Hà Nội: Khẩn trương giải quyết kiến nghị đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc vừa ký ban hành Công văn số 4118/UBND-VX chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND quận, huyện, thị xã thực hiện các kiến nghị của đoàn giám sát Ban Văn hoá Xã hội HĐND TP.
 
 Theo báo cáo số 13/BC-VHXH ban hành ngày 13/5/2013 của HĐND TP về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật, Chương trình mục tiêu Quốc gia về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm 2009 đến nay gồm các kiến nghị với trung ương, UBND TP, các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện.
 
 Với trung ương, các kiến nghị đề nghị cho phép áp dụng chính sách theo Quyết định 1956 đối với các phường, thị trấn do quá trình xã hội hoá vẫn còn sản xuất nông nghiệp; mở rộng phạm vi cho lao động nông thôn tuy đã quá tuổi lao động nhưng vẫn làm nghề; hỗ trợ tiền ăn đối với người học thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hỗ trợ đi lại nên phân biệt theo vùng; có cơ chế chính sách cụ thể và phân biệt giữa giáo viên dạy nghề và người dạy nghề; do điều kiện tinh giảm biên chế nên quy định ở trung tâm dạy nghề có người dạy nghề thay cho quy định phải đào tạo giáo viên hữu cơ; về hỗ trợ vốn đào tạo nghề, đề nghị tăng thời gian cho vay và mức vay.
 
 Với UBND TP, các kiến nghị xung quanh việc chỉ đạo phải quyết liệt hơn nữa đối với các sở, ngành chuyên môn của thành phố, UBND các cấp trong phối hợp triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định 1956 và kiểm điểm trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn được quy định tại Kế hoạch số 150/KH-UBND ngày 26/12/2011 của UBND TP.
 
 Liên quan đến các kiến nghị đối với sở, ngành của thành phố, đề nghị Sở Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì và phối hợp với các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương tăng cường trách nhiệm trong quản lý nhà nước về dạy nghề theo quy định. Trong thời gian tới cần tập trung tham mưu cho UBND TP ban hành phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Thông tư số 30/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BNN&PTNT-BTTTT ngày 12/12/2012 của liên bộ; tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ.
 
 Cùng với việc thực hiện nêu trên, các sở, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu tham mưu cho UBND TP xây dựng quy hoạch mạng lưới trường dạy nghề; chương trình, dự án phát triển dạy nghề của thành phố trình HĐND TP. Nghiên cứu, đề xuất chính sách đối với người học nghề để nâng mức hỗ trợ tiền đi lại, hỗ trợ kinh phí học nghề ở trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề chưa được quy định tại Quyết định 1956 và các chính sách khác có liên quan không còn phù hợp với thực tế hiện nay. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ngành trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tháo gỡ những khó khăn nhất là đội ngũ giáo viên cơ hữu tại các trung tâm dạy nghề cấp huyện, bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác dạy nghề, xây dựng kế hoạch và đăng ký học nghề trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề; công nhận nghệ nhân và có văn bản hướng dẫn để đội ngũ nghệ nhân của thành phố tham gia vào quá trình dạy nghề, truyền nghề, nhân cấy nghề và được hưởng chính sách dạy nghề theo quy định tại Quyết định 1956 và của thành phố; sớm thành lập Trung tâm dạy nghề tại các huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Quốc Oai, Phúc Thọ...
 
 Nghiên cứu, để xuất các giải pháp để thống nhất cơ chế chính sách đối với lĩnh vực dạy nghề, nhân cấy nghề, truyền nghề theo các chương trình khuyến công, khuyến nông và Quyết định 1956 nhằm bảo đảm thuận lợi trong quá trình triển khai đào tạo nghề nông thôn và công bằng về thụ hưởng chính sách đối với người học.
 
 Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tư vấn, hướng dẫn người lao động sau khi học nghề được tiếp cận và vay vốn được thuận lợi theo quy định, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền nâng mức cho vay đối với người lao động sau học nghề và bổ sung vốn vay quỹ quốc gia giải quyết việc làm nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế hiện nay.
 
 Đối với cấp huyện, phân công rõ trách nhiệm và tăng cường phối hợp hoạt động của Ban Chỉ đạo 1956 trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Chú trọng công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, công tác lập kế hoạch, dự báo nhu cầu đào tạo và quyết liệt trong tổ chức thực hiện theo kế hoạch đề ra hàng năm.
 
 Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm cho lao động nông thôn, nhằm thay đổi căn bản nhận thức về quyền lợi và trách nhiệm học nghề của lao động nông thôn. Nâng cao chất lượng việc xây dựng kế hoạch đào tạo nghề hàng năm bảo đảm có tính khả thi hơn trong việc giúp người lao động tự tạo việc làm, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sau học nghề. Thực hiện nghiêm việc lập sổ theo dõi, thống kê người học; việc điều tra khảo sát bổ sung nhu cầu học nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn.
 
 Các huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Quốc Oai, Phúc Thọ khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng trung tâm dạy nghề bảo đảm đến năm 2014-2015 đưa 4 trung tâm này vào khai thác sử dụng; các huyện chưa bố trí cán bộ chuyên trách về công tác dạy nghề khẩn trương bố trí theo quy định./.

Xuân Dũng