Hà Nội: Chỉ bố trí vốn cho dự án xây dựng có đủ vốn xử lý nợ đọng

Thực hiện Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 10/10/2012 và Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tại các địa phương và tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, Hà Nội đang tập trung kiểm soát công tác quản lý và phân cấp đầu tư, đồng thời tiến hành rà soát lại toàn bộ các dự án đầu tư từ các nguồn vốn trên.

Theo đó, việc bố trí vốn đầu tư XDCB thực hiện năm 2013 sẽ theo nguyên tắc bố trí kế hoạch vốn cho các dự án trong khả năng cân đối ngân sách được HĐND thành phố thông qua, phù hợp với phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư XDCB của các cấp và các dự án thuộc kế hoạch trung hạn 3 năm, giai đoạn 2013- 2015. Tuy nhiên, thành phố yêu cầu tất cả các dự án đã được quyết định đầu tư phải thực hiện theo mức vốn được giao, không gây nợ đọng XDCB.

Trước mắt, thành phố tập trung bố trí đủ vốn ngay từ đầu năm cho thanh toán nợ khối lượng các công trình đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2012; nợ khối lượng đã thực hiện cho các dự án chuyển tiếp nhưng chưa bố trí đủ vốn; các công trình chuyển tiếp có khả năng hoàn thành trong năm; đảm bảo vốn để hoàn thành các dự án nhóm C không quá 3 năm, nhóm B không quá 5 năm.

Các dự án ODA cũng được thành phố ưu tiên bố trí vốn theo tiến độ thực hiện; đảm bảo bố trí đủ vốn cho giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, không thấp hơn so với Trung ương giao.

Trong năm 2013, thành phố chủ trương chỉ bố trí vốn cho các dự án mới sau khi đã bố trí đủ vốn để xử lý nợ đọng.

Những địa phương còn nợ đọng XDCB lớn, không được bố trí vốn cho việc khởi công mới các dự án, đồng thời phải đình hoãn một số dự án để tập trung xử lý nợ đọng.

Đối với các địa phương cũng phải hạn chế bố trí kế hoạch vốn cho dự án mới.

Những dự án mới phải thực sự cấp bách, có quyết định đầu tư, thiết kế cơ sở, tổng dự toán được duyệt trước ngày 25/10/2012 mới được bố trí vốn.

Thời gian qua, trên địa bàn thành phố nhiều dự án, công trình đã triển khai hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng và phát huy hiệu quả đầu tư cao.

Tuy nhiên, do phân cấp rộng và thiếu các biện pháp quản lý đồng bộ dẫn tới tình trạng phê duyệt nhiều dự án vượt khả năng cân đối vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, thời gian thi công kéo dài cũng làm giảm hiệu quả đầu tư, gây phân tán và lãng phí nguồn lực.

Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp quản lý (từ thành phố đến cấp huyện, cấp xã) ở một số nơi chưa quyết liệt, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong triển khai các công việc liên quan đến đầu tư XDCB thiếu chặt chẽ; năng lực tổ chức thực hiện quản lý dự án của một số chủ đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao./.

(TTXVN)