Ngọc Hà - Làng hoa làm đắm say lòng biết bao người

Cứ mỗi độ Xuân về, người ta lại nhớ về một làng hoa đã làm say lòng biết bao người. Ca từ trong một nhạc phẩm như gợi lại quá khứ tươi đẹp: "Làng em làng hoa, hoa thơm ngát bốn mùa. Hồ Tây đôi bên, trong tình yêu hoa lúa rộn ràng...". Bây giờ, hình ảnh nửa hư nửa thực đó chỉ còn trong thơ ca!

Ngọc Hà là làng nhỏ, nhưng dân đông (năm 1926 có 990 nhân khẩu), đất thổ cư chiếm một tỷ lệ lớn, không có ruộng cấy lúa, chỉ có vườn để trồng hoa và rau nên vườn và nhà đan xen nhau. Nghề trồng hoa có từ lâu đời. Xưa kia, Ngọc Hà có rất nhiều ruộng đất bỏ hoang. Về sau, nhiều quan lại khi về hưu đã đến làng mua đất làm nơi dưỡng lão, trồng hoa và cây cảnh để giải trí, từ đó hình thành nghề trồng hoa. Thời kỳ đầu, dân làng chỉ trồng các loại hoa để cúng như mẫu đơn, hồng, huệ, sói, cúc, thiên lý. Hoa được xâu vào lạt thành tràng hoa hoặc gói trong lá tươi buộc lạt. Người bán hoa (thường là các cô gái) đem treo lên cửa các nhà đặt mua trước hoặc các nhà có điện thờ. Đầu thế kỷ XX, người Pháp nhập các loại hoa ngoại (lay ơn, cẩm chướng, cúc ...) và rau ngoại đến Ngọc Hà để trồng, dùng vào các dịp lễ, tết theo lịch dương. Người Ngọc Hà dần tìm học được kỹ thuật trồng các loại hoa này vừa để bán cho cả người Việt và người Pháp, vừa để chơi trong phòng khách nhà mình. Các quầy bán hoa bắt đầu mọc lên ở các ngã tư các phố Tây, tập trung ở khu vực Hồ Gươm và phố Hàng Lược, chợ Đồng Xuân. Vào dịp Tết Nguyên đán, hình thành chợ hoa Cống Chéo - Hàng Lược, chủ yếu do người làng Ngọc Hà bán.


 
 Ai còn ai mất?
 
 Đến đình làng Ngọc Hà, hỏi ông Lùn trồng hoa, ai cũng biết. Không phải vì nhà ông giàu có hay quyền chức. Mà bởi bây giờ, cả làng hoa Ngọc Hà chỉ còn mình nhà ông giữ đất và còn đất để làm nghề.
 
 Trước cổng nhà ông có tấm bảng: “Ông Lùn: chuyên bán các giống cây hoa”. Từ thời mà Ngọc Hà còn trăm loài hoa, nhà ông đã chỉ chuyên tâm với nghề ươm cây giống. Tất cả các loại, từ hồng, cúc, thược dược, đến violet, lay ơn, đồng tiền…đủ cả.
 
 Cây của nhà ông còn theo chân người trồng đến các làng hoa khác của Hà Nội và các tỉnh ven xung quanh. Thậm chí, người từ Vinh, Hà Tĩnh, Thanh Hoá...cũng nghe tiếng mà tìm đến.
 
 Cái nghề này hơi ngược đời một tí. Nhà người ta thì háo hức trông từng nụ hoa, nhà ông lại phải cố trông đứng trông ngồi để cây đừng ra nụ. Cây giống mà ra nụ thì bán làm sao! Nhà người ta những ngày cuối năm thì cả vườn rực rỡ muôn màu, nhộn nhịp kẻ mua người bán. Nhà ông lại vắng hiu, gần như chỉ ngồi chơi không vì đến lúc đó thì còn ai mua cây giống nữa.
 
 Đợt bận rộn nhất trong năm của nhà ông Lùn là tháng 8, tháng 9. Người ta đổ xô đi mua cây giống để chuẩn bị cho vụ hoa Tết.
 
 Thời gian chăm một cái (ươm) hoa giống chỉ khoảng chục ngày, ngắn hơn nhiều so với thời gian chăm cho cây ra hoa. Nhưng lại phải vất vả ngày đêm để hãm cho cây không ra nụ, làm sao để cây khoẻ mạnh, mập mạp.
 
 “Mang tiếng là nhà trồng hoa, lại ở trong làng hoa mà cả năm, cả đời chẳng có bông hoa nào trong vườn. Nhưng mà không có cây thì lấy đâu ra hoa. Mình là người ươm giống, giữ hoa từ mùa này sang mùa khác” - Anh Bình, con trai ông Lùn, tâm sự.
 
 Dĩ vãng phù hoa
 
 Ông là Nguyễn Văn Lùn. Cha của ông Lùn là ông Nguyễn Văn Bủ. Các con trai là Nguyễn Văn Bình và Nguyễn Văn Tươi. Gần một thế kỷ nay, cứ cha truyền con nối mà giữ nghề trồng cây hoa giống.
 
 Ông Lùn đã hơn 70 tuổi, không làm vườn nữa, mọi công việc giao hết cho hai anh con trai. Anh Bình lo giữ vườn ở bên Gia Lâm. Anh Tươi thì lo chăm cái vườn trong làng Ngọc Hà và trên Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc).
 
 Ông Lùn bước vào nghề trong những năm làng thịnh vượng nhất. Đó là quãng thời gian mà làng hoa Ngọc Hà đã đi vào thơ ca. Nhà nhà trồng hoa, người người trồng hoa. Lúc ấy, nó không chỉ là một nghề mà là một đặc trưng, một "thương hiệu" của làng. Người Hà Nội yêu quý và tự hào về mảnh đất này, bởi đây là một làng hoa truyền thống của đất kinh kỳ.
 
 Ông Lùn chứng kiến đủ cả lúc thăng lúc trầm của nghiệp trồng hoa. Những năm tháng mà người ta nhổ đi từng bụi hoa, phá từng vườn hoa để bán đất, làm nhà. Càng nhiều nhà cao tầng thì những tấc đất vườn càng ít dần đi, cho đến khi chỉ còn mình nhà ông giữ đất trồng hoa, khiến ông thấy xót xa.
 
 Nhìn người ta phá vườn ông xót lắm! Nhưng chính bản thân ông không phải không có lúc sốt ruột khi nhìn xung quanh toàn nhà cao cửa rộng. Người ta chuyển sang buôn bán cái nọ cái kia, mà cũng nhiều nhà phát tài.
 
 “Rồi tôi cũng vì thời cuộc mà bán đất bán vườn nhà mình đi. Chỉ giữ lại cho thằng con một khoảnh để duy trì nghề cây giống. Có lúc thấy ân hận, trách mình thì cũng đã bán mất rồi. Cũng may, những nhà mua đất, người ta chưa dùng đến nên lại mượn để trồng, coi như trông đất giúp người ta”, ông Lùn buồn rầu nói.
 
 Giờ cả làng chỉ còn hai anh con trai "sinh tử" với nghề. Nhiều người khuyên các anh bỏ nghề, bán đất, chuyển sang làm cái khác. Thậm chí, không ít người bảo hâm!
 
 Anh Tươi tâm sự: “Từ nhỏ đã theo bố làm vườn, quen nghề mà cũng quen mùi đất, không bỏ nó được. Với lại, nó còn nuôi được mình, thì sao phải bỏ nó! Chuyển sang nghề khác cũng chưa chắc đã khấm khá hơn, mà lại thấy tiếc cái nghề”.
 
 Chỉ 200 đồng/cây giống, nhưng mỗi năm mảnh vườn trong làng (khoảng vài trăm m2) của anh Tươi cũng thu về được gần 100 triệu đồng. Những khách quen từ đời ông anh, bố anh vẫn về mua cây giống. Người mua ít thì vài nghìn cây, người mua nhiều đến cả 5, 7 vạn cây. Thế là sống được. Có thể không giàu có nhưng cũng chẳng bao giờ sợ chết đói.
 
 Còn anh Bình phải lặn lội sang Gia Lâm thuê đất vườn để làm giống hoa. Sau gần chục năm, khu vườn của anh chị đã trở thành vườn giống hoa cúc lớn nhất miền Bắc.
 
 “Nhiều lúc cũng muốn có thể đầu tư thêm đất đai, phương tiện để trồng nhiều giống hoa mới. Nhưng phần vì chưa đủ vốn, phần thì vẫn chỉ vì cái lợi trước mắt, ươm hoa cúc nhiều người mua mà chẳng mất công quá.
 
 Tôi biết ông cụ tôi vẫn đau đáu với nghề này, với cái làng ngày xưa. Và vẫn mong một ngày nào đó, vườn nhà tôi không chỉ là một khoảnh con con ươm hoa cúc. Giá mà tôi có thể gây được một trang trại ươm giống cây, chứ không chỉ là mấy đám vườn nhà như bây giờ”- anh Tươi hy vọng.
 
 Ông Lùn giờ không đủ sức ra vườn nữa. Những kỹ thuật chăm sóc cây chỉ ông biết cũng chưa kịp truyền hết cho con cháu. Mà cũng truyền để làm gì, vì những cây ấy giờ các con ông có còn trồng nữa đâu!
 
 “Ngày trước cả làng trồng hoa, làm việc thấy vui lắm. Cái không khí của một làng hoa bây giờ không còn nữa, vì chỉ mỗi gia đình tôi còn theo nghề này. Giờ đến lượt con tôi, cũng mong chúng nó theo được nghề. Nhưng có thể sẽ mãi chỉ có mình hai đứa nó. Làng hoa Ngọc Hà sẽ chỉ là ký ức thôi” - Ông Lùn thở dài./.

(Thăng Long Hà Nội/Vietnam+)