Xây dựng cách tiếp cận chiến lược văn hóa Hà Nội

Văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IX đã đặt mục tiêu đưa nước ta (về cơ bản) thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại trong khoảng 2 thập kỷ tới. Coi văn hóa là nguồn lực, là mục tiêu và động lực phát triển của xã hội, Đảng ta đã có những điều chỉnh về chính sách đối với văn hóa và trên thực tế, văn hóa đã được đầu tư nhiều hơn cả về cơ chế, kinh phí và ở từng lĩnh vực một đã hình thành cả một hệ thống chế độ, quy định bài bản hơn, vừa thể hiện tầm chiến lược trong cách đặt vấn đề, vừa có cách thức tổ chức thực hiện hiệu quả hơn. Đó là một thành tựu không nhỏ và là một thực tế không thể phủ nhận.

Bài viết này muốn đề cập về cách tiếp cận chiến lược văn hóa cho Hà Nội, để khi đề ra các chính sách, các quy định không bị sa vào tình trạng manh mún, bị ngợp trong những vụ việc cụ thể, chỉ lo đối phó với từng vấn đề phát sinh, chạy theo từng vụ việc mà không thể chủ động dự báo những xu hướng, những vấn đề sẽ nảy sinh để chủ động tổ chức lãnh đạo và quản lý nó tốt hơn. Đó là cách tiếp cận đối tượng theo hệ thống, theo đặc trưng và trong sự vận động không ngừng của nó như một hiện tượng xã hội.

1. Cần coi Hà Nội là một không gian văn hóa - lịch sử, không gian xã hội - chính trị, không gian kinh tế... được hình thành trong quá trình biến đổi liên tục của Hà Nội và cả nước. Vấn đề này không có gì mới vì đã được nhiều nhà văn hóa, khoa học khẳng định; nhưng trong thực tế, khi hoạch định các chính sách xã hội, chưa phải các cấp có trách nhiệm đã chú ý đúng mức đến nguyên tắc này. Không gian văn hóa Hà Nội, xin được khẳng định là không phải chỉ của người Hà Nội (theo nghĩa đen của từ này), không phải chỉ thuộc về Hà Nội, “nhất thành bất biến” mà “đặc tính Hà Nội”, “chất Hà Nội” được hình thành trong suốt diễn trình của lịch sử, trải qua hàng nghìn năm, liên tục biến đổi, tiếp biến và hình thành các nhân tố mới trên cơ sở những điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội nhất định. Ở đây yếu tố con người giữ vai trò quan trọng nhất nhưng cũng không thể nhìn nhận con người như một cái gì trừu tượng, mà phải là con người trong những quan hệ cụ thể, có nguồn gốc tự nhiên và xã hội cụ thể, có truyền thống của gia đình, quê hương, có đặc điểm giai cấp; đồng thời những yếu tố về môi trường sống và nhận thức cá nhân cũng đặc biệt quan trọng. Lâu nay, chúng ta chỉ dựa vào luận điểm của C.Mác khi nói về con người “là tổng hòa của toàn bộ các quan hệ xã hội” nhưng lại không chú ý đúng mức đến “tính hiện thực”, “tính thực tiễn” trong các hoạt động của con người và đặc biệt là dễ bỏ qua vai trò của các yếu tố cá nhân, tự nhiên, cá tính, di truyền, bản năng của con người. Nói ngắn gọn là chúng ta mới chỉ coi trọng vấn đề xã hội (mà cũng chú ý nhiều hơn, thậm chí thái quá) ý nghĩa chính trị, khía cạnh chính trị của đối tượng hơn là khía cạnh kinh tế. Còn khía cạnh bản năng, di truyền, cá tính, cá nhân, những nhu cầu tinh thần, những yếu tố truyền thống (quê quán, gia đình, dòng họ, văn hóa vùng...) thì hầu như rất ít được chú ý, thậm chí còn bị xem nhẹ. Hệ quả tất yếu của cách nhìn nhận này là không hiểu đúng đối tượng. Và một khi đã hiểu sai đối tượng thì không thể hy vọng những chính sách quản lý đối tượng, phục vụ đối tượng sẽ đạt được sự đúng đắn cần thiết.

Theo thống kê của Văn phòng 1.000 năm Thăng Long thì số dân Hà Nội gốc chỉ còn chiếm khoảng 7% dân số Hà Nội hiện nay và theo thông báo của một cơ quan có trách nhiệm của Thành phố thì dân số Hà Nội tăng cơ học trong năm 2004 lên đến con số chóng mặt”: 46%, mà tuyệt đại bộ phận là lao động đơn giản, mùa vụ. Như vậy, mục tiêu của Chương trình Xây dựng người Hà Nội truyền thống, thanh lịch, hiện đại sẽ phải dựa trên những cơ sở dân số nào? Từ nhiều đời nay, không gian Hà Nội liên tục có sự mở rộng, tiếp nhận, giao thoa, phản ứng... trước các xu hướng văn hóa khác nhau và cũng từ nhiều đời nay Hà Nội luôn được thừa nhận là một trung tâm văn hóa của cả nước, là gương mặt văn hóa tiêu biểu ngay cả trong những giai đoạn nó không còn là thủ đô, là trung tâm chính trị hay kinh tế của cả nước. Vậy điều gì đã làm cho văn hóa Kinh kỳ được trân trọng và trở thành “khuôn vàng thước ngọc” cho một lĩnh vực khá trừu tượng nhưng lại dễ cảm nhận được đến như vậy? Chúng ta hay nói đến truyền thống - một thuật ngữ của văn hóa học, một khái niệm mang tính ổn định, bền vững cao, nhưng về một phương diện khác, khái niệm này cũng đồng nghĩa với sự ít biến đổi, trì trệ và trong diễn trình lịch sử, một số nhân tố nào đó của khái niệm được giữ lại, được bổ sung, được biến đổi đi ở một phương diện nào đó và trở thành những giá trị trong đời sống. Xin nêu một ví dụ cụ thể: đất nước Việt Nam có 3 danh nhân văn hóa được UNESCO công nhận là Nguyễn Trãi, Nguyễn Du và Hồ Chí Minh (tất nhiên theo quan niệm của nhiều người thì con số đó có thể hơn). Cả 3 danh nhân đều không phải là người Hà Nội gốc, nhưng cả 3 vị đều có một thời gian dài sống, làm việc và “thành danh” ở vùng đất văn vật này. Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh có một số nét tương đồng ở chỗ, họ là sự kết tinh những gì tinh túy nhất của thời đại, họ hấp thụ được những gì gọi là tinh hoa nhất của nền văn hóa bản địa và văn hóa nhân loại qua học vấn, qua sự từng trải, qua kinh nghiệm của cá nhân và tiếp nhận được từ người khác. (Còn nhiều yếu tố khác nữa nhưng tôi tạm liệt kê ra một số yếu tố mà theo thiển nghĩ là nổi trội hơn). Song, không thể không thừa nhận một thực tế: những gì là “của họ” đã được cộng hưởng, thăng hoa lên do những năm tháng sống và làm việc ở đất Kinh kỳ. Với Nguyễn Du có hơi khác một chút và khía cạnh danh nhân văn hóa ở Nguyễn Du cũng khác nhưng cũng lại giống hai vị trên là, ở ông dấu ấn của vùng Kinh kỳ cũng rất đậm nét. Vấn đề đặt ra ở đây là: nếu các vị không ở Đông Đô - Thăng Long - Hà Nội thì dấu ấn danh nhân văn hóa ở các vị có khác đi không? Họ giữ lại những gì, tiếp thu những gì của văn hóa Kinh kỳ, văn hóa Hà Nội? Các yếu tố văn hóa gia đình, quê quán, nội địa, quốc tế... được phối hợp, giao thoa, cộng hưởng... với nhau thế nào để hình thành nên nhân cách văn hóa ở họ? Nêu ra những điều đó là để đi đến một mệnh đề khác nữa là không thể nói đến truyền thống văn hóa Hà Nội về mặt tổng thể hay văn hóa của một người Hà Nội cụ thể (hiểu theo nghĩa người đó đã sống ở Hà Nội, “thành danh” ở Hà Nội) lại chỉ từ những tiêu chí dành riêng cho người Hà Nội gốc, mà cần nhìn nội hàm “văn hóa người Hà Nội” như một hệ thống mở, luôn hướng về những giá trị tiêu biểu của thời đại ấy, của những thời đại trước đó và cả những yếu tố “thuộc về nền văn hóa của tương tai” theo cách nói của Mandenstam về Hồ Chí Minh những năm 20 của thế kỷ trước. Cách tiếp cận như vậy về nguyên tắc sẽ tránh được cái nhìn chia cắt, cục bộ, chỉ thấy những hiện tượng cụ thể mà không thấy cái toàn bộ; và tệ hại hơn là, không thể hình dung được toàn bộ những vấn đề đã và sẽ nảy sinh từ trong hệ thống của chúng, nên mọi sự hoạch định các chính sách trong trường hợp tốt nhất vẫn chỉ là sự thụ động, chạy theo giải quyết các hiện tượng chứ không thể đưa ra được chính sách giải quyết các hiện tượng ấy cả ở phương diện vĩ mô lẫn từng hiện tượng cụ thể; và nhất là, không thể dự báo được những xu hướng phát triển của hiện tượng.

Giới khoa học đã chứng minh một cách đầy thuyết phục rằng, mỗi khi những người dân của một vùng nào di cư đến một vùng đất mới thì trong hành trang của họ bao giờ cũng có những phong tục tập quán, những truyền thống văn hóa mà họ đã tích lũy được. Những phẩm chất hoặc truyền thống ấy không mất đi đã đành, nhưng cũng không hề tồn tại nguyên vẹn ở vùng đất mới mà nó sẽ dần thích nghi, chọn lọc, bảo tồn, phát triển, thu nạp thêm những nhân tố mới ở vùng đất mới. Nói tóm lại là có sự tiếp biến văn hóa. Do không đánh giá hết quá trình này mà có nhà khoa học đã nhầm lẫn khi chỉ căn cứ vào những dấu tích có thật của một di tích mà đưa ra những kết luận sai về mặt khoa học xung quanh một hiện tượng lịch sử. Người dân đã “gánh quê hương đất nước” trên vai trong suốt quá trình di cư, khai khẩn, mở quê hương mới theo cách nói đầy hình tượng của một nhà thơ. Còn nói như một nhà khoa học thì quá trình giao thoa, tiếp biến văn hóa bao giờ cũng diễn ra theo những quy luật của nó: vừa tự nguyện, vừa cưỡng bức, vừa dung hợp, vừa hình thành những cái mới, vừa loại bỏ những cái không còn phù hợp và không phải mọi sản phẩm của quá trình này đều được lưu giữ trong đời sống cộng đồng như những giá trị.

Nhìn lại quá trình giao thoa văn hóa dân tộc trong khoảng hơn một thế kỷ trở lại đây có thể thấy khá rõ tính chất hai mặt của quá trình này, thấy những bài học thành công và thất bại của các chính sách văn hóa của Nhà nước ta, cũng như mặt được và chưa được của “quá trình tự điều chỉnh” của xã hội (tự điều chỉnh không chính thống của người dân, cộng đồng). Sự mất đi của yếu tố này một cách cưỡng bức, việc hình thành tự phát hoặc có chuẩn bị của nhân tố kia, quá trình có tổ chức, có lãnh đạo để làm nảy sinh những giá trị mới... trong đời sống xã hội, luôn luôn là những thử thách cho những người lãnh đạo hoạch định đường lối văn hóa.

Đề cương văn hóa năm 1943 của Đảng đã đưa ra ba nguyên tắc lớn của văn hóa Việt Nam trong giai đoạn cách mạng bấy giờ là dân tộc, khoa học, đại chúng. Ba nguyên tắc ấy đã trở thành đường lối lãnh đạo văn hóa Việt Nam trong nhiều thập kỷ và cho đến nay nhiều nội dung của những nguyên tắc ấy vẫn còn giữ nguyên giá trị khoa học; nhưng Đảng ta cũng đã có sự điều chỉnh về mặt sách lược, về mặt chủ trương cho phù hợp với những yêu cầu của từng giai đoạn cách mạng. Đó là biện chứng, là phù hợp với quy luật vì văn hóa là một hiện tượng xã hội, nó hình thành và tồn tại trong những không gian - thời gian cụ thể, nảy sinh trong những điều kiện xã hội - kinh tế cụ thể. Không có thứ văn hóa chung chung, nhưng cũng không thể không nhận thấy ý nghĩa trường tồn của những yếu tố, phẩm chất nào đó của văn hóa.

2. Gần đây, báo chí công bố khá nhiều những dự kiến quy hoạch vùng Thủ đô trong khoảng thời gian một, hai thập kỷ tới và một mệnh đề thường gặp là thủ đô Hà Nội phải có quy mô xứng đáng với truyền thống 1.000 năm, với tầm vóc là Thủ đô của một nước gần trăm triệu dân... Giới kinh tế thường nói đến chiến lược phát triển kinh tế của Hà Nội phải đặt trong quan hệ với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, với vùng kinh tế tam giác, vùng đồng bằng Bắc bộ... Như vậy, khái niệm vùng kinh tế Thủ đô đã có biến đổi, không gian sống và không gian văn hóa Hà Nội đã có những biến đổi, các điều kiện tạo ra những giá trị văn hóa của vùng Thủ đô trong thời gian hiện tại và sắp tới sẽ có những biến đổi. Do đó, cách tiếp cận về văn hóa Hà Nội trong giai đoạn tới cũng cần thay đổi để nhận đúng bản chất của nó. Để có thể đáp ứng được yêu cầu mới này, mọi ngành đều xây dựng quy hoạch của ngành. Văn hóa Hà Nội cũng không ngoài quỹ đạo đó. Đây là một việc rất lớn và khó, nhưng quy hoạch rồi cũng sẽ được thông qua và chuyện làm quy hoạch vẫn cứ là việc phải làm đi làm lại. Chúng ta thường nghe nói chất lượng quy hoạch thấp, cho nên phải thường xuyên làm lại. Đó là một cái lý không phải không có cơ sở, nhưng còn có một cái lý khác nữa là trước khi làm quy hoạch, các nhà quy hoạch chưa có được một quan niệm nhất quán về một Hà Nội trong một, hai thập kỷ tới sẽ phải như thế nào, không phải theo ý chí của người hoạch định mà đúng như nó sẽ phải như vậy trên một cơ sở khoa học. Không gian địa lý của Hà Nội có thể thay đổi, dân số Hà Nội cũng có thể thay đổi theo ý chí của người cầm quyền nhưng lời giải cho bài toán này cần được xác định ở mục đích của sự hướng tới, ở hiệu quả kinh tế, xã hội của câu trả lời, chứ không phải ở chỗ việc ấy có làm được hay không. Một không gian văn hóa được hình thành trên ba yếu tố cơ bản là điều kiện tự nhiên, con người và các quan hệ kinh tế hình thành trên cơ sở đó. Hà Nội, do những điều kiện lịch sử của nó, như hiện trạng có lẽ cần phải được quy hoạch theo hướng là một trung tâm chính trị, một trung tâm đầu não về văn hóa, ngoại giao, dịch vụ ngân hàng, tiền tệ... xứng đáng là một Thủ đô văn hiến mà vẫn hiện đại, hơn là một trung tâm về kinh tế theo quan niệm cũ. Cái tạo nên sự độc đáo hiếm có của Hà Nội là sự cổ kính của khu phố cổ, của các di tích, danh thắng, là truyền thống văn hóa Á Đông (không gian sông nước, sông hồ, cây xanh) trên cái nền của một cơ sở hạ tầng hiện đại, được quản lý một cách tương xứng với nó.

Như chúng tôi đã nói ở trên, dân số Hà Nội tăng cơ học quá lớn mà cơ cấu của sự tăng nhanh này không đảm bảo cho sự phát triển bền vững của Hà Nội, hơn nữa lại kéo theo nhiều vấn đề xã hội cần giải quyết. Sự mở rộng của các khu công nghiệp, khu dân cư, các quận, huyện mới, vừa tạo ra tiền đề cho sự phát triển của Hà Nội trong tương tai, vừa làm nảy sinh những mặt trái của xã hội, mà lĩnh vực văn hóa xã hội thường phải gánh chịu những hậu quả nặng nề nhất. Nếu khi hoạch định các chính sách kinh tế, xã hội mà không chú ý đúng mức tới khía cạnh văn hóa của chính sách, hoặc “bỏ qua” những khía cạnh này thì việc giải quyết hậu quả của cách làm ấy sẽ rất nặng nề. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy có một việc không bình thường là, hầu như khi xây dựng những khu kinh tế mới, khu dân cư mới, do quá chú trọng đến lợi ích kinh tế mà người ta thường xem nhẹ, hoặc không đánh giá một cách nghiêm túc sự tác động của những dự án ấy đến vấn đề môi trường sinh thái nhân văn, đến việc đảm bảo tối thiểu những yêu cầu về cơ sở văn hóa như: câu lạc bộ, nhà văn hóa, khu vui chơi... thậm chí những cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ dân sinh như trường học, bệnh viện, khách sạn, quảng trường, chợ, khu thương mại... cũng còn bị lãng quên hoặc cắt xén đến mức tối đa. Còn khía cạnh thẩm mỹ của các công trình kiến trúc, tính đồng bộ của cả hệ thống thì hiển nhiên bị xem nhẹ. Quản lý nhà nước về văn hóa ở đây bị “buông” hoàn toàn. Rõ ràng, các khu tập thể ở Kim Liên, Giảng Võ, Thành Công, các khu công nghiệp mới ở Gia Lâm, Thanh Trì, Sóc Sơn,... đều rơi vào tình trạng như vậy.

3. Xung quanh vấn đề quy hoạch văn hóa của Hà Nội trong khoảng thời gian một, hai thập kỷ tới thường gợi cho những người làm nghề băn khoăn; nhiều kế hoạch, nhiều dự án được đưa ra nhưng vẫn không có sự nhất trí cao. Âu cũng là chuyện thường tình bởi trước hết vấn đề vốn phức tạp; những dự báo được đưa ra nhiều khi lại không dựa trên những cơ sở khoa học, mà thường là những dự đoán, mong muốn của người hoạch định. Không ai không thừa nhận vai trò của văn hóa, nhưng khi quy hoạch cho một ngành nào đó lại ít ai chú ý đến khía cạnh văn hóa của vấn đề. Có thể lấy vấn đề quy hoạch hệ thống bảo tàng, di tích, danh thắng, tượng đài, nhà văn hóa... ở Hà Nội làm ví dụ minh chứng cho luận điểm này: Trước đây do những yêu cầu về đối ngoại, chính trị... chúng ta đã xây dựng một số tượng đài của các danh nhân, các chính khách (cả trong nước và quốc tế), đã xếp hạng nhiều di tích, đã xây dựng khá nhiều loại bảo tàng của quốc gia, của ngành, của các tổ chức xã hội, chính trị khác nhau theo kiểu “ai làm cũng được, cái nào cũng được, ai có điều kiện thì làm”... nghĩa là thiếu hẳn một căn cứ khoa học và một kế hoạch tổng thể. Chuẩn bị kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, chúng ta đã xem lại vấn đề này và thấy để như hiện nay là không ổn. Vậy, dựng thêm những tượng đài nào, ở đâu, xây thêm những bảo tàng nào, quy mô ra sao, xây thêm những công trình văn hóa nào, bao nhiêu cho phù hợp... đều cần được bàn bạc, xem xét. Tượng đài Lý Thái Tổ dựng ở một trong những chỗ trang trọng nhất của Thành phố, với hình dáng, kích thước, chất liệu... như vậy được nhiều người đồng tình. Và trên thực tế, hàng ngày có hàng trăm lượt người tới để dâng hương, tưởng niệm, ngắm nhìn một địa chỉ văn hóa mới. Thế rồi, nảy sinh một vài ý kiến khác và báo chí bắt đầu vào cuộc: Triều Lý đã có tượng vua Lý, vậy còn triều Trần thì sao? Triều Trần với những võ công và những nhân vật kiệt xuất rất đáng xây dựng những khu tưởng niệm quy mô lắm chứ. Thế là lại tổ chức hội thảo, lại công bố những mong muốn, kiến nghị... và đôi khi vấn đề đã có hơi hướng vượt ra ngoài một tượng đài, trở thành một yêu cầu cao hơn. Đành rằng, tất cả những ý kiến đó đều đáng trân trọng, việc dựng bia, xây nhà tưởng niệm, đặt tượng đài... đều hợp lý cả, nhưng nếu ta không có một cách tiếp cận vấn đề theo hệ thống sẽ không bao giờ giải quyết được một cách khoa học những kiến nghị này. Bởi sau triều Trần sẽ là triều Lê, sau nhân vật A, sẽ là nhân vật B., C., X., nào nữa? Vấn đề ở đây là phải có những nguyên tắc về dựng tượng, đặt bia, xây nhà tưởng niệm trong một quy hoạch tổng thể, nhất quán, phù hợp trong nhiều mối quan hệ... chứ không phải là phải có ông này, bà kia... ở nơi này, nơi khác của Thủ đô thì mới xứng đáng với tên tuổi hay công tích của họ.

Từ khi Bảo tàng Dân tộc học được xây dựng với quy mô, tầm vóc như ta đã thấy, Hà Nội đã có thêm một địa điểm văn hóa sáng giá nữa. Trước khi xây dựng bảo tàng này, khó ai có thể hình dung ra sự nhộn nhịp, hấp dẫn của nó như bây giờ. Cũng chính vì vậy mà, quy mô của nó đã trở nên không đáp ứng được yêu cầu hiện nay chứ chưa nói đến trong thời gian sắp tới. Do tính chất phức tạp của công việc đã đành nhưng cũng còn do chưa lường trước được sự cần thiết và quy mô của nó, sự hữu ích của nó, nên cả về tầm vóc lẫn quy mô bảo tàng đều bị thiếu hụt. Tôi còn nhớ có một bài báo viết rất hay về “một góc Thái ở Hà Nội” và mơ ước đến những góc khác nữa dành cho những dân tộc khác (nước ta có đến 54 dân tộc). Vấn đề mà bài báo đặt ra rất đáng để cho chúng ta suy nghĩ. Xét về nhiều phương diện, sự góp mặt của mọi giá trị tinh thần của các dân tộc anh em ở Hà Nội là rất đúng đắn và cần thiết, nhưng nếu cứ tư duy theo cách thấy điều gì hay, thấy cái gì chưa có lại phải làm cho đủ, cho có mặt theo kiểu “ai cũng phải có phần” thì lại rất không nên. Bởi vì cách tư duy ấy sẽ dẫn theo hệ quả là ta chỉ chạy theo sau các sự việc và như thế sẽ không thể quản lý sự việc theo đúng cách cần quản lý. Văn hóa của các dân tộc khác trong điều kiện ngày nay, đã ngày càng chứng tỏ sức sống của nó và sẽ có những con đường đi của nó, và nhà cầm quyền chỉ có thể dự báo sớm và chuẩn bị đón trước sự xuất hiện của nó để khi nó xuất hiện, không thấy bất ngờ chứ không phải quay lưng lại với nó. Cách ứng xử với văn hóa đúng hay sai sẽ được hưởng hay phải chịu hậu quả đều rất nặng nề và đều nhỡn tiền. Câu châm ngôn của Nho giáo: nếu không lo cái lo xa sẽ phải đối mặt với cái khó gần từ hàng nghìn năm trước vẫn mới vậy.

Những người làm nghề không ai không nhận thấy quy luật văn hóa là nguồn lực, là động lực và là mục tiêu của sự phát triển kinh tế, xã hội. Chúng ta đang quy hoạch các khu du lịch, kinh tế, văn hóa theo phương châm này. Nhưng, (vẫn là chuyện chữ nhưng) những bài học thất bại về việc để các hoạt động du lịch khai thác (chữ này theo tôi không đúng lắm) các điểm di tích, danh thắng ở trong và ngoài Hà Nội như chùa Hương, vịnh Hạ Long, Huế, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Sa Pa... đang gióng lên hồi chuông báo động. Nguyên lý không sai nhưng cách làm hiện nay ở ta rất sai. Nói tóm lại, các hoạt động kinh tế này không làm cho các di tích, danh thắng ấy được bảo tồn, quản lý tốt hơn mà trái lại, đang xâm hại chúng một cách nguy hại vì, mục tiêu kinh tế đang khuyến khích nhà đầu tư cố gắng kiếm lợi nhuận cao nhất, còn vấn đề di tích còn hay mất không phải là mối quan tâm hàng đầu của họ. (Ai có việc của người ấy mà). Việc xâm hại di tích diễn ra hàng ngày, không phải chỉ là chuyện của cá nhân mà còn chuyện của cả những tổ chức. Vấn đề ở đây là chính sách, cơ chế đầu tư, cơ chế kết hợp giữa lợi ích kinh tế với việc phát triển bền vững, với bảo tồn văn hóa; là việc giải bài toán về phát triển bền vững và bảo tồn văn hóa của ta chưa được chú ý đúng mức, quy hoạch vùng kinh tế, quy hoạch ngành cụ thể... đều không chú trọng đến khía cạnh văn hóa cho dù khi nói ai cũng nói rất giỏi.

4. Xưa nay, vấn đề thiết chế văn hóa luôn được coi là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá mức độ tiến bộ hay lạc hậu của một trình độ phát triển xã hội. Thiết chế văn hóa hình thành vừa có yếu tố tự nhiên, vừa có yếu tố áp đặt. Do những quan hệ của con người, mỗi cộng đồng bên cạnh những quy định bắt buộc, những cơ sở được sự đầu tư của nhà nước... còn có những quan hệ hình thành do những quy ước bất thành văn. Dư luận xã hội và những chuẩn mực bất thành văn xưa nay cũng có áp lực ghê gớm đối với hành vi của con người, nhiều khi nó có tác dụng hơn cả những quy định cụ thể. Nhưng mọi thiết chế đều được xây dựng trong những hoàn cảnh cụ thể, hay nói cách khác nó phải có chỗ dựa từ những điều kiện vật chất nào đó. Hiện Hà Nội đang có một cuộc vận động lớn về việc toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, làm cơ sở cho một phong trào hình thành những quan hệ mới giữa người với người, hướng tới mục tiêu xây dựng nếp văn hóa của người Hà Nội. Không cần nói thêm về sự cần thiết của vấn đề này vì điều đó đã quá rõ, mà cần bàn thêm về những cơ sở vật chất đảm bảo cho guồng máy ấy vận hành, những phương thức vận động, những mục tiêu cụ thể, những cơ chế làm cơ sở pháp lý cho cuộc vận động và những quy phạm văn hóa mà mọi người phải tuân theo. Điều đáng nói ở đây là cuộc vận động vẫn đang hướng nhiều tới vai trò xã hội, đến chức năng quản lý của các tổ chức khác nhau mà chưa chú ý đúng mức vai trò của cơ sở vật chất, của cơ chế, của các yếu tố gia đình, gia phong, nếp nhà, đến yêu cầu đạo lý của mỗi hành vi của cá nhân. Gia đình bao giờ cũng là tế bào của xã hội; trách nhiệm của gia đình bao giờ cũng phải đặt ở một vị trí rất cao trong quan hệ này. Phương châm nhà trường, xã hội và gia đình cùng tham gia giáo dục các thành viên ở cả hai nơi rất đúng về hướng chỉ đạo, nhưng hiệu quả thấp là do chúng ta chưa có cơ chế phối hợp đúng đắn, ngang tầm với vai trò của mỗi tổ chức, gia đình. Thực ra, sự phân công xã hội trước mỗi hiện tượng không có gì mới, nhưng hiệu quả của sự phân công lại là vấn đề muôn thuở phải tính đến. Quyền hạn bao giờ cũng cần phải đi kèm với trách nhiệm và cần được giám sát một cách nghiêm túc, theo pháp luật, nếu không sẽ làm mầm mống của những sai lầm. Quản lý nhà nước cũng cần phải như vậy.

Xin được lấy thêm một vài ví dụ nữa về quản lý nhà nước về văn hóa và dịch vụ văn hóa ở Hà Nội hiện nay. Theo báo cáo của thanh tra văn hóa thì gần như 100% quảng cáo tấm lớn ở Hà Nội đều vi phạm quy định ở các mức độ khác nhau. Các cơ quan chức năng hết sức vất vả mà không kiểm soát được. Bộ Văn hóa - Thông tin đã có dự định cấm hoạt động karaoke do tính chất tiêu cực của các hoạt động này, nhưng dư luận xã hội còn băn khoăn vì không đúng với xu thế “pháp trị”. Theo tôi, cần xem xét sự vật ở khía cạnh nó là một sản phẩm của đời sống xã hội, nó tồn tại dựa trên cái lý của sự vật và chúng ta cần hiểu đúng nó trước khi ra các quyết định. Trước hết xin nói về chuyện quảng cáo. Cần phải coi quảng cáo như một nhu cầu cần thiết của đời sống kinh tế. Cách quản lý nó hiệu quả nhất phải dựa trên những tri thức về các quy luật kinh tế, các quan hệ xã hội, chứ không thể căn cứ vào những ước đoán hay ý chí của một ai. Vì vậy, có lẽ nên tính đến yêu cầu quy hoạch cho công việc này trên những tuyến đường, tuyến phố, những địa điểm cần thiết và phù hợp với nguyện vọng của các doanh nghiệp, các công ty quảng cáo. Nhà nước nên đầu tư cho hoạt động này rồi cho các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân cần quảng cáo thuê địa điểm quảng cáo và cơ quan có trách nhiệm chỉ phải quản lý hoạt động này theo những quy định của pháp luật, theo cơ chế quản lý nhà nước. Như vậy, cả ba khía cạnh nhà đầu tư, hệ thống pháp lý, cơ quan quản lý đều được kiểm soát và chắc chắn những người hoạt động quảng cáo không còn cơ sở nào để có thể vi phạm. Văn minh đô thị sẽ được đảm bảo, hoạt động quảng cáo sẽ đi vào nền nếp hơn.

Tương tự, hoạt động của các vũ trường, nhà hàng, karaoke cũng cần được quản lý theo nguyên tắc ứng xử với hoạt động quảng cáo. Tất nhiên vấn đề ở đây đòi hỏi những quy định cụ thể khác, cách ứng xử khác, nhưng điều tôi muốn nói ở đây là cách nhìn vấn đề nên dựa theo một hệ thống nhất quán; việc chọn cách ứng xử với một hiện tượng nên bắt đầu từ những căn cứ xã hội, lịch sử, văn hóa của nó trong đời sống, chứ không phải chỉ căn cứ vào bản thân nó. Bởi, trong thực tế, không có một hiện tượng nào lại không có những mối liên hệ nhiều chiều với những hiện tượng khác. Vấn đề tự nó vốn đơn giản, nhưng chúng ta lại không thể giản đơn khi ứng xử với nó mà thôi.

Khi chúng ta có đủ kiến thức được xây dựng trên cơ sở khoa học về đối tượng thì cách giải quyết vấn đề sẽ mạch lạc hơn ở sự lý giải. Điều quan trọng là những chính sách được nêu ra sẽ có cơ sở về mặt lý thuyết, nó sẽ chỉ rõ được vì sao có chính sách ấy, lộ trình để giải quyết các hiện tượng ấy sẽ đi theo những bước nào. Nó sẽ giúp hạn chế đến mức tối đa sự rủi ro. Trong trường hợp thành công thì sự thành công ấy đã được dự liệu từ trước chứ không phải là sự may rủi, còn nếu thất bại thì cũng cắt nghĩa được nguyên nhân của thất bại là do đâu. Nói nôm na là, một khi vấn đề được xem xét một cách hệ thống, thì mọi kết luận về nó sẽ tránh được tình trạng ngẫu nhiên, cục bộ ở cả tầm vĩ mô và những sự việc cụ thể./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)