Hồ Gươm đẹp mơ màng trong nắng Thu. (Ảnh: Vietnam+) |
Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội, với vị trí trung tâm trong nền văn minh của sông Hồng, đọng lại trong lòng mình một di sản văn hóa vô cùng phong phú. Những di tích, danh lam thắng cảnh ở nơi đây được coi như một bảo tàng sống, lưu giữ khắp nơi những dấu vết lịch sử nghìn năm của mảnh đất kinh kỳ.
Dạo quanh trên những con phố của Hà Nội, du khách sẽ bị cuốn hút bởi sự đan xen độc đáo của kiến trúc cổ điển và hiện đại, từ đó có thêm cái nhìn tương đối toàn diện về lịch sử hình thành và phát triển của Thủ đô…
Nhắc đến Hà Nội, không thể không liên tưởng đến bức tranh Hồ Gươm bình dị và hình ảnh Tháp Rùa phản chiếu trên mặt nước. Hồ Gươm cùng toàn bộ kiến trúc xung quanh từ lâu đã là một biểu tượng cho vẻ đẹp và tâm linh của Hà Nội.
Ban đầu, hồ còn được gọi là Hồ Lục Thủy. Sau đó vào thế kỷ XV được đổi tên thành Hồ Hoàn Kiếm, liên quan đến câu chuyện truyền thuyết về việc trả lại gươm thần cho Rùa Vàng của vị vua Lê Lợi.
Hồ Hoàn Kiếm có màu nước xanh biếc và được bao quanh bởi cảnh quan xanh mát, thoáng đãng cùng cơ sở vật chất hiện đại. Chỉ chừng 30 phút đi bộ quanh hồ là du khách có thể ngắm nhìn nhiều địa danh xung quanh nổi tiếng của quận Hoàn Kiếm như Tháp Rùa, Đền Ngọc Sơn, Đền Bà Kiệu, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, tượng đài vua Lê, tượng đài vua Lý Thái Tổ, trụ sở Báo Hà Nội Mới, Bưu điện Hà Nội…
Bên cạnh đó, mỗi cuối tuần từ 19 giờ tối thứ Sáu đến 24 giờ Chủ Nhật, quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm còn tổ chức phố đi bộ - là tụ điểm để du khách có thể tự do thăm quan và tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi sầm uất.
Bên cạnh Hồ Gươm, danh sách những di tích lịch sử quý báu của Hà Nội không thể không kể đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đây là di tích liên kết sâu sắc đến sự hình thành của kinh đô Thăng Long trong triều đại Lý và đã trải qua hơn gần nghìn năm lịch sử.
Văn Miếu-Quốc Tử Giám - Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam. (Ảnh: Vietnam+) |
Được khởi dựng năm 1070, Văn Miếu là nơi thờ các thánh hiền Nho học và Quốc Tử Giám (thành lập năm 1076) được coi như trường đại học đầu tiên của Việt Nam thời phong kiến.
Tổng thể kiến trúc của Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xây dựng theo kiểu đối xứng, từng khu vực theo hướng Bắc-Nam, tạo ra sự hòa quyện giữa kiến trúc tinh tế và nghệ thuật truyền thống. Tại đây có 82 tấm bia đá ghi danh tiến sỹ từ năm 1442-1779. Sự tôn vinh này chứng tỏ tầm quan trọng của giáo dục và tri thức trong xã hội của dân tộc ta.
Hằng năm, trước những kỳ thi quan trọng, rất nhiều sỹ tử cùng người thân đến Văn Miếu-Quốc Tử Giám để cầu may mắn, gửi gắm ước nguyện.
Cách Văn Miếu-Quốc Tử Giám chưa đầy 2km là quần thể di tích nổi tiếng Hoàng thành Thăng Long. Công trình kiến trức đồ sộ này được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.
Hoàng thành Thăng Long được phong tặng Di sản văn hóa thế giới vào ngày 1/8/2010. Đây là nơi chứa đựng những di tích khảo cổ và kiến trúc của 13 thế kỷ, ghi dấu một cung điện hoành tráng của nhiều thời đại.
Khi đến với Hoàng Thành Thăng Long, điểm nổi bật đầu tiên mà các du khách nhìn thấy chính là cổng Đoan Môn. Đây là một trong những cổng chính dẫn lối vào Cấm thành. Kiến trúc của nơi này được thiết kế theo các cổng vòm cuốn mềm mại nhưng rất vững chãi. Từ trên nóc của cổng nhìn ra xa là hình ảnh cột cờ Hà Nội sừng sững 1 góc trời. Cảnh quan của Hoàng Thành Thăng Long rộng rãi, khang trang với nhiều hạng mục công trình độc đáo, là điểm đến thu hút khách du lịch trong và ngoài nước tham quan, chụp ảnh.
Một di tích nữa mà bất kỳ du khách nào khi đến Hà Nội đều muốn ghé thăm đó là Cụm di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đoàn người nối dài vào Lăng viếng Bác (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+) |
Hạng mục chính của cụm di tích là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lăng được khánh thành năm 1975 chính tại vị trí lễ đài cũ giữa Quảng trường Ba Đình và là nơi lưu giữ thi hài của Bác. Bên cạnh khu vực lăng, các hạng mục khác như Quảng trường Ba Đình, Nhà sàn Bác Hồ và Bảo tàng Hồ Chí Minh… cũng là những địa điểm hấp dẫn của cụm di tích.
Cứ mỗi khi đất nước có những dịp lễ lớn, người dân khắp mọi miền Tổ quốc tại đến Lăng viếng để tỏ lòng thành kính đối với Bác. Ngoài ra, nghi lễ Thượng cờ và Hạ cờ vào lúc 6 giờ và 21 giờ hằng ngày tại Quảng trường Ba Đình cũng thu hút sự quan tâm của người dân và du khách tại Thủ đô.
Dạo quanh địa điểm, di tích đặc trưng phía trên, du khách sẽ được thấu hiểu thêm lịch sử, văn hóa và tâm hồn của Hà Nội qua hàng nghìn năm phát triển. Từ những cung điện lịch sử đến những cảnh quan thiên nhiên xanh mát, tất cả đều làm nên sự đa dạng và hấp dẫn của nền văn minh sông Hồng trong trái tim Thủ đô./.