Tâm sự của một người yêu tha thiết Hà Nội

Bạn của tôi ơi, bạn có thấy nhàm chán không khi những bài viết của tôi luôn hướng về Hà Nội, khi đọc về những kỉ niệm cứ lặp đi lặp lại, về một vài địa điểm tưởng như đã quá quen thuộc, đã quá cũ để viết? Bản thân tôi là người rất tâm huyết với việc viết, mỗi một dòng, một câu viết ra đều cố gắng gửi gắm vào đó những từ ngữ nắn nót và những tâm sự chân thành. Chính vì thế, khi đọc lại các bài viết của mình, tôi luôn có chút thất vọng khi mình không viết được gì đặc sắc, không bộc lộ được hết những điều mình muốn nói, không cuốn hút được chính mình trong những lời tự sự. Tôi dường như chỉ viết lại những điều các nhà văn Hà Nội đã nói, đã kể, đã khám phá, theo một cách vụng về của riêng mình…

Ấy thế nhưng, dẫu biết là vậy, tôi vẫn chẳng thế làm gì hơn. Tôi đã đi đến nhiều chân trời khác nhau của thế giới, đến thăm nhiều những hào hoa đô thị, và cũng đã khám phá thật nhiều điều thú vị, nhưng mỗi khi đặt bút viết một dòng văn, chỉ có những hình ảnh của Hà Nội giản dị, những ngày lang thang phố phường, những kỉ niệm đã quá xa vời ở nơi thành phố thân thương mới thường trực trong đầu. Không thể kể cho bạn nghe về Luân Đôn náo nhiệt, không thể kể về Washington trù phú, hay về Trung Quốc và từng viên đá lịch sử trên bức tường Vạn Lý…, vì tâm hồn nhỏ bé của tôi chỉ có chỗ cho một thành phố dịu dàng bên dòng sông Hồng cuộn chảy, một góc phố xưa với tán lá bàng sum suê, một quán cà phê chật chội nơi cuối ngõ, và một vỉa hè gồ ghề đá lát, thoang thoảng mùi hoa sữa mỗi khi mùa thu chớm về.

Riêng cái tên Hà Nội thôi, ai đặt mà khéo thế, mỗi lần gọi lên đã thấy thật êm đềm lắng đọng. Ngày ấy thành phố nhỏ lắm, “nhỏ như bàn tay con gái,” nằm gọn gàng trong sự bao bọc của ba dòng sông như lời câu ca cổ, “Nhị Hà quảnh Bắc sang Đông, Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này.” Thế nên cái tên “Hà Nội” – nghĩa nôm là “trong sông” – có lẽ được đặt cho thành phố một cách thật tự nhiên. Rồi theo tháng năm, theo chìm nổi của lịch sử, hai âm điệu đều ở cung trầm ấy tự chúng cũng vẽ được nên hình ảnh một thành phố bình dị, hiền hòa. Hai tiếng thân thương ấy, tôi cứ muốn gọi mãi, gọi mãi thôi, để được thấy thật thấm thía, thật gắn bó, để không bao giờ phải thấy xa cách nữa.

Người Hà Nội, cũng như sự chân thành êm ái của thành phố, hiền lành và giản dị theo cách thật tự nhiên. Ấy nhưng khi nói về “người Hà Nội”, ai đó vô tình sẽ nghĩ ngay đến những con người của thế kỷ mười chín, hai mươi, rồi cho rằng ngày nay cái nét “hiền lành”, “giản dị” đó không còn nữa. Đó là sự nhầm lẫn, vì người thành phố muôn đời vẫn thế - dù rằng có lúc thiên về hướng này, hướng kia. Sâu thẳm trong tâm hồn Hà Nội vẫn là tình yêu thương dạt dào giữa người với người, là sự chân thành trìu mến dành cho nhau trong gia đình, giữa bè bạn, người thân. Cái nề, cái nếp trong nhà, cái ăn, cái mặc hay cung cách cư xử tuy không còn nguyên khuôn như thời phong kiến hay thời bao cấp, nhưng khi đã tách gỡ được những thay đổi tất yếu của thời thế, tôi biết rằng cái cốt lõi đẹp đẽ của con người nơi đây vẫn đã và đang trường tồn theo thời gian.

Nhìn lại dòng lịch sử, bạn có thấy rằng thành phố ít khi nào được nhắc đến như nơi “địa linh nhân kiệt,” hay nơi sản sinh ra nhân tài “kinh bang tế thế” không? Ngày vua Lý ra chiếu rời đô đã viết, đây thực nằm “ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa Nam Bắc Đông Tây,” và là “chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước.” Có thế mới hiểu, rằng đất Hà Nội vốn là nơi tinh tú của cả nước gặp gỡ, đâm hoa phát lộc.

Qua gần hai ngàn năm lập đất, Hà Nội đã có lúc là nơi dụng võ, lại có lúc là đất dụng văn, và lại có lúc là khu Kẻ Chợ sầm uất bán buôn. Và, người Hà Nội cũng theo tiếng gọi của lịch sử để đổi thay phù hợp với vận mệnh quốc gia, để luôn là nơi nhân tài phát tiết, phục vụ cho lợi ích chung của nhân dân khắp nơi. Thật khó để lấy người Hà Nội của một thời nào đó làm “mẫu” cho những thế hệ sau, nhất là khi những biến đổi lịch sử cứ luân phiên đào thải những cũ kĩ lạc hậu và mở đường cho lớp người mới đi lên, mang theo những tiêu chuẩn đạo đức mới mà những người hoài niệm chưa kịp thích ứng ngay. Ấy thế nhưng có một điều chắc chắn, rằng đã từ lâu lắm rồi, kể từ ngày dân ta biết đọc, biết viết, dù dưới thời Phật giáo của nhà Lý, Nho giáo của Nguyễn, Tây học Pháp thuộc, thời sơ tán hay bây giờ, người đâu đâu cũng hướng về người Hà Nội như những đại diện hùng hồn mạnh mẽ nhất cho sự tế nhị, hiền hòa và lịch lãm của quy chuẩn đạo đức thời ấy.

Còn bản thân tôi ư? Mỗi khi tôi nghĩ về người Hà Nội là tôi lại nghĩ đến nét tần tảo của mẹ, nét khắc khổ của ba và sự đầm ấm nề nếp của gia đình qua năm tháng. Cả ba và mẹ tôi là người phương khác, cũng như bao người trong những năm kháng chiến, theo gia đình, theo bè bạn đổ về Hà Nội để mưu sinh.

Sự thần kỳ của ba chữ “Người Hà Nội” ấy thật khó miêu tả, khi chúng dường như không để chỉ một nhóm người, mà như một lối sống, một đặc ân, một sự trang trọng khác thường. Có lẽ vì thế, những con người quanh tôi hồi đó không ai cư xử như họ đã từng nữa. Không có tướng cướp, không có địa chủ, cường hào hay ác bá, không có dân buôn, học giả, thằng nghiện hay con đĩ – chỉ còn lại tình hàng xóm thân thiết đùm bọc chở che lẫn nhau, chỉ còn những con người bình dị, chân thành, những con người nhẹ nhàng ý tứ trong lời ăn tiếng nói và những con người hiền hòa chẳng bao giờ phô trương hay tị nạnh so bì… Gia đình tôi sống ở đó nhiều năm trước khi chuyển đi, và rồi cũng nhiều năm mới có dịp trở về thăm lại mọi người. Đón tiếp gia đình tôi vẫn là những con người của ngày xưa ấy, với nét xuề xòa kín đáo và sự nhiệt tình niềm nở nhưng đầy ý tứ. Họ chính là những “người Hà Nội” mà tôi biết đấy, bạn ạ!

Bạn đã hiểu vì sao tôi yêu thành phố, yêu con người nơi đây đến thế? Bạn đừng trách tôi nhé, khi những tình cảm dạt dào nhất của tôi đều được dành cả cho Hà Nội và những kỉ niệm thân thương nhất ở nơi đây. Và cũng vì thế, mỗi khi có chút thời gian thư thái để thả hồn bồng bềnh vô định, gần như chắc chắn rằng những suy nghĩ của tôi lại cập vào bến bờ Hà Nội.

Như chiều nay thôi, khi cơn gió lạnh cuối cùng của mùa đông đã lùi xa nhường chỗ cho những tia nắng ấm áp rọi xuống khu phố tôi ở, tôi thong thả bước ra chiếc ban công nhỏ nhìn xuống con phố vắng vẻ và hàng cây trơ trụi lá trước nhà, để lại thấy xao xuyến trong lòng một nỗi nhớ Hà Nội. Mùa đông xứ Tây ác nghiệt hơn nhiều so với mùa đông thành phố, khi những tán lá xanh mơn mởn của mùa hè cứ phải bạc phai dần theo từng đợt lạnh, rồi tả tơi rụng xuống trên thềm những vỉa hè đã đóng băng trơn chuồi chuội, để lại cây và cành khô quắt, tím bằm và run rẩy trong gió rít khôn nguôi.

Không có ngày nào của mùa đông bên này tôi không thầm cầu mong cho giá rét qua thật nhanh, để tôi lại được bước ra đường tận hưởng sự thoáng đạt của không khí mà không phải co ro trong chiếc áo bông dầy hay chiếc mũ len kéo trùm kín mặt. Sự đợi chờ khắc khoải của tôi rồi cũng được đền đáp, để mãi đến hôm nay tôi được hứng những ánh nắng chiều dìu dịu, hiên ngang hít thở bầu không khí quang đãng ngoài trời. Hàng cây khô trước nhà cũng như hòa vào với tâm trạng của tôi, vươn vai đâm mấy chiếc chồi non xinh xinh còn chưa kịp mở mắt. Tôi để ý trên một cành cây chỗ góc đường, hai chú sóc nhỏ đang đua nhau chuyền cành, ríu rít như chuyện trò hào hứng lắm. Chốc chốc, một trong hai chú sóc ấy lại dừng lại, đợi người bạn đồng hành của mình bắt kịp, tíu tít câu chuyện rồi mới lăng xăng chuyền nhanh sang cành phía trước. Cứ thế, hai chú sóc con nô đùa vô tư như chưa hề có mùa đông, chưa hề có băng tuyết, giá lạnh và sự khô quắt của những cành cây.

Tôi chợt nhận ra, rằng mùa xuân đã tới – cây đã đâm hoa, kết trái, chim muông đã vui đùa và tôi lại có thể ngắm nhìn bầu trời xanh cao trong vắt. Khoảnh khắc đó, bạn ạ, chính là lúc tôi lại bồi hồi nhớ về Hà Nội, nơi giờ đây mùa xuân cũng đã về trên phố, về trong lòng mỗi con dân thủ đô.

Mùa xuân năm ngoái là mùa xuân hiếm hoi tôi có mặt ở nhà, để một buổi sớm cùng hai người bạn thân thiết đi thăm chợ hoa ngày trước Tết. Chợ hoa Nhật Tân ngày này tấp nập người mua, người bán, với nào đào, nào quất, nào hoa lan hoa huệ đua nhau khoe sắc sẵn sàng cho một kì lễ trang hoàng. Chúng tôi chọn cho mình mỗi người một bó hoa thật tươi, rồi chào chợ sớm tìm đến quán phở Thìn mới mở trên đường Nguyễn Hữu Huân.

Mặt trời lúc đó mới chỉ lấp ló ở xa xa, sương đêm vẫn giăng mắc trên đường, trên từng nhánh cây và trong cả mấy bó hoa mới mua của chúng tôi, để rồi bữa sáng với những sợi phở mỡ gà vàng óng mượt trở nên ấm lòng hơn bao giờ hết. Khi ăn phở gà, tôi luôn thích cho gia vị hơi quá tay, sao cho vị mằn mặn của nước cứ tê tê trên đầu lưỡi và mùi thơm của gà ướp lá chanh cứ xông lên từng đợt trên mũi, xóa tan đi những hạt sương lạnh cuối cùng còn vương trên làn da khô ráp. Thế rồi chúng tôi rủ nhau lên cà phê Đinh, gọi cho mình mấy cốc đen nóng thật đặc và cứ thế ngồi tâm tình đến hết một buổi sáng. Tôi không còn nhớ nổi chúng tôi đã nói những gì, đã kể những gì, để đến bây giờ chỉ còn đọng lại trong tâm trí hình ảnh ba người bạn ngồi bên nhau lâu thật lâu trong sự chia sẻ chân tình, trong sự nồng nàn thân thiết của một tình bạn thiêng liêng.

Bốn hôm sau là đến giao thừa, tôi rủ ba, mẹ, và em, đi du xuân bờ Hồ như những năm tôi chưa phải đi xa. Tôi nhớ lắm cái cảm giác đầm ấm bên mọi người, cả gia đình thong thả dạo mấy vòng hồ chờ đến phút giao thừa xem bắn pháo hoa. Có lúc ba đi lùi lại một chút phía sau, níu tay em tôi để kể em nghe về những chuyện ngày xưa ba đã kể cho tôi, để mặc tôi dìu mẹ bước đi phía trước.

Lại có lúc mẹ ngả đầu vào vai em, để ba tranh thủ dặn dò tôi về những kế hoạch của tương lai. Nhưng có lẽ, khoảnh khắc tuyệt vời nhất là khi tôi được thấy ba và mẹ song hành, mẹ ngả hẳn vào trong vòng tay rộng lớn của ba; và khi bốn chúng tôi cùng sóng bước bên nhau, để ba bố con chúng tôi như ba tấm chắn khổng lồ bao bọc, chở che, nâng niu mẹ - người phụ nữ bé nhỏ đã tảo tần vì gia đình suốt mấy chục năm nay. Tôi nhớ lúc đó tôi đã cố chụp thật nhiều ảnh, ở nhiều góc độ để cố lưu lại những khoảnh khắc tuyệt với ấy, nhưng chẳng hiểu sao chiếc máy ảnh đem theo đã không thể ghi nổi một tấm hình nào rõ rệt. Có điều, khung cảnh yên bình trong đêm ấy dường như cũng đã in rõ lên tâm trí tôi, khắc sâu những đường nét mà tôi biết chắc sẽ chẳng thể phai mờ.

 Những ngày sau Tết, tôi nghỉ hẳn công việc hành chính và dành trọn thời gian cho Hà Nội. Tôi lang thang khắp các ngả đường, tìm vào những bảo tàng, những đình, chùa, khu di tích tôi chưa được biết đến trước đây; đọc nhiều hơn những sách lịch sử, sách văn hóa của Việt Nam; tìm đến những nhà Hà Nội học có tiếng để hỏi chuyện, đánh bạn với những người cũng dạt dào tình cảm với thành phố như tôi… Tất cả, chỉ với mong muốn được biết thêm một chút về nơi mình đã sinh ra và lớn lên, hiểu thêm về nơi mình đã yêu, đã nguyện tâm gắn bó. Có tình yêu nào là vững bền, là đích thực, nếu ta không hiểu rõ được nửa còn lại của mình, phải không bạn?

 Và, trong vô vàn những con ngõ tôi đã dạo bước qua, có một con ngõ giấu mình gọn gàng ở một góc thành phố mà tôi vẫn thường xuyên kiếm cớ ghé thăm. Ở con ngõ ấy, có một ngôi nhà nhỏ hai tầng, một khoảnh sân be bé và dàn hoa giấy giăng rủ màn the. Chủ nhân căn nhà là một cô gái đang độ xuân thì, dáng hình đoan trang thùy mị như một tiểu thư đài các người ta vẫn đọc thấy trong văn thơ của những thi sĩ đa tình. Tôi may mắn có được đặc ân đưa đón người con gái ấy, được nâng niu những ngón tay tiên, và được vuốt ve mái tóc thề ánh tím. Chả thế mà dù có bận thế nào với hành trình rong ruổi qua đất Hà thành, tôi vẫn tìm được lí do để ghé qua nhà, để lại được đứng bên nàng trong khoảnh sân be bé, dưới giàn hoa giấy đỏ hồng khoe sắc.

Có những buổi tối không trăng, cả con ngõ tối mờ trong ánh đèn điện trắng đục của nhà hàng xóm, chúng tôi đứng bên nhau trò chuyện tâm tình chẳng để ý nổi đến thời gian. Rồi khi đêm đã quá khuya, chúng tôi dùng dằng không nói được lời tạm biệt. Phút bịn rịn ấy như đưa chúng tôi sát lại gần nhau hơn, và như thôi thúc tôi đặt lên đôi môi thơm mọng của nàng một nụ hôn thật nồng nàn say đắm. Nhưng chính khi đó, tiếng xe máy từ đầu ngõ bỗng nhiên vọng vào, kèm ánh đèn xe loang loáng làm người con gái lại bối rối đẩy tôi ra. Đôi mắt e thẹn của nàng gặp mắt tôi trong giây lát, chỉ đủ để tôi thấy sự đồng tình pha chút ngượng ngùng, gần giống như sự gặp gỡ trái ngang của say mê thúc giục và những kìm ném phải có của hủ tục gia phong. Để đến khi buộc phải chia tay con ngõ, tôi lại lập tức nung nấu trong đầu một lý do quay lại.

Cứ thế, cứ thế, những kỉ niệm gắn liền với Hà Nội dội về trong tôi, thôi thúc, giục giã tôi nhanh chóng hồi hương. Qua bao năm tháng chu du khắp chân trời góc bể, bạn của tôi ơi, có lẽ điều duy nhất tôi tích lũy được, điều duy nhất tôi thật sự từ hào, chính là tình yêu Hà Nội dạt dào thủy chung không gì lay chuyển được.

Vẫn phải cất bước ra đi cho tròn bổn phận làm con, làm người, tròn bổn phận với quê hương Tổ quốc, nhưng ấp ủ trong tâm trí mãi là một tấm lòng sắc son hướng về thành phố, mãi là sự bồi hồi háo hức mỗi lần có dịp về thăm, là nỗi niềm xao xuyến thiết tha khi ngày chia xa lại gần kề. Và, bạn ơi, như lời nhạc sĩ Lê Vinh đã gửi gắm vào những cung nhạc da diết của bài Hà Nội và Tôi, quả thật, “cái ngày tôi chia xa Hà Nội, giờ ra đi mới thấy lòng tiếc nuối. Những kỷ niệm một thời nông nổi, cứ thôi thúc hoài, khắc khoải nơi trái tim…”

Bạn hãy cảm thông nhé cho những tình cảm của tôi, cho những bài viết chỉ một lòng mong ngóng về thành phố. Vì đó là tất cả những gì tôi có, tôi tin./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)