Đặc điểm bộ máy hành chính Hà Nội 1945-1960

1.Hai loại hình chính quyền

Điểm nổi bật của bộ máy Chính quyền Hà Nội giai đoạn đầu giải phóng là sự tồn tại hai loại hình Chính quyền quân sự - Ủy ban Quân chính và Chính quyền dân sự - Ủy ban Hành chính.

Theo chủ trương của Trung ương Đảng, thời gian đầu để tiến hành tiếp quản các thành phố cần phải xây dựng một cơ quan Chính quyền đặc biệt, thực hiện “Chế độ quản trị quân sự”. Trước mắt, Chính quyền này giao cho cơ quan chỉ huy của bộ đội vào Thành đảm nhiệm, sau đó sẽ tổ chức ra Uỷ ban quân chính gồm những cán bộ chỉ huy đơn vị bộ đội vào thành, cấp uỷ Đảng và Uỷ ban Kháng chiến Hành chính… Uỷ ban Quân chính Thành phố có quyền xử lý, nhưng phải nghiêm chỉnh thực hiện chế độ báo cáo và xin chỉ thị cấp trên.[1]

Tại Hà Nội, Hội đồng Chính phủ đã ra quyết định thành lập Uỷ ban Quân chính Hà Nội do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ làm Chủ tịch. Chính phủ quy định: “Trong thời kỳ tiếp quản, Uỷ ban Quân chính Hà Nội là cơ quan lãnh đạo tối cao trong Hà Nội, thống nhất tập trung mọi quyền lãnh đạo đối với các ngành hoạt động:

- Mọi chỉ thị của Chính phủ và các bộ đều gửi cho Uỷ ban Quân chính.

- Mọi lệnh và mọi công bố đều do Uỷ ban Quân chính đưa ra.

- Ủy ban Quân chính phải thi hành đúng chế độ báo cáo thỉnh thị”[2].

Chấp hành nhiệm vụ của Chính phủ giao phó, ngày 9-10-1954, Chủ tịch Uỷ ban Quân chính Hà Nội Vương Thừa Vũ ra Quyết định số 1 về tổ chức bộ máy tiếp quản, xác định nguyên tắc chung: bộ máy tiếp quản của Uỷ ban Quân chính Thành phố Hà Nội được tổ chức trên cơ sở bảo đảm việc tiếp thu và quản lý tất cả các cơ quan các cấp của Chính quyền Pháp và Bảo Đại.

Ngày 9-10-1954, bộ máy Uỷ ban Quân chính Thành phố Hà Nội được thành lập, gồm các bộ phận: Bộ Tư lệnh khu Hà Nội; Các ban và các sở: Ban Nội chính (có Sở Công an, Sở Tư pháp); Ban Kinh tế Tài chính (có Sở Thị chính, Sở Thuế, Sở Kho bạc, Sở Địa chính, Sở Chước bạ điền thổ, Sở Công thương, Sở Mậu dịch, Sở Ngân hàng, Sở Canh nông, Sở Lao động); Ban Xí nghiệp công ích (Sở Hoả xa, Sở Bưu điện, Sở Giao thông, Sở Công thương, Sở Công vụ); Ban Tuyên Văn Xã (có Sở Tuyên truyền, Đài Phát thanh, Tờ báo Tin tức, Nhà in Quốc gia, Ban tiếp quản ngành Giáo dục, Ban tiếp quản ngành Y tế); Văn phòng Uỷ ban Quân chính: Phòng Tổ chức và Cán bộ, Phòng Quản lý và Phân phối tài sản, phòng Ngoại kiều, ban Kiểm tra, ban Cung cấp[3].

Ngày 9-10-1954, tốp lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên, việc tiếp quản quân sự được thực hiện. Ngày 10-10-1954, đại quân ta từ năm cửa ô tiến vào Thủ đô. Hà Nội được hoàn toàn giải phóng.

Với vai trò tổ chức chính trị đứng đầu Hà Nội sau giải phóng, Uỷ ban Quân chính Hà Nội tập trung vào công tác tiếp quản, phục hồi Hà Nội. Công việc này được thực hiện trong điều kiện không thuận lợi. Uỷ ban Quân chính phải thực hiện trấn áp, loại bỏ các âm mưu chống phá của kẻ thù, bảo vệ an ninh, trật tự cho thủ đô. Đồng thời phải giải quyết tất cả các công việc hành chính của Chính quyền. Do vậy, nhiều công việc hành chính Uỷ ban Quân chính “không giải quyết kịp, hàng ngày có hàng nghìn người đến xin giải quyết công việc ở trụ sở Ủy ban Quân chính và Thị chính mà chưa được giải quyết kịp thời…”[4]. Thực tế trên cho thấy chỉ tồn tại một mình Uỷ ban Quân chính không những các công việc hành chính của Chính quyền không được giải quyết kịp thời mà việc xây dựng Chính quyền cơ sở cũng khó được chú trọng. Do vậy, Chính phủ cũng đã sớm chỉ thị thành lập ra Uỷ ban Hành chính Hà Nội. Trong quá trình đó vẫn “duy trì danh nghĩa Uỷ ban Quân Chính trong một thời gian lâu, dùng danh nghĩa ấy lúc cần thiết”[5]

Ngày 17-10-1954, Sau khi khảo sát và nghiên cứu tình hình thực tiễn, Đảng bộ Hà Nội đã chủ trương “phải nghiên cứu đề ra danh sách Uỷ ban Hành chính để trình Trung ương duyệt rồi công bố cho nhân dân biết. Sau đó phải nghiên cứu sự phân nhiệm, quyền hạn, sự liên hệ giữa Uỷ ban Hành chính và Uỷ ban Quân chính”[6].

Ngày 4-11-1954, Hội đồng Chính phủ đã ra quyết định thành lập Uỷ ban Hành chính Thành phố Hà Nội, do Trần Duy Hưng làm Chủ tịch, Trần Danh Tuyên làm Phó chủ tịch, các uỷ viên: Khuất Duy Tiến, Trần Văn Lai, Lê Quốc Thân, Hà Kế Tân[7].

Để phân định rõ chức năng của hai cơ quan chính quyền này, ngày 23-11-1954, Bộ Nội vụ đã ra công văn số 979 NV/TCC về “phân nhiệm vụ giữa Uỷ ban Quân chính và Uỷ ban Hành chính”. Cụ thể:

- Nhiệm vụ của Ủy ban Quân chính: Tổ chức việc bảo vệ thành thị, trấn áp bọn phản cách mạng, bọn chống lại Chính quyền nhân dân, bọn phá hoại kinh tế, bọn phá hoại Hiệp định Đình chiến có tính chất quan trọng như có tổ chức quy mô, có vũ trang. Xử lý những việc về Chính trị, kinh tế quan trọng đối với ngoại kiều.

- Nhiệm vụ của Ủy ban Hành chính: Hoàn thành công tác tiếp quản thủ đô, và chuyển giao các công sở, nhân viên, vật liệu, tài sản cho các cơ quan sở quản. Tiếp tục đấu tranh với đối phương đòi trả lại và bồi thường những thứ đã mang đi và phá hoại. Giữ gìn trật tự và an ninh hành chính trong thành thị. Xây dựng các cơ quan Chính quyền thành thị, các khu phố và các xã nội ngoại thành thị. Chấp hành những chính sách của Chính phủ đối với ngoại kiều. Chấp hành mọi chính sách chủ trương của Chính phủ ở thành thị nhằm xây dựng thành thị và nâng cao trình độ sinh hoạt tinh thần và vật chất của nhân dân.

Thành phần của Uỷ ban Hành chính một mặt phải bảo đảm cơ sở vững chắc Chính quyền Dân chủ nhân dân nhưng đồng thời cũng phải tiêu biểu được tính chất liên hiệp của nó ở thành thị, do đó cần chọn một số cán bộ cứng, trước đã công tác ở thành thị hoặc sinh sống và tư sản dân tộc có uy tín, tiêu biểu cho giới công thương và trí thức thành thị. Để cho bộ máy được đơn giản và hợp lý, cần chọn một số ủy viên trong Uỷ ban Quân chính và Hành chính. Trụ sở và văn phòng của Uỷ ban Quân chính và Ủy ban Hành chính cần thống nhất làm một.[8]

Ủy ban Hành chính Hà Nội ra đời đã đảm nhận phần lớn công tác tiếp quản và thúc đẩy mọi mặt thành phố phát triển. Bên cạnh đó, Uỷ ban Quân chính Hà Nội cũng dần chuyển giao vai trò và chuyển dần thành cơ quan quân sự, làm chức năng như cơ quan quân sự địa phương, thiên về lĩnh vực quân sự và bảo vệ chính quyền.

Việc tồn tại hai loại hình chính quyền quân sự và dân sự ở Hà Nội giai đoạn sau giải phóng năm 1954 là xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn giải phóng và xây dựng Thủ đô Hà Nội. Uỷ ban Quân chính Hà Nội ra đời đã góp phần đặc biệt quan trọng cho quá trình tiếp quản và ổn định nhanh chóng Hà Nội, tạo cơ sở vững chắc cho sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Bắc, thống nhất nước nhà. Hơn nữa, Uỷ ban Quân chính Hà Nội ra đời đã tạo một bước đệm quan trọng cho việc sớm thiết lập thể chế Chính quyền hành chính Hà Nội. Sau một tháng ra đời Uỷ ban Quân chính, Uỷ ban Hành chính Hà Nội cũng đã được thành lập và nhanh chóng thay thế vai trò Uỷ ban Quân chính, chủ động trong việc tổ chức và quản lý Thủ đô Hà Nội. Sáng tạo cùng một lúc hai chính quyền như trên của Đảng và Nhà nước ta đã tạo ra công cụ đắc lực cho công cuộc tiếp quản, giải phóng đất nước. Đúng như Chính phủ khẳng định: “Công cuộc tiếp quản Thủ đô và các thành phố khác là một kỳ công của nhân dân ta mà kẻ địch phải hoảng sợ và toàn thế giới đều khen ngợi. Trong một thời gian ngắn, tình hình đã ổn định, mọi mặt hoạt động và sinh hoạt của thành phố duy trì như cũ, và hiện nay đang dần cải tiến”[9].

2.Hệ thống chính quyền hai cấp

Ngay khi hoà bình lập lại, chưa phải đã có ngay hệ thống chính quyền ba cấp ở Hà Nội. Ở bên trên Ủy ban Quân chính Hà Nội được thiết lập để thực hiện tiếp quản Hà Nội, bên dưới “ở các khu phố có những hành động tự động tổ chức. Phố Duy Tân tự động chia thành 3 khu phố và tự động bầu 3 chủ tịch lâm thời. Phố Bạch Mai tự động tổ chức thành Đoàn thanh niên Việt Nam, ở Sinh Từ tự động tổ chức đoàn thiếu nhi. Khắp các khu phố đều tự động tổ chức ủy ban đón tiếp Hồ Chủ tịch”[10]. Bên cạnh đó, ngày 10-10-1954, khi vào tiếp quản Thành phố, Ủy ban Quân chính Hà Nội đã tuyên bố giải tán bộ máy chính quyền của địch ngụy nhưng vẫn tạm thời sử dụng các Khu trưởng (người đứng đầu các khu phố thời thuộc Pháp). “Khi ta tiếp quản, tên thị trưởng cùng 20 hội viên Hội đồng Thành phố và 20 khu trưởng đã chạy vào Nam. Số còn lại không hoạt động. Uỷ ban Quân chính đã triệu tập 16 khu trưởng còn lại, giải thích chính sách, khuyên họ tiếp tục công tác và có nhiệm vụ báo cáo tình hình, một số khu trưởng ấy được phân công kiêm từ 1 đến 2 khu trưởng”[11]. Cho đến cuối tháng 10-1954, Uỷ ban Quân chính thành lập các tổ công tác để chỉ đạo mọi công việc của các khu phố; Công việc của các tổ công tác tập trung vào việc đôn đốc các Khu trưởng làm việc; tìm hiểu mọi mặt tình hình trong khu phố rồi phản ánh lên Uỷ ban Quân chính; đào tạo, lựa chọn bồi dưỡng cán bộ, chuẩn bị cho việc xây dựng bộ máy Chính sách của cấp trên, Uỷ ban Quân chính đều gửi thẳng cho tổ công tác. Tình hình mọi mặt ở các khu phố, tổ công tác đều báo cáo lên Uỷ ban Quân Chính. Hầu hết các Khu trưởng cũ được sử dụng làm những việc hành Chính như cứu tế, xã hội, thị thực giấy khai sinh, giá thú, khai tử[12].

Như vậy ngay từ đầu, trước yêu cầu của thực tiễn, hình hài bộ máy chính quyền hai cấp ở thành phố Hà Nội đã hình thành. Thời điểm đó chưa ra đời hệ thống chính quyền ba cấp. Kiểu chính quyền ba cấp chỉ chính thức xuất hiện khi chính quyền cấp quận được chính thức thành lập.

Ngày 15-11-1954, chính quyền cấp quận được thiết lập với việc ra đời Ban cán sự, cơ quan đứng đầu 4 quận nội thành Hà Nội. Tuy nhiên cơ quan này không chỉ thực hiện vai trò của một tổ chức chính quyền mà kiêm cả công tác Đảng và công tác chính quyền. Theo chỉ thị Ban Cán sự thực hiện lãnh đạo các mặt công tác của các tổ công tác khu phố, đồng thời các tổ công tác có nhiệm vụ báo cáo thẳng với Ban cán sự. Mặc dù vậy thì trên thực tế Uỷ ban Quân chính và Uỷ ban Hành chính vẫn là cơ quan trực tiếp chỉ đạo các công việc liên quan đến chính quyền khu phố.

Một điểm đáng chú ý, từ cuối năm 1954 đến năm 1957, trên thực tế là sự tồn tại hệ thống chính quyền ba cấp nhưng đã đan xen nhiều tư duy khác nhau về việc hình thành các cấp chính quyền ở Hà Nội.

Tháng 4 – 1955, sau khi chỉ thị thành lập Ban đại diện chính quyền khu phố (sau đổi thành Uỷ ban Hành chính lâm thời khu phố), Thành uỷ Hà Nội đã ra chủ trương “tổ chức cách làm việc ở khu phố, tiến tới bỏ quận, giải quyết quan hệ lãnh đạo và quan hệ phối hợp giữa Uỷ ban Hành chính và các bộ phận của các ngành ở khu phố. Nghiên cứu sát nhập khu phố, cách cử Uỷ ban Hành chính khu phố, chế độ làm việc, chế độ báo cáo, phương tiện làm việc để đảm bảo được mối quan hệ giữa Uỷ ban và nhân dân, giữa Uỷ ban Hành chính khu phố và Thành phố được chặt chẽ ”[13]. Nhưng đến tháng 9-1955, Thường vụ Thành uỷ đã ra Nghị quyết về vấn đề phân chia lại địa giới các quận và khu phố. Thành uỷ Hà Nội chỉ thị ở mỗi quận sẽ có một Uỷ ban Hành chính quận. Ở khu phố vẫn giữ Uỷ ban Hành chính lâm thời khu phố, dưới đó sẽ tổ chức Ban đại diện dân phố, cứ 30-40 hộ thì thành lập tổ dân phố. Ở xã ngoại thành sau khi thành lập xã thì có Ủy ban Hành chính lâm thời xã[14]. Cho đến tháng 1 năm 1958, Thành uỷ Hà Nội đã chính thức chủ trương bỏ qua cơ quan hành chính cấp quận, thực hiện sắp xếp lại các đơn vị khu phố theo cơ sở các đơn vị bầu cử Hội đồng Nhân dân, nhằm làm cho sự lãnh đạo của Thành ủy được mau lẹ và kịp thời, phù hợp với tính chất công tác ở Thành phố[15].

Theo chủ trương trên, nội thành Hà Nội từ 36 khu phố đã được chia thành 12 khu phố[16], mỗi khu phố có một Uỷ ban Hành chính khu phố. Mỗi khu phố có Ban Cán sự hành chính, số lượng từ 11-13 người, trong đó có 3-4 cán bộ thoát li và 7-8 người bán thoát li. Trong 12 Ban Cán sự hành chính kể trên có 137 uỷ viên (43 thoát li, 94 bán thoát li). Giúp việc Ban Cán sự hành chính có một tổ chức văn phòng từ 3 đến 4 người làm công tác văn thư, đánh máy, hộ tịch. Song song với tổ chức Ban Cán sự hành chính là các khu Công an, khu Thuế vụ, khu Y tế. Ở mỗi khu có 2 đến 3 trạm khai báo hộ khẩu[17]

Đến tháng 6-1958, Uỷ ban Hành chính Hà Nội đã đề ra quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và quan hệ công tác của Uỷ ban Hành chính khu phố. Nhiệm vụ của Uỷ ban Hành chính khu phố là tuyên truyền, phổ biến, vận động và tổ chức thi hành chủ trương, chính sách của Chính phủ, Ủy ban Hành chính Thành phố; trực tiếp hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc công tác và phối hợp với các khu công an, thuế, làm nhiệm vụ trị an và thu thuế; trực tiếp quản lí các ban đại biểu dân phố, tổ trưởng, tổ phó dân phố… Ban Hành chính khu phố có nhiệm vụ giúp đỡ, bồi dưỡng cho các đại biểu, các tổ trưởng, tổ phó dân phố. Mọi công tác cấp trên đưa xuống, uỷ ban Hành chính triệu tập họ để cùng bàn bạc thi hành. Đối với các ngành chuyên môn ở thành đều đặt dưới sự lãnh đạo của Uỷ ban Hành chính khu phố, mọi chủ trương công tác của các ngành chuyên môn khi đưa xuống khu phố phải có ý kiến của Uỷ ban Hành chính Thành. Đối với công an khu: Ủy ban Hành chính không can thiệp sâu vào việc điều tra nhưng chịu trách nhiệm hướng dẫn và giáo dục nhân dân giữ gìn trật tự. Những việc bắt bớ, tạm giam, đóng cửa khách sạn phải báo cáo cho Ban Hành chính biết để giải thích cho quần chúng. Đối với các đoàn thể và Mặt trận khu: Chính quyền khu phố vừa giúp đỡ vừa dựa vào các đoàn thể để hoàn thành tốt nhiệm vụ[18].

Như vậy đến đầu năm 1958, nội thành Hà Nội đã hình thành bộ máy chính quyền 2 cấp, bao gồm cấp thành phố và khu phố. Cấp quận được thành lập trước kia đã được loại bỏ. Đây là đặc điểm khác biệt trong việc tổ chức hệ thống chính quyền của thành phố Hà Nội so với các địa phương ở miền Bắc lúc đó. Về mặt hình thức, mô hình này giống với cách tổ chức chính quyền thời thuộc Pháp.

Một đặc điểm đáng lưu ý là bên dưới khu phố, Hà Nội đã tổ chức ra các tổ dân phố (cuối năm 1955). Đứng đầu là một Ban đại diện dân phố. Nhưng Ban đại diện dân phố không phải là một cấp chính quyền mà là một tổ chức quần chúng. Tuy nhiên đây là một tổ chức góp vai trò rất lớn trong mọi công việc của chính quyền cơ sở. Đến tháng 7-1958, Hà Nội đã thành lập được 331 khối phố trong 12 khu phố nội thành. Các khối phố do dân bầu ra. Năm 1958, 96% đại biểu các hộ dân cư bầu ra 8.252 đại biểu vào các ban đại diện, ban bảo vệ, tổ trưởng, tổ phó dân phố, trong đó có 1.676 uỷ viên Ban đại diện, 1.247 uỷ viên Ban bảo vệ, 4.371 tổ trưởng, tổ phó dân phố (1.361 cán bộ phụ nữ)[19]. Đồng thời nhiệm vụ, quyền hạn của các Ban đại biểu, Ban bảo vệ, các tổ trưởng, tổ phó dân phố đã được quy định rõ ràng. Nhờ có sự phân công rõ ràng nhiệm vụ, quyền hạn của Ban đại biểu, Ban bảo vệ và tổ dân phố, có sự hướng dẫn cách làm việc, hệ thống tổ chức chính quyền ở khu phố đã mau chóng đi vào nề nếp, đảm bảo thực hiện hiệu quả các công việc ở khu phố.

Thực tiễn tổ chức chính quyền của Thành phố Hà Nội luôn đòi hỏi phải tìm tòi mô hình quản lý hành chính phù hợp. Hệ thống chính quyền hai cấp đã từng thiết lập ở nội thành Hà Nội từ năm 1958. Mô hình đó vừa hạn chế sự cồng kềnh, hành chính hoá hệ thống chính quyền, mà vừa đảm bảo được tính hiệu quả cao. Kinh nghiệm lịch sử đó vẫn còn nguyên vẹn giá trị thực tiễn cho ngày nay./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)