Các đường phố Hà Nội theo vần H (phần 5)

HÀNG VẢI

Phố: dài gần 240m; từ phố Thuốc Bắc đến phố Phùng Hưng, cắt ngang ngã tư Hàng Đồng - Bát Sứ và phố Hàng Gà. Số 44 là đình Tân Khai (Thái Cam), di tích đã xếp hạng năm 1990, đình Đông Thành ở số 7.

Đất thôn Đông Thành, Tân Khai, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm.

Xưa cuối phố còn gọi phố Hàng Cuốc, cũng gọi ngõ Cổng Đục.

Thời Pháp thuộc là phố Hàng Vải (còn gọi Hàng Vải Nâu) (rue des Étoffes).
 
HÀNG VÔI

Phố: dài gần 400m; từ phố Lò Sũ đến phố Ngô Quyền (gần bến xe buýt Hàng Vôi), ngoặt sang đường Trần Quang Khải.

Đất thôn Trừng Thanh, Kiếm Hồ, tổng Tả Túc, huyện Thọ Xương cũ. Trước ở sát bờ sông Hồng, có nhiều nhà bán vôi cục.

Nay thuộc phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc gọi là phố Hàng Vôi (rue de la Chaux)

(Gồm cả phố Tông Đản bây giờ, đến thời tạm chiếm tách làm hai phố).
 
HÀO NAM

Phố: dài 650m; từ trụ sở Hợp tác xã Lao động trong làng Hào Nam, chạy hai bên mương Hào Nam nay đã thành cống ngầm, qua Nhạc viện Hà Nội, đến đường La Thành.

Đất trại Thịnh Hào, tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận cũ. Hào Nam là một thôn của trại Thịnh Hào. Nay thuộc phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa. Đình và đền Hào Nam là di tích được xếp hạng nam 1994.

Tên phố mới đặt tháng 1-1999.
 
HOA BẰNG

Phố: dài 550m, từ phố Yên Hoà (chỗ ngã ba với phố Trung Kính) đến ngã ba kế tiếp trong làng Yên Hoà, huyện Từ Liêm trước đây, nay thuộc phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy.

Tên mới đặt tháng 7-1999.

Hoa Bằng: bút danh của Hoàng Thúc Trâm (1902 -1997), người làng Hạ Yên Quyết (Cót), tổng Dịch Vọng, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (sau là xã Yên Hoà, huyện Từ Liêm, nay là phường Yên Hoà). Ông là một học giả uyên bác, tham gia viết báo từ năm 1925, là tác giả và soạn giả của nhiều tác phẩm nghiên cứu giá trị như: Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Hồ Xuân Hương, Lý Văn Phức, Văn chương Quốc âm đời Tây Sơn, Lịch sử xã hội Việt Nam, Tư tưởng đại đồng trong cổ học Trung Hoa, Hán Việt tân từ điển... và là dịch giả: Việt sử thông giám cương mục, Đại nam thực lục, Lịch triều tạp kỷ…
 
HOA LÂM

Phố: dài 900m; từ ngõ 170 đường Ngô Gia Tự đến khu đô thị mới Việt Hưng.

Đất xã Việt Hưng, huyện Gia Lâm trước đây.

Nay thuộc phường Việt Hưng, quận Long Biên. Tên mới đặt tháng 8-2005.

Hoa Lâm: vốn là vùng đất cổ, một sở khai thác đồn điền nên còn gọi là Hoa Lâm Sở, có từ trước thế kỷ XIX. Sau năm 1841, đổi tên là Trường Lâm Sở và bao gồm cả thôn Ngọc Lâm (nay thuộc phường Bồ Đề). Trường Lâm hay Tràng Lâm là một làng của huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh xưa, sau Cách mạng hợp nhất 4 làng: Tràng Lâm, Ô Cách, Lệ Mật, Kim Quan Thượng thành xã Việt Hưng, nhập về Hà Nội năm 1961. Năm 2004 thành lập quận Long Biên, Việt Hưng là một trong 14 phường thuộc quận.
 
HOA LƯ

Phố: dài 350m; từ phố Lê Đại Hành đến phố Đại Cồ Việt, qua Trung tâm Triển lãm Văn hoá - nghệ thuật Vân Hồ.

Đất thôn Vân Hồ, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng.

Hoa Lư tên vùng núi huyện Gia Viễn, nay thuộc huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, nơi vua Đinh Tiên Hoàng (sau khi dẹp yên loạn Mười hai sứ quân) lập làm kinh đô của nước Đại Cồ Việt vào thế kỷ X. Sau 42 năm là kinh đô đất nước dưới triều Đinh và Tiền Lê (từ 968 đến 1009), vua Lý Thái Tổ quyết định dời đô về thành Đại La và đổi tên là Thăng Long (1010).
 
HOÀ BÌNH

Ngõ: ở phố Khâm Thiên, cạnh số nhà 24 rẽ vào, thông sang ngõ Văn Chương. Nay thuộc phường Thổ Quan, quận Đống Đa.

Tên có từ trước Cách mạng do trong ngõ có nhiều nhà của anh em ông chủ hãng Ô tô chạy Hà Nội - Hoà Bình.

Ngõ: cùng tên của 7 ngõ từ 1 đến 7 ở phố Minh Khai bên số lẻ rẽ vào, đất phường Hồng Mai và làng Quỳnh Lôi, huyện Thanh Trì xưa. Nay thuộc phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng.

Tên mới đặt sau ngày Thủ đô giải phóng, hoà bình lập lại.
 
HOÀ MÃ

Phố: dài 460m; từ phố Lò Đúc đến phố Huế, cắt ngang qua phố Ngô Thì Nhậm.

Đất thôn Hương Viên và Hoà Mã, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc hai phường Phạm Đình Hổ và Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng.

Hoà Mã nghĩa chữ Nôm là thay trang phục. Xưa ở đây có cung Đổi Mã (sau làm chùa Hoà Mã) để vua thay áo vào tế đàn Nam Giao.

Thời Pháp thuộc là phố Đô đốc Xênét (rue Amiral Sénès) Nhưng dân gian vẫn quen gọi Hoà Mã.
 
HOẢ LÒ

Phố: dài 165m; từ phố Hai Bà Trưng sang phố Lý Thường Kiệt, không có nhà dân, một bên là Toà án, một bên là Nhà giam Trung ương (Maison Centrale) do Pháp xây năm 1899.

Đất thôn Phụ Khánh, tổng Tiền Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Dân thôn này có nghề làm siêu, ấm, hoả lò bằng đất nung, nên thành tên gọi nhà tù này. Di tích nhà tù Hoả Lò nay chỉ còn một phần dược xếp hạng năm 1997  và thành bảo tàng.

Nay thuộc phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc gọi là phố Nhà Tù (rue de la Prison). Dân quen gọi: phố Hoả Lò.
 
HOÀNG AN

Ngõ: từ phố Lê Duẩn (xế trước Công viên Thống Nhất) rẽ qua đường sắt vào làng Trung Phụng, tổng Tiền Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Ngõ thông sang ngõ chợ Khâm Thiên.

Hoàng An là tên người có nhiều nhà xây lập ra ngõ này.

Nay thuộc phường Trung Phụng, quận Đống Đa. Còn gọi ngõ Trung Phụng.
 
HOÀNG CẦU

Phố: dài gần 1000m; từ đường La Thành đi bên cạnh mương Hào Nam qua hồ Đống Đa đến phố Thái Hà.

Đất trại Thịnh Hào, tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận cũ.

Hoàng Cầu là tên gốc của một thôn ở phía nam đường đê La Thành, giữa đoạn từ ngã tư Láng Hạ - Giảng Võ đến Ô Chợ Dừa. Đi vào bằng các ngõ từ đê La Thành xuống hoặc từ phố Nguyễn Lương Bằng rẽ vào qua phố Đông Các và ngõ chùa Nam Đồng (số 66).
 
HOÀNG DIỆU

Đường: dài 1,34km, từ phố Phan Đình Phùng đến phố Nguyễn Thái Học, cắt ngang các phố Hoàng Văn Thụ, Điện Biên Phủ, Trần Phú, Cao Bá Quát.

Vốn là đường hào cạnh phía tây hành cung thành Thăng Long thời Nguyễn. Có lối vào di tích Đoan Môn của thành cổ, đã xếp hạng năm 1999. Khu di tích Hoàng cung Long Thành mới phát lộ đang khai quật khảo cổ ở góc đường Hoàng Diệu và Bắc Sơn. Nay thuộc hai phường quán Thánh và Điện Biên, quận Ba Đình.

Thời Pháp thuộc gọi là đại lộ Víchto Huygô (avenue Victor Hugo)

Sau đổi là: đại lộ Pie Patxkiê (avenue Pierre Pasquier), (1932).

Tên mới dặt sau Cách mạng tháng 8-1945.

Hoàng Diệu (1832 - 1882): người huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, đỗ phó bảng năm 1853, giữ chức Tổng đốc Hà - Ninh (Hà Nội - Ninh Bình) năm 1880. Pháp đánh thành Hà Nội (25-4-1882), Hoàng Diệu chỉ huy cuộc chiến đấu tới cùng. Thấy không đủ sức chiến đấu nổi, ông thắt cổ tuẫn tiết trên cây táo cạnh Võ Miếu. Sau Cách mạng, một thời tên ông được đặt cho thành phố Hà Nội là thành Hoàng Diệu trước và trong kháng chiến chống Pháp). Tượng đồng của ông và Nguyễn Tri Phương được đặt năm 2003 tại Cửa Bắc thành Hà Nội để ghi nhớ hai vị đã hy sinh chống Pháp đánh thành.
 
HOÀNG ĐẠO THÀNH

Phố: dài 470m; từ đường Kim Giang (chỗ chợ Kim Giang) đi vào đến nhà D7 của khu tập thế Kim Giang. Đất thôn Kim Lũ - lên nôm là Lủ Cầu - thuộc xã Đại Kim, huyên Thanh Trì trước, nay thuộc phường Kim Giang, quận Thanh Xuân.

Tên cũ là phố: Lủ Cầu (thành phố đặt tháng l-1999).

Tên mới Hoàng Đạo Thành, đổi lại từ tháng 7-2000.

Hoàng Đạo Thành (? - 1908): vốn gốc họ Cung, người làng Kim Lũ, xã Đại Kim, huyện Thanh Trì (từ năm 2004 là phường Đại Kim, quận Hoàng Mai). Ông đỗ tú tài năm 1870, cử nhân năm 1884, ra làm quan Giáo thụ ở huyện Quốc Oai rồi Hoài Đức, Đa Phúc, Thuận Thành, Từ Sơn; tri huyện Quế Dương, tri phủ Thuận Thành, thương tá tỉnh Bắc Ninh. Ông tham gia phong trào Duy Tân, viết nhiều sách lịch sử và danh nhân: Đại Nam hành ngữ liệt nữ truyện, Việt sử tứ tự, Việt sử tân ước - bộ sử có quan điểm tiến bộ. Ông là thân sinh nhà văn hoá Hoàng Đạo Thúy.
 
HOÀNG ĐẠO THÚY

Phố: dài 1,1km; từ phố mới đặt tên Lê Văn Lương, qua khu chung cư 7 tầng của đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, đến đường Trần Duy Hưng; chạy trên đất 2 xã Trung Hòa và Nhân Chính, huyện Từ Liêm trước đây. Nay thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy và Nhân Chính thuộc quận Thanh Xuân. Tên mới đặt tháng 8-2005.

Hoàng Đạo Thúy (1900- 1994): người làng Kim Lũ, xã Đại Kim, huyện Thanh Trì (từ 2004 là phường Đại Kim, quận Hoàng Mai), Hà Nội, sống lâu ở làng Đại Yên, nay thuộc quận Ba Đình. Trước 1945, ông dạy ở trường tiểu học Sinh Từ, tham gia ban chỉ đạo Liên đoàn hướng đạo Bắc Kỳ, hoạt động truyền bá quốc ngữ và cứu tế xã hội, viết báo Thanh Nghị, viết sách Trai nước Nam làm gì?, Anh Tư Bền... Ông là đại biểu Quốc dân đại hội Tân Trào.

Sau Cách mạng tháng Tám, ông gia nhập quân đội, giữ nhiều chức vụ: Cục trưởng Cục Thông tin liên lạc Bộ Quốc phòng, Giám đốc trường võ bị Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Giao thông dân binh, Cục trưởng Cục Quân huấn Bộ Tổng tham mưu... được phong hàm đại tá (1958). Sau hòa bình, ông chuyển sang Ủy ban dân tộc Trung ương, ông là đại biểu Quốc hội khóa I và II. Những tác phẩm của ông viết về Hà Nội như Người và cảnh Hà Nội, Hà Nội phố phường xưa, Hà Nội thanh lịch... đã được tặng giải thưởng Thăng Long của Thủ đô năm 1994.
 
HOÀNG HOA THÁM

Đường: dài 3,3km; từ phố Phan Đình Phùng - Hùng Vương đến đường Bưởi chỗ Cống Yên - cạnh chợ Bưởi. Chạy bên vườn Bách Thảo và các làng Ngọc Hà, Đại Yên, Vĩnh Phúc. Có một cổng vườn Bách thảo ở đoạn đầu đường. Vốn là tường thành bao mặt bắc kinh thành xưa, bên sông Tô Lịch, nên nền cao. Đất nhiều thôn thuộc Thập tam trại, tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận cũ. Cạnh đường có đền Đống Nước, di tích xếp hạng năm 1993; đình Đại Yên, xếp hạng năm 1990. Nay thuộc các phường: Ngọc Hà, Cống Vị (quận Ba Đình); Thụy Khuê, Bưởi (quận Tây Hồ).

Trước đây có tên dân gian là đường Thành.

Thời Pháp thuộc gọi là đê Parô (digue Parreau).

Hoàng Hoa Thám (1845 -1913): quen gọi là Đề Thám, tên thật là Trương Nghĩa, quê Tiên Lữ, Hưng Yên; nhưng sinh tại Sơn Tây. Ông lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế năm 1887, lập căn cứ ở Bắc Giang, chống Pháp dai dẳng 26 năm. Pháp không diệt nổi phải thương lượng đình chiến mấy lần. Ngày 10-2-1913, Pháp mua chuộc được một số tên phản bội, đã sát hại ông ở vùng rừng Yên Thế. Ông là một anh hùng nông dân yêu nước, có tính thần bất khuất, kiên dũng trong lịch sử cận đại.
 
HOÀNG MAI

Đường: dài 1,7km; từ đường Trương Định vào qua làng Hoàng Mai sang tới đường Tam Trinh, gần khu đô thị mới Đền Lừ.

Đất làng Hoàng Mai, tổng Hoàng Mai, huyện Hoàn Long, Hà Đông, sau thuộc ngoại thành thời Pháp thuộc. Năm 1957 là xã Hoàng Văn Thụ, huyện Thanh Trì, sau thành phường thuộc quận Hai Bà Trưng. Từ 1-1-2004 là phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai. Phường có di tích đền Lừ, đình Hoàng Mai và chùa Nga Mi đã xếp hạng năm 1994.

Tên cũ gọi ngõ 103 Trương Định.

Tên mới đặt tháng 7-1999.
 
HOÀNG MINH GIÁM

Đường: dài 1,13km; từ ngã tư nối với đường Nguyễn Tuân qua khu đô thị mới đến đường Trần Duy Hưng. Đất xã Nhân Chính và Trung Hòa, huyện Từ Liêm trước đây. Nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân và phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy. Tên mới đặt tháng 8 - 2005.

Hoàng Minh Giám (1904 -1995): quê xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội; sinh trong một gia đình nhà nho yêu nước, là con của chiến sĩ Đông Kinh Nghĩa Thục Hoàng Tăng Bí. Ông học trường Quốc học Huế, tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hà Nội (1926), giáo sư trung học ở Phnôm Pênh rồi về Sài Gòn dạy học (1928) và viết báo An Nam, Tiếng chuông rè, Người nhà quê… 

Năm 1935 tham gia thành lập Trường tư thục Thăng Long ở Hà Nội và làm hiệu trưởng trường này (1937 - 1945). Cách mạng tháng Tám thành công, ông được mời vào Chính phủ lâm thời, làm Đổng lý văn phòng, sau đó giữ các chức vụ: Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền (1954), Bộ trưởng Bộ Văn hóa (1956 -1976). Ông là đại biểu Quốc hội liên tục từ khóa I đến khóa VII, là một trong những người sáng lập Đảng Xã hội Việt Nam (1946) và là Tổng thư ký của đảng này, tham gia ủy viên Đoàn chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
 
HOÀNG NGÂN

Phố: dài 900m; từ phố Hoàng Đạo Thúy đến đường Lê Văn Lương. Tháng 7-2007, thành phố điều chỉnh nối thêm 400m từ đường Lê Văn Lương đến phố Quan Nhân, thuộc phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy và phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân. Tên mới đặt: 12-2006.

Hoàng Ngân (1921-1949): tên thật là Phạm Thị Vân, quê gốc Nam Định, sinh tại Hải Phòng, tham gia cách mạng từ thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936 -1939), vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm mới 17 tuổi, sớm trở thành một đảng viên trẻ có bản lĩnh. Chị lần lượt làm liên lạc cho Xứ uỷ Bắc Kỳ, cán bộ chủ chốt của Đảng bộ Hải Phòng, Ban thường vụ Hội Phụ nữ Bắc Kỳ. Bị thực dân bắt đầu năm 1944, kết án 12 năm tù, giam ở Hỏa Lò, Hà Nội. Nhật đảo chính Pháp, chị được giải thoát, ra nhận nhiệm vụ Bí thư Phụ nữ cứu quốc Hà Nội, tổ chức đội nữ du kích Minh Khai để tham gia Tổng khởi nghĩa.

Trong kháng chiến chống Pháp, chị làm Bí thư Phụ nữ cứu quốc Bắc Bộ, Bí thư Hội Phụ nữ Việt Nam, Tổng biên tập đầu tiên của báo Phụ nữ Việt Nam xuất bản tại chiến khu. Do bị địch tra tấn dã man ngày trước nên sức khoẻ yếu, chị mất tại Việt Bắc năm 1949. Truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang năm 2008.
 
HOÀNG NGỌC PHÁCH

Phố: dài 320m; từ ngã tư Láng Hạ - Thái Thịnh đến đường Nguyên Hồng, chạy qua khu A và giữa hai khu B – C, khu tập thể Nam Thành Công.

Đất trại Yên Lãng, tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận cũ.

Nay thuộc phường Láng Hạ, quận Đống Đa.

Tên mới đặt tháng 1-1998.

Hoàng Ngọc Phách (1896 - 1973): hiệu Song An, nhà giáo - nhà văn - nhà nghiên cứu văn học, người làng Đông Thái, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Viết tạp chí Nam Phong từ 1919. Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm 1922. Gắn bó với giáo dục 40 năm, từng làm giám đốc Học khu Bắc Ninh, Giáo dục khu 12, Giám đốc trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, Ban tu thư Bộ Giáo dục. 1959 sang Viện Văn học Việt Nam. Mất tại Hà Nội ngày 24-11 -1973.

Tác phẩm chính: Tố Tâm (1922), Thời thế với văn chương (1941), Đâu là chân lý (1941), Văn thơ Nguyễn Khuyến (viết chung 1957), Sơ tuyển văn  thơ yêu nước và cách mạng (viết chung, 1958)./.

(Còn tiếp)

(Thanglonghanoi/Vietnam+)