“Đêm làng cổ” Đường Lâm: Khơi dậy giá trị văn hóa, tăng trải nghiệm cho du khách
“Đêm Làng cổ” Đường Lâm diễn ra vào tối thứ Bảy hằng tuần, khu vực tổ chức chính là cổng làng, giới thiệu nhiều nét đặc trưng trong đời sống văn hóa, ẩm thực.
Biểu diễn múa rồng trong chương trình "Đêm làng cổ" Đường Lâm. (Ảnh: Minh Quân/TTXVN phát)

Sản phẩm du lịch “Đêm làng cổ” Đường Lâm -  từ khi ra mắt đến nay luôn thu hút đông đảo du khách tới trải nghiệm với cảm xúc hào hứng, thích thú.

“Đêm Làng cổ” Đường Lâm diễn ra vào tối thứ Bảy hằng tuần, khu vực tổ chức chính là cổng làng, giới thiệu nhiều nét đặc trưng trong đời sống văn hóa, ẩm thực.

Tại đây có các gian hàng bày bán sản phẩm do chính bàn tay người dân trong làng làm ra. Đó là đồ lưu niệm phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch; ẩm thực đặc trưng của làng cổ như bánh chè lam, bánh gai, kẹo lạc, kẹo dồi, bánh tẻ, thịt quay đòn, gà mía...

Đặc biệt, “Đêm làng cổ” là nơi trình diễn các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống như múa rồng, múa trống, hát chầu văn, thổi sáo, hát quan họ… do thành viên các câu lạc bộ trong làng biểu diễn; các trò chơi dân gian.

Biểu diễn các hoạt động nghệ thuật truyền thống trong chương trình "Đêm làng cổ" Đường Lâm. (Ảnh: Minh Quân/TTXVN phát)

Bên cạnh đó, tại các không gian sáng tạo trong làng như Đoài Creative, Nghề làng, du khách có thể tìm hiểu về nghề làm sơn mài, trải nghiệm các hoạt động workshop, hoạt động sáng tạo.

“Đêm làng cổ” Đường Lâm do Ban Quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) và các hộ dân tổ chức ” là một hoạt động nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về Phát triển công nghiệp văn hóa ở Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Việc tổ chức các hoạt động theo hướng khai thác giá trị văn hóa làng cổ vừa tăng trải nghiệm cho khách, đồng thời góp phần phát huy giá trị điểm đến du lịch ý nghĩa này.

Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi Làng cổ Đường Lâm ngày càng thu hút đông khách lưu trú qua đêm. Ước tính, mỗi tối cuối tuần có hàng trăm khách lưu trú tại đây. Bên cạnh đó, lượng khách tham quan tại thị xã Sơn Tây cũng ngày càng nhiều, nhất là khi địa phương này tập trung phát triển du lịch, xây dựng nhiều sản phẩm mới.

Ban Quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm đã kết nối với các resort, khu nghỉ dưỡng lân cận để đưa khách đến trải nghiệm sản phẩm mới này.

Theo ông Nguyễn Đăng Thạo, Trưởng Ban quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm, giai đoạn đầu, sản phẩm trải nghiệm “Đêm làng cổ” diễn ra tại cổng làng, thời gian tới sẽ mở rộng vào đình Mông Phụ và các không gian di tích khác trong làng. Cụ thể, sẽ có con đường ánh sáng được sắp đặt với các hàng cột tre và nón cùng ánh đèn sẽ tạo điểm nhấn, phù hợp với không gian làng.

Biểu diễn văn nghệ trong chương trình "Đêm làng cổ" Đường Lâm. (Ảnh: Minh Quân/TTXVN phát)

Nằm cách trung tâm Hà Nội 45km, làng cổ Đường Lâm ở thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội, đến nay vẫn giữ được vẻ đẹp mộc mạc, giản dị cùng các phong tục, tập quán của một làng Việt cổ.

Làng cổ Đường Lâm không chỉ được biết đến là “đất hai Vua” - Phùng Hưng (761-802) và Ngô Quyền (808-944), cũng là mảnh đất sinh ra sứ thần Giang Văn Minh - một nhà ngoại giao văn tài thao lược xuất sắc cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII; cùng với các công trình tôn giáo, tín ngưỡng, di tích và nhà cổ mà nơi đây còn sở hữu những tri thức dân gian truyền thống lâu đời, đặc biệt trong lĩnh vực ẩm thực.

Làng cổ lại nằm ngay giữa một khu di tích với các điểm du lịch hấp dẫn như Đền Và, chùa Thầy, chùa Tây Phương, các khu cảnh quan Đồng Mô, Suối Hai, Đá Chông... Nhiều công trình cổ cho tới nay vẫn giữ được các kiến trúc cổ như đình, chùa.

Ngày nay, làng Đường Lâm vẫn giữ nguyên những đặc điểm cổ kính với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình,… và 956 ngôi nhà truyền thống.

Khách quốc tế trải nghiệm gói bánh chưng tại Làng cổ Đường Lâm. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

Năm 2006, Đường Lâm trở thành làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia.

Tuy thường được gọi là làng cổ nhưng thực ra Đường Lâm từ xưa gồm 9 làng thuộc tổng Cam Giá Thịnh huyện Phúc Thọ trấn Sơn Tây; trong đó 5 làng Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm liền kề nhau.

Các làng này gắn kết với nhau thành một thể thống nhất với phong tục, tập quán và tín ngưỡng hàng ngàn năm nay không hề thay đổi.

Bên cạnh đó, vẻ quyến rũ dễ nhận thấy nhất ở Đường Lâm là những ngôi nhà được xây dựng bằng những nguyên liệu đặc biệt: đá ong. Hầu như ở tất cả các công trình kiến trúc gắn với đời sống của người dân Đường Lâm đều có sự hiện diện của đá ong, bùn ao.

Đã vài trăm năm tuổi nhưng những bức tường đá ong vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt" và tạo nên một vẻ đẹp nhuốm màu thời gian vô cùng đặc sắc. Sống trong những ngôi nhà được xây bằng đá ong rất dễ chịu, thoải mái, tường nhà không bị ẩm mốc, mùa Hè thì mát mẻ bởi đá ong là thứ vật liệu có kết cấu rỗng, có khả năng trao đổi không khí.

Đến với làng cổ Đường Lâm, du khách còn được đắm mình trong không gian trong lành, thanh bình và thưởng thức những món ẩm thực đậm chất quê như gà mía, tương, chè lam, các loại bánh kẹo truyền thống.

Với lợi thế là cảnh quan và ẩm thực đậm chất làng quê, trung bình mỗi năm, Làng cổ Đường Lâm thu hút 120.000-130.000 lượt khách du lịch, trong đó có từ 6.000-7.000 lượt khách quốc tế./.