Chính quyền Hà Nội những năm đầu kháng chiến

CHÍNH QUYỀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI TRONG NHỮNG NĂM ĐẦU TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN (12/1946 - 5/1949)

1. Chính quyền cách mạng rút khỏi Hà Nội, Pháp thiết lập chính quyền thực dân kiểm soát thành phố
Trước dã tâm của thực dân Pháp muốn cướp nước ta một lần nữa, Đảng và Chính phủ buộc phải phát động toàn quốc kháng chiến. Hà Nội mở đầu cuộc kháng chiến vào tối 19-12-1946. Sau khi bị giáng đòn bất ngờ đầu tiên, thực dân Pháp tiến hành phản kích ồ ạt, tung quân ứng cứu các vị trí đang bị quân và dân Hà Nội tiến công, rồi chiếm giữ những đầu mối giao thông huyết mạch, tiến đánh các cơ quan quan trọng của chính quyền cách mạng: Bắc Bộ phủ, trụ sở Uỷ ban Hành chính Hà Nội; Sở Chỉ huy tự vệ Hà Nội,… Tối 20-12-1946, thực dân Pháp chiếm được dinh Bắc Bộ phủ. Tuy nhiên, kế hoạch làm chủ thành phố trong vòng 24 giờ của chúng bị phá sản. Đến giữa tháng 1-1947, thực dân Pháp mới chiếm được các con đường vòng cung bao quanh thành phố. Chúng liên tiếp mở những đợt tấn công vào Liên khu I. Trước tình hình phạm vi kiểm soát Liên khu I dần bị thu hẹp, nhận được lệnh rút khỏi Hà Nội, đêm 17-2-1947, Trung đoàn Thủ đô bí mật rút ra vùng tự do an toàn. Toàn bộ nội thành Hà Nội rơi vào tay giặc Pháp, trở thành vùng tạm bị chiếm.

Ngay khi chiến tranh còn diễn ra ác liệt ở Liên khu I, thực dân Pháp thiết lập được quyền kiểm soát đến đâu là thi hành chế độ quân quản đến đó. Đứng đầu cơ cấu quân quản là một phái bộ quân sự do một thiếu tá chỉ huy, trực thuộc Ban Chỉ huy Hà Nội. Giúp việc cho phái bộ quân sự này là các đơn vị tuần tra của quân đội Pháp, mật thám Liên bang Đông Dương và một số Việt gian chỉ điểm. Sau khi Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Liên khu I thì thực dân Pháp áp dụng chế độ quân quản tuyệt đối trên toàn bộ khu vực nội thành. Các vùng ngoại thành, thực dân Pháp chỉ định mỗi xã một người gọi là Chef Village. Những tên này chủ yếu là dân lưu manh, nói được bập bẹ tiếng Pháp, làm tay sai cho các đồn binh để bắt phu, thu thuế.

Từ đầu tháng 1-1947, Pháp đã nỗ lực thiết lập chính quyền dân sự thân Pháp tại Hà Nội. Đến tháng 5-1947, dựa vào một vài đảng viên Đại Việt quốc dân đảng, Pháp đã lập được Uỷ ban quản lý lâm thời hành chính và xã hội của Hà Nội. Ngày 19-5-1947, tại Hà Nội, Pháp thành lập Hội đồng An dân. Hội đồng này ban đầu chỉ cai trị trong phạm vi vài phố, đến tháng 6-1947 thì mở rộng phạm vi cai quản trên địa bàn nội thành. Hội đồng An dân không có quân đội, công an riêng, mà những quyền này đều nằm trong tay Phái bộ quân sự Pháp. Chức năng, quyền hạn của Hội đồng An dân chủ yếu là: tổ chức đón tiếp dân hồi cư; cứu tế y tế; phát phiếu lương thực; thống kê nhân khẩu, hộ khẩu, ruộng đất, nhà cửa. Bên cạnh việc thành lập Hội đồng An dân, ở mỗi phố còn có trưởng phố để cai quản.

Ở ngoại thành, phía bắc quân Pháp đóng tới Chèm, phía nam đặt một dãy đồn bốt suốt từ Vĩnh Tuy qua Hoàng Mai tới Phương Liệt, phía tây đã đóng ở Cầu Mới và Cầu Giấy. Đến tháng 6-1947, tại những nơi kiểm soát được, thực dân Pháp cho lập ở mỗi xã một Hội đồng Quản trị. Mỗi Hội đồng Quản trị gồm có xã uỷ, phó xã uỷ, trương tuần, chưởng bạ, thư ký, dưới có tuần đinh. Khác với Hội đồng Kỳ mục trước đây do dân trong làng bầu ra thì Hội đồng Quản trị được cơ cấu những người có đủ điều kiện. Thành phần Hội đồng Quản trị gồm 2/3 nhân viên hương biểu (do giáp, thôn cử ra), còn 1/3 nhân viên là thân hào, kỳ hào do quận trưởng đặc trách xã đó cử ra. Nhiệm vụ của Hội đồng Quản trị là tổ chức việc đón tiếp người hồi cư, kinh lý dân chúng, tổ chức cứu tế, y tế, khai số gia đình, nhân khẩu, ruộng đất, trâu bò, thóc lúa, lùng bắt những người trước đây đã tham gia Việt Minh và các nhóm kháng chiến.

Chính quyền cấp quận đứng đầu là quận trưởng. Ban đầu Pháp đặt Đại lý Hoàn Long và 3 quận hành chính: Cầu Giấy, Quảng Bá và Quỳnh Lôi, sau đó chia làm 5 quận: Quảng Bá, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Văn Điển, Quỳnh Lôi.

Từ cuối năm 1947, khi dân hồi cư ngày càng đông và tình hình Hà Nội ổn định hơn, Pháp tái lập chính quyền dân sự hoàn chỉnh ở Hà Nội. Toà Thị chính Hà Nội được thành lập. Đến giữa năm 1949, tổ chức Thị chính Hà Nội gồm: Thị trưởng, các sở chuyên môn, các phòng chuyên môn và Hội đồng Pháp - Việt (chủ yếu là cố vấn người Pháp). Các sở chuyên môn gồm: Sở Đoan (Thuế), Sở Y tế, Sở Địa chính, Sở Cảnh binh, Sở Thú y, Sở Công chính. Các phòng chuyên môn gồm: Văn phòng, Phòng Nhà cửa, Phòng Hành chính, Phòng Hợp tích, Phòng Kinh tế (gồm các ban: Cấp phép mở cửa hàng, định giá hàng hoá, Kiểm soát chợ, Phân phát thực phẩm), Phòng Xã hội, Phòng Cố vấn công chính, Phòng Nhân sinh, Phòng Khánh tiết, Phòng Sinh tử và Giá thú, Phòng Thông tin. Mỗi sở/phòng do một Chủ sự người Việt đứng đầu.

Nội thành Hà Nội được thực dân Pháp chia ra 36 khu phố, do Trưởng khu phố (Chef d’ilot) đứng đầu, trực tiếp chịu trách nhiệm trước thị trưởng với quyền hạn nhiều hơn trưởng phố thời Pháp thuộc. Tháng 8-1948, Thị trưởng Hà Nội lại chia khu vực nội thành làm 42 khu phố, do 28 trưởng khu phố cai quản (mỗi trưởng khu phố phụ trách 1-3 khu phố). Từ năm 1949, để tăng thêm khả năng phòng thủ, Pháp chia Hà Nội làm 3 tiểu khu (mang tính chất hành chính - quân sự ở khu dân cư khu vực đô thị), gồm: trong thành, Khu A và khu B, lấy đường Cột Cờ, Tràng Thi làm ranh giới. Mỗi tiểu khu trong nội thành có từ 1.000 đến 5.000 quân, có ban chỉ huy riêng. Sau đó lại chia nhỏ thành 6 tiểu khu: Cửa Đông, Trúc Bạch, Đông Thành, Đồng Xuân, Hàm Long và Hale (Halais). Trong 6 tiểu khu đó được tổ chức thành 36 đường phố. Mỗi đường phố có tên riêng và đặt trưởng phố để cai quản.

Ở ngoại thành, Pháp cho lập mỗi xã một Hội đồng Hương biểu, gồm 16 người; một Ban Hương chính (thay cho Hội đồng Quản trị), gồm có một hương chủ, một phó hương chủ, một thư ký. Để đôn đốc các xã, chúng bắt đầu thành lập thêm cấp tổng. Mỗi quận được chia làm nhiều tổng, có chánh tổng và phó tổng (đến năm 1949 đổi thành tổng uỷ và phó tổng uỷ). Về địa giới hành chính, từ năm 1949, nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của nội thành, khu vực ngoại thành cũng hình thành 3 tiểu khu có tính hành chính - quân sự, cách nội thành từ 3 đến 10km. Ban Chỉ huy các tiểu khu đóng ở Chèm, Thượng Đình và Văn Điển. Sở chỉ huy tuyến ngoại thành đóng tại ấp Thái Hà. Các vị trí trong tiểu khu cách nhau từ 3 đến 5km, có thể chi viện cho nhau.

Bên cạnh đó, thực dân Pháp ra sức đề cao lá bài Bảo Đại, lập chính phủ bù nhìn, tuyên bố trao trả cho chính quyền bù nhìn một số cơ quan, công sở Hà Nội. Thực chất, chúng vẫn nắm chắc các công sở này bằng chế độ “cố vấn”: Phủ Thủ hiến Bắc Việt, Sở Công an Bắc Việt, Sở Tư pháp, Nha Thông tin Bắc Việt, Nha Kinh tế Bắc Việt, Nha Tài chính Bắc Việt. Chúng quản lý và kiểm soát chặt chẽ dân cư thông qua đồn bốt cảnh binh ở nội thành và năm đồn cảnh binh ở ngoại thành.

Cùng với nỗ lực thiết lập bộ máy cai trị, người Pháp đã thực hiện nhiều chính sách quân sự, kinh tế, văn hoá nhằm tái lập Hà Nội với vai trò thủ phủ Liên bang Đông Dương.

Về quân sự: Nhằm bảo vệ an toàn nội thành, thực dân Pháp xây dựng các phòng tuyến ở ngoại thành, tổ chức lực lượng bảo an ở các làng ngoại thành như: Cổ Nhuế, Xuân Tảo, Cáo Đỉnh v.v. Trong nội thành, thực dân Pháp đưa thêm quân đến đóng tại các nhà máy, công sở quan trọng, xây thêm công sự và pháo đài ở các cửa ô, bố trí thêm các ổ tác chiến và trạm gác. Chúng còn thành lập ở mỗi quận một đội quân chuyên đi khủng bố tàn sát gồm những phần tử lưu manh, côn đồ được trang bị vũ khí hiện đại. Số quân Pháp thường trực ở Hà Nội tăng lên nhanh chóng, từ dưới 1 vạn (cuối năm 1948), lên tới trên 2 vạn (đầu năm 1950). Công việc tuần tra ban đêm được thắt chặt nghiêm ngặt. Gắn liền với việc hoàn chỉnh kế hoạch phòng thủ Hà Nội, quân Pháp tăng cường càn quét khủng bố để dập tắt phong trào chiến tranh du kích của nhân dân Hà Nội.

Về kinh tế: Pháp tái lập chế độ bóc lột thực dân bằng các chính sách tài chính, tiền tệ, thuế quan. Các ngân hàng lớn, các công ty xuất nhập khẩu, nhà máy xí nghiệp, các khách sạn lớn của tư bản Pháp đã có trụ sở hoặc chi nhánh ở Hà Nội từ đầu thế kỷ đều trở lại hoạt động dưới chiêu bài “tái thiết”, “hiện đại hoá Đông Dương”.

Về văn hoá: Các loại hình thơ ca, nhạc, sân khấu, kịch nói - kịch thơ, hội họa, nhiếp ảnh... được chính quyền thực dân sử dụng để truyền bá văn hóa Pháp, lôi kéo các tầng lớp nhân dân Thủ đô, đặc biệt là thanh niên vào con đường trụy lạc, bế tắc, mất tinh thần đấu tranh. Trong hoạt động báo chí, chính quyền thực dân cho xuất bản nhiều tờ báo rất phản động: tờ báo tiếng Pháp L’ Entente của cơ quan Cao ủy Pháp, ba tờ bằng tiếng Việt là Thời sự, Ngày mới, Vì dân do Sở mật thám liên bang của Pháp chỉ đạo, ngoài ra còn có các tờ Giang sơn, Liên hiệp…

Về giáo dục: Các trường trung học và đại học ở Hà Nội của hệ thống giáo dục thực dân cũng bắt đầu được mở cửa, tiếp nhận học sinh của Hà Nội và các tỉnh. Riêng ở nội thành, đến cuối năm 1947, số học sinh tiểu học và trung học đã lên tới 6.000 học sinh, các trường kỹ nghệ cũng được mở ra. Các chương trình giáo dục cách mạng trước đây lại bị thay thế bởi các chương trình giáo dục nhuốm màu thực dân.

2. Cấu trúc lại mô hình tổ chức chính quyền kháng chiến và địa giới hành chính

Bước vào kháng chiến toàn quốc (12-1946), thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, uỷ ban bảo vệ các cấp của Hà Nội được đổi tên thành Uỷ ban Kháng chiến. Đây là thời đoạn Hà Nội tồn tại hai thiết chế tổ chức chính quyền: Uỷ ban Kháng chiến và Uỷ ban Hành chính. Hội đồng nhân dân trên thực tế không được tổ chức theo Sắc lệnh số 77 và Hiến pháp năm 1946.

Khi chiến tranh bùng nổ, Uỷ ban Kháng chiến đảm đương phần lớn chức năng, nhiệm vụ điều hành cuộc kháng chiến. Thời gian đầu khi chiến tranh mới bùng nổ, chính quyền Hà Nội từ trạng thái ổn định chuyển sang trạng thái bất ổn định từ tổ chức bộ máy, địa điểm đóng chốt đến đội ngũ cán bộ; hoạt động của hai thiết chế tổ chức chính quyền tách rời nhau, mà nổi trội là vai trò của Uỷ ban Kháng chiến; các mối liên hệ giữa cấp trên với cấp dưới, giữa ngành này với ngành khác bị gián đoạn. Cán bộ của Uỷ ban Hành chính có sự phân hoá: một bộ phận bỏ nhiệm vụ tản cư theo gia đình, một bộ phận di chuyển đến các căn cứ tại các địa phương xung quanh. Đến tháng 5-1947, khi một số trạm trại lập xong ở khu căn cứ Thái Nguyên, Hà Đông thì các mối liên lạc dần được chắp nối. Tuy vậy, hoạt động của Uỷ ban Hành chính Hà Nội rất khó khăn do thiếu cán bộ, thiếu kinh phí. Việc tổ chức lại chính quyền Hà Nội đảm bảo tập trung, thống nhất, đủ sức điều hành cuộc kháng chiến trở thành một vấn đề trọng yếu.

Hình thái hai thiết chế tổ chức chính quyền cùng tồn tại đã cản trở khả năng điều hành kháng chiến. Vì vậy, để thống nhất chỉ đạo kháng chiến trong các ngành, các cấp cũng như toàn bộ hoạt động kháng chiến của nhân dân Thủ đô, tháng 7-1947, Uỷ ban kháng chiến và Uỷ ban Hành chính thành phố Hà Nội được hợp nhất thành Uỷ ban Hành chính kháng chiến, gồm có 5 người: 3 uỷ viên hành chính, 1 nhân viên, 1 uỷ viên quân sự. Tháng 10-1947, Uỷ ban Hành chính kháng chiến được đổi tên thành Uỷ ban Kháng chiến hành chính. Đến đây, Hà Nội đã có một chính quyền tập trung, thống nhất điều hành cuộc kháng chiến. Đây là hình thái chính quyền đặc thù, vừa làm chức năng lãnh đạo kháng chiến, vừa làm chức năng quản lý hành chính trong hoàn cảnh thành phố đã bị địch kiểm soát. Ngay sau khi thành lập, tháng 11-1947, Uỷ ban đã triệu tập hội nghị lần thứ nhất và xác định nhiệm vụ trọng tâm là củng cố chính quyền các cấp, thông qua kế hoạch hành động về khảo sát để nắm hội tề, từ đó tiến tới phá hội tề.

Đến đầu năm 1948, Uỷ ban Kháng chiến hành chính thành phố được tổ chức lại, gồm 4 người, do ông Trần Lưu Phụng làm Chủ tịch và 3 ủy viên.


Ủy ban tuy có 4 người nhưng thực tế chỉ có 3 người làm việc, uỷ viên nhân dân chỉ tồn tại mang tính hình thức. Mặc dù ủy ban được tổ chức lại nhưng việc tổ chức bộ phận giúp việc, các cơ quan chuyên môn vẫn chưa đồng bộ: chỉ có Văn phòng, Ty Công an, Ty Địch vận và Ty Thông tin. Thêm vào đó có 1 phòng tài chính gồm 3 thư ký. Với số người ít nên văn phòng không thể tổ chức được quy củ. Tổ chức chính quyền ở các huyện thay đổi liên tục, các xã còn lúng túng. Thời gian đầu, chính quyền vẫn chưa có kế hoạch, chương trình hoạt động, chủ yếu giải quyết những tình huống nảy sinh. Đến tháng 4-1948, Uỷ ban Kháng chiến hành chính mới tổ chức được hội nghị toàn thành phố để sắp đặt chủ trương và chương trình hành động. Từ đó, chính quyền tiến hành chấn chỉnh các uỷ ban và văn phòng uỷ ban cấp huyện, củng cố Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Kháng chiến hành chính ở vùng ngoại thành, vùng tự do, tăng cường nắm dân. Tuy vậy, hoạt động của chính quyền chưa mạnh mẽ do thiếu người, kinh phí hoạt động không đủ, cán bộ các ngành, ban, chính quyền các cấp thường xuyên thay đổi.

Đây là thời đoạn chính quyền Hà Nội nằm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Liên khu III. Quan hệ giữa Uỷ ban Kháng chiến hành chính Hà Nội với Liên khu III, với Uỷ ban Kháng chiến hành chính Bắc Bộ, với Chính phủ chưa được quy định rõ ràng, chủ yếu xử lý theo tình huống.

Gắn liền với xây dựng chính quyền kháng chiến, địa giới hành chính của Hà Nội cũng được tổ chức lại. Tháng 5-1947, khu XI (Hà Nội) được mở rộng thêm, gồm cả Hà Đông và Sơn Tây. Tháng 9-1947, khu XI quyết định cắt 4 huyện: Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Oai và Thanh Trì của Hà Đông sáp nhập vào Hà Nội. Khu vực nội thành được tổ chức thành 3 quận: quận IV gồm hai khu Đại La và Lãng Bạc; quận V tức khu Đống Đa; quận VI gồm hai khu cũ Đề Thám và Mê Linh và 4 huyện là Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Oai và Thanh Trì (của Hà Đông mới cắt sang). Sau đó, Hà Nội lại được tổ chức thành 3 liên quận huyện: Liên quận huyện I gồm quận IV, Đan Phượng và Hoài Đức; Liên quận huyện II gồm quận V và Thanh Oai; Liên quận huyện III gồm quận VI và Thanh Trì. Sáp nhập thành liên quận huyện đã giúp việc chỉ đạo kháng chiến trên địa bàn Hà Nội tập trung nhiều hơn vào các phủ huyện của Hà Đông cũ, còn vùng ngoại thành Hà Nội cũ bị sao nhãng, nên đầu năm 1948, các quận IV, V, VI được tách ra như cũ và sáp nhập 4 phủ huyện thành 2 liên huyện: Liên huyện Bắc (thường gọi là huyện Liên Bắc) gồm Đan Phượng, Hoài Đức; Liên huyện Nam (thường gọi là huyện Liên Nam) gồm Thanh Oai, Thanh Trì.

Để tăng cường chỉ đạo chiến tranh, Trung ương quyết định sáp nhập 7 khu ở Bắc Bộ thành 3 Liên khu. Theo đó, tháng 5-1948, Hà Nội sáp nhập với Hà Đông thành tỉnh Lưỡng Hà thuộc Liên khu III. Sau khi sáp nhập, Liên khu III cắt 2 hai huyện Liên Bắc và Liên Nam trả về cho Hà Đông, Hà Nội chỉ còn nội thành và 2 huyện ngoại thành. Tháng 9-1948, 3 quận, huyện của Hà Nội được tổ chức thành 2 huyện: Trấn Tây và Trấn Nam.

Cùng với việc sáp nhập về địa giới hành chính - lãnh thổ, bộ máy Đảng của Hà Nội và Hà Đông cũng được sáp nhập, nhưng tổ chức chính quyền vẫn hoạt động độc lập. Hà Nội và Hà Đông có Uỷ ban Kháng chiến hành chính riêng, nhưng lại sáp nhập văn phòng, ty công an, ty thông tin. Hai uỷ ban thường họp chung nhau để giải quyết các công việc, nhưng vẫn có khi họp riêng. Các ty chuyên môn có trách nhiệm trước 2 uỷ ban. Trong mỗi ty có một bộ phận chịu trách nhiệm đặc biệt về Hà Nội. Tuy nhiên, đến tháng 8-1948, Ty Công an được tách riêng, tháng 10-1948, lại tách nốt Ty Thông tin.

Sau khi sáp nhập với Hà Đông, đến tháng 10-1948, Uỷ ban Kháng chiến hành chính Hà Nội được tổ chức lại, do ông Khuất Duy Tiến làm Chủ tịch và 2 ủy viên.

Sau khi được tổ chức lại, ủy ban Kháng chiến hành chính đã bám sát tổ chức và hoạt động của các ban chuyên môn, đặt chủ trương, kế hoạch công tác cho các ban chuyên môn và ủy ban các huyện. Tuy nhiên do tình hình đặc biệt của thành phố nên Uỷ ban Kháng chiến hành chính chỉ tổ chức được 3 ban chuyên môn là Ty Công an, Ty Thông tin và Thành đội bộ dân quân. Về nhân viên, văn phòng uỷ ban thành có 18 cán bộ, mỗi huyện có 4 cán sự.

Về chính quyền ngoại thành, đầu năm 1948, Hà Nội có 3 uỷ ban kháng chiến hành chính cấp huyện, mỗi uỷ ban có 1-2 người. Từ tháng 9-1948, Hà Nội có 2 uỷ ban kháng chiến hành chính cấp huyện: Uỷ ban Kháng chiến Hành chính huyện Trấn Tây gồm 5 ủy viên; Uỷ ban Kháng chiến Hành chính huyện Trấn Nam gồm 6 ủy viên.

Với chính quyền cấp xã, do địch khủng bố mạnh, nên quá nửa số uỷ ban xã chưa về bám trụ cơ sở. Công việc lúc này chỉ là nắm tề và phát giấy cho nhân dân ra vùng tự do để mua thực phẩm. Trước tình hình đó, chính quyền thành phố tiến hành chấn chỉnh các uỷ ban xã còn lưu vong, quy định lại nhiệm vụ, cách tổ chức của chính quyền cấp xã. Các uỷ ban lưu vong dần cử người về bám đất, bám dân tại địa phương, xây dựng được kế hoạch hoạt động. Sau khi được tổ chức lại, nhiệm vụ của uỷ ban xã là: giữ trật tự an ninh trong xã; thi hành các công việc hành chính như sinh tử, giá thú, điền bạ lệ bài, kinh tế tài chính, văn hoá xã hội; thi hành nghị quyết của hội đồng nhân dân và của cấp trên; lãnh đạo kháng chiến trong xã và lãnh đạo giúp các ngành chuyên môn về tổ chức, xây dựng và cách làm việc; bao vây kinh tế địch. Nhiệm vụ của hội đồng nhân dân xã là ấn định chương trình làm việc cho uỷ ban, ấn định ngân sách chi thu hàng năm, bầu và kiểm soát uỷ ban kháng chiến hành chính xã, lãnh đạo nhân dân thực hiện chủ trương của cấp trên và của xã.

Cách thức tổ chức, hoạt động của uỷ ban theo nguyên tắc dàn mỏng: một uỷ viên phụ trách, trông nom mọi mặt, chịu trách nhiệm trước quận, đôn đốc các uỷ viên khác và các ngành chuyên môn thực hiện công việc. Bên cạnh đó có 1 uỷ viên phụ trách bao vây kinh tế địch, 1 uỷ viên phụ trách xây dựng dân quân, 1 trông nom văn hoá xã hội, 1 trông nom về thuế, điền địa và giữ quỹ. Ban thường vụ và ban tư pháp xã gồm chủ tịch, phó chủ tịch và thư ký.

Về cách thức làm việc, khi có chỉ thị, thông tri của quận gửi về hoặc có chủ trương của địa phương thì cán bộ Đảng triệu tập hội nghị liên tịch các ngành quân, dân, chính, đảng rồi phân công thi hành; nếu công việc về phần chuyên môn thì chủ tịch trực tiếp đi gặp cán bộ phụ trách về chuyên môn đó để thảo luận; cán bộ phụ trách chuyên môn khi có việc thì báo cáo với người phụ trách chính quyền.

Tháng 11-1948, Hà Nội trở thành khu đặc biệt trực thuộc Liên khu III. Theo đó, Uỷ ban Kháng chiến hành chính khu đặc biệt được thành lập do ông Khuất Duy Tiến làm Chủ tịch. Ngày 10-12-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 265/SL, quy định ủy ban Kháng chiến hành chính Hà Nội là một ủy ban Kháng chiến hành chính thành phố, thuộc ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu III.

Như vậy, từ sau ngày kháng chiến toàn quốc, mặc dù trong tình trạng chiến tranh, tổ chức và địa điểm luôn thay đổi nhưng chính quyền Hà Nội đã dần ổn định về tổ chức, cán bộ các ban, ngành không ngừng được bổ sung, đáp ứng được về số lượng và đã bố trí được cán bộ chuyên trách. Với việc gây dựng chính quyền tồn tại cả dạng công khai và bí mật, cả nội thành và ngoại thành, đã đảm bảo giúp điều hành kháng chiến ở vùng tạm bị chiếm, tạo cơ sở cho đẩy mạnh chiến tranh du kích, đưa kháng chiến vào đô thị Hà Nội.

3. Hoạt động điều hành kháng chiến của chính quyền thành phố

3.1. Tổ chức cuộc chiến đấu kìm chân địch

Trước ngày kháng chiến toàn quốc, chính quyền thành phố đã tổ chức cho các lực lượng vũ trang thành phố làm lễ tuyên thệ “Cảm tử để bảo vệ Thủ đô” và lễ ra mắt cho một số đội cảm tử quân. Ngay sau khi nhận được kế hoạch tác chiến và giờ nổ súng toàn thành, Bộ Chỉ huy mặt trận Hà Nội và Uỷ ban Bảo vệ thành phố đã bí mật phổ biến đến Uỷ ban Hành chính, Uỷ ban Bảo vệ các cấp, tới các đơn vị vũ trang Thủ đô.

Đúng 20 giờ 3 phút đêm 19-12-1946, công nhân Nhà máy điện phá máy, đèn điện trong thành phố phụt tắt, cả thành phố nổ súng, cuộc kháng chiến toàn quốc trên địa bàn Hà Nội bắt đầu. Uỷ ban Kháng chiến thành phố chỉ đạo các lực lượng Vệ quốc quân, công an, tự vệ đồng loạt tiến công các vị trí của giặc theo kế hoạch đã phân công. Tự vệ nổ mìn đánh gục hàng loạt cây to và cột đèn, công nhân lật nghiêng những toa xe điện, xe lửa ở một số ngã ba, ngã tư. Nhân dân các khu phố dựng các ụ chiến đấu. Các trục giao thông chính trong thành phố bị chặt đứt nhiều đoạn. Hàng vạn đồng bào trong các khu phố tình nguyện chiến đấu bên cạnh lực lượng vũ trang. Nhân dân ngoại thành nổi trống liên hồi từ làng này qua làng khác, gây thanh thế và tiếp ứng cho nội thành. ở khu Lãng Bạc, Đại La, Đống Đa, Đề Thám, Mê Linh, tự vệ tập hợp thành các đơn vị đại đội, tiểu đoàn tiến vào các cửa ô, phối hợp chiến đấu với các liên khu phố.

Qua những phút choáng váng ban đầu, thực dân Pháp lập tức phản kích quyết liệt. Chúng tung quân, xe tăng, xe bọc sắt… vừa mở đường nối liền các cụm vị trí của chúng, vừa tiến công các cơ quan quan trọng của ta. Tuy nhiên, ở bất kỳ địa điểm nào, thực dân Pháp cũng vấp phải sức chiến đấu quyết liệt của quân và dân Hà Nội. Hỗ trợ với cuộc chiến đấu ác liệt ở nội thành, Uỷ ban Kháng chiến thành phố chỉ đạo nhân dân ngoại thành thực hiện “Vườn không nhà trống” đề phòng địch đánh nống ra. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố đã phối hợp với chính quyền Sơn Tây, Hà Đông, Thái Nguyên, Phúc Yên đưa một bộ phận lực lượng vào tăng cường cho cuộc chiến của nhân dân Hà Nội.

Nhận thức rõ vị trí quan trọng của khu trung tâm thành phố, nên mặc dù bị địch vây kín bốn mặt, Uỷ ban Kháng chiến thành phố chỉ đạo các lực lượng vũ trang ở Liên khu I không phá vây rút ra ngoài mà trụ lại chiến đấu theo kế hoạch đã định. Dựa vào địa hình đặc biệt của Liên khu I: phố chật hẹp, nhiều đường hẻm ngõ sâu, rất thuận lợi cho chiến đấu phòng ngự bằng chiến thuật du kích, quân ta đã đục tường, đào hào từ nhà nọ sang nhà kia tạo thành những con đường bí mật để cơ động chiến đấu. Liên khu I thực sự là chốt thép giữa lòng địch.

Phối hợp tác chiến với Liên khu I giữ chân địch trên địa bàn, Uỷ ban Kháng chiến thành phố chỉ đạo các lực lượng chiến đấu ở Liên khu II (phía nam thành phố) và ở Liên khu III (phía tây thành phố) bám chắc các cửa ô, dựa vào nông thôn ngoại thành để tạo ra một vành đai vây hãm địch ở trung tâm thành phố. Chính vì vậy hành động tập trung quân mau chóng đánh rộng ra ngoài thành phố của thực dân Pháp không thực hiện được.

Bám sát các trận đánh, Uỷ ban Hành chính, Uỷ ban Kháng chiến các cấp đã chỉ đạo tốt nhiệm vụ phục vụ chiến đấu. Đa số các tầng lớp nhân dân nội, ngoại thành đã có mặt trên trận địa làm công tác tiếp tế, cứu thương.

Sau nửa tháng bị giam chân trong thành phố, đội quân viễn chinh Pháp ngày càng bị hao mòn về lực lượng, giảm sút về tinh thần. Chính quyền cách mạng Hà Nội chủ trương giữ vững thế trận, kéo dài thêm thời gian kìm chân địch. Uỷ ban Kháng chiến Liên khu I đã đề nghị thống nhất các lực lượng vũ trang gồm các đơn vị Tự vệ chiến đấu và Tự vệ thành cùng Vệ quốc quân và Công an xung phong trong Liên khu phố. Ngày 6-1-1947, Trung đoàn Liên khu I chính thức được thành lập. Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Liên khu I trực tiếp làm Chính uỷ Trung đoàn. Tiếp đó, ở các Liên khu II và III cũng lần lượt thành lập các Trung đoàn 52, Trung đoàn 48.

Cuộc thương lượng tại chỗ giữa chính quyền cách mạng và thực dân Pháp đã được tiến hành với thỏa thuận hai bên ngừng bắn tạm thời trong ngày 15-1-1947 để giải quyết vấn đề thương binh, đưa ngoại kiều và thường dân tản cư ra ngoài. Uỷ ban Kháng chiến Liên khu I đã tổ chức đưa hơn 10.000 người ra khỏi thành phố, trong đó có một đoàn cán bộ cùng với 3.500 tự vệ cải trang làm dân thường ra theo.

Sau khi nhận thêm quân tiếp viện từ Hải Phòng lên, thực dân Pháp mở nhiều cuộc tấn công lớn hơn với quyết tâm tiêu diệt các lực lượng chiến đấu của Thủ đô, nhất là tại Liên khu I. Từ 6 đến 14-2-1947, địch mở liên tiếp ba đợt tấn công vào Liên khu I. Trận địa của ta ở Liên khu I dần bị thu hẹp. Trước tình hình đó, ngày 16-2-1947, sau khi nhận được mệnh lệnh của Trung ương và Bộ Tổng chỉ huy, Uỷ ban Kháng chiến Hà Nội ra lệnh cho Trung đoàn Thủ đô phải mở đường rút khỏi Hà Nội để bảo toàn lực lượng.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc rút lui chiến lược của Trung đoàn Thủ đô, Uỷ ban Kháng chiến thành phố chỉ đạo các đơn vị bên ngoài vòng vây của giặc Pháp tăng cường đánh phá quân địch. Đêm 17-2-1947, Trung đoàn Thủ đô bí mật qua phía bắc cầu Long Biên lên Nghi Tàm rồi vượt sông Hồng, sông Đuống thoát khỏi vòng vây của giặc Pháp một cách an toàn.

Cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân ta ở Hà Nội dưới sự chỉ đạo của Trung ương và chính quyền thành phố có ý nghĩa hết sức to lớn. Sau 60 ngày đêm khói lửa, quân và dân Hà Nội đã kìm chân và tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, làm thất bại hoàn toàn âm mưu tiêu diệt cơ quan đầu não và lực lượng vũ trang cách mạng cũng như ý đồ xâm lược nhanh chóng Thủ đô của thực dân Pháp, tạo điều kiện cho các địa phương có thời gian huy động lực lượng đối phó với quân địch khi chúng đánh rộng ra. Các cơ quan đầu não của Đảng và Chính phủ được bảo vệ và rút khỏi thành phố lên chiến khu một cách an toàn, bí mật.

3.2. Xây dựng lực lượng kháng chiến

Sau khi Trung đoàn Thủ đô rút khỏi thành phố, cùng với nhiệm vụ kiện toàn tổ chức chính quyền các cấp, chính quyền thành phố tập trung chỉ đạo xây dựng lực lượng kháng chiến về mọi mặt.

Ngày 20-9-1947, Thành đội bộ dân quân Hà Nội được thành lập. Chính quyền thành phố tập trung xây dựng cơ sở ở ngoại thành, biến ngoại thành làm bàn đạp vững chắc để tiến vào nội thành. Trước tiên, Uỷ ban Kháng chiến chỉ đạo các ngành quân sự, công an xây dựng cơ sở ở một số làng xã ngoại thành.

Thực hiện sự chỉ đạo của chính quyền thành phố, Thành đội đẩy mạnh phát triển dân quân du kích. Những cán bộ, chiến sĩ là người địa phương, có tinh thần chiến đấu và năng lực công tác được lựa chọn từ các đại đội du kích tập trung, tổ chức thành các trung đội vũ trang tuyên truyền, đưa về mỗi quận, huyện một trung đội. Mỗi huyện đều có các đội du kích thủ đô do uỷ ban kháng chiến phụ trách. ở các xã, chính quyền tăng cường đào tạo cán bộ xã đội, thành lập ban xã đội với nhiệm vụ võ trang tuyên truyền, phát động chiến tranh du kích, phát triển rộng khắp dân quân du kích. Đến tháng 6-1948, ở ngoại thành có 320 dân quân, 120 du kích xã. Cơ sở các ngành công an, địch vận, thông tin, bình dân học vụ, giao thông liên lạc,… đều được tổ chức và triển khai hoạt động.

Từ lực lượng du kích tập trung, Uỷ ban Kháng chiến hành chính thành phố chỉ đạo xây dựng được 6 đại đội bộ đội địa phương. Các đại đội này được bố trí đóng quân ở vùng giáp ranh để đánh các đồn bốt xung yếu, các tuyến phòng ngự của địch. Đến giữa năm 1948, từ lực lượng bộ đội địa phương, chính quyền thành phố đã thành lập Đội 84 với nhiệm xây dựng cơ sở dân quân du kích nội thành. Sau khi được thành lập, từ chỗ chỉ đứng chân ở vùng giáp ranh, ven nội thành, Đội 84 đã tiến vào nội thành gây dựng được cơ sở ở một số xí nghiệp, công sở, trường học và đường phố.

Dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban Kháng chiến hành chính thành phố, ngày 13-10-1947, Ban vận động Liên Việt được thành lập, các đoàn thể quần chúng được củng cố từ thành đến các quận, huyện. Năm 1949, Ban địch vận Hà Nội được thành lập, sau đổi thành Ban thống nhất địch vận. Từ đó, các ban thống nhất địch vận ở các quận, xã lần lượt được tổ chức và đi vào hoạt động. Tại các quận nội thành, chính quyền thành phố thực hiện chế độ quận đội phó phụ trách quân sự. Dưới quận đội bộ có 17 khu phố đội bộ, mỗi khu phố đội lại có một cán bộ phụ trách quân sự. Để tăng cường nắm địch trong nội thành, Ban quân báo với quân số tương đương một đại đội cũng được thành lập(1). Tháng 5-1949, Ban Chỉ huy mặt trận Hà Nội được thành lập, thành phần bao gồm cả uỷ viên của Uỷ ban Kháng chiến hành chính thành phố.

Để tạo điều kiện cho việc phát động một cuộc chiến tranh nhân dân rộng khắp các khu phố, làm nội ứng cho cuộc tổng phản công đánh vào Thủ đô, Uỷ ban Kháng chiến hành chính thành phố bố trí lại cán bộ phụ trách các ngành, các đoàn thể, sắp xếp lại lực lượng quần chúng, xây dựng lực lượng vũ trang chủ lực của nội thành, tăng cường cán bộ quân sự và công an cho nội thành. Theo đó, Ban cán sự Công đoàn được giao nhiệm vụ đặc trách các cơ sở quần chúng, công nhân các xí nghiệp. Ban công chức, trí thức vận tổ chức cán bộ hoạt động theo các tuyến đơn lẻ, không theo đơn vị khu phố. Dân quân nội thành được bố trí theo khu phố và xí nghiệp. Các lực lượng vũ trang hoạt động trong một khu phố do một cán bộ đại đội phụ trách. Ty Công an cũng được tổ chức lại cho phù hợp hơn. Theo đó, lực lượng công an được tổ chức theo các quận, huyện, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của chính quyền địa phương; bộ phận hành động được sáp nhập với lực lượng du kích thành những tiểu đội du kích. Riêng bộ phận điều tra vẫn chịu sự lãnh đạo của Ty Công an về phương pháp tổ chức và chuyên môn, liên lạc và cung cấp tài liệu thường xuyên cho Ty.

Đi liền với xây dựng lực lượng quân sự, chính quyền thành phố thành lập xưởng sản xuất vũ khí, tự túc được một phần vũ khí cần thiết, thích hợp cho các lực lượng vũ trang hoạt động trong thành phố.

3.3. Tổ chức chỉ đạo nhân dân kháng chiến

Xác định hướng đấu tranh chính trong điều kiện Hà Nội bị tạm chiếm là tiến hành chiến tranh du kích, Uỷ ban Kháng chiến hành chính các cấp chỉ đạo nhân dân phối hợp với du kích tiến hành đào hào giao thông, hầm bí mật ở hầu khắp các xã, xây dựng nhiều cơ sở trú ẩn phục vụ cho hoạt động của các đội du kích, các đội vũ trang tuyên truyền. Phong trào chiến tranh du kích phát triển mạnh mẽ. Chỉ riêng 5 tháng đầu năm 1948, các đội dân quân du kích đã tiêu diệt 595 tên địch, làm bị thương 216 tên.

Dựa trên sự phát triển mạnh mẽ của chiến tranh du kích, từ giữa năm 1948 trở đi, các đơn vị dân quân du kích phối hợp với lực lượng Vệ quốc quân đã đánh những trận khá lớn vào vùng ven nội và nội thành. Tiêu biểu như, tháng 8-1948 tiến công quấy rối toàn thành, đánh vào vị trí địch ở Nhật Tân, bắn súng cối vào khu vực Đấu Xảo, ga Hà Nội, trường Sinh Từ (nơi huấn luyện sĩ quan địch), ném lựu đạn vào nhiều nơi trong thành phố.

Ở ngoại thành, cùng với phát triển chiến tranh du kích là các hoạt động phá tề trừ gian. Chủ trương của chính quyền thành phố là: chỉ có các cơ quan hành chính kháng chiến mới có quyền quyết định và giao dịch với hội tề, các cơ quan khác khi cần liên lạc với hội tề phải có giấy phép của Uỷ ban Kháng chiến hành chính; quyền điều khiển hội tề được giao trực tiếp cho Uỷ ban Kháng chiến hành chính xã, uỷ ban huyện có thể cử người xuống giao dịch với hội tề hoặc chỉ thị bằng giấy tờ (tuỳ điều kiện); tích cực đào tạo cán bộ nắm và phá hội tề, học hỏi kinh nghiệm phá tề của các địa phương khác. Trước phong trào đấu tranh của ta, nhiều hội tề ở các xã bị phá, bọn tề phản động phải rút vào các đồn bốt, một số tên quận trưởng bị trừng trị. ở một số xã, địch không lập lại được hội tề, hoạt động bắt phu, bắt lính, thu thuế của chính quyền thực dân gặp nhiều khó khăn. Năm 1948, trong 138 làng ngoại thành chỉ còn 75 hội tề, trong đó chỉ còn 25 hội tề phản động(1). Nhờ đẩy mạnh chiến tranh du kích cùng với tăng cường phá tề nên vùng ngoại thành Hà Nội không chỉ chống được địch càn quét, bao vây các đồn bốt địch mà qua đấu tranh đã hình thành thế liên hoàn chiến đấu giữa các thôn trong một xã, giữa các xã trong một miền.

Cùng với phát triển chiến tranh du kích, phá tề, xuất phát từ tính chính nghĩa trong cuộc đấu tranh vệ quốc của nhân dân ta, chính quyền thành phố đẩy mạnh thực hiện công tác địch vận. Sau khi Ban địch vận các cấp được thành lập, để có hình thức vận động phù hợp với từng đối tượng, Uỷ ban Kháng chiến hành chính thành phố thành lập các tổ chức “Binh sĩ kháng chiến đoàn”, “Công an kháng chiến đoàn” để vận động ngụy binh, cảnh binh; “Liên đoàn hồi hương” để vận động lính Âu - Phi. Công tác địch vận có tác dụng gây tâm lý chán nản, giảm tính chiến đấu trong binh lính thực dân, nhiều tốp 3 - 5 ngụy binh ở các đồn bốt ngoại thành đã vác súng quay về với kháng chiến.

Dưới sự chỉ đạo của chính quyền các cấp, phong trào đấu tranh của học sinh Hà Nội diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ. Học sinh các trường Trưng Vương, Chu Văn An treo cờ, rải truyền đơn ngay trong trường. Học sinh các trường Chu Văn An, Trưng Vương, Dũng Lạc, Trí Tri, Anbe Xarô (Albert Sarraut) bãi khóa để chống địch khủng bố, bắt bớ học sinh, đòi bảo đảm quyền lợi học tập.

Thực hiện cuộc kháng chiến toàn diện, chính quyền thành phố không chỉ tập trung lãnh đạo nhân dân chiến đấu chống địch càn quét, khủng bố, phá tề, mà còn tổ chức, chỉ đạo nhân dân đấu tranh trên các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong cuộc đấu tranh bao vây và phá hoại kinh tế địch, trừ những mặt hàng cần thiết cho kháng chiến như thuốc men, văn phòng phẩm,… còn tất cả các loại hàng xa xỉ phẩm, chính quyền các cấp chỉ đạo bao vây chặt chẽ, không cho tiểu thương mang ra làm lũng đoạn thị trường của ta ở vùng tự do. Đồng thời, chính quyền cũng kiểm soát triệt để, cấm không cho đưa các loại thực phẩm như gạo, thịt, trâu, bò, lợn, gà, rau tươi... từ vùng tự do vào nội thành bán cho địch. ở nhiều vùng ngoại thành, cán bộ chính quyền đã vận động nhân dân tẩy chay hàng hóa địch, không đi các chợ do địch mở, bao vây không cho hàng lậu lọt ra vùng tự do.

Nhằm tăng cường thực lực kháng chiến về mặt kinh tế, năm 1947, Ban Kinh tế tài chính được thành lập. Nhiệm vụ của Ban là điều tra, tìm hiểu tình hình kinh tế ở các quận/huyện; xây dựng chính sách phát triển kinh tế để nâng cao đời sống nhân dân trong điều kiện kháng chiến và bị khủng bố. Chính quyền thành phố mở chiến dịch tài chính (5-1949), vận động nhân dân mua “Công phiếu kháng chiến”, góp quỹ “Tham gia kháng chiến”. Chiến dịch đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, thu được trên 3 vạn đồng tiền Việt Nam phục vụ kháng chiến.

Để phá hoại kinh tế và quấy rối hậu phương của địch, Uỷ ban Kháng chiến hành chính các huyện, xã tăng cường chỉ đạo dân quân, du kích đánh phá các cơ sở kinh tế, phương tiện giao thông của địch. Tiêu biểu như trận đêm ngày 4-11-1948, du kích Thủ đô đã đốt 5 đầu tầu điện ở Sở Xe điện. Sau trận đánh này, Bác Hồ gửi thư khen ngợi: “Tôi rất vui lòng được Uỷ ban Kháng chiến hành chính Hà Nội báo cáo rằng: để thực hiện lời thách thức thi đua yêu nước với các Đội du kích Sài Gòn - Chợ Lớn, Huế, Hải Phòng... đêm 4 tháng 11 năm 1948 du kích Thủ đô đã hăng hái tiến công vào Hà Nội và đã thu được thành tích khá”.

Mặc dù là vùng tạm chiếm nhưng Hà Nội vẫn có nhiều tờ báo được phát hành. Tiêu biểu như Nội san Tiền phong của Đảng bộ, báo Cứu quốc Thủ đô của Mặt trận Việt Minh, báo Quân Thủ đô của Ban Chỉ huy mặt trận Hà Nội, báo Công an Hồ Gươm của Ty Công an; Quay súng và Non à la Guerre của Ban địch vận, Lao động của Công vận... Qua hoạt động báo chí, chính quyền thành phố tăng cường tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ, vạch trần bộ mặt phản động của chính quyền thực dân, qua đó củng cố niềm tin của quần chúng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến, kiên định đẩy mạnh kháng chiến.

Đi đôi với công tác chỉ đạo kháng chiến, phá tề trừ gian, các cấp chính quyền ở cơ sở đã chú trọng công tác chống nạn mù chữ, bài trừ hủ tục mê tín dị đoan, vận động tăng gia sản xuất, làm tổng vệ sinh thôn xóm, chăm lo việc cải thiện sinh hoạt cho quần chúng. Hoạt động này của chính quyền vừa có tác dụng ổn định đời sống cho nhân dân, vừa tăng cường thực lực kháng chiến.

(Cẩm nang tri thức Thăng Long/Vietnam+)