Người Hà Nội và giá trị văn hóa dân tộc - hiện đại

1. Ý thức cộng đồng kỳ diệu Nhà, Làng, Nước
 
 Dân tộc ta và người Hà Nội đều xuất thân từ xã hội nông nghiệp trồng lúa nước cổ truyền, tự cung tự cấp, trên môi trường nhiệt đới cận biển, gió mùa, nhiều thiên tai, bão tố, lụt lội... Tọa lạc trong ngã ba đường thuận lợi giao lưu kinh tế - văn hoá với nhân loại, nhưng giặc ngoại xâm lại luôn quấy nhiễu, ý thức cộng đồng đã cố kết, đoàn kết mọi người trước thiên tai, địch họa trong lịch sử dựng nước, giữ nước lâu dài, gian khổ.
 
 Trong đời sống xã hội Việt Nam, gia đình có một vai trò đặc biệt quan trọng. Gia đình truyền thống của người Hà Nội, từ thời Hùng Vương đến nay, đều là gia đình thuận hòa, hiếu thảo, đầm ấm. Dù đã nhiều đời sinh ra, lớn lên ở thành phố, vẫn gắn bó Nhà (gia đình) với Làng quê và Đất nước, với văn hóa cổ truyền dân tộc. Nước mất thì nhà tan. Làng xóm gặp hoạn nạn, mọi gia đình cũng không yên. Gia đình nghèo khó thì cũng khó làm trọn vai trò con dân của làng, nước. Mối quan hệ kiềng ba chân Nhà - Làng - Nước chính là triết lý, là ý thức cộng đồng của người Việt. "Trong lịch sử lâu dài của nước ta, hệ thống cơ cấu Nhà - Làng - Nước là cột trụ làm nên sức sống của dân tộc, nó là ba cái khâu của một sợi dây chuyền không gì phá vỡ nổi, mỗi khâu đều có tầm quan trọng của nó"(1). Bà con ở các miền quê ra Hà Nội làm ăn đã lâu đời, hay ra nước ngoài làm ăn, dù giàu hay nghèo, dù theo tôn giáo nào, đều đau đáu hướng về gia đình, tổ tiên, họ mạc, quê hương, đất nước. Dường như có một quy luật "cái khổ nhớ lâu", chứ có mấy ai nhớ lâu cái sướng, cái vui.
 
 Ý thức cộng đồng kỳ diệu Nhà, Làng, Nước là cái hay, đẹp của văn hóa - xã hội cội nguồn dân tộc ta. Đó là chất keo gắn bó mọi người Việt Nam. Tách khỏi cộng đồng, cá thể khó tồn tại được trước thiên tai, địch họa. Cái nổi trội là cộng đồng. Trong xã hội xưa nghèo nàn, lạc hậu, cái cộng đồng lấn át cá nhân, hòa tan mọi cá nhân tự do sáng tạo trong cộng đồng. Cái bất cập là ý thức cá nhân dường như chưa khẳng định được vị thế của nó trong xã hội cổ truyền và kể cả "thời bao cấp".
 
 Ý thức cộng đồng của người Việt Nam và Hà Nội rất cần được gìn giữ, phát huy trong cuộc sống hiện đại. Nhưng đã đến lúc cần phát triển được ý thức cá nhân lành mạnh của mỗi người Hà Nội trong nền văn minh trí tuệ, với kinh tế tri thức đầy cạnh tranh của nhân loại.
 
 Người Việt Nam, người Hà Nội vốn thông minh, nhạy cảm, năng động tiếp cận cái mới trong khoa học và trong sáng tạo. Xin dẫn một thí dụ về Việt kiều với công nghệ thông tin thế giới: "Chỉ tính riêng tại thung lũng Silicon (Mỹ) hiện có 10.000 - 12.000 người gốc Việt đang làm việc... Ông Ngô Đức Chí, Tổng giám đốc Global Cybersoft Việt Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh nói: "Thành công nhất của chúng tôi chính là được khách hàng rất tin tưởng. Chúng tôi có nhiều nhân viên giỏi, có kinh nghiệm trong ngành bán dẫn để thực hiện việc tự động hoá cho những nhà máy sản xuất chíp của châu Âu... Dường như người Việt sinh ra để làm phần mềm. Các đối tác cũng sẵn sàng sử dụng kỹ sư Việt Nam vào các dự án nghiên cứu và phát triển, tạo ra sản phẩm mới"(2).
 
 Ngày nay, thế giới như một cái làng toàn cầu. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, vấn đề phát huy ý thức cộng đồng và phát triển ý thức cá nhân tự do sáng tạo, lòng tự tôn dân tộc chân chính và nhân tài khoa học trong mọi lĩnh vực là những đòi hỏi có tầm chiến lược đối với Hà Nội và cả nước. Đó là tạo điều kiện cho mọi người Hà Nội năng động học tập, tiếp cận cái mới về khoa học, công nghệ... để độc lập suy nghĩ, sáng tạo ra nhiều hàng hoá xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh quốc tế (giảm dần xuất khẩu nguyên liệu thô, hàng hoá giá trị thấp), để đưa nước ta ra khỏi tình trạng tụt hậu, thực hiện "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".
 
 2. Nền tảng văn hoá cội nguồn dân tộc ta
 
 Đạo lý làm người của dân tộc ta, của người Hà Nội vốn được hình thành từ thời Hùng Vương, khi xã hội đã có thủ lĩnh, tù trưởng, với vua Hùng và các Lạc hầu, Lạc tướng, Lạc dân... Nhiều truyện cổ tích nói về nền nếp gia đình, xã hội thời dựng nước: Lạc Long Quân dạy dân cày cấy, chăn tằm, dệt lụa, đặt ra tôn ti, đạo cha con, vợ chồng. Chuyện Chử Vi Vân và con Chử Đồng Tử cha hiền từ, con hiếu thảo. Thánh Tản Viên có gậy thần chống lụt, cứu sống nhiều người, gia súc; hàng ngày vẫn kiếm củi, đốt than nuôi mẹ. Chuyện Động Đình Vương có tài thủy chiến, hết lòng vì nước, được giao trấn vùng hạ lưu sông Hồng. Động Đình Vương là con trai Hùng Nghị Vương (con vua Hùng thứ 17) và Hằng Nương quê ở Nghi Tàm, sống ở làng Long Đỗ (Thành cổ Thăng Long hiện nay)(3). "Thần thoại có khi giàu tính lịch sử, bởi nó là lịch sử thông qua tính sáng tạo thơ mộng của dân gian"(4).
 
 Thời phong kiến, nước ta và các nước Đông Á lấy Nho giáo làm nền tảng luân lý, giáo dục xã hội xưa; hướng mọi người vào chính danh định phận theo tam cương, ngũ thường (cương thường). "Tam cương" nói vắn tắt là 3 quan hệ, trật tự chủ yếu trong xã hội phong kiến: vua - tôi, cha - con, vợ - chồng (quân - thần, phụ - tử, phu - phụ) và mở rộng ra là ngũ luân (vua - tôi, cha - con, anh - em, vợ - chồng, bạn bè). "Ngũ thường" là 5 đức cơ bản của đạo làm người: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Người trên (vua, cha, chồng) phải thương yêu, chăm sóc, bao dung người dưới (tôi, con, vợ). Người dưới phải kính nhường, thương yêu, phục tùng và biết ơn người trên. Đạo đức Nho giáo lấy sự thuận hoà, thái bình, hòa mục, trật tự, làm nền tảng để xây dựng xã hội (vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con, chồng ra chồng, vợ ra vợ, anh ra anh, em ra em, bạn ra bạn và thầy ra thầy, trò ra trò, chủ ra chủ, thợ ra thợ...). Nho giáo có điểm mạnh là xác lập được các quan hệ, trật tự xã hội phong kiến. Nhưng, quan hệ vua - tôi: "trung quân, ái quốc" lại trói buộc cá nhân dưới quyền uy vua chúa, thần quyền; làm mất quyền tự do, dân chủ phát triển cá nhân của mọi người. Một điểm yếu nữa của Nho giáo là nam tôn nữ ty (trọng nam khinh nữ).
 
 Trước hoàn cảnh đó, ông bà ta đã biết khéo léo gìn giữ văn hóa nội sinh và dung hợp Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo, kể cả Kitô giáo... để làm giàu thêm văn hóa dân tộc. Bản sắc dân tộc đọng lại bền vững trong tâm thức người Việt Nam qua những biểu hiện văn hóa rất đậm nét:
 
 Trước tiên, mọi người đều hướng tới chữ "tâm". Mọi gia đình đều răn dạy con cháu "nhân, nghĩa, lễ, trí, tín"; đều cảm nhận lẽ chuyển dịch vi hằng của mối quan hệ trời - đất - người" (thiên - địa - nhân hợp nhất). Ở bái đường Văn Miếu - Quốc Tử Giám, vị đại quan Tư nghiệp Quốc Tử Giám Thăng Long, Nguyễn Nghiễm (thân phụ đại thi hào Nguyễn Du) hiện còn để lại bức đại tự "Cổ kim nhật nguyệt" (tạm dịch: từ xưa đến nay mặt trời, mặt trăng luôn soi sáng; ai làm điều khuất tất trời đất đều biết cả). Một lời dạy về thiện tâm cho muôn thuở!
 
 Mọi người đều xem vận mệnh đất nước là hệ trọng nhất. Đó là lòng yêu nước nồng nàn: biểu hiện văn hóa là tôn thờ các anh hùng, liệt sĩ "sinh vi tướng tử vi thần", có công với đất nước, quê hương ở các đình, đền, cả ở chùa, miếu... Việc trồng lúa nước, văn hóa làng xã đòi hỏi sự cố kết cộng đồng, biểu hiện rõ nhất là nhiều lễ hội cầu mùa, cầu "quốc thái dân an", cầu "âm dương hòa hợp", phồn thực, "đa phúc, đa lộc, đa thọ". Người Việt Nam rất trọng tình nghĩa và luôn bao dung, xóa bỏ hận thù, chia ngọt sẻ bùi, giúp nhau khi hoạn nạn. Mọi gia đình đều coi trọng văn hóa tâm linh, thờ cúng tổ tiên, âm đức tổ tiên, thờ thành hoàng, thờ Quốc tổ Hùng Vương. Mọi gia đình đều dạy con cháu biết hiếu thảo, siêng năng, cần kiệm, biết lo xa, sống nhân hậu.
 
 Xã hội tôn trọng những gia đình có nền nếp gia phong, con cháu biết lễ nghĩa, kính trên nhường dưới, thuận hòa, tôn sư trọng đạo... "Chữ Lễ bao hàm ba nghĩa: tôn giáo, xã hội và luân lý. Nó gồm cả lễ nghi trong việc thờ cúng, nghi thức trong quan hệ xã hội, tác phong đúng mực của con người biết tự trọng, ngay cả khi ở một mình con người cũng phải biết giữ lễ. Việc giữ lễ bao trùm cả đời sống cá nhân và xã hội"(5). Tự trọng danh dự bản thân từ người dân cho đến cán bộ cao cấp là điều luôn phải tự răn mình: "Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng".
 
 Người Việt Nam, người Hà Nội luôn năng động sáng tạo, thích nghi trước mọi hoàn cảnh, tình huống, dù thiên tai, địch hoạ bất ngờ. Từ nghìn xưa đến nay, trong giao lưu, tiếp cận với văn hoá ngoại sinh, dân tộc ta luôn dung hợp những giá trị văn hóa vì lợi ích dân tộc, chứ không giáo điều tiếp nhận "cả gói". Trong hai lần, dù bị cưỡng bức, tiếp xúc với văn hóa phương Bắc, phương Tây, nhưng bằng trí tuệ sáng tạo, dân tộc ta đã Việt hóa thành công chữ Nôm, chữ Quốc ngữ. Ngày nay, đội ngũ trí thức, thế hệ trẻ trong nước và Việt kiều đang tiếp cận sáng tạo, làm chủ công nghệ thông tin, nanô... cũng chính là biểu hiện thế mạnh, khả năng thích nghi, năng động sáng tạo, vượt qua thách thức. Đó là ý chí tự cường, tự tôn dân tộc để vươn lên, chứ không chịu thu mình lại, để mất thời cơ, để đưa nước ta vượt qua tình trạng trì trệ, tụt hậu hiện nay. Còn khi gặp nhau, bạn bè lại thường thích vui dân dã, đôi khi chất dân gian mạnh hơn tính chính thống.
 
 Những bản sắc trội đó của văn hóa cội nguồn Việt Nam được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày của người dân Thăng Long - Hà Nội và mọi miền đất nước.
 
 Vấn tổ, tìm tông, trong xã hội Việt Nam từ xưa đến nay, người con trai trưởng chịu trách nhiệm thờ cúng tổ tiên. Hàng năm vào các ngày giỗ, các anh em trong gia tộc đến góp giỗ tuỳ theo khả năng, để thờ cúng và cùng hưởng lộc tổ tiên. Chính các ngày giỗ chạp đó mà anh em, con cháu trong họ có dịp sum họp, hàn huyên, giúp đỡ nhau trước những việc nảy sinh trong cuộc sống của các thành viên trong gia tộc. Trong xã hội thuần nông, tự cung tự cấp, nhiều thiên tai, địch họa bất ngờ, tình cảm gia đình thiêng liêng và ý thức cộng đồng Nhà - Làng - Nước luôn đùm bọc, tuy không lớn về vật chất, nhưng lớn về tình cảm và đã giúp cho từng người vượt qua khó khăn thường nhật. Sự bền vững của gia đình cổ truyền Việt Nam được củng cố nhờ mối dây huyết thống đó.
 
 Trong quan niệm của người Việt, người Hà Nội, phúc, đức là giá trị văn hoá cao quý nhất. Phúc là điều may mắn lớn, sự tốt lành lớn. Đức là đạo đức, lòng nhân ái, lòng thương người và thương cả muôn loài sinh vật nữa. Như vậy, phúc đức của gia đình vừa đậm đà ý vị tâm linh, vừa giáo dục, nhắc nhở hướng thiện. Nói "gia đình vô phúc" là một sự chê trách rất nặng nề. Một cô, cậu con nhà nào ăn chơi hư hỏng (trai gái đĩ điếm, cờ bạc, nghiện hút...) thường bị gọi là con nhà vô phúc. Phúc gắn liền với đạo nghĩa, vô phúc là vô đạo, vô văn hóa. Nhà có phúc không nhất thiết là giàu có, sang trọng, mà cái chính là có cuộc sống bình yên, đặc biệt là có hậu vận tốt, dù lúc khởi nghiệp gặp khó khăn, vất vả, nhưng cuối cùng vẫn được hanh thông, bình yên, tiến bộ, con cháu phương trưởng. Xưa nay, nói đến truyền thống văn minh, thanh lịch Hà Nội là nói đến gia đình có phúc đức, là con cháu có học, làm nên danh phận, chí ít cũng có nghề, làm ăn chân chỉ "giữ được tiếng với đời"; ăn ở thuận hoà với gia đình, họ mạc, quê hương, không làm điếm nhục gia phong, để không ai trách cứ ông bà, cha mẹ. Ông bà ta thật đã dày công gây dựng quan niệm về phúc đức trở thành thuần phong mỹ tục và lòng tự trọng cao để mọi người, gia đình, xã hội yên ổn phát triển.
 
 3. Truyền thống văn minh, thanh lịch của người Hà Nội
 
 Từ xưa đến nay, Thăng Long - Hà Nội được xem là đất địa linh nhân kiệt, là nơi hội tụ, lan tỏa tinh hoa văn hóa của mọi vùng ra cả nước. Ban đầu là những người dân "gốc Hà Nội" sinh sống, làm ăn, mở chợ buôn bán nông, lâm, thổ sản trên bến dưới thuyền tấp nập bên sông Nhị Hà, sông Tô Lịch, bến Long Đỗ (Rốn Rồng). Rồi suốt mấy nghìn năm, nhất là từ khi Lý Thái Tổ định đô Thăng Long, cùng với các triều đại phong kiến độc lập, tự chủ Lý, Trần, Lê, Tây Sơn, Nguyễn, bà con các vùng từ đồng bằng sông Hồng, sông Mã, sông Lam, người Huế, Đồng Nai, Gia Định, người dân tộc, miền núi... đều là những người tài giỏi, lịch lãm, đổ về "cái lò luyện nhân tài Thăng Long - Hà Nội" sinh sống lâu dài.
 
 Người tài thì lên làm vua, làm quan. Học trò về Thăng Long, Hà Nội đi thi, mong đỗ đạt tú tài, cử nhân, tiến sĩ, trạng nguyên để "Vua biết mặt, chúa biết tên". Người học cao, đức trọng thì mở trường, lớp dạy học trò, luyện nhân tài cho đất nước. Người giỏi buôn bán thì mở cửa hàng nông, lâm thổ sản, buôn hàng Tầu, Nhật, Âu Mỹ... Người giỏi tay nghề thì mở làng nghề, phố nghề. Các khách thương người Hoa, Ấn Độ, Nhật, Hà Lan, Anh, Bồ Đào Nha, Pháp, Đông Nam Á... đến dựng nhà, lấy vợ lấy chồng, buôn bán, làm ăn. Hàng hóa tiêu dùng rất đa dạng, phong phú của Thăng Long - Hà Nội không chỉ đáp ứng nhu cầu của triều đình mà còn bán ra cả nước, vùng Đông Nam Á và ra thế giới.
 
 Sống nơi thị thành, đô hội, giao lưu kinh tế, văn hoá đa dạng, đa chiều, văn minh, thanh lịch, ăn nói có duyên, hoạt bát, lịch sự... như những nét văn hóa riêng của người Hà Nội. Khác với những địa phương khác, người ta có thể nói rất thẳng, thậm chí bỗ bã ý nghĩ của mình, thì người Hà Nội ở chốn kinh kỳ, diễn đạt cũng vấn đề ấy một cách tế nhị, nền nã, tinh tế hơn, ít lời hơn, ý tứ hơn, mà vẫn đạt mục đích: "Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau".
 
 Nếu có dịp sống, quen biết với một gia đình người Hà Nội lâu năm, dù làm nghề gì ta đều thấy họ nói năng, cư xử trong gia đình, với con cháu, bạn bè xã hội và quốc tế với sự tôn trọng, nền nã, khiêm nhường, kiệm lời, nhã nhặn, tự tin, nhẹ nhàng, khéo léo, ý tứ, để tự xử sự cho phải đạo là chính, hơn là chỉ bảo, ra lệnh. Điều đó cũng dễ hiểu, trong môi trường giao lưu, buôn bán, làm ăn với người "tứ xứ" hợp lại, kể cả nhiều kiểu người, nhiều khách nước ngoài đến làm ăn, người Hà Nội thường biết giảm, tránh những va chạm, xung đột không cần thiết. Nếu có sự khác nhau về nhận thức, quyền lợi, họ cũng thường biết nhường nhịn đến độ cần thiết; còn nếu nhường vẫn không đạt, thì tế nhị rút lui, không làm mất lòng nhau, để lần sau còn có dịp lại làm ăn với nhau.
 
 "Người khôn, của khó", người Hà Nội biết mở mang ra mà làm ăn, không thủ cựu khép kín, cũng không tham "ăn đậm", "rộng đồng thu lại, tích tiểu thành đại". Học người, học bạn bốn phương mà giỏi tay nghề, tăng hiểu biết, tinh tế hơn, sáng tạo giỏi hơn để đua chen với thiên hạ là nếp làm ăn của người Hà Nội văn minh, thanh lịch. Tài năng, sức học, trí thông minh sáng tạo khoa học, công nghệ, nghệ thuật, học hành của người Hà Nội, tuổi trẻ Hà Nội nổi tiếng trong nước và quốc tế.
 
 Áo lụa, đũi tơ tằm, lĩnh Bưởi, giấy dó, giấy sắc phong, chả cá Lã Vọng, nước mắm Vạn Vân, cá rô đầm Sét, bún thang, bún ốc, xôi lúa Tương Mai, cốm Vòng, hoa đào Nhật Tân... xưa; áo dài, complê, giầy dép, quần áo may sẵn; sách báo, văn học nghệ thuật, cà phê, xe đạp, ti vi, máy tính Hà Nội, khóa Việt-Tiệp, ghế Xuân Hòa, Vietnam Airline... ngày nay, được bốn phương quen biết, ưa chuộng. Các giá trị văn hóa dân tộc, khoa học hiện đại và hàng tiêu dùng đều được lăng kính văn hóa người Hà Nội chắt lọc dung hợp, nâng lên đến độ tinh tế, thành tinh hoa văn hóa Hà Nội, mà mọi người đều cảm nhận được. Suy cho cùng, chính môi trường đô thị "địa linh, nhân kiệt" đã đào luyện nên nhân cách văn hóa tinh tế Hà Nội, mà bất cứ ai nhập vào đều tự nguyện chuyển đổi hành vi theo. Ngày nay, trong quan hệ làm ăn, ngoại giao quốc tế... người ta đều đang phát huy chất văn hóa nhẹ nhàng, tinh tế đó mới thành đạt.
 
 4. Người Hà Nội: cuộc sống hiện đại và văn hoá cội nguồn
 
 Từ hai thập niên cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, cùng với chế độ cai trị, bóc lột tàn bạo và quá trình đô thị hóa của thực dân Pháp, văn hóa Hà Nội và Việt Nam có những biến đổi cơ bản. Chữ Hán lâu đời dần nhường bước cho chữ quốc ngữ dễ học, dễ viết. Một số tư tưởng tiến bộ của văn hóa châu Âu như tự do, bình đẳng, bác ái dần dần được du nhập vào nước ta. Nhất là từ Cách mạng tháng Tám 1945, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành tư tưởng dân chủ, tiến bộ nhất được phổ cập. Đặc biệt trong đổi mới, mở cửa, phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa - hiện đại hóa, văn hóa chuyển sang hướng dân chủ, văn minh, tiến bộ, trong khi vẫn trân trọng giữ lại những giá trị tốt đẹp của ông cha ta ngàn đời để lại.
 Mặt khác, toàn cầu hóa là xu thế thời đại đang tạo ra nhiều cơ hội và thách thức mà nước ta, thủ đô Hà Nội đang chủ động hội nhập. Nền văn minh trí tuệ, công nghệ thông tin... của thế giới, các nước phương Tây, Mỹ, Nhật Bản... đang phát triển như vũ bão, kỳ diệu, mang đến tiện ích lớn cho nhân loại. Ta có nhiều cơ hội tiếp cận tiến bộ khoa học, công nghệ để phát triển đất nước, thoát dần khỏi nghèo nàn, lạc hậu.
 
 Nhưng trong lĩnh vực tư tưởng, văn hóa đang diễn ra những thách thức lớn, tưởng như thầm lặng. Toàn cầu hóa đang dẫn đến "nguy cơ đồng nhất hóa các chuẩn mực, các hệ thống giá trị, đe dọa làm suy kiệt khả năng sáng tạo của các nền văn hóa - nhân tố hết sức quan trọng đối với sự phát triển bền vững của nhân loại"(6). Chính vì thế mà Hội nghị ASEM 5 tại Hà Nội 2004, các nguyên thủ quốc gia Á, Âu đã ký "Tuyên bố về Đa dạng hóa văn hóa". Nhiều làn sóng văn hóa tràn vào Hà Nội dễ dàng. Mặt trái của "lối sống phương Tây", "lối sống Mỹ" đang du nhập vào Hà Nội, mang theo lối sống cá nhân cực đoan, quá sùng ngoại, thực dụng, quá trọng đồng tiền, coi nhẹ văn hóa dân tộc. Ai sống cũng cần tiền, nhưng tham nhũng, cửa quyền, để mất danh dự, lương tâm vì đồng tiền, vì "tiêu dùng quá mức" mình làm ra, trước sau cũng phải trả giá đắt. Điều đó đi ngược lại truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta.
 
 Trong đổi mới, mở cửa và tác động nhiều chiều của các yếu tố ngoại sinh, dân tộc ta và mọi người Hà Nội đang chuyển từ lối sống xã hội thuần nông, từ văn hóa truyền thống sang lối sống văn minh công nghiệp. Trong cuộc sống hiện đại và giao lưu quốc tế người Hà Nội vẫn gìn giữ tốt bản sắc văn hóa ngàn năm văn hiến. Đó là chất trí tuệ, nghĩa tình, thanh nhã, duyên dáng, khoa học, hiện đại, nhưng không xô bồ, thái quá, đồng thời cách tân những quan niệm thủ cựu và bổ sung những giá trị mới, phù hợp với sự phát triển xã hội hiện đại. Trong gia đình, lòng hiếu thảo, biết ơn, chăm sóc chu đáo ông bà, cha mẹ khi già yếu, được số đông người Hà Nội xem là nghĩa vụ, trách nhiệm thiêng liêng của con cháu, ông bà có con cháu bên cạnh là nguồn động viên tình cảm thân thương. Đùm bọc các em chưa thành niên, chưa có việc làm, khi cha mẹ đã qua đời, là bổn phận các anh chị đã trưởng thành. Bà con họ hàng nội, ngoại đến thăm nhau ngày tết, khi cháu mới sinh, khi có đám hiếu, hỷ... là một nét đẹp của người Hà Nội. Lúc có vui, buồn, họ hàng, xóm phố... mỗi người đến đều tự nguyện giúp một việc cho chu đáo. Đó là nếp văn minh, thanh lịch, ấm tình người của người Hà Nội.
 
 Cuộc điều tra xã hội học của ngành Văn hóa Thông tin Hà Nội (2004), cho thấy dư luận nhất trí đề cao các giá trị văn hóa cội nguồn của dân tộc ta và của người Hà Nội: yêu nước, ý thức cộng đồng, tự cường dân tộc; hiếu thảo, hiếu học, tôn sư trọng đạo thờ cúng tổ tiên; bổn phận, tự trọng, tình nghĩa, chữ tín; hòa thuận, kính trên nhường dưới, trong ấm ngoài êm, nền nếp, thanh lịch; tài hoa, chuộng người tài, chuộng cái mới, khéo léo, tế nhị, mến khách, quý xóm giềng, bạn bè...
 
 Các giá trị hiện đại, tiến bộ được dư luận Hà Nội coi trọng: dân chủ, tự do, trí tuệ khoa học, văn minh, trách nhiệm, danh dự, bình đẳng, năng động, sáng tạo, công bằng, minh bạch, đoàn kết, tiến bộ, ý thức vươn lên. Đó là sự đồng thuận về giá trị văn hóa dân tộc - hiện đại, tạo nên sự ổn định, phát triển bền vững kinh tế - xã hội ở thủ đô Hà Nội hiện nay.
 
 Xây dựng Hà Nội văn minh, thanh lịch là từng bước xây dựng lối sống văn minh công nghiệp và nếp sống văn hóa dân tộc - hiện đại, là nâng cao, chuyển đổi hành vi sinh hoạt, giao tiếp và bảo vệ môi trường sống... phù hợp với trình độ phát triển công nghiệp hóa - hiện đại hóa của Thủ đô. Lối sống có liên quan chặt chẽ đến nếp sống. Nếp sống thể hiện kết quả văn hóa hóa quá trình xây dựng lối sống. Nếp sống nói lên tính định hình, định lượng của lối sống về cách nghĩ, hành động phù hợp với quy ước cộng đồng và được lặp đi lặp lại nhiều lần trong đời sống cá nhân và xã hội. Lối sống, nếp sống, phong tục tập quán là sản phẩm của một thời đại. Xây dựng nếp sống người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong công nghiệp hóa - hiện đại hóa, là vận động toàn xã hội thực sự tham gia bằng nhiều hình thức sinh động để giáo dục, hướng dẫn kiên trì cho thành nếp, thành thói quen mới, phù hợp với cuộc sống văn minh công nghiệp và hội nhập quốc tế.
 
 Thực tế, cư dân Hà Nội vào thế kỷ XXI ngày nay không phải chỉ là những cư dân cũ của Hà Nội xưa. Mọi người đến làm ăn, kể cả người nước ngoài, đều mang theo những lối sống, nếp sống, phong tục tập quán từ các địa phương, ít nhiều khác biệt với văn hóa Hà Nội. Vấn đề quan trọng là xây dựng lối sống đô thị trong công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập. "Tốc độ đô thị hóa trở thành những thách thức phát triển lớn nhất của thế kỷ XXI... Nông dân tìm việc làm ở thành phố; cải thiện khả năng sinh sống; giảm bớt đói nghèo, bất bình đẳng và tạo ra môi trường đô thị lành mạnh, giảm tội ác và bạo lực, chế độ bảo vệ công dân và người dân dễ tiếp xúc với các dịch vụ"(7). Cũng như các thành phố khác trên thế giới, Hà Nội cần đồng thời đề ra các quy định bắt buộc và các giải pháp vận động cụ thể nhằm xây dựng hành vi ứng xử văn minh, tự giác của mọi người trước hai nhóm vấn đề chung của văn hóa đô thị hiện đại:
 
 a. Các vấn đề văn hóa về cơ sở vật chất, dân sinh đô thị như sử dụng đất, nhà ở, dịch vụ điện, nước, khí đốt, viễn thông; vỉa hè, vệ sinh công cộng, hệ thống thoát nước, rác thải, khí thải; chống ô nhiễm môi trường; trồng cây xanh, công viên vui chơi giải trí...
 
 b. Các vấn đề văn hóa - xã hội công cộng như tạo thêm việc làm, giảm trẻ lang thang, xóa đói giảm nghèo, sự phân hóa giàu - nghèo quá chênh lệch, giáo dục cơ sở (nhà trẻ, mẫu giáo, tiểu học, trung học); y tế và bảo hiểm y tế; an ninh xã hội, phòng chống thiên tai, dịch bệnh và các tệ nạn xã hội, bạo lực, ma tuý, mại dâm, HIV, cờ bạc; những hành vi xấu, tuỳ tiện đối với môi trường công cộng...
 
 Nội dung cơ bản xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch đã được xác định là "Vững vàng về tư tưởng chính trị, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có lòng tự hào dân tộc, tự trọng, tâm huyết, trách nhiệm với gia đình, Thủ đô, đất nước; có sức khoẻ, trí tuệ, khả năng làm chủ công nghệ tiên tiến, nhanh nhạy, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh; lao động cần cù, sáng tạo; có lối sống văn minh, thanh lịch, hiện đại; tiêu biểu cho tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội và phong cách lao động sáng tạo của con người Việt Nam"(8). Đó là xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và nâng cao tính văn hóa trong mọi hoạt động kinh tế, khoa học, giáo dục, văn hóa, xã hội và làm cho văn hóa thấm sâu vào từng người Hà Nội theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong cuộc sống hiện đại.
 
 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ; Cái gì cũ mà không xấu nhưng nhiều phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý; Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm; Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm... Đời sống mới chỉ sửa đổi những việc rất cần thiết, rất phổ thông của mọi người, tức là sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc"(9). Những lời dạy giản dị, sâu sắc của Bác Hồ có thể hiểu là hướng dẫn chuyển đổi hành vi về "cách ăn, mặc, ở, đi lại, làm việc" trong cuộc sống hiện đại.
 
 5. Kết luận
 
 Thủ đô Hà Nội "là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế"(10). Hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô đang đẩy mạnh phát triển kinh tế, khoa học công nghệ, giáo dục, văn hóa, xã hội toàn diện; xây dựng cơ sở hạ tầng và quản lý đô thị; chủ động hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.
 
 Vấn đề trọng tâm là xây dựng con người Hà Nội vừa hiện đại, vừa giàu bản sắc ngàn năm văn hiến. Ý thức - cộng đồng, yêu nước, văn minh, thanh lịch, chuộng người tài, chuộng cái mới, tinh tế, dung hợp văn hóa tiến bộ của nhân loại thành giá trị văn hóa dân tộc - hiện đại là truyền thống sáng tạo của người Hà Nội. Ngày nay, trong đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, cần phát triển, thu hút các tài năng khoa học, công nghệ, doanh nghiệp, văn hóa, nghệ thuật... đặc biệt là tạo mọi điều kiện để phát triển sức năng động sáng tạo, ý thức tự cường, tự tôn dân tộc của mọi người Hà Nội để rửa nỗi nhục nghèo nàn, tụt hậu, đưa đất nước đi lên trong bối cảnh toàn cầu hóa, văn minh trí tuệ, kinh tế tri thức của nhân loại.
 
 Văn minh, thanh lịch biểu thị trình độ văn minh, sự thích nghi, năng động sáng tạo tài hoa của người Hà Nội. Để phát triển nguồn nhân lực và nhân tài của Thủ đô Hà Nội phải liên tục bồi đắp 3 nguồn lực: năng lực (ability) cá nhân, sự nỗ lực (effort) của bản thân và trợ lực (support) của xã hội. Đó là quy luật phát triển nhân lực, nâng tầm phát triển người Hà Nội văn minh, thanh lịch lên một cấp độ mới về chất trong công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.
 

(Thanglonghanoi/Vietnam+)