây dựng lại hai nhà tả vu và hữu vu, trên thanh xà nóc của hai dãy nhà này còn ghi lại sự kiện đấy.

Đất nước đổi mới phát triển, người dân Hà Nội cùng nhân dân cả nước đã không tiếc công sức, tiền của, góp đồng đúc tượng, góp đá xây nền, góp gỗ dựng nhà... trùng tu khu di tích Văn Miếu qua nhiều đợt. Từ nước Mỹ xa xôi, một công ty văn hóa cũng nhận ra giá trị đặc biệt của Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã đóng góp kinh phí xây dựng nhà bia.

Giá trị cần được phát huy

Câu hỏi: Tại sao khu vực Châu Á-Thái Bình Dương có rất nhiều hình thức tài liệu như bia tiến sỹ mà chỉ có các bia đá tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám ở Hà Nội được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới được chúng tôi gửi đến nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc, ông cho biết: “Nơi có số lượng bia tiến sĩ lớn nhất trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương là Trung Quốc. Họ có 198 bia. Tuy nhiên bia tiến sĩ của Trung Quốc chỉ ghi lại tên tuổi, địa chỉ, khoa thi của những người đậu tiến sĩ. Khác của ta 72 trong số 82 bia đá có văn ký. Các bài văn ký này thể hiện quan niệm về văn hóa, văn học, triết học, đạo đức... qua đó chúng ta tìm được rất nhiều tài liệu có tính sử liệu về chế độ khoa cử, bối cảnh xã hội, quan điểm chính thống của giai cấp cầm quyền. Chỉ riêng các bài văn ký đã có thể khẳng định được được giá trị quý báu của các tấm bia mà chúng ta đang sở hữu”.

Ngoài ra những nét chữ được khắc trên bia tiến sĩ cũng là di sản vô cùng quý báu đối với kho tàng thư pháp Hán-Nôm Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, cán bộ Viện Hán-Nôm nhận xét: “Mỗi bài văn bia là một bức thư pháp hoàn chỉnh. Nét bút bay bướm, khúc triết mà tinh tế. Dễ thấy tầm văn hóa quá lớn của những người đã thảo văn bia”.

Ở góc độ di sản mỹ thuật, nhiều họa sĩ tên tuổi cho rằng về cách trang trí bia, tiền nhân đã lưu lại cho chúng ta nhiều tinh hoa cổ, quan niệm qua nhiều giai đoạn lịch sử. Những hoa văn đó là kho tàng vô giá để các họa sĩ nghiên cứu và tiếp thu trong các tác phẩm của riêng mình.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày nay trở thành một địa điểm tham quan du lịch thu hút hàng triệu lượt khách một năm. Việc UNESCO công nhận các tấm bia tiến sĩ ở đó là Di sản tài liệu thế giới sẽ giúp chúng ta thêm cơ hội quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam.

Chúng tôi tin tưởng rằng nhiều giá trị của khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám sẽ còn được phát huy rực rỡ./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)