Những nét tương đồng giữa Hoa Lư-Thăng Long Hà Nội

Thời gian 1000 năm qua, nhưng những dấu ấn lịch sử, văn hóa mà sử sách ghi chép để lại và các di tích còn tồn tại là những minh chứng có sức thuyết phục về những nét tương đồng giữa Hoa Lư - Thăng Long Hà Nội hội tụ khá đầy đủ các yếu tố trong không gian văn hóa quốc đô theo dòng lịch sử mà ông cha ta để lại.

Trước hết, về vị trí địa lý, Hoa Lư và Thăng Long Hà Nội đều nằm ở vùng châu thổ đồng bằng Bắc Bộ, ven các dòng sông lớn và đều gắn liền với huyền tích về linh vật “Rồng Vàng”.

Kinh đô Hoa Lư (nay thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) nằm ở gần kề sông Hoàng Long, nghĩa là Rồng Vàng. Dòng sông này gắn liền với sự tích “Rồng Vàng” nổi lên giữa dòng cứu Đinh Bộ Lĩnh (sau là vua Đinh Tiên Hoàng) bị chú ruột là Đinh Thúc Dự đuổi đánh vì tội giết trâu của chú khao lũ trẻ mục đồng, còn kinh đô Thăng Long nằm ở ven Nhị Hà (tức sông Hồng ngày nay) gắn liền với huyền tích có “Rồng Vàng hiện lên trên ngã ba Tô Giang Nhị Hà dưới chân thành Đại La rẽ sóng tới gần thuyền ngự vua Lý Thái Tổ rồi bay vút lên trời khuất lẫn trong những đám mây bông “Long vân khánh hội”, “Rồng mây gặp hội anh hào ra tay”. Dáng rồng bay vạch thế đất vươn lên nên mới đổi là Thăng Long.

Ngoài những dòng sông lớn là Hoàng Long và Nhị Hà ra thì ở Hoa Lư còn có dòng Sào Khê chạy ngoằn ngoèo uốn lượn bên trong về phía đông Kinh Thành; Còn Thăng Long có dòng Tô lịch ở về phía Tây Kinh Thành.

Dòng Hoàng Long, Nhị Hà cũng như dòng Sào Khê, Tô Lịch, là những tuyến đường giao thông thủy đã diễn ra các sự kiện lịch sử quan trọng trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước, mở mang phát triển quốc gia dân tộc dưới triều Đinh và triều Lý sau đó mà sử sách ghi chép cũng như dân gian lưu truyền.

Cuộc dời đô lịch sử của vua Lý Thái Tổ vào mùa thu năm Canh Tuất (1010) từ sông Hoàng Long ra tới sông Nhị Hà để về thành Đại La (Thăng Long). Còn ở Thăng Long, các vua nhà Lý thường chèo thuyền trên dòng sông Tô Lịch mang nhiều huyền tích, ngắm cảnh đất trời sông nước La Thành-Thăng Long nên thơ và ngoạn mục.

Ở khu cố đô Hoa Lư khai quật khảo cổ học đã tìm thấy khu mộ Hán cạnh chùa Bà Ngô (thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa lư, tỉnh Ninh Bình) bên dòng sông Hoàng Long. Do đó có thể nêu lên một nhận định dựa trên cơ sở xác thực là nơi đây hẳn là trụ sở của Trường Châu thời nhà Đường, vì theo sách Đất nước Việt Nam qua các đời của Đào Duy Anh thì đất Ninh Bình thời Đường thuộc về Trường Châu; còn ở Thăng Long Hà Nội vốn là thành Đại La do Cao Biền xây đúng như sử sách ghi chép.

Ở Hoa Lư và Thăng Long - Hà Nội cơ sở hạ tầng xã hội khá thuận lợi để giao thông buôn bán phát triển kinh tế. Hệ thống giao thông mà chủ yếu là các tuyến đường thủy từ các trung tâm Hoa Lư Thăng Long tỏa đi các nơi trong nước lúc đương thời.

Từ Hoa Lư theo dòng Hoàng Long xuôi ra sông Đáy tại ngã ba Gián Khẩu xuống non nước Vân Sàng, sang sông Vạc để ra biển Đông và vào Châu Hoan Ái theo tuyến kênh do Lê Đại Hành đời Lê đào; ngược lên phía Bắc vào sông Châu ra sông Hồng… sử sách ghi chép cho biết Hoa Lư nhộn nhịp cảnh trên bến dưới thuyền. Thương lái các nước lân bang lúc bấy giờ theo đường thủy cập bến Hồng Giang mang hàng hóa là vải lụa, gấm vóc trao đổi bán buôn tấp nập. Còn ở Kinh thành Thăng Long là nơi hội họp của bốn phương là trung tâm của đất nước, nơi đông người nhiều của thương thuyền các nước lúc bấy giờ đến trao đổi hàng hóa buôn bán đông vui, tấp nập mà dân gian còn lưu truyền “Thứ nhất Kinh Kỳ, Thứ nhì Phố Hiến”.

Về cấu trúc của Kinh thành thì cả Hoa Lư thời Đinh-Tiền Lê và Thăng Long thời Lý đều có những nét tương đồng, đều có hai vòng thành mà sử sách ghi chép cũng như hiện còn lưu giữ những dấu tích:

Thành Hoa Lư gồm có thành nội và thành ngoại. Giữa thành nội và thành ngoại không lồng vào nhau theo vị trí trong ngoài mà gần như là song song với nhau, ngăn cách nhau bằng dãy núi Phi Vân, nối thông với nhau bởi một quèn gọi là Quèn Vông vì trên quèn đó có rất nhiều cây lá vông mọc xanh tốt um tùm.

Cả thành nội và thành ngoại của thành Hoa Lư đều có hai vòng thành. Ở khu thành ngoại, vòng thành bên ngoài giống như thành Thăng Long là tường thành phía đông nối từ núi Dãng sang núi Thanh Lâu và núi Cột Cờ. Tường thành phía bắc nối từ núi Cột Cờ sang núi Chẽ và từ núi Chẽ sang núi Chợ. Ở phía đông có dãy núi Hang Quần; phía tây có dãy núi Phi Vân chắn giữ; phía vam có quèn Thụ Mộc như một tường thành.

Như vậy, thành ngoài bao gồm cả cánh đồng Hậu Đường chạy đến Hang Luồn (Xuyên Thủy Động) và quèn Thụ Mộc. Vòng thành ngoài vừa là chiến lũy khi có chiến sự xảy ra, lại vừa là đề phòng nước lũ lụt của sông Hoàng Long, giống như La Thành Thăng Long vậy.

Ở khu thành nội thành Hoa Lư, vòng thành bên ngoài từ núi Cánh Hàn sang núi Nghẽn về phía bắc; còn ở phía đông cũng chung với dãy núi Phi Vân của thành ngoài; phía tây có dãy núi Chùa Thủ chắn giữ; phía nam là núi đá bao bọc không cần phải dùng tường thành.

Vòng thành trong thành nội Thành Hoa Lư thời Đinh-Tiền lê giống như Cung Thành, Cấm Thành của Thành Thăng Long thời Lý. Năm Kỷ Tỵ (1029) thành Thăng Long xây dựng thêm Long Thành ở trong cùng.

Thành Thăng Long thời Lý được các nhà nghiên cứu xác định là thành của Cao Biền. Vòng thành ngoài đến nay vẫn còn dấu tích đó là địa danh La Thành. Các tường Thành này đều được đắp bằng đất và dựa vào địa thế tự nhiên mà đào đắp. Các cửa thành chỉ là những khuyết của tường thành mà không xây đắp cổng hay lầu cổng (Môn Lâu), như các tòa ô thành ở đời sau (giống như lối đi đặc biệt ở phía đông bắc thành Hoa Lư được phát hiện trong đợt khai quật khảo cổ học năm 1970).

Như vậy, về cấu trúc thành Hoa Lư và thành Thăng Long có những nét giống nhau là đều có hai vòng thành, đều không xây dựng các cổng ra vào (Môn Lâu) như các tòa thành đời sau này; chỉ khác nhau ở chỗ: thành Hoa Lư dựa vào thế núi non hiểm trở mà xây dựng tường thành, còn ở thành Thăng Long tường thành chủ yếu xây đắp bằng đất.

Về kiến trúc cung điện thì ở thành Hoa Lư và thành Thăng Long đều có những điểm giống nhau là các cung điện đều quy tụ về tâm điểm và đối xứng nhau qua tâm điểm.

Năm Giáp Thân (984), Vua Lê Đại Hành cho xây dựng nhiều cung điện cột dát vàng dát bạc khá lộng lẫy như: Điện Bách Bảo Thiên Tuế ở giữa; các điện Phong Lưu, Cực Lạc, Tử Hoa; Bồng Lai đối xứng nhau ở hai bên đông tây tả hữu; còn ở Thành Thăng Long năm Thuận Thiên thứ nhất (1010) Lý Thái Tổ cho xây dựng điện Càn Nguyên ở giữa; Các điện Tập Hiền, Giảng Vũ, Nhật Quang, Nguyệt Minh đối xứng nhau ở hai bên tả hữu.

Các mô típ hoa văn trang trí trên vật liệu xây dựng kiến trúc cung điện đồ dùng trong sinh hoạt cũng có những nét tương đồng thật đáng trân trọng.

Những viên gạch trang trí hoa văn hình hoa sen ở thành Hoa Lư là cơ sở để các nghệ nhân dân gian thời Lý phát triển với những họa tiết trang trí phong phú hơn, thành những viên gạch có hoa văn hay trang trí hình hoa sen, hoa cúc khá rực rỡ. Những con vịt bằng đất nung phát hiện ở thành Hoa Lư là hình mẫu để các nghệ sĩ tạo hình thời Lý tạo nên những con vịt đất nung nhìn tươi tắn, mịn màng, xinh đẹp. Một số bát, đĩa, bình gốm ở Hoa Lư cũng là những khuôn mẫu dáng hình để các nghệ nhân dân gian thời Lý chế tác ra các đồ dùng gốm bát, đĩa, bình, lọ, liễn, chậu… được pha lên lớp men ngọc trắng ngà thật là tinh tế và đẹp mắt.

Ngày nay ở Hoa Lư-Thăng Long Hà Nội còn lưu giữ những địa danh mang đậm dấu ấn lịch sử văn hóa truyền thống đất quốc đô như: Tháp Báo Thiên; Chùa Nhất Trụ-Chùa Một Cột; Chùa Bà Ngô; Chùa Am; Đình Ngang; Cầu Đông; Cầu Dền; Cột Cờ; Đông Môn; Tràng Tiền; Ngã ba Bồ Đề; Cống Chẹn…

Những địa danh lịch sử văn hóa truyền thống trên đã gợi lên bóng dáng của thành cổ Hoa Lư ở đất Kinh thành Thăng Long mang những nét tương đồng, là chứng tích của sự kiện lịch sử trọng đại trong cuộc dời đô của vua Lý Thái Tổ từ Hoa Lư ra thành Đại La-Thăng Long - Hà Nội đã ngàn năm qua.

Hoa Lư-Thăng Long - Hà Nội có những nét tương đồng về vị trí địa lý; hành chính; kinh tế lịch sử văn hóa và địa danh… là những minh chứng mang các giá trị, ý nghĩa lịch sử văn hóa như là sự nối tiếp truyền thống dựng đặt đất Quốc Đô thời thống nhất, độc lập, tự chủ triều Đinh-Tiền Lê; xây dựng phát triển quốc gia dân tộc Đại Việt thời Lý và các đời tiếp theo với Thăng Long-Hà Nội to đẹp hơn, bề thế hơn; là nơi hội tụ của mọi miền đất nước. Đây là nơi chung đúc vượng khí của núi sông, anh linh của đất trời; dung hòa giữa tinh hoa văn hóa dân gian truyền thống với văn hóa cung đình lung linh tỏa sáng muôn sắc màu rực rỡ, trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước, xây dựng phát triển quốc gia Đại Việt.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)