Không gian trưng bày từ tre với tạo hình hấp dẫn ven hồ Hoàn Kiếm tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2022. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+) |
Chuỗi các sự kiện, hoạt động nổi bật với chủ đề “Giao lộ sáng tạo” trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 9-17/11, do Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội tổ chức.
Khu vực chính của lễ hội là tuyến trải nghiệm sáng tạo Quảng trường Cách mạng Tháng Tám (đảo giao thông trước Nhà hát Lớn) với 2 trục Bắc-Nam (phố Lý Thái Tổ - phố Lê Thánh Tông) và Đông- Tây (dốc Bác Cổ - phố Tràng Tiền).
Không gian này có nhiều di sản kiến trúc nổi tiếng như: Cung Thiếu nhi Hà Nội (Ấu trĩ viên), Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ Phủ), Nhà Hát lớn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Đại học Tổng hợp và các vườn hoa Nhà hát Lớn, Cổ Tân, Diên Hồng, Tao Đàn, Lý Thái Tổ… sẽ là không gian diễn ra các hoạt động của Lễ hội.
Cung Thiếu nhi Hà Nội vừa là điểm khởi đầu của tuyến trải nghiệm đồng thời cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện văn hóa, sáng tạo dày đặc nhất với các cuộc triển lãm, tọa đàm về nghệ thuật thị giác như: triển lãm Chèo Méo giới thiệu tác phẩm của trẻ tự kỷ, sân chơi mẫu tự Điềm Phùng Thị, cuộc thi vẽ tranh trên sân; những buổi trình chiếu, tọa đàm về điện ảnh như: Tọa đàm Culi không bao giờ khóc nói về thành phố như một nhân vật điện ảnh; Tọa đàm Xây dựng hình ảnh Hà Nội trong điện ảnh qua các thời kỳ…
Trong khi đó, Bảo tàng Lịch sử quốc gia là nơi diễn ra show diễn thời trang của các đơn vị nghiên cứu, phục hồi các loại cổ phục và thực hành âm nhạc. Nhà hát Lớn, ngoài những show âm nhạc, thời trang sẽ có Lễ diễu hành tôn vinh, quảng bá 7 lĩnh vực sáng tạo bao gồm: thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, thiết kế, phim ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thống và âm nhạc.
“Trục sáng tạo” này kết thúc tại Đại học Quốc gia Hà Nội (Đại học Tổng hợp cũ) với không gian trưng bày cụm các tác phẩm nghệ thuật tương tác độc đáo, gợi mở những cảm thức xưa cũ về kiến trúc và mỹ thuật Đông Dương, trong cảm quan đa dạng của những kiến trúc sư, họa sỹ và nghệ sỹ hiện tại.
Thông qua các sự kiện của Lễ hội, công chúng cũng có thể khám phá thêm kiến trúc của các di sản, là không gian diễn ra các hoạt động thiết kế, sáng tạo. Đặc biệt, còn có cơ hội khám phá sâu hơn khi ban tổ chức giới thiệu tour du lịch văn hóa, trải nghiệm di sản, khám phá kiến trúc đẹp của Hà Nội.
Lễ hội còn có các chương trình nghệ thuật biểu diễn như: Trình diễn nghệ thuật truyền thống, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể; giới thiệu lĩnh vực điện ảnh - sân khấu - xiếc; trình diễn bộ sưu tập thời trang của các nhà thiết kế trẻ, sáng tạo…
Bên cạnh đó, trong tuần lễ thiết kế sáng tạo còn có các hoạt động thể thao cộng đồng; giới thiệu ẩm thực truyền thống kết hợp trong các không gian sáng tạo…; các hoạt động sáng tạo tại các không gian di sản văn hóa, các làng nghề truyền thống trên địa bàn các quận, huyện, thị xã.
Ngoài Lễ hội Thiết kế sáng tạo, Thành phố Hà Nội sẽ thành lập Hội đồng chuyên gia tư vấn triển khai thực hiện các hoạt động xây dựng Hà Nội - Thành phố Sáng tạo; thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa Hà Nội và các thành phố thành viên trong Mạng lưới; tham dự các hội nghị, diễn đàn Mạng lưới toàn cầu trong khu vực châu Á và Đông Nam Á theo các chương trình của UNESCO; hình thành Trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội, các không gian sáng tạo thành phố Hà Nội./.