Khuê Văn Các xứng đáng là biểu trưng của Thủ đô

Mẫu biểu trưng Khuê Văn Các đã nêu được truyền thống văn hóa dân tộc, thể hiện ước mong vươn tới văn hóa, tri thức của con người Thăng Long – Hà Nội.

Phóng viên Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Phan Đăng Long, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội về ý nghĩa, giá trị nhân văn của biểu trưng Khuê Văn Các.

-Xin ông cho biết mục đích ra đời biểu trưng của Thủ đô Hà Nội?

Ông Phan Đăng Long: Chọn hình ảnh biểu tượng và thiết kế biểu trưng cho một đô thị - Thủ đô quan trọng như Hà Nội là một việc lớn. Cách đây 15 năm, năm 1997, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã ra quyết định tổ chức cuộc thi sáng tác mẫu biểu trưng Thủ đô Hà Nội dành cho công dân toàn quốc và kiều bào ở nước ngoài.

Thời điểm đó là lúc Thủ đô Hà Nội đang chuẩn bị bước vào thế kỷ 21 cùng với sự kiện kỷ niệm 990 năm (năm 2000) và 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (vào năm 2010). Để có một mẫu biểu trưng chính thức của Hà Nội sử dụng trong những dịp lễ lớn đó, trong suốt hai năm sau, Hội đồng nghệ thuật xét chọn mẫu biểu trưng gồm nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa uy tín của Trung ương và Hà Nội đã xem xét hàng trăm tác phẩm được gửi tới từ khắp mọi miền đất nước trước khi đi tới kiến nghị chọn Khuê Văn Các là biểu trưng chính thức của Thủ đô Hà Nội.

Sau nhiều vòng bỏ phiếu, Hội đồng đã quyết định chọn ba mẫu của các tác giả Phạm Ngọc Tuấn (người Việt Nam đang sống tại Pháp), Phạm Phú Oanh (Việt kiều Đức) và Nguyễn Thủy Liên - được đánh giá là tiêu biểu về nội dung biểu đạt và chất lượng nghệ thuật để trao giải. Trong đó, mẫu dự thi số 046 về Khuê Văn Các của tác giả Phạm Ngọc Tuấn nhận được 10/11 phiếu của Hội đồng nghệ thuật, nhận giải nhất cuộc thi. Hai tác giả còn lại được nhận giải ba (không có giải nhì).

-Bên cạnh hầu hết những ý kiến đồng tình với việc chọn Khuê Văn Các là biểu tượng của Thủ đô, còn có một số ý kiến cho rằng nếu được phác họa đẹp thì hình ảnh Tháp Rùa hay Chùa Một Cột cũng có thể trở thành biểu trưng của Hà Nội?

Ông Phan Đăng Long: Mẫu biểu trưng Khuê Văn Các đã nêu được truyền thống văn hóa dân tộc qua hình ảnh trường đại học đầu tiên của đất nước. Văn Miếu – Quốc Tử Giám là trung tâm văn hóa, nơi đào tạo nhân tài của đất nước ta trong lịch sử. Mẫu biểu trưng đã thể hiện ước mong vươn tới văn hóa, tri thức của con người Thăng Long – Hà Nội.

Về mặt nghệ thuật, mẫu biểu trưng đã thể hiện Khuê Văn Các với phong cách hiện đại, chắc chắn, vững vàng. Hình tròn bao quanh và hình vuông ở giữa thể hiện truyền thuyết dân gian Việt Nam: “trời tròn, đất vuông”. Hình tròn bên ngoài còn thể hiện ý thức bảo tồn di sản và truyền thống văn hóa của Hà Nội và của dân tộc. Hình vuông ở chân đế thể hiện cánh cửa đến với tri thức, đến với tương lai đang rộng mở. Mái Khuê Văn Các là chữ H cách điệu, đế Khuê Văn Các là chữ N cách điệu.

Có thể thấy, mẫu biểu trưng đã cơ bản thể hiện được tính chất và đặc điểm của Thành phố Hà Nội đồng thời kết hợp hài hòa tính thẩm mỹ, bản sắc dân tộc và tính hiện đại, trang trọng.

-Nếu Luật Thủ đô được phê duyệt, mẫu biểu trưng Khuê Văn Các có được sử dụng rộng rãi hơn nữa tại các công trình kiến trúc của Hà Nội không, thưa ông?

Ông Phan Đăng Long: Trong thực tế, kể từ khi được công nhận, biểu trưng Thủ đô Hà Nội đã được đưa vào sử dụng rộng rãi trong công tác tổ chức các lễ hội kỷ niệm, trong hoạt động của các cơ quan Hà Nội, ban hành văn bản, công bố sản phẩm… Đặc biệt là từ sau Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, biểu trưng Khuê Văn Các đã trở thành hình ảnh thân thuộc, gắn bó, thực sự là hình ảnh mang tính biểu tượng của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Mẫu biểu trưng có ưu điểm: chỉ có một mầu, lại không quy định mầu cụ thể để tạo điều kiện cho người sử dụng chủ động chọn mầu phù hợp với từng khung cảnh, hoàn cảnh cụ thể, phù hợp với việc in ấn, phóng to, thu nhỏ đắp nổi. Mẫu biểu trưng có thể thể hiện trên nhiều chất liệu: giấy, vải, kim loại, phương tiện kỹ thuật, công trình kiến trúc của Thủ đô.

-Dự thảo Luật Thủ đô được hoàn thiện trên cơ sở lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các tầng lớp nhân dân. Bản thân ông có đóng góp ý kiến gì vào dự thảo không, thưa ông?

Ông Phan Đăng Long: Tôi đã đóng góp ý kiến vào chính Điều 6 Chương I của Dự thảo Luật Thủ đô: “Biểu tượng của Thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám”. Theo tôi, câu chữ chính xác ở đây phải sửa là: “Biểu tượng của Thủ đô là hình ảnh cách điệu Khuê Văn Các…”. Vì đây là hình ảnh mang tính chất cách điệu chứ không phải là hình ảnh sao y bản chính của Khuê Văn Các, nên dùng chữ hình ảnh là chưa chính xác. Rất mong khi Luật Thủ đô ra đời, mọi câu chữ sẽ được chính xác.

- Xin cảm ơn ông!

(Chinhphu.vn)