Sắc xuân Hà Nội qua một áng văn 5 thế kỷ trước

Cách đây hơn 500 năm, đã một áng văn ca ngợi Hà Nội vào xuân. Đó là bài phú “Phụng thành xuân sắc” của Nguyễn Giản Thanh. Giản Thanh người làng Ông Mạc (làng Me) nay thuộc huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh.

Cách đây hơn 500 năm, đã một áng văn ca ngợi Hà Nội vào xuân. Đó là bài phú “Phụng thành xuân sắc” của Nguyễn Giản Thanh. Giản Thanh người làng Ông Mạc (làng Me) nay thuộc huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh. Ông đỗ Trạng nguyên năm 1508. Tương truyền bài phú đó được viết trong kỳ thi Đình và nhờ nó mà tác giả được chọn đỗ Trạng nguyên.

“Phụng thành xuân sắc” có nghĩa là sắc xuân của thành Phụng Thành. Phụng chính là Hà Nội (thủa trước có điển tích gọi nơi vua ở là thành Đan Phượng, nói tắt là thành Phượng hoặc thành Phụng, sau dùng chữ này để chỉ kinh đô). Như vậy đây là bài phú Nôm đầu tiên viết về đề tài Hà Nội và mùa xuân. Mở bài ra đã là bút pháp hoành tráng dựng lại cội nguồn bề thế của thành Phụng có gốc gác từ thủa khai thiên lập địa:

"Ngao từ chia cực/Phụng đã xây thành"

Đó là cách nói để khẳng định bề dày thời gian của mảnh đất kinh kỳ, một vùng đất cổ kính từng là nơi quần tụ của một cư dân văn minh, có một nền văn hiến dài lâu

"Sum một chốn y quan lễ nhạc/Vầy một nơi văn vật thanh danh"

Thành Phụng – Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội là nơi sum vầy chung sống những con người có lễ nhạc – tức là có trình độ tổ chức chính trị và có văn hóa – lại là nơi nổi tiếng vì có dư mấy nghìn năm văn vật. Dải đất này là trung tâm của đất nước, đứng đầu một miền của tổ quốc:

"Cõi giữa bang trung/Đứng trên thượng quốc"

Như vậy là vì nơi đây có một vị thế và một khung cảnh đặc biệt:

"Đỉnh Tản Sơn hùng chiếm tây nam/Dòng Nhị Thủy rồng chầu đông bắc/Nghìn dặm giang sơn đặt hiểm, tượng đã có danh/Bốn mùa cảnh vật đều xuân, hoa càng thêm sắc"

"Chín bức lâu đài ngọc chúc/ Nghìn lần la ỷ cẩm lung/ Chợ chợ nhà nhà trăm dáng tựa đồ bồi tám bức/ Thành thành thị thị muôn tía chen thức ánh ngàn hồng"

Núi Tản Viên sừng sững uy nghi như con hổ cành giữ phía tây nam, dòng Nhị Thủy như con rồng uốn lượn che chở bao bọc vùng đông bắc, hai hình ảnh đó đủ nói lên cái thế “thành bách chiến” của Hà Nội, vừa kín đáo, vừa hiểm tuấn, nhưng không vì thế mà giảm đi vẻ mỹ lệ của một đô thành. Nơi đây bốn mùa đều có sắc xuân vì luôn luôn có hoa màu và thật là nơi đô hội phồn vinh: lâu đài vòi vọi, màn trướng ngàn lớp rực rỡ, sinh hoạt đông vui…, nào phường phố, nào chợ búa, người qua lại nhộn nhịp, nhà cửa san sát, hàng trăm kiểu dáng như tranh vẽ, khắp đô thành muôn tía, nghìn hồng chen sắc. Thật là một phong cách tráng lệ, văn chương lớp lớp say sưa, hào sảng. Có hai câu đáng chú ý:

"Chợ Hòe đầm ấm/Phố Ngọc tần vần"

Có thể đây là nói theo điển tích những cũng có thể là tả thực. Chợ Hòe phải chăng là chợ ở con đường sát kề cửa Bắc hoàng thành có trồng toàn hòe mà mà nay là phố Hòe Nhai. Và phố Ngọc có thể là dãy phố bán hoa ở cửa Tây thành, nơi có nhiều dinh thự các vương tôn công tử mà nay là khu vực Ngọc Hà.

Nổi bật trên cái nền đô hội phồn vinh này là những con người, những chàng trai lành mạnh, linh lợi, những cô gái duyên dáng, yêu kiều:

"Trai lanh lẹ đá cầu vén áo/Gái éo le rủ yếm đôi quần/Khách Trường An cưỡi ngựa xem hoa, rợp đường tử mạch/Chàng công tử ngựa xe giương tán, rạng mực thanh vân"

Thì ra tới thế kỷ 16, phong tục đá cầu ngày xuân vẫn còn phổ biến ở Thăng Long (tục này thịnh hành ở đời Trần, vua cũng đá cầu cùng triều thần ở ngay trong điện). còn con gái Thăng Long ngày ấy mặc áo tứ thân thắt vạt vì có thế thì mới khoe được những tấm yếm màu hoa đào, hoa lý với những dải yếm đeo bùa bông rủ tăng thêm vẻ yêu kiều… Người Thăng Long thanh lịch. Thành Thăng Long là dải đất lành. Nhưng điều cơ bản nhất, làm nên xuân sắc, nên sức sống đào ứ mãnh liệt, nhưng làm nên tuổi xuân bất tận của Thăng Long thì lại chính là điều này:

"Có xuân tượng bởi có thành/Cậy hiểm chẳng bằng cậy đức/Tuy đã nhiều non nhiều nước, mạnh thửa thành trì/Sao bằng lấy nghĩa lấy nhân, bền làm phong vực"

Nền tảng vững vàng nhất để giữ gìn lãnh thổ không phải chỉ là sự hiểm trở của địa thế. Thành Phụng nói riêng, đất nước nói chung, tồn tại được thì cơ bản là ở đức, ở nhân nghĩa. Có cái này sẽ có sức mạnh bất diệt, nguồn gốc mọi chiến thắng. Riêng kiến giải sâu sắc đó đủ nói lên Nguyễn Giản Thanh đã kế thừa các nhà văn hóa nhân bản lớn thời trước như Trương Hán Siêu, Nguyễn Bá Thông, Lý Tứ Tấn, Nguyễn Trãi… Nguyễn Giản Thanh cũng như các bậc danh sĩ trên đã đề cao quan điểm nhân dân, nhân ái truyền thống của Việt Nam. Con người với đức nhân – tức là có chính nghĩa – là nhân tố quyết định mọi thắng lợi, đã giữ cho một sắc xuân vĩnh cửu.

Phú “Phụng thành xuân sắc” xứng đáng là tác phẩm nôm đầu tiên có giá trị viết về đề tài Hà Nội và mùa xuân. Đồng thời đó cũng là áng văn chương thông qua việc mô tả Hà Nội bằng hình tượng sống động, bằng màu sắc, đường nét, hình khối, ngôn ngữ dân tộc được sử dụng khá thành thục, lý giải mối quan hệ khắng khít giữa con người và đất nước, khẳng định bản chất nhân nghĩa của người Việt Nam chúng ta.

(Người Hà Nội/Vietnam+)