Huyện Phúc Thọ

Đền Hát Môn là nơi tưởng nhớ hai Hai Bà Trưng. (Nguồn: Internet)

Phúc Thọ là huyện nằm ở phía Tây trung tâm Hà Nội, bên bờ hữu ngạn của con sông Hồng và sông Đáy thuộc hệ thống sông Hồng.

Vị trí địa lý

Huyện Phúc Thọ phía Tây giáp thị xã Sơn Tây; phía Nam giáp huyện Thạch Thất và huyện Quốc Oai; phía Đông giáp huyện Đan Phượng và huyện Hoài Đức; phía Bắc giáp huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.

Diện tích: 118,62km2.

Dân số: Khoảng 156.900 người (năm 2009).

Lịch sử hình thành

Năm Minh Mạng thứ 12 (năm 1831), thành lập tỉnh Sơn Tây. Khi đó, huyện Phúc Thọ thuộc phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây.

Ngày 21/4/1965, theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hợp nhất 2 tỉnh Sơn Tây và Hà Đông thành tỉnh Hà Tây. Theo đó, huyện Phúc Thọ thuộc tỉnh Hà Tây.

Ngày 27/12/1975, kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa V thông qua Nghị quyết hợp nhất 2 tỉnh Hòa Bình và Hà Tây thành tỉnh Hà Sơn Bình. Theo đó, huyện Phúc Thọ thuộc tỉnh Hà Sơn Bình.

Ngày 29/12/1978, kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa VI thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc sáp nhập một số huyện, thị xã, xã và thị trấn của tỉnh Hà Sơn Bình vào thành phố Hà Nội. Theo đó, huyện Phúc Thọ nhập vào thành phố Hà Nội.

Ngày 17/2/1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 49-CP về việc điều chỉnh địa giới một số xã, thị trấn của các huyện thuộc thành phố Hà Nội. Theo đó, sáp nhập các xã Tam Hiệp, Hiệp Thuận, Liên Hiệp của huyện Quốc Oai vào huyện Phúc Thọ.

Sau khi điều chỉnh huyện Phúc Thọ gồm 20 xã: Cẩm Đình, Hát Môn, Long Xuyên, Ngọc Tảo, Phúc Hòa, Phụng Thượng, Phương Độ, Sen Chiểu, Tam Thuấn, Thanh Đa, Thọ Lộc, Thượng Cốc, Vân Hà, Vân Nam, Vân Phúc, Võng Xuyên, Xuân Phú, Tam Hiệp, Hiệp Thuận, Liên Hiệp.

Ngày 2/6/1982, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 101-HĐBT về việc phân ranh giới huyện Ba Vì và huyện Phúc Thọ thuộc thành phố Hà Nội. Theo đó, tách các xã Tích Giang, Trạch Mỹ Lộc thuộc huyện Ba Vì để sáp nhập vào huyện Phúc Thọ.

Sau khi điều chỉnh huyện Phúc Thọ gồm 22 xã: Cẩm Đình, Hát Môn, Long Xuyên, Ngọc Tảo, Phúc Hòa, Phụng Thượng, Phương Độ, Sen Chiểu, Tam Thuấn, Thanh Đa, Thọ Lộc, Thượng Cốc, Vân Hà, Vân Nam, Vân Phúc, Võng Xuyên, Xuân Phú, Tam Hiệp, Hiệp Thuận, Liên Hiệp, Tích Giang, Trạch Mỹ Lộc.

Ngày 12/8/1991, kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa VIII thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, huyện Phúc Thọ chuyển về tỉnh Hà Tây.

Ngày 29/8/1994, Chính phủ ra Nghị định số 107-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập thị trấn Phúc Thọ thuộc huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây trên cơ sở một phần diên tích và nhân khẩu của các xã Phúc Hòa và Thọ Lộc. Sau khi điều chỉnh, huyện Phúc Thọ có 23 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm thị trấn Phúc Thọ và 22 xã.

Từ ngày 1/8/2008, toàn bộ tỉnh Hà Tây sáp nhập vào thành phố Hà Nội theo Nghị quyết của kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XII ngày 29/5/2008. Theo đó huyện Phúc Thọ thuộc Hà Nội.

Đơn vị hành chính

Thị trấn Phúc Thọ và 22 xã: Cẩm Đình, Hát Môn, Long Xuyên, Ngọc Tảo, Phúc Hòa, Phụng Thượng, Phương Độ, Sen Chiểu, Tam Thuấn, Thanh Đa, Thọ Lộc, Thượng Cốc, Vân Hà, Vân Nam, Vân Phúc, Võng Xuyên, Xuân Phú, Tam Hiệp, Hiệp Thuận, Liên Hiệp, Tích Giang, Trạch Mỹ Lộc.

Trụ sở Ủy ban Nhân dân đặt tại thị trấn Phúc Thọ.

Tình hình kinh tế-xã hội

Kinh tế

Trong năm 2009, huyện Phúc Thọ đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong cơ cấu trong kinh tế. Giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng cơ bản, thương mại-dịch vụ đều tăng hơn so với năm 2008; giá trị sản xuất nông nghiệp giảm 4,5% so với năm 2008. Thu nhập của người dân đạt 7,5 triệu đồng/người/năm. Ngân sách đầu tư hạ tầng với tổng số vốn là 552 tỷ đồng.

Về Nông nghiệp

Phúc Thọ có cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao. Diện tích đất nông nghiệp 6.500ha (chiếm 55,5% diện tích đất tự nhiên). Trong năm qua, huyện luôn xác định tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Toàn huyện có 215 trang trại với diện tích 404ha gồm 11 trang trại cây hàng năm, 23 trang trại cây ăn quả, 82 trang trại chăn nuôi, 17 trang trại thủy sản, 82 trang trại tổng hợp; huyện có 309 vườn trại với diện tích 122ha gồm trồng cây hàng năm 18ha, trồng cây lâu năm 41ha, mặt nước nuôi trồng thủy sản 56ha, hoa cây cảnh 7ha. Hầu hết các diện tích chuyển đổi đạt giá trị trên 100 triệu/ha/năm.

Bên cạnh phát triển cây lương thực, huyện còn có thế mạnh phát triển các loại rau, củ, quả ở vùng đất bãi và vùng đồng bằng. Sản xuất cây vụ đông đã trở thành vụ chính của huyện với diện tích khoảng 4.200ha, chiếm 80% diện tích lúa màu.

Về Công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp

Huyện Phúc Thọ đã quy hoạch phát triển 9 cụm công nghiệp, đẩy mạnh các nghề truyền thống như may mặc, chế biến nông sản thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng,…

Về cơ sở hạ tầng

Các công trình như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa cụm dân cư, đài truyền thanh, trụ sở Ủy ban Nhân dân xã, thị trấn,… được đầu tư khang trang, góp phần thay đổi diện mạo huyện.

Về Văn hóa-xã hội

Trong những năm qua phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng làng, gia đình, đơn vị văn hóa được đẩy mạnh và phát triển rộng khắp. Đến nay, toàn huyện có 82% hộ gia đình, 65 làng và 32% số đơn vị đạt danh hiệu văn hóa.

Công tác giáo dục-đào tạo, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân đảm bảo. Giữ vững an ninh-chính trị trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên.

Di tích và danh lam thắng cảnh

Huyện Phúc Thọ có nhiều di tích lịch sử (trong đó có 48 di tích lịch sử văn hóa được công nhận cấp quốc gia) như Cửa Hát Môn, đền Hát Môn là nơi tưởng nhớ hai Hai Bà Trưng./.

Mỹ Hạnh (Vietnam+)