Trần Lư: Ông tổ nghề sơn ở Hà Nội

Giữa nội thành Hà Nội, số nhà 11 phố Hàng Hòm là ngôi đền Hà Vỹ, mà dân phố gọi nôm là “đền cụ tổ nghề sơn”.

Thực ra phố Hàng Hòm ngày trước không phải là đất làng Hà Vỹ, mà là đất phường Cổ Vũ. Nhưng vì từ đời Lê dân làng Hà Vỹ (nay thuộc xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) lên kinh thành lập nghiệp bằng nghề làm các loại hòm rương và đồ gỗ sơn quang, sơn dầu, sơn mài. Họ thuê nhà ở chỗ phố này để hành nghề, do đó có tên là Hàng Hòm. Lại theo phong tục cổ, dân đâu thần thánh đấy nên họ lập một ngôi đền thờ tổ nghề để hàng năm xuân thu nhị kỳ và các ngày sinh hoá của thần thì phường sơn có chỗ cúng tế, khỏi phải về làng gốc. Sau dân Hà Vỹ phát triển sang cả phường Nam Ngư cũng một thời khá nổi tiếng.

Vậy tổ nghề sơn là ai? Thực ra phải nói là tổ nghề hàng sơn hay chính xác hơn là: vị tổ đã cải tiến nâng cao kỹ thuật sơn gồm sơn dầu, sơn quang, sơn mài, người đã làm tôn cao hơn giá trị của các mặt hàng sơn - đó là cụ Trần Lư!

Thực ra cụ Trần không phải là người dân làng này. Song vì học trò cụ đem nghề truyền cho dân Hà Vỹ, tức là đem lại một nguồn sống mới nên Hà Vỹ thờ cụ làm thành hoàng chứ Trần Lư là người làng Bình Vọng - tên nôm là làng Bằng cũng thuộc huyện Thường Tín nay là xã Văn Bình. Có thể nói rằng thuở trước ở hầu hết các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, mọi thứ trang trí bằng sơn ở các đền chùa, dinh thự... thường là do phường sơn Bình Vọng cáng đáng. Thực ra thì cũng còn nhiều phường sơn có tiếng tăm khác như phường Hạ Thái (cũng thuộc huyện Thường Tín), phường Đình Bảng (Bắc Ninh)... song phường Bình Vọng vẫn được trọng vì là phường đất tổ. Sở dĩ như vậy là do trước đây người làm nghề sơn ai cũng đều coi “Trần tướng công”, người làng Bình Vọng này, là tổ nghề của mình.

Trong kho sách chữ Hán của Thư viện Hán - Nôm có quyển Bình Vọng Trần thị gia phả có thể giúp ta nhiều trong việc tìm hiểu ông tổ nghề sơn. Đây là một bộ sách chép tay trên giấy lệnh hội, mang ký hiệu A979, gồm 476 trang, chia ra làm 15 kỷ, tức là 15 chi họ, do Trần Phương Xuân chép lại năm 1912. Ở kỷ thứ hai ta thấy có Trần Lư (còn đọc là Lô) tức là Trần tướng công, ông tổ nghề sơn. Theo gia phả này thì Trần Lư, còn có tên là Lương, tự là Tu Khê, sinh năm Canh Dần (1470), đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1502) niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 đời Lê Hiến Tông. Gia phả không ghi cụ thể năm mất nhưng có một chi tiết giúp ta đoán định được: “năm ông đi sứ về thì gặp lúc Mạc Đăng Dung chiếm ngôi của nhà Lê nên ông tử tiết để giữ lòng trung với nhà Lê”. Vậy thì năm đó là năm 1527. Gia phả còn ghi rõ: ông nắm vững được nghề vẽ bằng sơn và truyền nghề cho dân làng. Cả làng biết nghề này là do ông (Dĩ tự tiên sinh nhi toàn hương tri thử nghệ) Ngoài ra, gia phả còn ghi lại một đôi câu đối treo ở nhà thờ ông. Chính câu đối này khẳng định rằng Trần Lư đã dạy nghề sơn cho dân:

Lưỡng độ hoàng hoa danh tiến sĩ Bách niên đan hoạch cổ tiên dân.

Tạm dịch:

Hai phen đi sứ lừng danh tiến sĩ Trăm năm son thắm dạy dỗ dân gian.

Gia phả còn cho biết là Trần Lư có để lại trên một nghìn bài thơ, nhưng nay thất truyền. Trong Toàn Việt thi lục, Lê Quý Đôn chỉ sưu tập được có hai bài, một bài làm trên đường đi sứ, một bài nói về việc học nghề sơn. Cả hai bài đều lời đẹp, giàu tình, mang lòng yêu dân, yêu nước, thủy chung. Dưới đây xin dẫn mấy câu nguyên âm và lời dịch của bài Học thành họa nghệ (Học thành nghề vẽ):

... Thuật nga dị tựu long văn chước Họa điểu tăng quang phượng thái gia Tinh xảo cửu mong duy bút thụ Trang hoàng tăng bí hội đồ gia...

Dịch:

… Tả con ngài dễ đạt tới vẻ đẹp rực rỡ của con rồng. Vẽ con chim thêm vẻ sáng nâng lên thành vẻ đẹp của con phượng. Nhờ ơn lâu vì đã truyền cho ngọn bút tinh xảo. Tăng vẻ đẹp trang trí nhờ có bức vẽ đẹp.

Ngày nay, nhà thờ Trần Lư không còn nữa. Vì trong thời gian đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, vào năm 1947, giặc Pháp đã phá trụi làng Bằng. Cả làng có trên hai nghìn suất đinh mà chỉ còn sót lại có 3 gian nhà. Ngôi đình to đẹp cũng bị thiêu. Đền thờ Trần tướng công bị san phẳng đến tận móng. Ông Trần Đình Phẩm, một người thuộc về chi họ Trần này và hiện nay vẫn còn giữ được nghề nhà (ông vẽ sơn rất khéo) có cho biết là sau chiến tranh còn sót lại một tấm bia, song chữ đã mòn hết, mặt nhẵn lỳ như hòn đá tảng. Ông Phẩm cũng kể về ông tổ họ mình giống như cuốn gia phả đã chép, ông cũng chỉ nhớ mang máng là ngày xưa đến tháng tám âm lịch thì giỗ tổ, gọi là huý nhật đức thánh tổ nghệ.

Như vậy là sự tích ông tổ nghề sơn chỉ còn lưu lại ít dòng trong cuốn Bình Vọng Trần thị gia phả và tản mạn trong ký ức của vài vị cố lão. Sau đó những người thợ sơn làng Bằng truyền nghề sang Hạ Thái và Hà Vỹ. Hạ Thái nay thuộc xã Duyên Thái cũng thuộc huyện Thường Tín.

Thực ra, nghề sơn có ở nước ta từ xa xưa. Vì nước ta, vùng Phú Thọ có những rừng cây sơn ngút ngàn. Ngày nay khoa học đã đặt cho tên Latinh là cây Rhussuccédanéa, là loại cây cho nhựa sơn tốt nhất vùng Đông Á. Hiện tại không còn rừng, song người ta đã chuyển sang trồng để khai thác.

Nhân dân ta đã biết sử dụng nhựa sơn để sơn các vật dụng bằng gỗ từ lâu đời. Sử cũng đã có ghi chép. Dưới đây xin trích những đoạn liên quan đến sơn ghi trong Việt sử thông giám cương mục. Phần chính biên (viết tắt là Ch.b):

Ch.b 4: “Giáp Dần (1254, tháng 5. Định quy chế dùng kiệu, dùng ngựa và quân hầu cho tôn thất và các quan văn võ.

Phép nhà Trần, từ tôn thất đến quan ngũ phẩm đều được dùng kiệu, ngựa và võng: tôn thất thì kiệu hình đầu chim phượng sơn son; quan tướng quốc thì kiệu hình chim anh vũ sơn then”.

Ch.b 15: “Mậu Thân (1428) tháng 11. Hạ lệnh làm sổ điền, sổ bộ. Trước đây nhà vua hạ lệnh cho kiểm tra các thứ thổ sản như đồng, sắt, dâu, gai, tơ, lụa, sơn... Nay lại phê chuẩn cho quan lại các trấn kê khai”.

Ch.b 16: “Giáp Dần (1434), tháng 5. Sửa chùa Báo Thiên. Bấy giờ điều động thợ sơn làm ở chùa Báo Thiên. Cao Sư Đãng ca thán. Lê Sát bắt giết”.

Ch.b 16: “Vua (Lê Thái Tông) coi triều thì ngồi cỗ ỷ sơn son”.

Song chắc chắn là đến đời Lê, thế kỷ 16, Trần Lư đã bằng trí thông tuệ của mình, kết hợp kinh nghiệm học hỏi được trong chuyến đi sứ nhà Minh mà cải tiến hoặc sáng tạo ra những phương thức, kỹ thuật, nâng cao chất lượng sơn sống, tạo ra những loại sơn dầu, sơn quang bóng đẹp bền màu và nhất là ông đã tạo ra ngành sơn mài khiến giá trị mỹ thuật và ứng dụng của nhựa sơn Việt Nam tăng vượt bậc, tức là làm tăng chất của sơn ta.

Do thế mà dân làm nghề sơn ở đồng bằng Bắc Bộ, dù là ở Hà Nội, ở Bắc Ninh, ở Nam Định... đều thờ cụ Trần Lư làm tổ nghề. Như vậy là người dân thờ Trần Lư do ông là người thợ sơn số một chứ không phải vì ông là tiến sĩ văn khoa.
 

(Người Hà Nội/Vietnam+)