Phố cổ Chợ Gạo - Một nơi buôn bán sầm uất

Phố Chợ Gạo dài 75m, đi từ đường Trần Nhật Duật đến phố Đào Duy Từ, thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Đây nguyên là cửa sông Tô Lịch nhập vào sông Hồng. Bến sông có tên là Giáp Giang Nguyên (nguồn sông) thuộc thôn Hương Nghĩa, tổng Tả Túc (sau đổi là tổng Phúc Lâm) huyện Thọ Xương cũ. Đoạn cuối sông Tô Lịch đó được lấp bằng vào khoảng cuối những năm thập niên 90 của thế kỷ 19 (bản đồ Hà Nội năm 1890 còn vẽ sông Tô Lịch).

Khi chưa lấp sông Tô Lịch, trên bờ sông là nơi tụ tập những hàng bán gạo. Sau khi thực dân Pháp lấp sông, chỗ sông lấp là một khu đất hình chữ nhật dài 75m, rộng 40m và chúng cho xây tại đây một cầu chợ khá rộng lợp tôn, không có tường, làm nơi tập trung những người buôn bán ngũ cốc và đặt tên là Quảng trường Thương mại (Place du Commerce). Chung quanh là khu phố Hoa kiều có nghề cân đong và xay xát, xuất cảng gạo, nên nơi đây nhanh chóng sầm uất.

Tên phố “Chợ Gạo” chính thức được đặt từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945.

 Chợ Gạo là một phố nhỏ ít nhà, nhưng là địa điểm tập trung buôn bán, bên trong lại thông với phố Hàng Buồm, nên có đông người dựa vào đây sinh sống, phu khuân vác gạo và hàng hóa khác cho các cửa hiệu ở phố Hàng Buồm-Đào Duy Từ. Họ là dân trú ngụ ở ngoài bãi sông hoặc từ các làng ngoại ô vào. Một số khá đông là phu người Hoa kiều thì ở trong các ngõ Sầm Công, Hàng Giấy (Lataste), Lương Ngọc Quyến (Galet).

Phố Chợ Gạo được chia làm 2 phần:

Dãy phố phía Bắc: đầu phố là Trường Ke, tường bên chiếm một quãng dài; tiếp đến một loạt mấy ngôi nhà nhỏ hai tầng (từ số 2-8) của những gia đình buôn bán gạo; rồi đến khu đất đình Hương Nghĩa (thuộc phố Đào Duy Từ).

Dãy phố phía Nam: là một kho gạo lớn, mặt chính quay ra phố Đào Duy Từ.

Ngày nay, phố Chợ Gạo vẫn là một nơi buôn bán sầm uất bậc nhất Hà Nội với những cửa hàng, cửa hiệu, khách sạn, nhà hàng.../.

Kim Yến (Vietnam+)