Trăm năm nghề dâu tằm Lương Phú

Chẳng biết nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Lương Phú có từ bao giờ, chỉ biết rằng trong hồi ức của những người cao tuổi thì vùng quê Thuần Mỹ xưa kia bạt ngàn những bãi dâu xanh. Nghề trồng dâu, nuôi tằm đã làm giàu cho cả một vùng quê từ hàng trăm năm trước.

Dẫn chúng tôi đi thăm những bãi dâu bạt ngàn và một số hộ nuôi tằm trong thôn Lương Phú xã Thuần Mỹ, Ba Vì, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Thuần Mỹ- Nguyễn Văn Diên cho biết: Những hộ trồng dâu, nuôi tằm ở Lương Phú năm nay vui lắm, bởi từ đầu năm đến giờ tằm nhả kén đẹp, lại bán được giá cao. Chỉ tính riêng vụ đầu năm mà các hộ nuôi tằm đã thu nhập bằng cả năm bình thường.

Chẳng biết nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Lương Phú có từ bao giờ, chỉ biết rằng trong hồi ức của những người cao tuổi thì vùng quê Thuần Mỹ xưa kia bạt ngàn những bãi dâu xanh. Nghề trồng dâu, nuôi tằm đã làm giàu cho cả một vùng quê từ hàng trăm năm trước. Ngay cụ Đặng Thị Liên, năm nay đã 93 tuổi cũng chỉ nhớ rằng từ thời cụ còn nhỏ đã thấy ông bà trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa rồi. Lên 7 tuổi, cụ Liên đã theo mẹ đi hái dâu trên bãi sông Đà, giáp tận vùng đất La Phù (Phú Thọ). 14 tuổi cụ đã thành thạo công việc ươm tơ, đem tơ tới các xã Vân Sa, (Tản Hồng), Cổ Đô để bán. Đến nay, hình ảnh những người phụ nữ miệt mài bên bếp lửa xe tơ vẫn in đậm trong tâm trí cụ. Nuôi tằm khi đó cho thu nhập cao và ổn định, nhờ trồng dâu, nuôi tằm, kéo kén mà gia đình của cụ Liên đã dựng được ngôi nhà 2 tầng bằng gỗ lim to nhất làng.

Cùng với thời gian, nghề trồng dâu nuôi tằm cũng có những thăng trầm, khi lên, khi xuống nhưng trong suốt hàng trăm năm nay, đồng, bãi làng Lương Phú không lúc nào vắng bóng cây dâu. Những năm 1986 trở về trước, sản xuất theo hình thức HTX, nghề dâu tằm phát triển rầm rộ khắp xóm thôn, nhiều nhà tằm do các tổ sản xuất đảm nhiệm, diện tích trồng dâu được mở rộng, những bãi dâu xanh trải dài tít tắp chạy suốt từ khu đồng Mái, qua tuyến kênh Bà Đào, rộng hàng trăm ha, nuôi sống cả một làng nghề.

Nhờ có truyền thống trồng dâu, nuôi tằm hàng trăm năm mà người dân Lương Phú đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm quý báu mà ít vùng trồng dâu khác có được. Cụ Liên kể rằng: Từ rất sớm, bố cụ đã có thể nhận rõ con ngài đực và ngài cái để ghép đôi, úp giống nhằm chọn, lọc ra giống tằm tốt, nhả kén đẹp và nhiều. Chẳng thế mà sản lượng kén tằm Lương Phú luôn tốt hơn kén tại các vùng quê khác. Nghề trồng dâu, nuôi tằm kéo dài đến năm 1995. Tuy số diện tích trồng dâu không lớn bằng thời kỳ còn HTX song vẫn có đến 45ha. Năm 2001, trong đợt công nhận làng nghề đầu tiên của UBND tỉnh, làng nghề chế biến tơ tằm Lương Phú đã vinh dự đuợc đón danh hiệu làng nghề. Toàn thôn Lương Phú hiện nay có 400 hộ dân thì còn có 130 hộ tiếp tục nghề trồng dâu, nuôi tằm. Một số hộ trồng diện tích lớn trên 1ha dâu như các hộ anh Nguyễn Văn Quyển, Nguyễn Văn Quế đội 5, hộ ít cũng có khoảng vài ba sào. Theo cụ Liên thì: Cái nghề trồng dâu nuôi tằm “ăn cơm đứng” vất vả lắm.

Tằm là giống vốn rất “đỏng đảnh”, khó chăm, người nuôi bên cạnh kỹ thuật cần phải có nhiều kinh nghiệm. Cây dâu trồng xanh tốt sau 1 năm mới có thể hái lá cho tằm ăn, lá dâu không sạch rất rễ làm tằm chết. Người Lương Phú hiện nay chủ yếu nuôi giống tằm Tam bội thể, từ khi nở tằm đến khi nhả kén hết 26 ngày. Vào thời kỳ tằm ăn rỗi (khoảng 7 ngày trước khi nhả kén), mỗi vòng tằm phải mất 2 nhân công thường xuyên hái lá cho tằm ăn ngày đêm mới có thể nhả kén nhiều và chất lượng tốt. Một sào dâu thông thường cho 6 lứa kén. Mỗi lứa dâu (trên 1 sào) sẽ nuôi được 2 vòng tằm, mỗi vòng đạt 15 kg kén. Nếu tính giá kén các hộ nuôi tằm Lương Phú đang bán hiện nay (35- 39 nghìn đồng/ kg kén) thì một sào dâu sẽ cho thu nhập đạt khoảng 3 triệu đồng/ năm. Như vậy 1 hộ dân Lương Phú trồng khoảng 5- 6 sào dâu cũng sẽ cho thu từ 15-20 triệu đồng/ năm. So với trồng ngô và đậu tương, thì những hộ nuôi tằm cho thu nhập cao hơn. Không những trồng dâu, nuôi tằm, người Lương Phú từ lâu còn rất giỏi xe tơ, kéo sợi. Toàn thôn hiện còn 30 hộ chuyên ươm tơ, thu mua gần hết số kén trong thôn. Tơ và kén tằm Lương Phú xuất chủ yếu xuống Hoài Đức và sang Trung Quốc.

Những năm gần đây, do thị trường tiêu thụ kén không ổn định nên giá tơ bấp bênh lúc cao lúc thấp, sản phẩm tơ kén lại chủ yếu bán cho thương nhân, nhiều khi bị ép giá nên giá kén trung bình chỉ đạt 19.000/ kg khiến người trồng dâu, nuôi tằm phải chuyển dịch sang trồng một phần ngô và đậu tương. Ngoài ra một phần đất trồng dâu ở bãi sông Đà đã bị lở làm thu hẹp diện tích nay chỉ còn 28 ha. Diện tích trồng dâu giảm sút đang đặt ra câu hỏi làm thế nào để giữ lại một ngành nghề truyền thống vừa tạo ra giá trị kinh tế, vừa giữ nét đẹp truyền thống của một làng quê. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Diên cho biết: Từ khi phát hiện ra nguồn nước nóng ngầm dưới lòng đất đến nay, khách du lịch từ các nơi tìm về Thuần Mỹ du lịch và tắm nước nóng rất đông. Được biết thôn Lương Phú có nghề trồng dâu, nuôi tằm, xe tơ kéo kén truyền thống nên nhiều du khách vẫn thường nghé qua thăm làng nghề. Nếu giữ được nghề dâu tằm truyền thống, gắn với phát triển du lịch làng nghề sẽ tạo cho Thuần Mỹ trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn. Bên cạnh đấy, hiện nay còn có rất nhiều du khách đến địa phương tìm mua tằm về ngâm rượu uống, có tác dụng chữa được một số bệnh. Người trồng dâu, nuôi tằm Lương Phú đang nắm bắt cơ hội này để tìm ra một hướng đi nữa, đó là đặc sản rượu tằm phục vụ thực khách khắp nơi về tắm nước khoáng nóng Thuần Mỹ. Đây là những ý tưởng hết sức mới và độc đáo, hứa hẹn một hướng phát triển kinh tế mới cho người dân làng nghề./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)