Hồn dân tộc bay cùng những cánh diều Kẻ Bá

Những cánh Diều dự lễ hội thả diều Bá Giang xếp kín cả sân miếu. (Ảnh: Internet)

Hàng năm, cứ đến ngày rằm tháng ba âm lịch, làng Bá Giang, xưa gọi là Kẻ Bá, nay thuộc xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, lại mở hội thả diều. Phần thưởng chỉ là một chút lộc thánh nhưng hội năm nào cũng đông vui.

Mang diều về dự hội, ai nấy cốt để lấy tiếng và thỏa niềm đam mê khi cánh diều lên cao, tiếng sáo vang xa. Hội thả diều Kẻ Bá năm nay còn có hơn 50 “nghệ nhân” làm diều, thả diều từ Hạ Mỗ, Tân Hội, Liên Hà, Đức Thượng cùng huyện tới tham dự.

Những cánh diều được chọn dự hội phải có sảnh cánh dài 2m và cặp sáo thường là cho tiếng chuông, tiếng ốc hay tiếng còi.

Các cụ cao tuổi làng Bá kể rằng, xưa các tiên nữ thường xuống chơi dưới hạ giới. Nhưng rồi trời và đất cứ xa nhau dần. Các cuộc “giao lưu” của tiên nữ không còn nữa. Những cánh diều của con người ở trần gian mang tiếng sáo lên trời cao ước mong gặp các tiên nữ.

Đó là chuyện kể, còn ở Bá Giang có một người con là Nguyễn Cả từng giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân. Giang sơn thu về một mối, Đinh Tiên Hoàng lên ngôi Hoàng đế, Nguyễn Cả được phong là Tổng súy thượng đế Đại tướng quân. Họ hàng nhờ thế được quý hiển, dân làng được vinh quang.

Nguyễn Cả vinh quy bái tổ, mở hội khao quân, khao dân. Trong ngày vui đó của quê hương, mọi người được chiêm ngưỡng những cánh diều tầng cao, tầng thấp, chấp chới trong gió xuân. Tiếng sáo diều vi vu hòa trong tiếng chiêng, tiếng trống rộn rã xóm làng.

Đêm thanh vắng, tiếng sáo đổ những hồi trầm ấm khi gió mạnh đổ hồi thúc giục, khi gió nhẹ phấn chấn reo vui. Tiếng sáo được coi là linh hồn của mỗi cánh diều. Khi Nguyễn Cả hóa, dân làng tôn làm thành hoàng, lập đền thờ và lấy ngày ấy mở hội làng. Làng vào hội, sau phần tế lễ, rước bánh dầy là hội thả diều.

Triều đình sắc phong đền thờ Nguyễn Cả. Trong đền còn đôi câu đối:

"Sinh tiền tích trữ Đinh triều soái
Hóa hậu linh chiêu Bá ấp thôn"
(Khi sống triều Đinh lừng tướng giỏi
Hóa rồi ấp Bá rạng thần thiêng")

Sự tích này cho thấy vùng đất và cánh diều bay liệng trên vùng trời Kẻ Bá cũng đã có tới hơn 1.000 năm tuổi.

Ngày rằm tháng ba, Bá Giang vào hội, nhưng từ những tháng trước dân làng đã rục rịch làm diều. Người chọn tre làm khung, vót dây; người tìm gỗ vàng tâm khoét sáo. Các công việc đều công phu, tỷ mỷ.

Người Kẻ Bá chọn tre đực già, đủ dài rồi phơi nắng cho khô, vót làm khung. Cánh diều xa xưa được dán bằng vải Cát Bá, một loại vải mềm, bền và chắc để khi diều no gió không bị bục. Người làm diều tìm mua quả cây cậy giã ra đun lên làm keo dán.

Dây thả diều làm bằng loại tre bánh tẻ, đốt dài. Tre được pha ra rồi chẻ thành từng chiếc nan không quá dầy cũng không quá mỏng. Sau đó, nan được vót tròn, lạt tre làm dây thả diều được nối với nhau, cuộn tròn xếp vào nồi ba mươi rồi đem luộc trong nước pha muối một ngày một đêm cho dây thật dẻo, thật chắc đủ sức giữ diều.

Bộ sáo diều cũng được làm kỳ công. Người làm sáo chọn những ống tre cái, gõ có tiếng vang, tốt nhất là ống tre của những cây tre "chiết sóc" (cây tre già chết đứng trong bụi ) thân ngả màu cánh gián, chẻ ra thấy thịt tre đỏ au, đặc quánh.

Người Kẻ Bá xưa còn dùng nan tre vót nhẵn đan thành ống, đun sơn gắn với miệng sáo, khoét bằng gỗ vàng tâm. Người khoét sáo cũng khéo tay. Hai bên đầu sáo được khoét giống với hàm én, riêng đoạn giữa khoét tròn, rồi bịt hai đầu, đút gỗ vào tâm cho nhẹ, bên ngoài lấy sơn ta dán chặt lại.

Đến dự hội diều làng Bá Giang cụ Chiêm ở Đức Thượng kể rằng, cụ còn giữ một bộ sáo diều do một tiên sinh khiếm thị sành sáo diều làm tặng. Cụ cho biết, gần cả cuộc đời chơi diều, cụ đã làm tới cả chục bộ sáo diều, nhưng chưa bộ nào hay hơn bộ sáo diều gần trăm tuổi này.

Theo cụ, có được bộ sáo diều được dân làng khen hay vừa do năng khiếu trời ban vừa do trải qua mỗi mùa diều đúc rút kinh nghiệm mà hoàn thiện để đọ tài cao thấp cùng chúng bạn trong hội diều.

Người Kẻ Bá cùng người ở các làng quê tại Đan Phượng thường đợi những đêm trăng để thả diều. Những đêm hè trăng trong gió mát tiếng sáo diều mang tâm sự của con người hòa vào mây gió tưởng như một dàn nhạc đang hòa tấu ở lưng trời. Cứ như thế, người Kẻ Bá cũng như các làng quê quanh vùng còn mãi khát vọng đợi trăng, đợi gió thả diều.

Mấy năm nay, xã Hồng Hà đều mở hội thả diều. Giải nhất thuộc về các tay diều Bá Giang. Dân làng còn nhớ các cụ: Thìn Ngọ, Hồng Nhâm, Văn Bồi từng đoạt giải Nhất vì diều bay cao, không chao đảo, và có tiếng sáo hay. Ngày hội văn hóa của huyện Đan Phượng lần thứ nhất, xã Hồng Hà cử 10 tay diều lên dự hội để lại những ấn tượng cho người hàng huyện về diều Kẻ Bá.

Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội đang đến gần, dân làng Kẻ Bá đang náo nức chờ ngày hội thả diều đón mừng Đại lễ.

Ước vọng của dân làng là trên vùng trời bãi sông Hồng cạnh làng Bá Giang sẽ là nơi trình diễn của những cánh diều. Ngoài những cánh diều của làng sẽ có những cánh diều của các vùng Đông Anh, Sóc Sơn và nhiều vòng xa hơn nữa đua tài vào ngày rằm tháng ba âm lịch./.

(1.000 năm Thăng Long/Vietnam+)