Tác phẩm "Chiều Hòe Nhai" (sơn dầu trên toan, 100x 140cm). (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+) |
Tối 1/11, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, họa sỹ Phạm Bình Chương đánh dấu 25 năm lựa chọn con đường vẽ hiện thực và 20 năm thực hiện loạt tranh về Hà Nội bằng buổi khai mạc triển lãm “Xuống phố 4.”
Đây là cuộc triển lãm lần thứ 4 trong series “Xuống phố” (từ năm 2004) và là triển lãm cá nhân lần thứ 6 của họa sỹ Phạm Bình Chương.
Điểm mới của bộ tranh lần này là họa sỹ khai thác những bút tích lưu lại của những thế hệ tiếp nối trong quá trình vận động của đời sống phố phường. Những bức tranh góc phố, ngôi nhà còn mang dáng dấp đô thị thời Pháp thuộc sẽ được bày cùng với tranh vẽ đô thị mới… như một sự lưu lại những khoảnh khắc chuyển dịch, giao thời.
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, họa sỹ cho hay anh phát hiện ra là ở Hà Nội không có điều gì mất đi hoàn toàn, mà đều có sự tồn tại đan xen. Đây chính là sức hấp dẫn lớn nhất đối với họa sỹ, giúp anh nhận ra một Hà Nội dai dẳng các tầng ký ức.
Những biển hiệu xi măng thời Pháp thuộc còn sót nằm cạnh những tấm biển hộp thời mới; cửa gỗ xếp tấm được đặt cùng cửa xếp kéo trong một số nhà... theo Phạm Bình Chương, đó là những sự xung đột “vỏ phố” vốn không có hạn định, không báo trước. Nó cứ lặng lẽ xuất hiện, tiếp nối rồi tự đào thải, mà nhiều người không hề biết được rằng có những thứ rất đỗi quen thuộc hàng ngày một thời đã biến đi mãi mãi, thí dụ như cái bơm đầu ngã ba, cột điện lằng nhằng dây điện, hay hộp gỗ đựng thuốc lá…
Một bức tường cũ thoạt trông rất bình thường nhưng quan sát kỹ sẽ thấy sự cạnh tranh khốc liệt, bao gồm cả sự sinh tồn và xâm thực văn hóa. Từ dòng chữ "khoan cắt bêtông" đến những nét vẽ graffiti chồng lên nhau trên bức tường vôi cũ... Cứ thế, những tác phẩm “Xuống phố 4” đưa người xem khám phá những đổi thay của phố phường Hà Nội.
Khởi đầu con đường hội họa bằng phong cách trừu tượng, sau nhiều tìm tòi, Phạm Bình Chương lựa chọn phong cách hiện thực và đặc biệt là hiện thực về Hà Nội.
“Tôi muốn lột tả vẻ đẹp của Hà Nội cũng như tình yêu của mình với Hà Nội thật khúc chiết để qua đó người xem có thể cảm nhận được Hà Nội bao gồm cả vẻ đẹp kiến trúc lẫn vẻ đẹp của đời sống con người,” họa sỹ chia sẻ.
Phạm Bình Chương nói anh yêu sự thay đổi của Hà Nội. Loạt tranh này đi từ những cảm xúc nuối tiếc, đến sự chấp nhận bình thản rồi đến hân hoan, buông bỏ, tức là không bám giữ một Hà Nội cũ nữa, mà nhìn trực diện vào sự vận động của cuộc sống đã tạo ra vẻ đẹp của sự thay đổi.
“Hà Nội trong tranh tôi giờ ‘đời’ hơn, đương đại hơn trên cái nền cũ của nó. Bảng màu trong tranh cũng ngày một phong phú khi tôi thể hiện những chất liệu mới như nhôm nhựa, inox... xuất hiện ngày càng nhiều trong cuộc sống của người Hà Nội,” họa sỹ cho biết.
Triển lãm mở cửa đến ngày 7/11 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội./.
Một số tác phẩm của họa sỹ Phạm Bình Chương:
Tác phẩm "Ngày nhiều mây" (sơn dầu trên toan, 90 x 120cm). |
Tác phẩm "Tâm tình" (sơn dầu trên toan, 130 x 200cm). |
Tác phẩm "Nắng hanh" (sơn dầu trên toan, 80 x 140cm). |