Linh Lang - Vị thần trấn phía tây Thăng Long

Đền Voi Phục thờ Linh Lang đại vương. (Ảnh tư liệu: Internet)

Linh Lang đại vương là thần hiệu của Hoàng Lang, một hoàng tử thời Lý. Ngài được thờ ở đền Voi Phục, nay tọa lạc tại phường Ngọc Khánh quận Ba Đình, xưa thuộc làng Dịch Vọng, sau gọi là trại Thủ Lệ.

Dân làng này được vua cấp ruộng, miễn sưu thuế, phu phen để chuyên lo hương khói, “giữ lệ”, thờ cúng ngài. Chính vì vậy nơi đây lưu giữ nhiều thần tích về ngài.

Tương truyền ông bà ngoại của ngài là người đất Bồng Lai (nay thuộc Đan Phượng). Ông Nguyễn Thái Công (hay Nguyễn Thực) và bà Dương Thị Triệu (hay Lê Thị Năng) là người tu nhân tích đức, sinh hạ một gái là Nguyễn Thị Hương (hay Nguyễn Thị Hạo) vào 10/2 năm Canh Thìn.

Sau khi cha qua đời, mẹ con bà bèn ra Thị Trại ở cùng một bà dì làm nghề buôn tơ lụa.

Đến khi nàng Nguyễn Thị Hương vừa tròn 19 tuổi, xinh đẹp như tiên, chim sa cá lặn, hoa nhường nguyệt thẹn. Một hôm vua Lý Thánh Tông ra ngoại thành du ngoạn. Nhân dân đổ ra đường nghênh đón, Nguyễn Thị Hương cũng tham gia đứng bên đường đón vua.

Lý Thánh Tông nhìn thấy cô gái xinh đẹp bên vệ đường, bỗng đem lòng yêu mến. Nhà vua sai quan đến thăm hỏi và sau đó đem 100 lạng vàng làm sính lễ rước nàng về cung làm cung phi thứ bảy. Nhà vua xây cho nàng một cung điện ở Thị Trại, tức khu vực Thủ Lệ ngày nay.

Đến năm Giáp Thìn, tức năm 1064 sinh hạ hoàng tử Hoàng Lang vào giờ Tí ngày 10 tháng Giêng âm lịch. Vua ban cho tên là Hoàng Lang, hoàng tử thứ tư.

Đến năm 1076, nhà Tống sai Triệu Tiết, Quách Qùy và 9 tướng Hồng, Châu, Vũ, Nhị, Dư, Tĩnh, Hoàng, Vĩnh, Trịnh mang quân sang xâm chiếm Việt Nam.

Lý Thường Kiệt dẫn quân đánh bại quân Tống ở sông Như Nguyệt (sông Cầu ngày nay). Thần tích ghi Hoàng Lang đánh giặc Vĩnh Trịnh, có thể là đã giao chiến với cánh quân của hai tướng Vĩnh, Trịnh trong đoàn quân của Triệu Tiết, Quách Quỳ…

Thần tích đã huyền thoại hóa Hoàng Lang như Thánh Gióng, đang còn nằm ngửa mà nghe tiếng sứ giả đến trại rao hỏi cầu hiền đánh giặc bèn ngồi dậy cất tiếng nhận lời đánh giặc, xin vua một con voi, một lá cờ, một cây dáo lớn rồi vươn mình cao 9 thước, nhảy lên mình voi xông trận đánh tan quân thù.

Dân Thị Trại ứng mộ 121 dũng sĩ gồm người các họ Đinh, Nguyễn, Đặng, Trương; trong số đó có hai tướng Lê Công Bảo (hay Công Xứ) và Hoa Công Hoàng nay vẫn có tượng thờ cùng Linh Lang trong đền Voi Phục.

Sau khi chiến thắng quân giặc trở về thì Hoàng Lang được nhà vua ban thưởng. Truyền thuyết ghi ngài ném cây cờ lên trời, hễ cây bay đến đâu thì vua sẽ ban cho được thờ ở đó. Cho nên có 269 nơi có đền thờ Linh Lang. Hiện nay còn thấy được thờ ở Hà Tây, Nam Hà, Nam Định, Thái Bình…

Trong số thần tích hiện nay đã thu thập được thì có 88 văn bản về Linh Lang; Thái Bình 11 bản, Hà Nội 8 bản, Hà Tây 25 bản, Nam Hà 19 bản, Nam Định 6 bản, Hải Dương 2, Bắc Ninh 1, Phúc Yên 2, Bắc Giang 1, Phú Thọ 5, Thanh Hóa 3, Hưng Yên 5. Như vậy cũng phản ánh tính phổ biến của Linh Lang đại vương.

Hoàng Lang mắc bệnh đậu mùa và qua đời ngày 20/7. Truyền thuyết cho ngài hóa ngay sau khi sinh một năm. Tương truyền đền Voi Phục đầu tiên được xây dựng năm 1065, về sau trùng tu nhiều lần. Đến năm 1947 giặc Pháp đã đốt đền cũ. Đền hiện nay vừa mới xây dựng lại.

Hoàng Lang được phong Đô Cảnh thành hoàng quốc vương thiên tử Linh thần đại vương tức Linh Lang đại vương.

Thần hiệu này hàm ý nói Linh Lang là vị thành hoàng của Thủ đô - Đô Cảnh thành hoàng - địa vị ngang hàng vua - Quốc vương thiên tử. Chính vì vậy, đền thờ Linh Lang trở thành một trong Thăng Long tứ trấn.

Lịch sử ngài tuy không được ghi vào chính sử, nhưng nhân dân đã dùng hình thức văn hóa dân gian thiên hóa ngài để tỏ lòng tôn kính và biết ơn đời đời truyền tụng.

Thần thoại không phải là sử sách, không thể nghiên cứu như tư liệu sử học. Nói chung chỉ có thể khẳng định vào đầu thời Lý có một nhân vật lịch sử có công với dân với nước được nhân dân và nhà nước phong kiến tôn thờ. Hoàng Lang là một nhân vật lịch sử sinh sống vào khoảng năm Giáp Thìn năm 1064.

Nhưng dù thần tích đa dạng như thế nào thì đất phát tích của Linh Lang vẫn là Thăng Long. Linh Lang vẫn là danh tướng đã bảo vệ Thăng Long chống ngoại xâm, có thể trong trận chống quân Tống năm 1076 mà cũng có thể không phải là trong trận đó, là thành hoàng thủ đô Thăng Long.

Vì thế đền Voi Phục đã thành một trấn (trấn phương Tây) trong Thăng Long tứ trấn và là một di tích quan trọng thuộc Thủ đô Hà Nội./.

(Danh nhân Hà Nội/Vietnam+)