Xây dựng con người Hà Nội văn hóa mới

Hà Nội có Tâm Việt, còn TP Hồ Chí Minh có Trí Việt. Hai công ty này cung cấp một loại dịch vụ đặc biệt: kỹ năng để có được một cuộc sống hạnh phúc.

Hình thức thể hiện khác nhau: một bên thông qua sách, một bên dùng các bài thuyết trình, nhưng cả hai đều cố gắng đáp ứng cho xã hội hiện đại một nhu cầu lớn về văn hóa, được coi là quà tặng tâm hồn.

Những bộ sách về kỹ năng sống của Cty Văn hóa sáng tạo Trí Việt cũng như dịch vụ của TT Phát triển kỹ năng con người Việt Nam (thuộc Tâm Việt Group) đều được đón nhận ở Hà Nội. Điều đó diễn ra không ngẫu nhiên.

Giám đốc Trí Việt Nguyễn Văn Phước có lần nói: “Người Hà Nội nói chung có điểm mạnh là được đắm mình trong môi trường, truyền thống của mảnh đất văn hiến. Họ được thừa hưởng nét văn hóa tinh thần lãng mạn, sâu sắc. Nhưng họ lại thiếu đi khát vọng, ước mơ và một sự quyết đoán để thoát khỏi lối mòn”. Lối chia sẻ rất bộc trực kiểu Nam bộ này có vẻ như không đi ngược lại ý kiến nói chung của nhiều nhà nghiên cứu về Hà Nội. Nếu quả thực như vậy, đời sống hiện đại sẽ đặt ra cho “người Hà Nội truyền thống” những thách thức rất lớn.
 
Liên quan đến nhận xét trên, dường như là có nhà doanh nghiệp Nguyễn Chí Linh, giám đốc công ty Nhật Linh (Lioa). Anh sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng, nhưng lại một mình đi con đường riêng. “Tôi không chịu ảnh hưởng bởi một cá nhân ai, hay một nền giáo dục khuôn khổ nào”. Nghe câu này, người ta sẽ phải nghĩ: giáo dục gia đình là nền tảng, nhưng cuộc sống mới đòi hỏi phải bổ sung bao kỹ năng mà gia đình không đáp ứng được. Đúng là nhiều bậc cha, mẹ đang bị “sốc” trước những đổi thay đang diễn ra từng ngày.
 
Cuộc sống phát triển kéo theo bao nhiêu nhu cầu và sự đáp ứng các loại hình văn hóa. TT Phát triển kỹ năng con người Nam Việt - đơn vị đầu tiên chuyên sâu về lĩnh vực này - đang đào tạo hơn 30 kỹ năng sống và làm việc. Có những kỹ năng sinh ra từ nhu cầu đời sống gia đình hôm nay: quản lý thời gian, tư duy tích cực, giải quyết stress, xung đột, tạo động lực làm việc... Nhiều gia đình đăng ký vào các lớp học này-cả cha, mẹ, con. Dịp hè, nhiều nhà gửi con vào học để mong gia đình có chung tiếng nói.
 
Chia sẻ và có tiếng nói chung đang là vấn đề quan trọng nhất hiện nay, không phân biệt gia đình trí thức, lao động chân tay hay kinh doanh... Website Trí Việt lưu giữ rất nhiều thư điện tử và cả thư viết tay của bạn đọc thuộc nhiều lứa tuổi, trình độ, vị trí xã hội... Tất cả đều bày tỏ niềm vui, niềm tin khi được chia sẻ tâm hồn, như thể những cuốn sách là người bạn lớn trong đời. Nhiều bạn trẻ nhận thấy bộ sách “Hạt giống tâm hồn” giúp họ tìm được điểm tựa để đứng lên, để tiếp tục mơ ước, sống có ích và sống hạnh phúc hơn. “Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ”, “Cho một sự khởi đầu mới”, “Thay thái độ, đổi cuộc đời”... đều không đơn thuần lý thuyết. Người già, thanh thiếu niên đón nhận những cuốn sách thấm đẫm kinh nghiệm rút ra từ bao nhiêu số phận con người, đã được kiểm định qua thời gian.
 
Mặc dù đã cảm nhận được, nhưng chúng tôi vẫn muốn đi tìm câu trả lời thuyết phục nhất cho vai trò của loại hình dịch vụ này trong xã hội hiện đại. Hôm ấy là buổi nói chuyện dành cho chị em Viện Khoa học xã hội Việt Nam nhân ngày 8-3. Khuôn mặt tròn, dáng người thấp đậm, bộ ria mép rất hóm, Tổng giám đốc Tâm Việt Group-TS Phan Quốc Việt đi lại và nói liên tục trên diễn đàn. Ông đã trả lời, trao đổi một cách vui nhộn, thuyết phục với họ-những người sẵn có kiến thức về lĩnh vực xã hội. Mà chuyện cũng chỉ quanh việc sao nói con không nghe, sao nói chồng không thay đổi hay làm sao để hài hòa giữa công việc và sự nghiệp... ? “Bắt chồng thay đổi ngay lập tức là việc không tưởng, việc chết người, khác nào đạp người ta từ tầng 15 xuống tầng 1”. “Trước khi đầu tư vào bất động sản, hãy đầu tư vào những động sản trong nhà-đó là những đứa con”... Người ta thích lối thuyết trình nhẹ nhàng, vui vui và có sức lột tả bản chất sự việc kiểu như thế... Từ năm 2001, TS Phan Quốc Việt cùng cộng sự của mình đã thuyết trình những kỹ năng cuộc sống tới hơn 15 ngàn người. Ông tự trào về nghề: nói và nói, đôi khi múa rìu qua mắt thợ. Nhưng hình như xã hội đang công nhận nghề này như một loại dịch vụ tâm hồn và tinh thần cho thời hiện đại.
 
Nhu cầu này đã và đang hiện diện đâu đó trong cuộc sống của chúng ta. Tại buổi lễ Quan Thầy (của đạo Thiên chúa), nhà anh T. (thực chất là một gian nhỏ chừng 10m2, kẹp giữa hai gian khác của hai ông anh) đông chật khách. Có hai vị dáng dấp đặc biệt, một nhà doanh nghiệp có tiếng, một quan chức chính quyền... Chỉ sau bài thánh ca mở đầu, họ nói chuyện, chia sẻ với nhau nhiều điều về cuộc sống, gia đình, bạn bè... Nhà doanh nghiệp, vị quan chức và anh T. quen nhau trong một lớp học về văn hóa ứng xử tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt Xô dăm năm nay rồi. T. không làm quan, không giàu, sống chung trong một ngôi nhà chẳng rộng mà lúc nào cũng thong thả, vui vẻ, đông bạn bè... Và mỗi năm, họ gặp nhau trong ngày lễ này, để chia sẻ những chuyện của cuộc sống, những gì họ học từ lớp học đặc biệt đó.
 
Hãy lắng nghe, cảm nhận những cuộc gặp mặt như thế, để biết rằng tuy còn mới, quá mới, đến mức mong manh, nhưng quà tặng tâm hồn thật là giá trị./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)