Văn hóa Hà Nội trong ca dao ngạn ngữ

Người thanh, tiếng nói cũng thanh

Chuông kêu khẽ đánh bên thành cũng kêu

Câu ví von của ca dao Hà Nội xưa đã tụng ca tiếng Hà Nội như vậy. Người Hà Nội quen sử dụng từ ngữ và cách diễn đạt thanh tao chứ người không thô thiển, quê mùa, chất phác. Cuộc sống Kẻ Chợ phải giao tiếp với khách bốn phương đã tạo nên phong cách ấy:

Đất tốt trồng cây rườm rà

Những người thanh lịch nói ra dịu dàng

Vàng thì thử lửa thử than

Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời

Để cho:

Chim kêu chết mệt vì mồi

Người khôn chết mệt vì lời nhỏ to

Và:

Kim vàng ai nỡ uốn câu

Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời

Không chỉ những người dân tầng lớp trên mới thanh lịch mà ngay cả từ chị em nông dân cấy rau, trồng hoa cũng có cái duyên thầm Hà Nội đáng tự hào:

Ở đâu mà chẳng biết ta

Ta ở Kẻ Láng vốn nhà trồng rau

Bình thường thế thôi mà cũng phải “mượn người lịch sự gánh lên Kinh kỳ”.

Còn với cô gái trại hoa Ngọc Hà thì:

Hỡi cô đội nón ba tầm

Có về Yên Phụ hôm rằm lại sang

Phiên rằm chợ chính Yên Quang

Yêu hoa anh đợi hoa nàng mới mua.

Cái giá của người con gái Hà Nội chính là ở nét đẹp văn hóa ấy.

Bởi vậy mà đã có lắm chàng mượn lời ướm hỏi:

- Đất Ngọc Hà tốt tươi phong cảnh

Gái Ngọc Hà vừa đảm vừa xinh

Ơi người gánh nước giếng đình

Còn chăng hay đã trao tình cho ai?

- Giếng Ngọc Hà vừa trong vừa mát

Vườn Ngọc Hà thơm ngát gần xa

Hỡi người xách nước tưới hoa

Có cho ai được vào ra chốn này?

Ngọc Hà nay đã từ làng lên phố, vườn xưa không còn nhưng nết người Ngọc Hà đã chuyển tới bao cô gái các làng hoa mới của Hà Nội: Phú Thượng, Tứ Liên, Tây Tựu, Vĩnh Tuy… để cho:

Hoa thơm, thơm lạ thơm lùng

Thơm cành thơm rễ, người trồng cũng thơm

Và thú chơi cây của người Hà Nội cũng mang chất kẻ sĩ:

Ai chơi ta cũng chơi cùng

Chơi trúc quân tử, chơi tùng trượng phu.

Sự lịch lãm từng trải và cách ứng xử lịch sự của người Hà Nội quả đã làm cho thiên hạ “phải lòng”:

- Ta lên Hà Nội tìm mình

Trầu cau tiếp đãi thân tình biết bao

Chân đi miệng lại khẩn cầu

Lạy giời phù hộ gặp nhau phen này.

- Tôi đây là người đi chơi

Chơi chốn lịch sự, chơi nơi hữu tình

Hà Nội vừa đẹp người, vừa đẹp cảnh:

- Bắc kỳ vui nhất Hà thành

Phố phường sầm uất văn minh rợp trời

Thanh tao lịch sự đủ mùi

Cao lâu, rạp hát vui chơi đủ đầy

Đâu đâu nam, bắc, đông, tây

Thăng Long thắng địa xưa nay tiếng đồn

Cũ thời băm sáu phố phường

Ngày nay mở rộng tới hàng vài trăm

Người đi, xe chạy ầm ầm

Đua chen thương mại bội phần hơn xưa…

Cảnh phố phường hàng trăm năm trước đã vậy, so với Hà Nội thời đổi mới hôm nay nào thấm tháp gì. Thế mà khối người tìm đến:

- Hà Nội băm sáu phố phường

Hàng Gạo, Hàng Đường, Hàng Muối trắng tinh

Từ ngày ta phải lòng mình

Bác mẹ đi rình đã mấy mươi phen

Làm quen chả được nên quen

Làm ai mất bạn, ai đền công cho.

Và thốt lên:

- … Mặt hồ hây hẩy heo may

Trong trong gió mát dễ say lòng người

Hà Thành đẹp lắm ai ơi!

Họ hết lời ca ngợi cái chợ lớn chốn kinh kỳ:

- Vui nhất là chợ Đồng Xuân

Thức gì cũng bán xa gần bán mua…[/i]

Để rồi:

- Ước gì mình lấy được ta

Để cùng buôn bán chợ xa, chợ gần

Hoặc:

Trông lên dãy phố Hàng Đào

Miệng chào hớn hở anh vào cùng em.

- Phồn hoa thứ nhất Long Thành

Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ

Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ

Bút hoa in chép nên thơ lưu truyền

- Biết người biết mặt nhau chi

Để đêm em tưởng, ngày thì em mơ

Bắc Ninh cho đến Phủ Từ

Qua cầu sông Nhị ngẩn ngơ tìm người

Tìm người chẳng biết mấy nơi

Tìm ba mươi sáu phố thấy người ở đây.

Không chỉ ca ngợi con người Hà Nội chung chung mà ca dao xưa còn đề cập đến những người thợ thủ công “khéo tay hay làm” góp phần làm giàu cho đô thành. Đó là cô gái làng giấy Bưởi:

- Người ta bán vạn, buôn ngàn

Em đây làm giấy cơ hàn vẫn tươi

Dám xin nho sĩ chớ cười

Công em khó nhọc, giấy người viết thơ.

Là anh thợ vàng Định Công:

- Làng anh rặt thợ kim hoàn

Để anh đánh nhẫn cho nàng đeo tay.

Là cô gái Khương Đình:

- Ai về Khuông Hạ, Đình Gừng

Dưa chua, cà muối em đừng quên nhau

Là chàng thợ sơn vẽ làng Nhót:

- Đông Phù có sông Tô Lịch

Có con người lịch họa phượng, họa rồng

Yêu nhau chẳng quản đèo bòng

Cách mười sông, chín núi cũng một lòng theo anh.

Là chị em làng Lủ, Kẻ Mơ:

- Mình từ làng kẹo mà ra

Nên mình nói ngọt cho ta phải lòng

- Em là con gái Kẻ Mơ

Em đi bán rượu tình cờ gặp anh

Rượu ngon chẳng quản be sành

Áo rách khéo vá hơn lành vụng may

Rượu lạt uống lắm cũng say

Người khôn nói lắm hết hay hóa nhàm.

Là làng nghề thủ công cổ truyền:

- Làng tôi công nghệ đâu bằng

Là làng Triều Khúc ở gần Thanh Xuân

Quai thao kết khéo vô ngần

Là nghề của Vũ sứ thần dạy cho…

…Nghề nào cũng khéo chân tay

Nhất thân vinh hiển buổi này cạnh tranh.

Như vậy là từ lời ăn tiếng nói, từ tính hay lam hay làm, từ nét đẹp duyên dáng, lịch thiệp, đến cách đi đứng giao tiếp, người Hà Nội xứng đáng là tiêu biểu cho người Việt Nam

Họ biết rằng:

- Lời nói không mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Họ tự hào với những câu ca xưa:

- Chẳng thơm cũng thể hoa nhài

Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.

- Chẳng thanh cũng thể hoa mai

Chẳng lịch cũng thể con người Thượng Kinh

Tràng An, Thượng Kinh là chỉ Kinh đô, chỉ Thăng Long xưa và Hà Nội bây giờ. Trong cuộc vận động nếp sống văn minh trước đây có lúc câu ca đã biến dạng thành:

- Chẳng thơm cũng thể hoa nhài

Chẳng thanh lịch cũng là người Thủ đô.

Từ “thanh” chuyển hóa thành người “khôn”, rồi người “ngoan”, ca dao cổ Hà Nội đã khẳng định tương ứng và đồng nghĩa với khôn ngoan rồi!

Thanh lịch đã trở thành truyền thống của người Thăng Long – Hà Nội, ánh hào quang của tâm thức Việt Nam.

Đọc ca dao xưa để thấm nhuần lối sống, nếp sống đẹp của người xưa mà ứng dụng vào thời hiện đại, để văn hóa người Hà Nội mãi mãi tỏa sáng, phục vụ tốt cho cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư đang trên đà phát triển và mở rộng./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)