Cairo - Cái nôi của nền văn minh Ai Cập cổ đại

Tượng nhân sư cùng với Kim tự tháp là di tích tiêu biểu nhất nền văn minh Ai Cập cổ. (Nguồn: Internet)

Cairo là thủ đô của Ai Cập có tổng diện tích tự nhiện khoảng 214km2 với 15,2 triệu dân (năm 2009) là thủ đô có số dân đông ở châu Phi và là thành phố đạo Islam lớn nhất trên thế giới.

Cairo nổi tiếng về cổ kính, cảnh quan tươi đẹp, kiến trúc và văn hóa đạo Hồi, được bảo tồn hầu như còn nguyên vẹn từ hơn 1.000 năm trước.

Kể từ khi thành lập (thế kỷ thứ 10), thành phố Cairo luôn là trung tâm chính trị của Ai Cập. Trải qua nhiều biến cố trong lịch sử, giờ đây Cairo đã trở thành một nơi phồn hoa đô hội nổi tiếng khắp thế giới. Năm 1979, thành phố được UNESCO công nhận Cairo là Di sản thế giới.

Thành phố Cairo

Năm 641, người Arập đánh chiếm khu vực sông Nile, xây dựng nên thành phố Cairo ngày nay. Năm 969, vương triều Photima Arập chinh phục Ai Cập, xây dựng thêm một thành phố mới khác là Foctater nằm ở phía Bắc. Năm 973 vương triều dời đô đến đây lấy tên là “Cairo," trong tiếng Arập có nghĩa là "thắng lợi."

Cairo - “thành phố nghìn tháp”

Thành phố Cairo hiện có hơn 1.000 nhà thờ mang nhiều màu sắc, có kiến trúc đặc trưng như mái vòm, tháp nhọn, đỉnh tròn, cùng hơn 1.000 tòa tháp. Vì thế, Cairo còn được gọi là "thành phố nghìn tháp." Những ngôi tháp này đều có tuổi thọ từ 4.000-4.600 năm, mang dáng vẻ trang nghiêm, cao vút. Đặc biệt, đứng trên đỉnh tháp Cairo trên đảo Zammalli thuộc sông Nile, có thể ngắm nhìn toàn bộ thành phố cổ Cairo.

Nền văn minh của thành phố cổ đại đã thể hiện qua các kỳ quan vĩ đại như Kim tự tháp; tượng nhân sư khổng lồ; những xác ướp Ai Cập; các ngôi đền linh thiêng gồm đền Al-Azhar (xây dựng từ năm 970), đền Al Hussein (xây dựng năm 1154)...

Kim tự tháp là lăng tẩm của Pharaon Ai Cập cổ đại. Đến nay, Ai Cập đã phát hiện được gần 100 kim tự tháp, trong đó nổi tiếng nhất là Kim tự tháp Giza nằm phía Tây Nam thủ đô Cairô - một công trình kỳ vĩ nổi tiếng nhất Ai Cập, một quần thể tập trung nhiều công trình vĩ đại từ thời các Pharaon. Kim tự tháp Giza là kỳ quan duy nhất trong 7 kỳ quan kiến trúc thời cổ đại còn tồn tại đến ngày nay và được bình chọn là một trong 7 kỳ quan thế giới mới năm 2008.

Kim Tự tháp Giza được xây dựng vào thế kỷ 26 trước Công nguyên, là một tổng thể gồm 3 kim tự tháp gồm Cheops, Chephren và Mycerinus. Trong đó, Kim tự tháp Cheops được xây dựng đầu tiên và cao nhất (146m) do một Pharaon Vương triều thứ tư tên là Cheops.

Vua Cheops đã huy động hơn 100.000 người lao động trong 20 năm, sử dụng hơn 2 triệu phiến đá nặng hơn hai tấn để xây dựng phần mộ cho mình. Kim tự tháp của vua Chephren nằm phía sau kim tự tháp của Cheops và phía trước là kim tự tháp của vua Mycerinus. Kim tự tháp Giza là kỳ quan thế giới cổ đại; là "viên ngọc" quý của thành phố Cairo.

Nằm cách các Kim tự tháp Giza khoảng 13km, là tượng nhân sư (Sphinx) nổi tiếng với chiều cao khoảng 20m, dài 75m. Đây là một trong những bức tượng có kích thước lớn nhất thế giới, được người Ai Cập cổ tạo dựng từ Thiên niên kỷ thứ 3 trước Công nguyên.

Sphinx là hình ảnh một quái vật tạc bằng đá, tồn tại khoảng 5.000 năm nay và được người xưa dùng để canh gác Kim tự tháp Giza. Mục đích làm tượng Sphinx là để xua đuổi tất cả những điều bạo ác, tội lỗi khỏi khu nghĩa địa quanh kim tự tháp. Tượng nhân sư cùng với Kim tự tháp là di tích tiêu biểu nhất nền văn minh Ai Cập cổ, vì vậy đã trở thành biểu tượng của đất nước Ai Cập.

Người dân Cairo vô cùng tự hào vì đã có nhiều người con của thành phố nổi danh trên toàn thế giới như Boutros Boutros-Ghali, cựu Tổng Thư ký của Liên Hiệp Quốc; Mohamed El Baradei, người đoạt Giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2005; Naguib Mahfouz, người đoạt Giải thưởng Nobel Vãn học năm 1988; Ahmed Zewail, người đoạt Giải thưởng Nobel Hóa học năm 1999...

Đến với Cairo, ngoài được thưởng thức các món ăn ngon trên những du thuyền lớn trên sông Nile, hoặc quán ăn El Karbegi nổi tiếng tại vùng Zeinab của thành phố, du khách còn được xem biểu diễn múa bụng đặc sắc tại các câu lạc bộ múa bụng (belly dance). Đây là một vũ điệu truyền thống, nổi tiếng của dân tộc Ai Cập. Hiện múa bụng đã lan ra khắp toàn cầu, nó phát triển mạnh ở châu Âu, Mỹ và lan rộng tới châu Á.

Mới đây, thành phố Cairo đã đăng cai tổ chức Festival Múa bụng năm 2009- một trong những liên hoan múa bụng lớn nhất thế giới, thu hút hàng trăm vũ công đến từ hàng chục quốc gia trên thế giới tham dự Theo Ban tổ chức Festival, "Cairo chính là cái nôi của điệu vũ truyền thống, nên cần phải gìn giữ và phát triển"./.

Phương Nga (Vietnam+)