Vang bóng một thời, lĩnh Bưởi

Lĩnh Bưởi nhẹ nhàng và óng ả, nắm vào tay vò thì không nhàu, khi thả phơi thì nhẹ vờn bay trong gió. Khi được cắt, khâu thành quần thì tạo cho người mặc một cảm giác nhẹ bỗng, không dính.

Về tổ nghề lĩnh Bưởi có rất nhiều truyền thuyết khác nhau. Có truyền thuyết cho rằng lĩnh Bưởi từ lâu đã nổi tiếng ở kinh đô Thăng Long và khắp cả nước là nhờ công ơn tổ nghề Phạm Thị Ngọc Đô. Tương truyền vào thời Hậu Lê, nhà vua đi đánh dẹp ở phương Nam toàn thắng trở về. Trong số người về theo có một cô gái xinh đẹp là Phạm Thị Ngọc Đô. Nàng được nhà vua yêu quý không chỉ vì vẻ đẹp sắc nước hương trời mà còn vì tài canh cửi có một không hai. Phạm Thị Ngọc Đô đã được vua xây cung điện và cho ở cùng 24 nữ tỳ cũ của nàng. Đồng thời lại cấp cho khoảnh đất rộng 80 mẫu thuộc địa phận làng Trích Sài (vùng Bưởi- Nghĩa Đô ngày nay) đặt tên là Thiên Niên trang. Bà đã chiêu tập dân những làng xung quanh cùng với các nữ tỳ của mình, để dạy cho họ nghề dệt lĩnh. Người dân nhớ ơn bà, lập miếu thờ gọi là miếu Bà chúa dệt lĩnh. Hàng năm, cứ vào ngày mùng 5 tháng Giêng dân làng lại tổ chức tế lễ để tưởng nhớ công lao của bà để lại cho con cháu muôn đời sau. Cho dù những câu chuyện về tổ nghề còn khác nhau nhưng chắc chắn dân chúng vùng Bưởi - Nghĩa Đô vốn có nghề dệt lĩnh từ lâu đời bởi dân gian có câu hát: “Nhắn ai trẩy chợ kinh thành/ Mua em tấm lĩnh hoa chanh gửi về”.

Theo nhà nghiên cứu Đỗ Thị Hảo, lĩnh hoa chanh là hàng dệt bằng tơ rất công phu của vùng Bưởi, cầm vuông lĩnh đen ta thấy dầy dặn nhưng không thô cứng. Một mặt đen mờ còn mặt kia bóng láng có điểm những chấm hoa mịn màng tinh tế. Mặc dù phải trải qua các công đoạn quay tơ, mắc cửi, làm hồ, đánh suốt, dệt, nhưng dệt lĩnh nhất là lĩnh hoa đòi hỏi nhiều công phu. Chỉ tính riêng số sợi dọc trong một tấm lĩnh cũng đã có 5.400 sợi dặm mắc (là sợi tơ vừa phải, khác với dặm mảnh là sợi tơ nhỏ) và dặm mốt son (là sợi tơ to nhất). Người thợ phải đếm đủ số sợi, rồi mắc lên khung cho thật đủ, không bị rối, không bị đứt... Dệt lĩnh trơn đã khó, dệt lĩnh hoa còn khó hơn. Ở mỗi khung dệt lĩnh hoa phải mắc thêm go hoa và thêm một thợ cài hoa. Họ phải ngồi trên khung dệt để kéo go hoa phối hợp với người dệt ngồi ở dưới. Lĩnh dệt xong mới chỉ là hàng mộc, việc nhuộm thâm cũng đòi hỏi kỹ thuật và công phu. Lĩnh mộc trước hết phải đem chuội cho thật trắng, rồi nhuộm chàm. Sau đó mỗi ngày phải nhuộm nước lá bàng 5 lần, trát bùn rồi phơi khô, cứ như thế trong 7 ngày liền.

Nhưng thế vẫn chưa xong bởi muốn tăng độ bền của sợi, phải đem hồ, rồi cuộn cả tấm lĩnh lại, lấy chày gỗ ghè cho thật mềm, làm thế lĩnh mới đen bóng và mềm mại. Lĩnh mộc vùng Bưởi thường được mang vào Huế, hay Sài Gòn nhuộm màu tía rồi mới đem bán. Người ta gọi đây là lĩnh tía.

Theo các tài liệu ghi lại, thời trang của những cô gái Hà thành quyền quý ngày xưa là tóc vấn đuôi gà, áo the, quần lĩnh và đi hài. Các bà, các cô nhà quyền quý đều tôn lĩnh Bưởi vào hàng thời trang thời thượng. Lĩnh Bưởi nhẹ nhàng và óng ả, nắm vào tay vò thì không nhàu, khi thả phơi thì nhẹ vờn bay trong gió. Khi được cắt, khâu thành quần, nó tạo cho người mặc một cảm giác nhẹ bỗng, không dính. Quần lĩnh tôn lên vẻ đẹp “thắt đáy lưng ong” của cô gái Hà thành.

Lĩnh Bưởi cứ thế được vinh danh cho đến ngày Hà Nội tản cư, tiêu thổ kháng chiến. Nhà cửa, khung cửi đều phải đốt hết để thực hiện chủ trương “vườn không, nhà trống”. Hòa bình lập lại, những người dệt lĩnh Bưởi xưa được quy tụ vào các hợp tác xã rồi các HTX này cũng lần lượt giải thể. Nghề dệt lĩnh bị mai một, tưởng chừng chỉ còn lưu lại trong những trang sử sách.

Thế nhưng có một người con gái đất Bưởi, Vũ Thị Minh Hoàng, vẫn trăn trở nhớ về chất vải làm nên danh tiếng cho mảnh đất quê hương. Chị là người con gái đời thứ 14 của dòng họ Vũ, người đất Bưởi. Chị cùng anh Tùng (thợ dệt) đã lặn lội tìm những người thợ dệt lĩnh Bưởi xưa để học hỏi cách dệt lĩnh. Hành trình khôi phục lại một nghề đã mai một không hề đơn giản. Nhưng, sau những tháng ngày dò hỏi, cơ duyên cũng đến, chị Minh Hoàng và anh Tùng đã gặp được cụ Phùng Văn Thiêm, người thợ dệt tài hoa duy nhất còn lại của làng Trích Sài. Hai thầy trò đã mày mò, trải nghiệm, nhiều lúc tưởng thất bại, cuối cùng cũng làm ra được tấm lĩnh Bưởi - tấm lĩnh khi căng ra đổ nước vào, nước cũng không chảy qua, khi thả phơi thì vờn bay trong gió, mặc vào người thì nhẹ bỗng như tơ nhện, không dính, không nhàu./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)