Về đâu giấy dó làng Yên Thái?

“Mịt mù khói tỏa ngàn sương.Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”, đó là những câu ca đi đã đi vào tiềm thức của người Việt, nói về một nghề đã đi vào đời sống vật chất và tinh thần của người Hà thành. Tuy nhiên nghề làm giấy dó Yên Thái đang có nguy cơ biến mất, dù đó chỉ là lí thuyết…

Về đâu giấy dó làng Yên Thái?

Theo sử sách chép lại thì nghề làm giấy có từ trước đó rất lâu, có thể từ thế kỉ thứ ba sau Công nguyên. Cho đến khi nhà nước Đại Việt ra đời và định đô ở Thăng Long thì nghề này ở làng Yên Thái đã phát triển mạnh.

Trong sách "Dư địa chí" (1435), Nguyễn Trãi cũng đã đề cập đến phường Yên Thái (thuộc tổng Bưởi cũ nên còn được gọi là giấy dó kẻ Bưởi) ở Thăng Long gồm các làng Hồ Khẩu, Đông Xã, An Thọ, Yên Thái, Nghĩa Đô làm ra nhiều loại giấy: giấy sắc (để viết sắc của vua ban), giấy lệnh (để viết các lệnh chỉ của vua), giấy bản (phục vụ dân dụng), giấy quỳ là loại giấy đẹp nhất…

Làng Yên Thái không còn ai làm nghề giấy dó. Những người còn nhớ nghề, biết nghề cũng còn đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên nếu nói làm giấy dó đẹp nhất, kĩ thuật điêu luyện nhất phải nhắc tới bí quyết làm giấy dó của làng Đông Xã, trong đó dòng họ gia đình Nguyễn Thế mà bây giờ ông Nguyễn Thế Đoán, là người cuối cùng lưu giữ những bí quyết của dòng họ cũng như của nghề làm giấy dó Hà Thành.

Nghề lắm công phu

Ở Việt Nam có nhiều nơi làm giấy dó do vậy cũng có những công đoạn chung. Tuy nhiên cách làm giấy dó tổng Bưởi xưa lại có những bí quyết riêng nên giấy dó Bưởi được dùng làm giấy tiến vua khi xưa.

Theo ông Nguyễn Thế Đoán, giấy dó Bưởi có nhiều loại, mỗi loại tùy thuộc vào vỏ của cây tạo nên. Người ta thường làm từ năm loại cây gồm có: dó, bo, dướng, cãnh, mận, mộc…

Đối với cây dó, là loại cây phổ biến dùng làm giấy dó: lớp vỏ ngoài cùng dùng để làm giấy moi, lớp vỏ thứ hai làm giấy bản. Còn loại giấy quỳ, loại giấy đẹp nhất lại phải được làm từ cây “cãnh” thì giấy mới đẹp, mịn, dai, bóng…

Nếu loại này thiếu thì người thợ lấy bìa thứ ba sát với thân cây dó để trộn cùng với “cãnh”. Tuy nhiên khi pha trộn người thợ chỉ được dùng lượng dó nhất định để pha cùng với “cãnh”, nếu tham quá nhiều dó thì giấy sẽ hỏng.

Công đoạn thứ hai để làm ra giấy dó là đồ. Sau khi đồ xong, người thợ sẽ bó thành từng bó nhỏ đem ngâm dầm vào bể nước để cho vỏ bở ra, chỉ còn sợi.

Ngâm được khoảng 2,3 ngày người thợ vớt vỏ dó hoặc cãnh lên để đạp (đãi), sau đó sẽ được rửa lại bằng cách nhúng từng sợi một trong một chiếc bát tô, rửa sao cho từng sợi không còn dính vẩy vỏ và để lên một cái mâm sạch.

Công đoạn nhặt sợi này đòi hỏi sự kiên nhẫn của người thợ, có khi người thợ làm cả ngày cũng chỉ nhặt ra được vài bó nhỏ. Sau khi nhặt xong, đem dó, cảnh vào cối giã gọi là giã bìa, giã sao cho sợi (xenlulo) nhỏ như sợi tóc. Sau khi giã xong người thợ bỏ vào bể seo đánh khoảng 2.000 – 3.000 đòn để bột như cháo.

Trong quá trình đánh bột seo (kéo tàu), người thợ phải cho nhựa của gỗ cây mò vào để cho bột kết tủa. Sau khi kéo tàu, người thợ sẽ đưa ra phên, qua một đệm ép uốn để cho nó phẳng trong vòng nửa tiếng cho khô, rồi bóc uốn để tạo ra những tay uốn khoảng 40 tờ. Quá trình bồi sấy giấy là công đoạn cuối cùng để cho giấy được khô và hoàn thành.

Khổ giấy thường tùy vào khách đặt tuy nhiên thuờng thì khổ giấy (trước kia) là 35cm x 55cm, cỡ hiện nay là 28cm x 64cm.

Mặc dù bây giờ Tổng Bưởi xưa cũng như bản thân dòng họ Nguyễn Thế không còn làm giấy dó nữa nhưng ông Đoán vẫn nhớ được từng bí quyết, công đoạn của nghề mà ông Đoán đã được làm cùng ông nội và cha khi mới 15, 16 tuổi.

Ông Đoán cho biết nghề làm giấy dó là thủ công nên khá vất vả, đòi hỏi độ công phu, tính kiên nhẫn mới làm nghề được. Hầu hết những công đoạn quan trọng trong đó có công đoạn pha chế nhựa gỗ cây mò cùng với bột dó, “cãnh” phải là chính tay người trong gia đình làm để đảm bảo bí quyết của dòng họ. Công đoạn seo giấy phải do chính tay những người con dâu của gia đình dòng họ Nguyễn Thế đảm nhận.

Khó giữ nghề

Nghề làm giấy dó có nhiều ở vùng ở nước ta, trong đó nổi tiếng nhất đã đi vào ca dao xưa như ở Bắc Ninh và làng Bưởi, Hà Nội. Tuy nhiên giấy dó Bưởi trong đó có giấy Qùy vẫn nức tiếng về độ đẹp, bóng, mịn như lụa Hà Đông, vò không nát, vuốt ra lại phẳng.

Nếu là giấy hai lớp thì xé cũng không thể rách để trong điều kiện bình thường, không cần bảo quản kỹ lưỡng giấy cũng có tuổi thọ vài trăm năm. Vì vậy giấy dó Bưởi được dùng để tiến vua. Tới những năm cuối kháng chiến chống Mỹ, Trung Ương Đảng lại đặt hàng giấy dó Yên Thái để in di chúc Bác Hồ.

Sau năm 1990, một loạt hợp tác xã sản xuất giấy dó ở vùng Bưởi như: Hợp tác xã Cộng Lực, Hợp tác xã Đông Thành, Hợp tác xã Đông Hòa ở vùng Bưởi giải tán, do không tiêu thụ được sản phẩm. Kể từ đó, nghề làm giấy dó không còn trên đất Thăng Long - Hà Nội.

Hiện nay người Bưởi không còn ai làm giấy dó nữa. Còn giấy dó ở Bắc Ninh chỉ vài gia đình giữ được nghề nhưng không còn đẹp và chất lượng như xưa. Người Hà thành bây giờ vẫn còn Tây Hồ, sông Tô Lịch. Cách đây hơn 20 năm thôi người tổng Bưởi vẫn ra sông Tô đãi dó. Giờ đây tiếng chày giã dó chỉ còn trong câu ca: “nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”.

Chuyện khôi phục lại nghề làm giấy dó là một việc vô cùng khó khăn mặc dù hiện nay thị trường đang có nhu cầu mặt hàng này. Ông Đoán tâm sự: “có lẽ trong 4 nghề bậc nhất tinh hoa Hà thành thì kĩ nghệ làm giấy dó Bưởi sắp lâm vào cảnh không có truyền nhân.

Trong thời gian không xa, những kĩ nghệ bí truyền làm nên giấy dó lụa bậc nhất Việt Nam sẽ không còn nữa”./.

(Người Hà Nội/Vietnam+)