Chùa Thần Quang và pho tượng A-di-đà

Nguyễn Huy Lượng, một danh nhân Thăng Long, trong bài phú “Tụng Tây Hồ” có câu: “Lửa đóm ghen năm xã gây lò”. Năm xã đây chính là Ngũ Xã tràng năm trên bán đảo của hồ Trúc Bạch – xưa chưa có đê “cố ngự” ăn thông với Hồ Tây mênh mông – là nơi cư trú và hành nghề của phường đúc đồng nổi tiếng kinh thành. Dân thợ phường này vốn là người từ 5 làng thuộc tổng Đề Cầu, huyện Siêu Loại, xứ Kinh Bắc xưa (nay thuộc huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) được chiêu tập về đô, mở trường đúc tiền và các đồ thờ phục vụ triều đình vào khoảng thời Lê (1428-1527). Sản phẩm đặc biệt của họ là những tượng đồng, chuông đồng, khánh đồng… có mặt ở khá nhiều chùa, đền trong nước. Thợ đồng Ngũ Xã cùng với thợ vàng Định Công, thợ dệt Yên Thái, thợ gốm Bát Tràng… đã trở thành những ngành nghề thủ công tiêu biểu được ghi lại trong tục ngữ - ca dao cổ của Thăng Long văn vật.

Đến Ngũ Xã hôm nay, ta sẽ gặp một ngôi chùa ẩn mình dưới bóng đa cổ thụ. Đó là “Thần Quang tự”, ngôi chùa của phường đúc đồng, xây dựng từ thế kỷ 18. Chùa nhỏ nhưng lại có pho tượng đồng lớn vào loại nhất nước ta, một trong những đỉnh cao của thợ đồng Ngũ Xã.

Pho tượng A-di-đà này cao 3,95m, khoảng cách giữa hai đầu gối là 3,6m, chu vi tượng 11,6m, đặt trên một tòa sen có 96 cánh cũng bằng đồng cao 1,45m. Tính cả tượng và tòa sen làm đế, pho tượng có chiều cao 5,5m và nặng 11,6 tấn.

Tác giả của pho tượng lớn này là Nguyễn Phú Hiếu – người nặn khuôn mẫu - và Nguyễn Văn Tùy, thợ cả tổng chỉ huy công việc đúc tượng. Các nghệ nhân cho biết phải dùng đến 7 vạn kg đất sét và giấy bản để làm khuôn và cả phường tập trung vào đây những tay thợ tài hoa nhất. Công việc chuẩn bị phải mất 3 năm (1949-1952) để tiến hành đúc liền trong 2 giờ đồng hồ. Ngày ấy, Ngũ Xã như có hội lớn. Con cháu thợ đúc đồng rất tự hào đã có bước tiến vượt cha ông họ. Sản phẩm thời trước mang dấu ấn Ngũ Xã ở gần đó là pho tượng Trấn Võ bằng đồng đen, đặt tại đền Quán Thánh, đúc năm Vĩnh Trị thứ hai (1677) thời Lê Hy Tông cũng chỉ cao 3,96m nặng 4 tấn mà thôi.

Chùa Thần Quang còn thờ vị tổ nghề đúc đồng là Không Lộ Đại pháp thiền sư. Tượng sư tổ lại tạc bằng gỗ theo di huấn của người.

Truyền thuyết ở làng quê gốc Đề Cầu kể rằng: Nhà sư Không Lộ tu ở chùa Phả Lại, huyện Quế Dương (Bắc Ninh). Ngoài việc thờ cúng, nhà sư còn thường xuyên luyện đất sét nặn khuôn các đồ thờ tự như cây đèn, cây nến, lư hương, đỉnh… và cả những vật dụng gia đình như nồi, mâm, chậu… đem phơi khô sau nấu đồng đổ vào đúc.

Giúp việc nhà sư có hai chú tiểu là Phạm Quốc Tài người làng Đề Cầu và Trần Lạc người làng Đông Mai. Khi hai chú tiểu thạo nghề nhà sư cho về quê truyền lại cho dân làng mở phường đúc. Ở đền thờ tổ nghề tại Đề Cầu ngoài tượng Không Lộ thiền sư còn có tượng 2 chú tiểu Phạm, Trần.

Truyền thuyết tổ nghề đúc đồng còn có sự đồng nhất giữa nhà sư Không Lộ với vị quốc sư đời Lý, tên là Nguyễn Chí Thành, hiệu là Minh Không thiền sư, người Gia Viễn (Ninh Bình), nay còn đền thờ ở phố Lý Quốc Sư (Hà Nội), đây vốn là “tịnh xá” ngày trước của ông. Do có nhiều công lao với triều đình, Minh Không được vua Lý Thần Tông (1128-1138) phong tôn hiệu Quốc sư.

Tại chùa Thần Quang (Ngũ Xã) còn giữ được 5 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến ban cho vị tổ nghề đúc đồng.

(Thăng Long Hà Nội/Vietnam+)