Lễ hội chùa Láng

Chùa Láng (hay còn gọi Chiêu Thiền tự) tại làng Láng Thượng (quận Đống Đa - Hà Nội) là ngôi chùa cổ nổi tiếng.

Chùa thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh, vị danh sư nổi tiếng thời Lý. Hội Chùa Láng được tổ chức hàng năm để tưởng nhớ công đức của Thiền sư và là sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của cư dân một vùng rộng lớn phía Tây Hà Nội.

Từ lâu, dân gian đã lưu truyền câu ca dao: “Nhớ ngày mùng bảy tháng ba, Trở về hội Láng, trở ra hội Thầy”. Hội chùa Láng diễn ra trong thời gian nửa đầu tháng 3 âm lịch, trong tiết Thanh minh ấm áp. Hội là dịp để nhân dân tôn vinh, tỏ lòng biết ơn tới Thiền sư Từ Đạo Hạnh và vua Lý Thần Tông. Chính hội là ngày 7/3, tương truyền là ngày sinh của Thiền sư Từ Đạo Hạnh.

Trong ngày chính hội, dân làng tổ chức lễ rước kiệu Thánh có quy mô lớn đến nhà bát giác đặt tại chùa Láng. Từ đây, mọi nghi thức lễ Thánh, lễ Phật, các nghi lễ dâng hương, hoạt động văn hoá, văn nghệ... đều được tổ chức tại khoảng sân giữa nhà bát giác và nhà Tiền Đường của chùa.

Mỗi năm, đến ngày hội, nhân dân cùng Phật tử khắp nơi đã nô nức trở về chùa Láng để lễ Phật, lễ Thánh và cầu mong những điều tốt đẹp cho gia đình, xã hội. Đây là dịp để mọi người có thể đến cầu Phật, Thánh cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhà nhà no ấm.

Sau phần lễ là phần hội với nhiều trò chơi dân gian được tổ chức ngoài trời như thi thổi cơm, đập niêu, chọi gà... cùng nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ như hội thơ, hội thư pháp, thi đấu cờ tướng, hát quan họ, chầu văn, cải lương, múa… để du khách gần xa cùng tham gia.

Ngày nay, hội chùa Láng được tổ chức tuy đơn giản song vẫn giữ được những nghi lễ và hoạt động truyền thống của một lễ hội chùa vốn nức tiếng cả một vùng phía Tây kinh thành Thăng Long xưa./.

(Báo Ảnh Việt Nam/Vietnam+)