Hà Nội: Tái hiện quần thể tháp Chăm Poklong Garai

Lễ mở cửa tháp, khánh thành quần thể tháp Chăm mô phỏng quần thể tháp Chăm Poklong Garai (Ninh Thuận) sẽ diễn ra tại Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội vào ngày 23/11. Đây là một điểm nhấn quan trọng trong chuỗi các sự kiện chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11) và kỷ niệm 82 năm thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong cuộc họp báo ngày 15/11 tại Hà Nội: Quần thể tháp Chăm sắp được khánh thành tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam là công trình đầu tiên của các nhà nghiên cứu, thiết kế xây dựng với kỹ thuật của người chăm Cổ.

Đây là công trình kiến trúc hết sức độc đáo, đã được Nhà nước công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật điêu khắc Chăm. Tháp Chăm thực chất là những kiến trúc đền đài, thờ thần Siva - một tín ngưỡng rất riêng của người Chăm Pa. Quần thể tháp Chăm Poklong Garai gồm 3 tòa tháp: tháp Chính, tháp Cổng, tháp Hỏa được dựng lên ở Hà Nội theo tỷ lệ 1/1 nguyên mẫu từ tòa tháp ở Ninh Thuận.

Nghệ thuật xây dựng tháp Chăm rất đặc biệt, gạch dùng để xây tháp được sản xuất theo phương thức riêng với 4 mặt ngoài nung chín nhưng ruột vẫn phải còn sống. Đó là nguyên nhân tháp Chăm tồn tại ở ngoài trời hàng trăm năm nhưng vẫn vững chãi, không bị rêu phong, ẩm ướt. Các viên gạch được mài, xếp khít vào nhau, sau đó gắn bằng chất kết dính được chiết suất từ cây dầu rái, một loại cây trồng ở thánh địa Mỹ Sơn.

Công trình được khởi công từ tháng 3/2008, đến nay sau 5 năm vừa nghiên cứu vừa xây dựng, công trình đã hoàn thành đúng theo kế hoạch đề ra. Các nghệ nhân Chăm được mời ra Thủ đô Hà Nội cùng tham gia xây dựng, giám sát quần thể tháp Chăm. Quần thể tháp Chăm Poklong Garai gắn liền với tín ngưỡng truyền thống của đồng bào Chăm. Hàng năm, đồng bào Chăm đều tổ chức các ngày lễ hội ngay tại khu tháp Chăm.

Việc lựa chọn tái hiện quần thể tháp Chăm tại Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam thể hiện sự dày công nghiên cứu của các nhà quản lý, tư vấn thiết kế theo kỹ thuật của người Chăm cổ không đơn giản trong khi kỹ thuật xây dựng lại thất truyền từ lâu. Sự hiện diện của tháp Chăm giữa lòng Hà Nội một lần nữa thể hiện sự hội ngộ của dân tộc Chăm trong khối đại đoàn kết vững chắc giữa các dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh lễ mở cửa tháp, khánh thành quần thể tháp Chăm, trong 2 ngày 23-24/11, tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam còn diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc giới thiệu đến nhân dân trong nước, bạn bè quốc tế các giá trị văn hóa của đồng bào Chăm nói riêng, các dân tộc Việt Nam nói chung, trong công cuộc xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó, đáng chú ý là lễ trưởng thành cho thiếu nữ Chăm Bà Ni - Ninh Thuận; lễ cưới của người Chăm - An Giang; triển lãm đặc trưng văn hóa của người Chăm, với chủ đề" Hội nhập và phát triển" cùng hoạt động của cộng đồng dân tộc H'rê (Quảng Ngãi).

Tối 23/11 cũng diễn ra chương trình nghệ thuật chào mừng Ngày di sản văn hóa Việt Nam, 82 năm thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam tại khu quần thể tháp Chăm cùng Chương trình nghệ thuật, gồm 3 phần: "Tiếng vọng núi sông", " Hành trình di sản", "Văn hóa Chăm trong lòng dân tộc". Tại đây, nhiều tiết mục dân ca, dân vũ, dân nhạc của đồng bào các dân tộc Việt Nam sẽ vang lên. Chương trình được tường thuật trực tiếp trên kênh VTV2, VTC4 Đài Truyền hình Việt Nam để đông đảo đồng bào trong nước, nước ngoài cùng theo dõi./.