Chơi hoa Thủy tiên - khôi phục thú chơi thanh nhã

Bình hoa Thủy tiên. (Ảnh: Nguyễn Phú Cường)

“Thanh tao gửi bát hoa này,” đó là tình cảm, là tâm hồn thơ mộng, yêu đời của ông Nguyễn Phú Cường đã lắng đọng trong những bát hoa Thủy tiên do chính tay ông tạo ra để gửi gắm cho bạn bè và những người thân thiết.

Ông Cường cho biết, chăm hoa Thủy tiên chẳng khác nào chăm con mọn, sáng sớm mở mắt ra là phải xem hoa ngay. Hàng ngày phải tắm rửa, kỳ cọ, thay nước để bát hoa luôn trắng ngần.

Trên một bát hoa, thấy rõ sự chăm chút cầu kỳ đến mức nào của người chơi. Muốn vậy trước tiên người chơi hoa phải thực sự say mê, bình tâm và dành nhiều thời gian, công sức cho thú chơi này.

Trông thấy người ta gọt củ Thủy tiên qua loa đại khái, ông chạnh lòng lắm vì họ đã đánh mất đi sự sang trọng, quý phái của loài hoa mà mỗi năm chỉ cho ta được chơi có một lần.

Ký ức tuổi thơ luôn là phần thật đẹp đối với ông Nguyễn Phú Cường. Thuở ấy, ông sống trong ngôi nhà của ông, bà ngoại trên phố Sinh Từ có giếng khơi nước trong vắt, có bể nước mưa lúc nào cũng đầy ăm ắp.

Đặc biệt, một dấu ấn rất sâu đậm trong tâm trí ông là mỗi độ năm hết, Tết đến lại được thấy ông ngoại tỷ mỷ gọt gọt, cắt cắt để rồi đúng đêm giao thừa có một bát Thủy tiên thật đẹp trước là để thờ cúng, sau để mọi người cùng thưởng thức vẻ đẹp mê hồn của hoa.

Bẵng đi nhiều năm, vào một ngày cuối đông, đầu xuân năm 1951, trong lần đi chợ hoa Giám, trông thấy người ta bày bán những củ Thủy tiên, ông sung sướng mua ngay về để gọt chơi. Nhưng năm đó, ông chưa có được một bát hoa ưng ý vì chưa có kỹ thuật, kinh nghiệm cắt, gọt, tỉa và chăm sóc.

May mắn đã đến với ông Cường, trong một lần tìm mua củ Thủy tiên, ông gặp một Việt kiều người gốc Hà Nội vốn rất yêu thích loài hoa trong trắng này.

Người Việt kiều đó, vì mến cái tâm yêu hoa thực lòng của ông, đã trao đổi với ông những kinh nghiệm gọt, dưỡng, chăm sóc của các cụ ngày xưa và của hội những người chơi hoa ở đảo Hawai.

"Cho đến bây giờ thì tôi đã có được một ít kinh nghiệm đê gọt, dưỡng được một bát hoa Thủy tiên theo đúng ý mình"- ông Cường tâm sự.

Để có một bát Thủy tiên đẹp, trước hết phải có giống tốt. Theo kinh nghiệm của ông Cường, củ giống phải đủ ba năm tuổi. Có nghĩa là phải qua ba năm nằm trong lòng đất, củ mới đủ già để cho ra hoa, lá và rễ đẹp. Củ Thủy tiên được chọn phải là củ có lớp vỏ mỏng bọc ngoài màu cánh gián sẫm, xốp và cân đối.

Nếu chọn phải củ non, chưa đủ ba năm tuổi thì lá, hoa và rễ ít, hoa nở không căng và chóng tàn. Đem củ gọt hay chính là bóc các lớp vỏ cho đến khi lộ ra lá và giò hoa mới thôi.

Trước khi bóc, người chơi hoa phải biết đâu là mặt trước, đâu là mặt sau của củ hoa để có được ý đồ tạo dáng về sau.

Ông Cường nhấn mạnh, việc bóc các lớp áo của củ hoa là việc hết sức quan trọng, quyết định sự đẹp xấu của một bát hoa. Bóc các lớp áo nhằm làm lộ ra lá và hoa rồi để có cách tác động cho lá và hoa phát triển theo ý muốn của người chơi.

Thủy tiên là giống họ hành, càng vào sâu phía trong thì vỏ áo càng mỏng, mềm vì vậy càng đòi hỏi người gọt hoa phải thực sự cẩn thận, tỉ mỉ. Trông một củ hoa chỉ to hơn củ hành tây một ít nhưng người thực sự biết chơi phải gọt mất hàng tiếng đồng hồ mới xong.

Muốn có một bộ lá đẹp thì ngay khi đã bóc bỏ lớp áo, người chơi hoa phải dùng dụng cụ chuyên dụng cắt đi một phần lá non theo hình vòng cung để khi lá phát triển có hình cong.

Muốn hoa không phát triển quá cao, ngay từ khâu bóc vỏ, người chơi cũng phải tác động bằng cách làm tổn thương cuống giò hoa để hạn chế hoa phát triển chiều cao.

Tuy nhiên, người chơi sành phải để lại một vài mầm lá, hoa không cắt tỉa để tạo dáng hoa, lá vươn dài cho bát hoa thêm sinh động.

Ông Cường ví công đoạn này chẳng khác gì công việc giải phẫu thẩm mỹ của một bác sĩ, đòi hỏi người chơi phải thật tập trung, tâm phải thật tĩnh mới làm được đúng ý đồ.

Sau khi gọt xong, củ hoa được đặt úp sấp trong chậu nước hai ngày. Sau bốn đến năm ngày đặt dưỡng, lá non bắt đầu mọc ra, lúc này người chăm hoa phải dùng que tre có một đầu nhọn để nắn hướng lá.

Đến cao điểm là ngày thứ tám đến ngày thứ 10 kể từ khi ngâm củ vào nước, khi lá đã ở độ bánh tẻ, người chăm phải gài các lá sao cho chúng xoắn xít vào nhau, rồi ba đến bốn ngày sau lại gỡ ra để chúng phát triển tự nhiên .
 
 Hoa Thủy tiên là một trong những loài hoa đặc biệt, vì người chơi có thể thưởng thức vẻ đẹp của cả rễ, hoa và lá. Thủy tiên còn có hương thơm thật đặc biệt, thoảng mà mát dịu, không loài hoa nào có được, "làm cho say đắm lòng người với hoa" (ý thơ của ông Cường).

Đặt trong một cốc thủy tinh trong suốt, ngập sâu trong nước là bộ rễ hoa trắng muốt, mập mạp, uốn dài tựa như một thác nước, một bó râu bạc phơ của ông lão hay có khi lại như hình ảnh của một làn sóng biển.

Để có được bộ rễ đẹp như vậy thì đáy củ hoa phải được làm sạch, bóc bỏ các lớp đất, vỏ thường xuyên.

Người sành Thủy tiên còn cầu kỳ làm những chiếc móng rồng thật đẹp tô điểm cho bát hoa. Móng rồng chính là những lớp vỏ được cắt tỉa nhọn, ôm vào lá. Nước để nuôi hoa Thủy tiên loại tốt nhất là nước mưa hoặc nước giếng trong.

Hằng ngày, người chăm hoa phải "tắm rửa", thay nước để hoa luôn được sống trong môi trường sạch, mới cho bông to, căng trắng muốt, lá mập mạp xanh rờn và hoa được bền lâu.

Vậy là ít nhất sau từ 15 đến 22,23 ngày chăm, dưỡng kỳ công, người chơi sẽ thấy được kết quả của mình là những đĩa bạc, chén vàng tầng cao, tầng thấp tranh nhau đua nở, khoe sắc tỏa hương trong những ngày đầu xuân mới.

Với ông Cường, một bát Thủy tiên đẹp trước tiên phải hình thành ba tầng: Tầng trên cùng là hoa, tầng thứ hai là lá và tầng ba là rễ.

Tầng hoa mọc không quá cao, có nhiều tầng, dò hoa cao nhất không quá 15cm, lá xoắn, thấp theo nhiều hướng và có vài lá mọc thẳng phía sau lá là những móng rồng trắng, nhọn. Rễ phải mập, dài, trắng, có thể lùa bàn tay vào như vuốt tóc phụ nữ và củ hoa phải trắng ngần.

Mỗi củ hoa, tùy theo cách gọt ban đầu của người chơi sẽ cho một bát hoa, không bát nào giống bát nào. Tùy vào độ cao thấp lá rễ củ hoa sẽ được đặt vào những chiếc cốc thủy tinh, bát thủy tinh trong suốt, trong bát sơn mài hay bát tre cuốn cho thích hợp.

Lối chơi hoa Thủy tiên có từ bao giờ, đến nay chưa có một tài liệu nào chứng thực, chỉ biết rằng với người Hà Nội, đây là thú chơi đã được hình thành từ rất lâu. Xưa kia, cứ mỗi độ năm hết, Tết đến, tại đền Bạch Mã vẫn thường có hội thi hoa, thưởng hoa.

Theo truyền miệng của các cụ, vào đúng đêm giao thừa bát hoa của vị chủ nhân nào có một nụ nở hàm tiếu (nở hé ra) thì được cho là mọi sự tốt lành nhiều tài nhiều lộc sẽ đến với gia đình người đó trong năm tới.

Ngày nay, thú chơi hay đúng hơn là tự tay gọt, chăm, dưỡng để có một bát hoa đẹp đúng độ Xuân về đã mai một đi nhiều. Số người đam mê chơi hoa Thủy tiên một cách thực sự như ông Nguyễn Phú Cường không phải là nhiều.

Năm nào cũng vậy, cách Tết nguyên đán chừng hai tháng, ông lại đi tìm mua củ Thủy tiên. Ông chia ra làm bốn đợt gọt, để luôn có hoa nở vào Tết Dương lịch, Tết ông Công, ông Táo, Tết Nguyên đán và Rằm tháng Giêng.

Ông Cường nói, ông chia làm bốn lần như vậy trước hết là để được chơi nhiều lần và tiếp theo là để rút kinh nghiệm từ củ hoa và thời tiết để bát hoa sau nở được đúng lúc theo ý muốn và đẹp hơn bát hoa trước.

Trong số 20 bát Thủy tiên ông làm mỗi năm, ông chọn những bát ưng ý nhất dành tặng gia đình, thầy dạy học của con và bạn thân của mình. Ông Cường còn đem hoa đến nhà bạn bè để cùng nhau ngắm và thưởng hoa.

Khi cuộc sống đang lấy yếu tố tốc độ làm tiêu chí, thì những người dành thời gian công sức tìm về thú chơi thanh cao thư thái như chơi hoa Thủy tiên thật là hiếm có.

Ấy cũng là cái tình của một người yêu hoa, muốn được chia sẻ với mọi người thú thưởng ngoạn vẻ đẹp của một loài hoa sang trọng và quý phái bậc nhất.

Hơn nữa, đó là tâm huyết của một người muốn khôi phục lại một thú chơi đầy đam mê, sang trọng và tao nhã của người Hà thành./.

(1.000 năm Thăng Long/Vietnam+)