Cao Sơn - Vị thần trấn phía Nam Thăng Long

Thần Cao Sơn được thờ tại đình Kim Liên. (Ảnh tư liệu: Internet)

Thần Cao Sơn được thờ tại đình Kim Liên, một trong “Thăng Long tứ trấn”, trấn phía nam kinh thành Thăng Long.

Hiện nay đình nằm ở cuối phố Kim Hoa, gần ngã tư Kim Liên. Đình có tên là đền Kim Liên hoặc đền Cao Sơn (gọi theo tên làng - theo tên vị thần được thờ).

Văn bản cổ nhất về di tích này (niên hiệu Hồng Thuận 3 - 1510) gọi tên đình là “Cao Sơn đại vương thần từ” (đền thờ thần Cao Sơn đại vương).

Theo tư liệu và công tác khảo sát thực tế, thì hiện nay ít nhất là có tới bốn vị Cao Sơn:

1- Theo thần tích Tản Viên, Cao Sơn, Quý Minh được thờ ở làng Đông Xã nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ thì đó là ba anh em con chú bác ruột. Tản Viên tên thật là Nguyễn Tuấn, Cao Sơn tên thật là Nguyễn Hiển và Quý Minh tên thật là Nguyễn Sùng.

Hiển và Sùng là con chú ruột của Tuấn. Họ quê ở động Lăng Xương (nay thuộc huyện Thành Thủy, tỉnh Phú Thọ) sau được tiên trao cho phép tắc, giúp vua Hùng Vương thứ 18 nhiều phen đánh thắng Thục Phán. Đó là một Cao Sơn còn được coi là ngự ở ngọn núi bên trái của ba ngọn Ba Vì (Tản Viên ở giữa, Cao Sơn bên trái, Quý Minh bên phải).

2- Cao Sơn thứ hai theo thần tích làng Kim Liên thì lại là một trong 50 người con của Lạc Long Quân - Âu Cơ. Đền thờ chính hiện nay ở huyện Phụng Hóa, nay là Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

Theo bia “Cao Sơn đại vương thần từ bi minh” dựng năm Nhâm Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 33 (1772) cho biết khi các bộ tướng của Lê Tương Dực là Nguyễn Văn Lữ, Nguyễn Văn Long, Nguyễn Hoàng Dụ đem quân từ Thanh Hóa ra Bắc diệt Lê Uy Mục, đến giữa cánh rừng có một ngôi đền cổ mang bốn chữ “Cao Sơn đại vương”, rất lấy làm kinh ngạc, bèn vào đó khấn cầu được thần phù trợ và trận đó toàn thắng, nên sau đó xây lại đền thờ Cao Sơn.

Sau đó bài vị trôi ra sông Cái, dân làng Kim Liên rước về thờ. Các đời phong Cao Sơn đại vương trấn phía nam kinh thành.

3- Vị Cao Sơn thứ ba được thờ ở làng Lương Nhân, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương lại là một vị thần chuyên chữa bệnh đậu mùa cho dân. Trong một lần dân làm lễ cầu hỏi tên thì thần nhập đồng nói tên là Cao Sơn.

4- Một vị Cao Sơn nữa vốn là người Tàu. Thần tích Đình Đại (Bạch Mai - Hà Nội) kể rằng: Thần họ Cao tên Hiển, tự là Văn Trường, cha là Cao Khánh người Tàu ở vùng núi Bảo Đài, quận Quảng Nam.

Do bên Tàu loạn lạc, ông Khánh sang nước Nam, ngự ở Trường Yên, lấy vợ người làng Quang Liệt là bà Trần Thị Tố. Ông bà nhân hậu, sinh được một người con trai ngày 16 tháng 3 Kỷ Tị, đặt tên là Hiển. Năm cậu 7 tuổi thì mẹ mất. Làm tang xong, cha đem con về Tàu.

Cậu học thầy Chu Đường, 27 tuổi đi thi đỗ tiến sĩ, bổ châu mục Ích Châu. Lúc đó ở ta Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, vua sai Hiển công sang trừ họ Hồ. Công đóng đồn ở Hồng Mai (tức là Bạch Mai, nay là chỗ Đình Đại) và dẹp trừ được họ Hồ.

Sau đó ông lại về Bắc, được vua Tàu phong Cao Sơn đại vương, ông tu ở núi Bảo Đài, thọ 103 tuổi. Thực ra ông Cao Sơn người Tàu không chỉ được thờ ở Bạch Mai mà còn ở một số nơi khác ở nội thành, như đình Đồng Tâm.

Tóm lại có tới bốn ông Cao Sơn - riêng ông Cao Sơn Tàu có tên trùng với ông Cao Sơn em Tản Viên đều là Hiển và ông bố là Cao Khánh ngụ ở Trường Yên tức gần Phụng Hóa, Nho Quan; nơi cũng có đền thờ Cao Sơn.

Sự rối ren đan xen này thật khó giải thích và bóc tách. Có lẽ đó là tính dị biệt của văn học dân gian./.


(Danh nhân Hà Nội/Vietnam+)